Tiểu thuyết Mạc Đăng Dung Phần 5 ( tiếp)

Tiểu thuyết Mạc Đăng Dung Phần 5 ( tiếp)

Thanh Nhạn ngúng nguẩy làm bộ. Uy Mục cười, kéo cung nữ lại giường. Nhà vua không đẹp, lại có kiểu cười làm khuôn mặt biến dạng trông rất sợ, mồm miệng thì sặc mùi rượu, khiến người cung nữ sởn hết cả gai ốc.

- Sao khanh lại thế này? – Uy Mục ngạc nhiên hỏi.

Uy Mục rất ghét những ai tự nhiên có biểu hiện khác thường vì cho rằng mình có gì đấy khiến người ấy không ưa. Đã ba quan đại thần bị xử chém vì điều đó. Trong một bữa rượu đêm cùng hai cung nữ, say quá nên nhà vua nôn thốc nôn tháo, một cung nữ vì thế cũng nôn theo, cung nữ khác nhăn mặt bỏ chạy, cả hai sau không thoát khỏi tội chém. May sao Thanh Nhạn kịp nói chữa:

 

- Tự nhiên thiếp thấy lạnh. Cứ như có gió lùa ở đâu ấy!

- Lạnh thì trẫm ủ cho ấm! Đâu, cái nốt ruồi đâu? Chắc ở chỗ này chứ gì? – Uy Mục dí ngón tay vào bụng dưới người cung nữ . Thanh Nhạn mỉm cười, gật đầu.

Giao việc cho tên hoạn quan dưới quyền xong, Nguyễn Khắc Hài không về ngay mà tạt qua chỗ Nguyễn Nhữ Vi:

 

- Hạ quan đã tra gia phả, không ngờ với đại quan lại có họ xa với nhau, ông tổ bốn đời của hạ quan chính từ Hoa Lăng dạt sang bên Kinh Môn. Hôm nào ta phải làm lễ nhận họ hàng.

 

Khắc Hài đi rồi, Nhữ Vi tự hỏi không hiểu có đúng Khắc Hài quê gốc ở Hoa Lăng không? Nhớ mang máng hình như dạo xưa hắn bảo họ hàng xa với quan chánh sứ Nguyễn Bảo Khuê mà Bảo Khuê thì quê gốc mãi xứ Sơn Nam. Thôi kệ, nhận họ với hắn cũng chẳng mất gì, hoạ chăng là bữa đánh chén như hắn nói.

 

Quan hoạn mỗi người một hoàn cảnh tiến cung nhưng như Nguyễn Nhữ Vi cũng đặc biệt. Năm lên hai tuổi, Nhữ Vi đi đại tiện, bị chó theo nhặt phân đớp nhầm phải hạ bộ. Cha mẹ, họ hàng ai cũng buồn. Có người bảo đó là trời phạt kiếp trước trong nhà có người ăn ở bất hiếu. Nhưng có người lại nói do cha mẹ hiền lành phúc đức nên ông giời ban cho giàu sang phú quý và sai thiên cẩu giúp đỡ để có con được vào chốn cung đình, vậy nên trình quan để sau này tiến cung làm quan hoạn cho cả họ được nhờ. Quả nhiên về sau, cũng do Nhữ Vi đưa dắt mà có người trong họ trở thành Kính phi, tức là mẹ nuôi vua Uy Mục bây giờ.

 

