Tiểu thuyết Mạc Đăng Dung Phần 4

Tiểu thuyết Mạc Đăng Dung

Phần 4

Cũng như các tiến sĩ văn khoa, tiến sĩ võ về quê vinh quy bái tổ cũng được quan sở tại dọc đường cho dân phu đưa đón suốt từ kinh đô tới tận bản quán. Tại bến đò Sáu ngay từ sáng sớm quan huyện và các thân hào trong huyện cùng dân làng Cổ Trai và các làng lân cận đã tụ tập kín hai bên bờ sông để đón anh em Đăng Dung.

Cờ ngũ sắc, trống mõ, võng lọng bừng bừng. Thuyền lớn thuyền nhỏ chực sẵn ở hữu ngạn, hai chiếc để chở Mạc Đăng Dung và Mạc Quyết chiếc nào cũng cắm cờ ngũ sắc. Anh em Đăng Dung vừa xuất hiện ở bờ đê bên kia sông, bên này sông tất cả đã ào lên náo nức. Mạc Đăng Dung, Mạc Quyết và cả Mạc Đốc cùng bái tạ mọi người.Thuyền chở người, thuyền chở ngựa. Đăng Dung phải cảm ơn và xin lỗi những người đi đón để được lên thuyền ông lão quen thuộc. Thuyền ra giữa sông, cảnh trời nước mênh mang khiến Đăng Dung bất giác thở dài nói với ông lão:

- Thế là cháu không còn được ra biển chài lưới nữa rồi ông ạ! Sau này lên kinh đô ngay bến đò này cũng ít khi được qua. Cháu cứ thấy nhớ thấy tiếc.

- Quan Trạng...

- Ấy, cụ cứ gọi cháu như trước!

 

- Quan Trạng đã cho phép thì lão xin nghe. Lão trước cũng đi biển, về già mới quanh quẩn ở bến đò này. Biển khiến người ta khoáng đạt làm sao! Nơi sông nước này tuy không được bằng nhưng cũng thú lắm. Còn như đường hoạn lộ tưởng thênh thang mà chông gai lắm. Việc làm quan nhiều lúc bất trắc như sóng gió ở biển nên có người có thơ rằng: “Cánh buồm bể hoạn mênh mông”. Nói đâu xa, ngay Nhữ Thượng thư cũng phải nói: “Dặm thanh vân, bước ngại chen/ Nơi phong nguyệt, thú có mầu”.

- Vâng, có lẽ thế.

 

Câu thơ của quan Thượng Nhữ Văn Lan được ông lão lái đò nhắc đến lại khiến Đăng Dung nghĩ đến cái chết của Đào Cứ.

- Anh còn nhớ hôm qua đò lên kinh gặp chị Thục con gái Nhữ Thượng thư không? Chị ấy bảo...- Thấy vẻ trầm ngâm của Đăng Dung, ông lão lái đò thôi không nói nữa.

 

Đò cập bến, anh em Mạc Đăng Dung bước lên bờ trong tiếng trống vang lừng. Quan Tham chính huyện Nghi Dương đưa Đăng Dung và Mạc Quyết vào chiếc lán mới được dựng hôm trước để đón hai người. Quan Tham chính rót nước mời trầu anh em Đăng Dung và nói:

- Từ khi đức Thánh Tông nhà Lê ta lập ra huyện Nghi Dương vào năm Quang Thuận thứ 10 cho đến giờ, chưa đầy 50 năm mà đất này thật khai sáng, đã sáu lần vinh hạnh có vị đỗ đại khoa, đầu tiên là cụ Nguyễn Nhân Khiêm rồi đến các cụ các ông: Bùi Phổ, Hoàng Ngạn Chương, Bùi Đức Thiệu, Trần Bá Lương, gần đây nhất là ông Phạm Gia Mô. Vậy là huyện ta, gần thì sánh ngang với Tân Minh, An Dương, xa thì không thua kém Vĩnh Lại, An Lão, Thuỷ Đường. Nhưng sáu vị đều là tiến sĩ văn, nay lần đầu tiên mới có tiến sĩ võ, lại cùng một lúc những hai vị. Nếu như một vị không bị đau phải xin bỏ thi thì một lúc ba vị cũng nên! Vậy là huyện ta tuy là nơi nước mặn đồng chua nhưng văn võ song toàn. Hỏi đâu được bằng?

