THÂN THẾ, GIAI THOẠI VỀ THỨ HẬU CỦA VUA MẠC ĐĂNG DUNG

THÂN THẾ, GIAI THOẠI VỀ THỨ HẬU CỦA VUA MẠC ĐĂNG DUNG: NGUYỄN THỊ NGỌC LÃNG (BÀ CHÚA LỐI)

                                                                                              NGUYỄN THIỆU VŨ

                                                                                                    BÁO VĨNH PHÚC

Với những người dân ở xã Xuân Lôi (Lập Thạch – Vĩnh Phúc), ít ai không biết đến hai ngôi đền uy danh lừng lẫy một vùng Nam huyện Lập Thạch: Đền Quan Tiết và Đền Bà Chúa Lối.

Đền Bà Chúa Lối (nay thuộc thôn Chiến Thắng, xã Xuân Lôi,huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) thờ thứ hậu của Vua Mạc Đăng Dung: Nguyễn Thị Ngọc Lãng. Bà cũng chính là cháu ruột của quan Bộ Hộ Thượng Thư Nguyễn Thiệu Tri. Sử cũ chép rằng: Năm Ất Dậu đời vua Chiêu Tông (1525), người con cả của ông (quan Bộ Hộ Thượng Thư Nguyễn Thiệu Tri) là Nguyễn Tông (có sao chép là Tôn Nguyên, là Sùng) được làm quan chức Hiến sứ. Con thứ hai làm chức phó sứ. Đời Thống Nguyên (Hoàng Đệ Xuân 1522 - 1520) Nguyên Tông (Toàn Lê tiết nghĩa chép là Tông Nguyên) nhận chức quan đô đốc của Mạc Đăng Dung, được phong tước bá: Liên Đàm bá, rồi đem con gái là Nguyễn Thị Ngọc Lãng gả cho Đăng Dung làm phi, mở cung Trường Xuân, được tặng hiệu Thái Chiếu viên. Tương truyền, Bà Chúa Lối thưở xưa: “Bẩm sinh thiên tính, dáng vẻ đoan trang, tính tình hiền hậu, thảo hiền đức hạnh, chăm chỉ lễ phép”. Bà sinh năm 1507, mất năm 1537 (niên hiệu Đại Chính thứ 8, thời vua Mạc Đăng Doanh), hưởng dương 30 năm. Khi bà lâm bệnh, triều đình cử thái y, cấp nhiều tiền bạc, hết làng chạy chữa. Sau chuyển về quê nhà tiếp tục điều trị, bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Chính kỵ của bà ngày 4 tháng 4 hàng năm.

Cho đến ngày nay, dân gian quanh vùng vẫn không ngớt truyền tụng nhau giai thoại công đức của Bà Chúa Lối với người dân Kẻ Lối khi xưa. Truyện kể rằng: Để tưởng thưởng cho một vị quan có công lao với triều đình, vua Lê đã cho phép vị quan đó đi ngựa một ngày trên đất Lập Thạch. Hết ngày, vó ngựa dừng ở đâu, thì vị quan đó được vua ban đất cho tới đó. Khi cưỡi ngựa chớm đến đầu làng Lối, vị quan trẻ không khỏi ngẩn ngơ bởi trên ruộng lúa ven đường ngân nga giọng hát của cô thôn nữ.

 

Tay cầm bán nguyệt xêng xang

  Làm tôi vì chúa sửa sang cõi bờ.

Tò mò, pha chút hiếu kỳ, vị quan xuống ngựa hỏi thăm, chuyện trò cùng cô thôn nữ. Mải mê trò chuyện đến lúc ngày tàn, vị quan mới giật mình nhớ đến công việc cưỡi ngựa nhận đất phong thì đã muộn. Người dân Kẻ Lối đã giữ nguyên vẹn được đất của làng nhờ sự thông minh, tài sắc của cô thôn nữ Nguyễn Thị Ngọc Lãng. Ghi nhớ công lao ấy khi bà mất, nhân dân trong vùng lập đền thờ và lấy ngay tên làng đặt cho tên đền: Đền Bà Chúa Lối.

Ngày nay, Đền Bà Chúa Lối vẫn giữ được bài văn bia mộ chép lại trên giấy bằng chữ Hán và dịch ra quốc ngữ, ghi lại thân thế, sự nghiệp cũng như công lao to lớn của Bà với nhân dân địa phương. Theo ông Nguyễn Thiệu Thăng, chỉ nhang, đồng thời là hậu duệ của Bà cho biết: Không chỉ được nhân dân trong vùng tôn thờ, cúng bái, Đền Bà Chúa Lối còn được nhân dân khắp các vùng lân cận tìm đến theo thời tiết tế tự như thể lệ tế bách thần.

Viết bình luận