Nguyễn Khắc Hài lại khác, vì nhà nghèo mà lại đông nên cha mẹ đem Khắc Hài tiến cung từ năm lên 12 để làm quan hoạn. Tất nhiên phải dỗ ngon dỗ ngọt mãi Khắc Hài mới chịu nghe. Cho đến bây giờ y vẫn nhớ như in cái khoảnh khắc đau đớn khi bị thiến. Con dao trong tay người thiến có lẽ rất sắc mà người thiến lại hành sự quá nhanh nên khi người này chìa cho tất cả mọi người, kể cả Khắc Hài xem hai cái tinh hoàn đỏ hỏn trong lòng bàn tay, lúc đó y mới thấy đau và ngất đi! Y lại nhớ lần đầu tiên về làng sau khi trở thành quan hoạn, mang theo 5 tấm vóc, 48 bát gạo và 48 quan tiền bổng lộc được hưởng sau hai tháng vào cung, cả nhà y mặt mũi ai cũng rạng cả lên, kẻ xít xoa với mấy mảnh vải, người nhấm nhấm mấy hạt gạo, kẻ đếm đi đếm lại những đồng tiền. Họ dường như quên mất y lúc đó. Sao mà y thấy tất cả tàn ác, nhẫn tâm thế. Cũng lần ấy, con người y vẫn chưa hoàn toàn thay đổi, cho nên y còn nhận ra cô gái hàng xóm ngày trước thường chăn trâu cắt cỏ với y nhìn y mắt đỏ hoe, có lẽ cô ấy vừa khóc; và cũng vì vậy cho nên nhớ lại lần chui trong bụi lau xem trộm cô ấy tắm dưới đầm y vẫn thấy ít nhiều xôn xao - lần ấy, lúc đầu y tự hỏi sao cô ấy lại tắm lâu thế không biết, còn ghét đâu nữa mà cứ kỳ cọ mãi, sau y hiểu ra cô ấy thừa biết trong bụi lau có kẻ nhìn trộm là y nên cố tình dây dưa... Rồi cơ thể, tâm tính y dần thay đổi, giọng nói lúc đầu còn khi trầm khi bổng sau e é như gà trống choai tập gáy đến chính y nghe cũng thấy khó chịu.

 

Không biết bao nhiêu cung nhân mỹ nữ đã được y đưa vào hầu vua, công việc của y là theo lệnh vua đem đến những người vua muốn đồng thời tìm cho vua những người hợp với sở thích. Y phải quan tâm đến các nữ quan và cung nữ từ mặt mũi, tay chân, eo hông cho đến giọng nói, mùi từ mồm miệng, da thịt, phải xem tỉ mỉ đến từng nốt ruồi như người ta xem khoang khoáy trâu bò, rồi biết cách xoa bóp tạo cho họ hưng phấn với chuyện giường chiếu, và bao giờ cũng phải ghi chép ngày giờ đưa Hoàng hậu, các bà phi và cung nữ vào, ngày giờ đưa họ ra, bởi tất cả đều liên quan đến việc sau này sinh ra hoàng tử hay công chúa, lớn lên sẽ là người như thế nào, ai sẽ là người kế vị... Y và hàng trăm hoạn quan dưới quyền trong cung đều thế, xem xét đàn bà con gái và xoay vần họ như xoay vần hòn đá hay súc gỗ, không hề gợn một cảm xúc!

 

Không chỉ vậy, hoạn quan còn phải làm đủ các việc vất vả như cung nữ, nếu cung nữ phải lo cơm nước, thêu thùa, giặt giũ, đủ mọi việc lặt vặt, kể cả tắm rửa và mặc váy áo cho các phi tần thì hoạn quan phải gánh nước, bổ củi, đi chợ, làm thủ kho và bảo vệ các cung.

 

Nhưng khi làm Quảng vụ Thái giám hoặc Điển sự Thái giám như Nguyễn Nhữ Vi hay như Nguyễn Khắc Hài bây giờ thì không phải làm những việc như thế nữa. Hoạn quan có năm hạng, hạng nhất là thủ đẳng, các hạng dưới lần lượt là thứ đẳng, trung đẳng, á đẳng, hạ đẳng, mỗi loại hàng mấy chục người, riêng thủ đẳng chỉ một hoặc hai người, Đại thái giám như Nguyễn Nhữ Vi thì chỉ một. Nhữ Vi đứng đầu hoạn quan, quản lý mọi việc lớn nhỏ trong cung và tham gia vào cả triều chính, cứ xem việc ông ta cùng với bà Kính phi đưa được Uy Mục lên ngôi đủ biết quyền lớn đến đâu. Mỗi tháng Nhữ Vi đều đều hưởng 48 bát gạo, không nhiều, chỉ gấp đôi hạng hạ đẳng, bởi nhiều hơn cũng chẳng ăn hết, nhưng tiền thì gấp ba lần hạ đẳng. Nguyễn Khắc Hài ao ước địa vị của Nhữ Vi đã lâu, nay tuy vẫn không bằng nhưng từ chỗ đang hạng thứ đẳng lên thủ đẳng, y đã lấy làm mãn nguyện và thực bụng cũng không dám ghen tị với Nhữ Vi bởi Nhữ Vi được thiên cẩu giúp, lại có người trong họ làm phi. Tuy nhiên đó là chuyện cũ, y đang nung nấu một chuyện động trời.