Mọi người lập tức rì rầm bàn tán, nhiều người cùng nói: Đúng rồi, đâu được bằng. Viên quan huyện gật đầu hài lòng, nói tiếp:

- Thưa hai vị, theo tục lệ rước quan nghè vinh quy thì phải rước lần lượt từng vị một về tận quê để cho thật trang trọng, vị nọ cách vị kia ba ngày. Nay chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ nghi giá, dân phu 61 xã đều có mặt, xin quan tiến sĩ tạm nghỉ ở quán xá, chúng tôi xin được rước quan Trạng trước.

Đăng Dung nói:

- Thưa bà con, thưa quan Tham chính cùng các vị thân hào! Anh em chúng tôi thật cảm động trước sự chu đáo, ân cần của bà con quê hương nhưng xin được đề nghị mấy điều: Thứ nhất, xin cho cả hai anh em chúng tôi cùng vinh quy một lúc; thứ hai, qua huyện đường cho chúng tôi vào chào huyện lệnh; thứ ba, khi qua Trà Phương chúng tôi xin được dừng lại để vào chào thầy đồ khai tâm cho chúng tôi thuở ban đầu; thứ tư, khi đến đầu làng cho chúng tôi vào nghĩa địa thắp hương cho anh Cả Lấm là người đầu tiên khai quyền cho chúng tôi; thứ năm, chúng tôi có ngựa nên xin được cưỡi ngựa chứ không nằm võng; điều cuối cùng, xin hàng tổng đừng tổ chức khao vọng linh đình, tốn kém. Còn lại, lệ thế nào chúng tôi xin theo chứ không dám từ chối.

Ai cũng bảo anh em Đăng Dung thật khiêm nhường, không như ông Phạm Gia Mô năm nào. Ông ấy nằm võng. Hai bà vợ cũng dứt khoát đòi nằm võng, thế cũng chẳng sau, khốn nỗi bà hai dù chịu phép đi sau bà cả nhưng mè nheo rằng võng không đẹp bằng võng bà cả nên một mực không chịu lên võng. Ai đó mới chạy về làng mời cụ đồ dạy quan nghè hồi nhỏ ra phân xử. Cụ đồ chỉ nói có mỗi câu: “Muốn như các bà nghè huyện bên thì bảo!”, vậy mà bà hai chịu một phép. Chuyện cụ đồ nói tới là chuyện ở Vĩnh Lại. Năm đó huyện ấy có người đỗ đại khoa, dân chúng hàng huyện đi đón nhưng mãi hai bà vợ quan nghè vẫn không chịu lên võng vì hai bà ai cũng tranh nhau đi trước không ai chịu ai, bà cả bảo mình là cả, bà hai bảo mình đẻ con giai còn bà cả sinh một bề con gái. Cuối cùng đâu cũng vào đấy nhưng chuyện đến tai vua nên quan nghè không được làm quan ngay mà phải ở nhà học thêm về lễ nghĩa, năm sau mới được bổ dụng với cái lý: vợ còn không dạy nổi đạo lý thì sao dạy nổi đạo lý cho dân!

 

Đi trước một quãng là đám lính dẹp đường rồi mới đến đám rước. Đám rước đi đầu là 18 thanh niên nón sơn son, áo đỏ, giây lưng vàng, trong đó 10 người vác cờ ngũ sắc, 8 người vác binh khí gồm thương, đao, kiếm, kích, bát xà mâu, truỳ, gươm, búa, tất cả đều bằng đồng sáng loáng.

Nhóm rước Đăng Dung đi trước. Lần lượt là bốn người, hai người vác hai tấm biển “Đệ nhất giáp đệ nhất danh tiến sĩ võ” và “Ân tứ vinh quy”, hai người đi sau vác lọng vàng che bên trên biển; hai người khiêng trống sơn son vừa đi vừa điểm từng tiếng; kềnh càng nhất là đám bốn người khiêng kiệu, trên kiệu là sắc phong và những đồ vua ban trong những ngày thi Đình, cũng gồm mâm, khay, chén bát, đĩa choé, đũa ngà như các tiến sĩ văn khoa, chỉ thêm áo giáp, mũ trụ và bộ yên cương khảm bạc cùng với hàm thiếc, bàn đạp ngựa; rồi phường bát âm. Tiếp theo mới đến Mạc Đăng Dung mặc triều phục quan võ. Cuối đám là nhóm dân phu mang các hành lý Trạng nguyên võ mang theo trong những ngày lên kinh. Sáu lính hộ tống đi sau rốt. Dân chúng ai muốn đi theo thì đi sau cùng.

Cách tới một thôi đường mới đến đám rước Mạc Quyết. Trước sau cũng như thế, chỉ khác mỗi tấm biển “Đệ tam giáp tiến sĩ võ”.

Cứ đến địa hạt xã nào, xã ấy lại đốt pháo mừng. Tràng pháo được buộc vào đầu ngọn tre, dài gần hai sải tay.

Ông đồ Trà Phương không ngờ anh em Đăng Dung lại vào chào mình vì với tiến sĩ võ, người có công đầu phải là người khai quyền chứ không phải người khai tâm. Cô Toản đón Đăng Dung ngay tận bến đò Sáu, có điều ở đấy đông người quá nên cô không thể tới gần chỗ hai anh em Đăng Dung mà Đăng Dung thì cũng không thể nhìn thấy cô. Cô đã định khi đám rước qua lối về làng mình thì thôi, không đi theo nữa, không ngờ Đăng Dung lại rẽ vào nhà mình nên cảm động đến ríu cả chân tay. Tất cả không qua nổi mắt đám bạn gái tinh quái, họ nháy nhau rồi bất ngờ đẩy cô ra phía trước đúng lúc Đăng Dung đi tới, mạnh tí nữa thì cô đã đâm xô vào Đăng Dung. “Anh đã về!” - Toản đỏ bừng mặt, lí nhí chào. Bọn trẻ con thập thò ngoài hàng dâm bụt từ nãy đến giờ bỗng đồng thanh hét toáng lên: “Cô dâu chú rể, đội rế lên đầu, đi qua đầu cầu, gặp bãi cứt trâu!”. “Láo nào!” - Ai đó quát đám trẻ. Sự trang nghiêm chùng xuống nhưng không khí lại trở nên đầm ấm. Ông chú cũng đi đón anh em Đăng Dung bảo khi Đăng Dung chào ông đồ Trà Phương, trở lại với đám rước:

- Đại đăng khoa rồi, anh nghĩ đến tiểu đăng khoa đi là vừa. Đáng lẽ lúc này võng anh đi trước võng nàng theo sau có phải vui không.

 

Anh em Đăng Dung vào nghĩa địa thắp hương người khai quyền cho họ. Mộ Cả Lấm lẹt tẹt và nham nhở cỏ. Đăng Dung, Mạc Đốc, Mạc Quyết thêm cho mộ mấy nắm đất. Cả Lấm là người đầu tiên dạy họ vật. Vật ngay trên bãi biển. Suốt đời Cả Lấm sống khổ, đi thi vật cũng phải mượn khố của người khác cho tươm tất! Lần sung sướng nhất của Cả Lấm lại là lần bị Đăng Dung vật ngã, lúc nghỉ, anh vừa bóc khoai nướng vừa thổi phù phù, bảo: “ Thế là mày giỏi hơn tao rồi đấy!”.

Lệ làng là phải khao vọng, không thể bỏ được. Những năm ngày liên tiếp, ngày nào cũng hai ba chục mâm cỗ! Khách phương xa đến mừng ngủ lại, sáng ra khi khách về có cỗ đãi khách. Tốn kém nhưng cũng không thiệt vì quà mừng cũng nhiều. Một hôm Lê Bá Ly, Nguyễn Bỉnh Đức và Vũ Hộ đến. Thật là khách quý! Đăng Dung lưu ba bạn ở lại chơi tới mấy hôm và rủ cùng đi Đồ Sơn lễ tạ thần Điểm Tước.

Nhiều làng xa gần sau đó còn đem thuyền đinh lớn tới, trải chiếu hoa trên sàn mời anh em Đăng Dung đến làng mình dự tiệc mừng. Cảm động nhất là đám mừng của anh em thuyền chài. Họ người nào người nấy đã cố kiếm áo quần đẹp đẽ để mặc nhưng vẫn không giấu nổi cảnh nghèo khổ, đã vậy họ quá hiền lành và vụng về nên vui đấy, mừng đấy mà lắm lúc cứ chực trào nước mắt! Họ làm cho anh em Đăng Dung bùi ngùi nhớ đến Cả Lấm. Cả Lấm gặp nạn rồi mất trong một chuyến đi biển, anh em Đăng Dung trông thấy mà không thể cứu nổi anh.