 

Khắc Hài mang về cho cha mẹ 1000 quan tiền, 500 quan vua ban và 500 quan dành dụm lâu nay. Quan trọng hơn là xem Bạch Yến thế nào. Người cung nữ ấy không tự trốn đi đâu cả như y nói mà chính y đem nàng đi khi biết vua Hiến Tông không thể nào qua khỏi. Chẳng phải vì y thương nàng. Y hy vọng đến một lúc nào đó sẽ công bố với hoàng gia Bạch Yến mang thai rồng! Nhưng khốn nỗi chẳng hiểu tại sao bao nhiêu ngày hầu hạ nhà vua mà nàng không thể thụ thai!

 

Khắc Hài lần này về quê và đi Thuỷ Đường khác hẳn những lần trước vì giờ đây đã là Đường Trung hầu, Điển sự Phụng nghi Thái giám, Khâm sai thừa chỉ. Người đi theo đông hàng chục. Bốn lính đi đầu dẹp đường và bốn lính đi cuối hộ tống. Hai người khiêng trống đánh trống báo hiệu. Một người vác biển đề “Khâm sai”. Nguyễn Khắc Hài mặc áo gấm, nằm võng ba đòn sơn đen, bốn người khiêng, theo sau võng là người dắt ngựa, con ngựa để Khắc Hài nằm lâu mỏi lưng thì cưỡi. Con ngựa hồng ấy yên màu tía thếp thau, có người đi bên cạnh vác lọng xanh ngù rủ che nắng. Mười tám người khiêng chín chiếc hòm, hòm nào cũng sơn son thếp vàng, một hòm bên trong đựng riêng 1000 quan tiền; hai hòm bát đĩa ăn cơm hằng ngày, cái nào miệng cũng bịt đồng thau; hai hòm chăn màn, bốn hòm quần áo. Nghỉ ở các đình trạm Khắc Hài không dùng bát đũa chăn màn nơi ấy nên kẻ hầu mới phải mang theo những thứ đó. Mười người nữa đi tay không chờ để thay thế có ai bị mệt. Người bên đường đổ ra xem, sợ sệt, trầm trồ, thèm khát. Lúc đầu họ tưởng làng nào có ai đỗ tiến sĩ, sau biết là Khâm sai Thái giám nên có người trọng nhưng cũng không ít kẻ khinh. Y về đến đầu làng, cả làng nhao nhác. Tới đầu ngõ, Khắc Hài cho đám thuộc hạ quay trở lại quán dịch, còn mình tự đi bộ về nhà. Hai người khiêng hòm tiền cũng chỉ đến đầu hồi nhà để hòm tiền đấy rồi quay ra. Chuyện Bạch Yến không thể cho chúng biết.

Cả nhà rối rít đón Khắc Hài. Việc trước tiên là đếm lại xem có đủ 1000 quan tiền không. Khắc Hài đưa mắt khắp xung quanh, tìm kiếm. Hiểu ý, bà mẹ khẽ bảo:

 

- Cái Hến có chửa rồi!

Giữ bí mật nên cả nhà phải gọi Bạch Yến là Hến. Khắc Hài tái mặt:

- Chết tôi rồi, chửa với ai?

- Với anh mày chứ ai!

Khắc Hài nổi cáu:

- Với anh nào? Tôi những sáu anh, ông nào trông thấy gái cũng như mèo

thấy mỡ! Rõ khỉ cả lũ!