Mấy hôm sau, gia đình Đăng Dung đem trầu cau sang bên Trà Phương hỏi Ngọc Toản cho Đăng Dung. Đám cưới lại một lần nữa khiến làng trên xóm dưới vui như hội. Nghỉ ít hôm sau ngày cưới rồi Đăng Dung cùng với Mạc Quyết lên kinh đô, Mạc Đốc cũng đi theo.

 

*

 

Từ đây Đô đầu Đại lực sĩ Lê Kỳ khi vua ngồi xe ngựa thì cầm cương; khi vua đi bộ và trên ngai vàng thì đeo gươm hầu, Mạc Đăng Dung vác dù che cho vua. Họ trở thành những người gần gũi nhất với nhà vua.

Bọn Đàm Cử, Cù Khắc Xương, Trần Công Vụ, Nguyễn Thọ, Trần Tuân được cất nhắc làm Phó chỉ huy sứ các vệ, các binh trấn. Mạc Quyết được sung vào quân Túc vệ.

Anh em Đăng Dung ở gần nhau, cùng nơi của các quan võ quanh Giảng Võ đường. Một hôm quan Bộ Lễ là Phạm Gia Mô nghe nói anh em Đăng Dung cùng huyện liền đến chơi.

Phạm Gia Mô dòng dõi Phạm Mại đời nhà Trần. Nghe truyền rằng cụ tổ mình nổi tiếng là người ngay thẳng, có chính kiến, dám can gián, bày tỏ những điều trái ngược với nhà vua mà không sợ tai hoạ nên Gia Mô cũng noi theo như thế nhưng khốn nỗi, lắm lúc quá đà thành ra mang thói ngông nghênh. Dân chúng Nghi Dương không quên hôm rước Phạm Gia Mô vinh quy bái tổ. Dù chuẩn bị đã rất chu đáo, họ vẫn không tránh khỏi sơ xuất, bà hai chanh chua đã đành, cả Gia Mô cũng chạnh choẹ, nên họ phải mời đến cụ đồ khai tâm ra tận bến đò mới xong. Do cái tính ấy một phần nên đi thi từ năm còn trẻ nhưng mãi đến năm 43 tuổi Gia Mô mới đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân. Giờ đây, cũng do cái tính ấy và vốn lại trọng văn khinh võ nên Gia Mô tìm đến chỗ anh em Đăng Dung chỉ cốt biểu hiện mình.

Mạc Đốc, Mạc Quyết đi đâu không biết, chỉ mình Đăng Dung ở nhà. Thấy trên kệ sách của anh em Đăng Dung có cuốn Tôn Tử thập tam thiên, Phạm Gia Mô có phần ngạc nhiên nhưng đến khi đến khi thấy bộ Hàn Phi Tử thì không thể không bàng hoàng tự hỏi: Họ đọc cả những cuốn này ư? Tưởng chỉ lấy khoẻ ăn người thôi! Rồi Gia Mô bụng bảo dạ: Đọc nhưng chưa chắc đã hiểu và cầm mấy cuốn trong bộ Hàn Phi Tử xuống, hỏi một câu cốt thử sự hiểu biết của Đăng Dung:

- Tôi nghe Hàn Phi Tử đề ra phép “tham nghiệm”. Phép ấy hiểu vắn tắt thì là thế nào?

- Con người ta nếu chỉ giam mình trong phòng mà nghĩ ngợi và chúi mũi vào sách vở hòng tìm ra lý thuyết thì lý thuyết đó khó mà thực tế được vì không thể hiểu cặn kẽ, hiểu đúng sự vật thiên biến vạn hoá ngoài đời. Phải dấn mình vào mọi việc để tham khảo, so sánh và tìm cho mình kiến thức ở đấy. Đó chính là tham nghiệm.

- Thuyết pháp trị của ông ta nhờ vậy mà hay chăng?

- Vâng, hay vì có đủ pháp, thế, thuật. “Pháp” là pháp luật, cái cơ sở của một triều đại, là thứ triều đình dùng để cai trị dân, thứ nhà vua dùng để áp chế các quan lại, thứ mọi người phải tuân theo; nên pháp phải rõ ràng, công khai, thi hành phải nghiêm minh, công bằng. “Thế ” là quyền lực của nhà vua, cái đảm bảo cho pháp thực hiện hiệu quả; vua phải biết cách củng cố thế cho vững chắc, không để kẻ nào tước đoạt được, muốn vậy thế phải được xây trên thực lực và dựa vào pháp chứ đừng ỷ vào trời cho mình cái quyền làm thiên tử mà muốn làm gì thì làm. “Thuật” là cách thức cụ thể thực hiện pháp và đảm bảo thế; thuật vô cùng phong phú, hết sức uyển chuyển, có thể gói gọn trong một câu của Hàn Phi Tử là: “Thời đã khác việc tất phải khác”.

- Thuyết pháp trị hay thế, tại sao vào thời của Hàn Phi Tử, chẳng ông vua nào theo và từ đó đến nay cũng hiếm ông vua nào theo cho đến đầu đến đũa?

- Vì nó được cho người này nhưng lại không được cho người khác, vả lại trên đời này quá hiếm minh quân.

Phạm Gia Mô nín lặng rồi vỗ tay:

- Bái phục! Thật bái phục!

Biết Phạm Gia Mô dòng dõi Phạm Mại, nhân câu chuyện, Đăng Dung nói:

- Tôi nhớ, trong Thiên thu kim giám phú, cụ Kính Khê Phạm Mại đời Trần từ chuyện hưng phế trong lịch sử đã rút ra câu răn cho kẻ làm vua rằng: “Lấy trị loạn làm gương, đâu đẹp đâu xấu; lấy được mất làm gương, đâu dữ đâu lành.”, đấy chẳng phải là pháp trị đó sao?

Phạm Gia Mô đứng dậy vái ba vái:

- Tôi không ngờ quan Đại lực sĩ lại biết cả câu ấy của cụ Phạm Kính Khê. Bái phục, vô cùng bái phục.

Từ đấy câu chuyện mới trở nên thân mật. Thấy Phạm Gia Mô hơn mình những 21 tuổi mà đường văn khoa nhọc nhằn, Mạc Đăng Dung cảm phục cái chí của người đồng hương nên thật thà thừa nhận mình quá may mắn. Gia Mô mỉm cười chua chát, thấy vậy Đăng Dung lái sang chuyện khác:

- Tôi nghe người ta đồn hôm nọ ở Ngũ Xá bên Tây Hồ có con gà mái tự nhiên biết gáy, một con sâm cầm ở đâu không biết bỗng lao tới mổ con gà mái lôi xuống hồ dìm chết, có phải không?

- Tôi cũng nghe nói thế. Gà mái biết gáy là điềm gở vì nó lạm cái quyền của gà trống. Có thể suy ra rằng phen này đàn bà thao túng. Nhưng sâm cầm vốn tính nhút nhát, tự nhiên lại hung hãn, lôi được cả con gà mái xuống hồ chứng tỏ dù đàn bà có thao túng cũng chẳng được bao lâu! Mà đàn bà ở đây là ai nhỉ? Tôi nghe nói Hoàng hậu hiền thục, vả lại nhà vua mạnh mẽ, quyết đoán như thế thì ai mà thao túng nổi! - Gia Mô bỗng xua tay, cười - Thôi, dẹp, dẹp cái chuyện đàn bà thao túng, nói dai nói dài không khéo lại nói dại, mất đầu như chơi. Tôi chỉ sợ bị vợ xỏ mũi chứ chuyện triều đình thì kệ, không liên can gì tới mình. Nói đến sâm cầm tôi chỉ khoái vì thịt nó ngon! Có câu ca thế này về những thứ ăn ngon ở kinh đô: “Vải Quang, húng Láng, ngổ Tàm/ Cá rô đầm Sét, sâm cầm hồ Tây”!

Mạc Đăng Dung cũng cười nhưng rồi cả hai cùng trầm ngâm. Chuyện Đào Cứ vẫn chưa thôi ám ảnh Đăng Dung. Sau vài tuần trà nữa rồi Phạm Gia Mô cáo từ ra về. Từ đó quan hệ giữa anh em Mạc Đăng Dung và Phạm Gia Mô, cũng như với Lê Bá Ly, Nguyễn Bỉnh Đức, Vũ Hộ trở nên thân thiết.

 

Viết bình luận