Bà mẹ vẻ dí dỏm:

 

- Với anh trưởng mày! Chó treo mèo đậy, đằng này ra đụng vào chạm, mắt la mày lém, như mỡ miệng mèo, người lại đẹp đến thế, thằng anh mày nhịn được đến mấy năm đã là giỏi lắm, như bố mày ngày trước chắc gì đã được ba bảy hăm mốt ngày! Dưng mà sao lại chết với chẳng chết? Cứ coi như nó là cái Sò cái Hến thật đã sao? Thằng anh mày ba thị mẹt, đang mong thằng cu, lần này biết đâu giời lại giúp tao có cháu đích tôn. Tao đang mừng thầm đây.

 

- Vâng, anh ấy mừng, mẹ cũng mừng. Còn tôi thì hỏng hết việc, mẹ hiểu chưa!...- Khắc Hài chợt hỏi - Thế chửa được bao lâu rồi? Nó khó chửa lắm cơ mà.

Ông anh trưởng từ trong buồng đi ra, lấp ló trong buồng là “cái Hến”.

- Được bao lâu bây giờ không còn là việc của chú. Tôi lấy cô ấy làm lẽ,

được chưa?

 

Bạch Yến lúc này mới từ trong buồng bước ra, vừa đi tay vừa sửa đầu tóc, quần áo:

- Chú mới về? Anh chú với tôi âu cũng là cái duyên cái số.

Ông anh trưởng bỗng cười sằng sặc:

 

- Chú xem, nhà vua hết thuốc Bắc lại thuốc Nam, hải mã, sừng tê, cà dê, cặc cọp chả thiếu thứ gì vậy mà cứ như nước đổ vào lỗ cống... Anh chú ngày hai bữa rau muống luộc chấm mắm cáy thì lại được! Chúng tôi mời thầy về xem, ông ấy tính ngày tính tháng, cam đoan là được con trai.

Thấy bụng Bạch Yến phưỡn như bụng ếch, Khắc Hài không gặng hỏi gì nữa, thở dài:

 

- Tôi về định đưa nàng trở lại cung nhưng thế này thì thôi rồi còn gì nữa.

- Dẫu không thế này tôi cũng không về cung! Về cung để suốt ngày ghen tuông, tức tối, cãi cọ với mấy trăm phi tần cung nữ khác à? - Bạch Yến bảo.

 

- Cô ấy không đi đâu cả! - Người anh Khắc Hài nói, giọng dứt khoát - Chú mà cố tình, tôi tố cáo cái tội đem Bạch Yến về đây thì chú tù mọt gông!

 

Khắc Hài giận tím mặt, nghĩ mình đem lại giàu sang cho cả nhà mà anh mình lại tàn tệ như vậy, liền nổi đoá:

- Tôi mà tù mọt gông thì anh cũng chẳng thoát khỏi tội mất đầu!

Khắc Hài đi Thuỷ Đường ngay hôm ấy. Thấy Bạch Yến mang thai, lúc đầu y thất vọng, sau loé lên một ý đồ táo bạo: Nếu cái thai mới được độ nửa tháng, y vẫn sẽ đưa Bạch Yến về cung cho hầu vua, y sẽ làm cái chuyện như Lã Bất Vi nhà Tần đã làm, ai bảo ngôi báu lại không từ họ Lê chuyển sang họ Nguyễn? Nhưng thấy cái bụng Bạch Yến đã ềnh àng, y thất vọng và giận đến mức không ở lại thêm đến một giờ một khắc, cơm nước ở quán dịch rồi thét người hầu kẻ hạ đi ngay.

 

Dân chúng Thuỷ Đường nghe thấy có quan khâm sai của triều đình bảo nhau kéo đến huyện đường, kẻ kêu rêu, người phàn nàn rằng họ bị đè nén, yêu sách quá đỗi, không cứ gì thóc lúa, súc vật, hoa màu bị mất mà ngay cả đồ gia bảo trong nhà, kể cả đồ thờ cúng, cái gì hay cái gì quý cũng bị lấy mất; cả gan đòi lại thì bị đánh, có người bị đánh đến chết. Nhưng khi hỏi ai làm việc ấy lại không người nào dám nói; kể cả quan lại địa phương cũng chẳng ai hé răng.

 

Một nhà sư tới mời tất cả vào nhà chùa, sau tuần trà, nhà sư nói:

 

- Bần tăng là kẻ tu hành. Phật dạy phải cứu nhân độ thế, huống chi đây lại vì cuộc sống của muôn ngàn sinh linh. Bần tăng sẽ nói, nếu có chết vì lời nói thẳng âu cũng coi như sớm được về cõi Tây phương. Người nhà bà Kính phi, dưỡng mẫu của nhà vua thật quá đáng, ngay quả chuông của nhà chùa đúc năm Sùng hưng Đại bảo đời vua Thái Tông nhà Lý cách đây hơn 450 năm, bà ta cũng đem về, bảo treo ở nhà để bà ta tu tại gia.

 

Nhà sư kể lể suốt từ giờ mùi đến giờ thân. Khắc Hài tai nghe, miệng hứa thế này thế khác nhưng trong bụng thì nghĩ: sự thật mất lòng, chẳng dại, có khi còn mất đầu. Nhân tiện, Khắc Hài hỏi việc Đăng Dung về đây tuyển người vào Cấm quân. Nhà sư nói:

 

- Không biết ông tướng ấy của triều đình làm cách nào mà cả vùng này không khác gì ngày hội! Sân đình biến thành võ đường, cờ quạt, trống chiêng vang lừng. Nghe nói ông ấy là Trạng nguyên võ, dân chúng mời ông ấy trổ tài, ông ấy không nề hà, nhận lời ngay và múa đao lâu đến mấy hiệp. Cũng vì thế mà trai tráng hăm hở kéo đến thi tài. Ông già bà cả, trẻ con cũng nô nức kéo nhau đến xem. Tưởng chọn 50 người chứ 500 người cũng có! Ông ấy lại không đòi hỏi sách nhiễu gì nha dịch lẫn dân chúng cả. Khác hẳn mọi năm, quan sai về đây, đã bắt người lại còn hạch sách, quyền thu lạm bổ đủ điều nên nhiều người trốn như trốn giặc! Nhờ mấy ngày như thế mà dân chúng quên đi phần nào những lo buồn khốn khổ do nhà bà Kính phi gây ra. Nhưng ông ấy đi rồi, đâu lại hoàn đấy, như ngài đã thấy.

 

Điều nhà sư nói, Khắc Hài càng thấm thía khi bắt tay vào tuyển chọn cung nữ. Người không thiếu nhưng không ai muốn vào cung. Người ta giở đủ trò, người đi trốn, kẻ giấu con gái không cho ló mặt ra cửa, người cho ăn hỏi hoặc cưới vội cưới vàng, kẻ kể ra bệnh nọ tật kia, thậm chí bảo cả mình không còn trinh tiết... Tưởng chỉ người Thuỷ Đường vậy, người Đồ Sơn cũng thế. Tuy nhiên, cuối cùng Khắc Hài cũng chọn được chục người đưa về cung. Dẫu sao vẫn có nhà, có người muốn gần chốn lầu son gác tía.

 

*

 

Trong khi đó, một hôm Uy Mục đế muốn xem dân chúng sinh sống ra sao nên sai người đưa đi xem phố xá kinh đô. Đội Túc vệ theo hầu chia làm hai toán, hai mươi kỵ binh đi trước dẹp đường, hai mươi kỵ binh đi sau hộ vệ, hơn trăm bộ binh đi hai bên, hoạn quan đi giữa quanh xe vua. Phần đường lát gạch chỉ đủ cho xe vua và hai hàng hoạn quan nên hơn trăm bộ binh phải đi ngoài đường đất. Qua cửa Nam, nhà vua xuống vùng Quốc Tử Giám xem nơi học hành của các giám sinh và nơi dinh phủ của quan lại, rồi sang phủ Phụng Thiên, ra chỗ tháp Báo Thiên, ngắm cảnh Kiếm Hồ, nơi đức Thái Tổ trả gươm cho rùa thiêng dạo trước.

 

Phố xá đông đúc, buôn bán sầm uất. Cảnh Kiếm Hồ đẹp và nhà vua không ngờ rằng người qua kẻ lại lắm đàn bà con gái xinh tươi đến thế, vậy mà bấy lâu nay việc nạp cung cứ tìm kiếm đâu đâu. Đành rằng phải dựa vào nơi căn bản nhưng đấy là chọn Hoàng hậu, quý phi chứ cung nữ cần gì. Tiếc không có Khắc Hài ở đây, nếu có thể nào y cũng chấm được người ưng ý. Trước khi đi Thuỷ Đường, y đưa tới hầu cung nữ Thanh Nhạn thật tuyệt, có cái nốt ruồi ở chỗ chưa thấy ai có, cái nốt ruồi ấy hứa hẹn sẽ sinh hoàng tử!

 

Nhà vua vẫy bảo tên hoạn quan gần nhất, lập tức tên này truyền chỉ cho đám lính làm thành một vòng tròn, cứ thế thu hẹp dần, đàn ông thả ra, đàn bà già cả, xấu xí cũng thả khỏi vòng. Lúc đầu dân chúng không ai hiểu chuyện gì, sau thấy trong vòng chỉ còn toàn con gái mười sáu, đôi mươi mới vỡ nhẽ. Thế là người kêu kẻ khóc, người gọi con kẻ gọi mẹ ầm ỹ. Hoạn quan và đám lính đuổi theo giằng kéo huyên náo cả một vùng. Lính mấy trăm tên, tên nào cũng sốt sắng với công việc, vì tấm lòng trung quân thì ít mà vì chẳng mấy khi lại được sờ sịt, xoa xít đàn bà con gái thoả thuê như lúc này. Không ít cô gái xống áo tả tơi. Nhưng trong họ cũng không ít người đáo để, vì vậy lính tráng nhiều tên bị cào cấu sứt cả mặt mũi, có tên còn bị cắn đứt tai, có tên lăn lộn dưới đất tay bưng hạ bộ. Bị chống trả quyết liệt, bọn lính không kiềm chế nổi, đánh đấm không thương xót những kẻ táo tợn.

 

Uy Mục cười ha hả. Cuối cùng lính Túc vệ và hoạn quan bắt được mươi người đem đến chỗ vua. Nhưng thấy họ không một ai còn ra hồn người, Uy Mục cho đám lính tuỳ ý. Nhà vua không cần hạng người giờ chẳng hơn gì cái tã rách! Đám lính hò reo ầm trời, cứ hai người một đưa đám đàn bà con gái đi theo đoàn xa giá rồi đem về trại.

 

Hình ảnh đám đàn bà con gái nhem nhuốc không ngờ lại ám ảnh Uy Mục tới mức khi Khắc Hài đem những cung nữ tuyển được ở Thuỷ Đường và Đồ Sơn về, nhà vua cũng chẳng buồn xem mặt. Suốt mấy tuần liền Uy Mục không cho cung nữ vào hầu, ngày đêm chỉ nằm với Hoàng hậu, trong cơn mê mấy lần bóp cổ Hoàng hậu. Hoàng hậu đã liệu trước chuyện này nên sai hoạn quan lúc nào cũng túc trực ngoài màn để ứng cứu.

 

Ngày mới vào cung Hoàng hậu buồn đến hàng tháng trời vì thương nhớ người yêu. Nàng không mấy khi cười, nhà vua bảo trông nàng như Bao Tự. Mối tình của nàng vô cùng éo le, nàng và Trần Tuân mới cách nhau có ba đời. Chuyện anh em lấy nhau đời Trần không lạ nhưng sau bảy, tám chục năm, bây giờ là lạ. Đuôi mắt Trần Hoàng hậu có nốt ruồi nhỏ, người ta bảo đó là nốt ruồi “thương phu trích lệ”, vì thương chồng mà khóc. Nàng đã khóc mấy đêm liền khi phải chia tay Trần Tuân để vào cung làm vợ vua. Nhưng Trần Tuân chưa hề là chồng nàng, vậy nàng sẽ phải khóc ai đây? Hoàng phu chăng? Mặc dù vẫn không quên nổi người yêu nhưng cũng như bao nhiêu phận gái có chồng khác, bây giờ nàng chỉ biết có nhà vua nên cứ soi gương thấy cái nốt ruồi quái ác, nàng lại nơm nớp lo sợ. Nàng biết bổn phận của mình là phải sinh được cho nhà vua hoàng tử kế vị và không bao giờ được phép ghen tuông. Nhưng đến nay nàng mới chỉ làm được điều thứ hai. Nàng đã sinh được hoàng tử nhưng giời lại bắt con nàng đi. Giờ đây gần một tuần được gần vua, Trần Hoàng hậu lấy làm mừng rỡ và hy vọng thụ thai, cho dù cứ mỗi lúc nhà vua ú ớ mê sảng nàng lại sợ đến run người, nhiều đêm trằn trọc đến sáng, mặc dù ngay ngoài màn lúc nào cũng có dăm họan quan thay nhau túc trực để sẵn sàng cứu nàng. Nhưng chính hy vọng lại khiến nàng rơi sâu hơn xuống cái vực thất vọng, nàng linh cảm mình vẫn chưa thụ thai. Nàng gầy rộc đi. Đúng lúc đó Uy Mục thoát khỏi nỗi ám ảnh và không còn quan tâm đến nàng nữa, không quan tâm đến cả em nàng.

 

Chưa bao giờ Hoàng hậu lại trong tình cảnh này. Soi gương nàng thấy khoé mắt đã xuất hiện nếp nhăn mà vào tuổi này đáng lẽ chưa có. Cái nốt ruồi thì hình như to hơn. Hoàng hậu khóc. Thấy vậy, Trần Tu dung bĩu môi:

 

- Chị còn bằng mấy em! Mấy hôm rồi Hoàng thượng chỉ nghĩ đến chị, có thiết gì em đâu! Nhưng chị đã biết thằng Khắc Hài vừa tìm cho Hoàng thượng ả họ Lê chưa?

- Chị cũng có nghe nói. ả ta là người thế nào vậy?

 

- Ông Vũ Tá hầu bảo với em, ả quê ở Sa Lung, châu Minh Linh. Em chả biết Minh Linh ở đâu. Cho chết hết bọn người Minh Linh đi! ả ta có phải là con nhà công hầu khanh tướng gì cho cam! Ngày ả còn nhỏ, vì gia đình mắc tội nên ả phải sung vào làm nô tì cho nhà nước, khi ấy Hoàng thượng còn ở trong cung, theo học quan vương phó (***), ả ta cũng được đến học, vậy là hai bên biết nhau. Thực ra nhà vua quên ả từ rồi, nếu như một hôm không kể chuyện ngày nhỏ của mình cho Khắc Hài nghe, thế là thằng mất giống ấy cố công tìm được ả ta cho Hoàng thượng. Hoàng thượng có mới nới cũ, quên chị em mình là vì cả ngày cứ quấn lấy ả, nghe nói phong ngay cho ả ta làm Quý phi, còn em mãi vẫn Tu dung!

- Có lẽ ả phải đẹp lắm.

 

- Chắc thế. Giá gì em rạch nát được cái mặt ả ta cho hả giận!

Hoàng hậu nhìn em ngỡ ngàng. Con bé hồi ở nhà tuy có đành hanh nhưng không ngờ bây giờ lại đến mức này!

 

Đúng là Uy Mục cả ngày quấn lấy Lê Quý phi. Họ có rất nhiều chuyện để nói với nhau, nhất là chuyện hồi cùng học vương phó, hồi ấy Uy vương chưa đầy mười tuổi, hay đùa mà lại đùa dai đùa ác, bao nhiêu lần trêu cô nô tì đến phát khóc, khóc chán thì nín chứ Uy vường không bao giờ dỗ và càng không bao giờ ân hận hoặc mủi lòng. Một hôm, trong lúc thầy chưa đến, cũng chưa một hoàng tử nào đến, chỉ hai người với nhau, Uy vương ngồi ngắm cô nô tì, bỗng thấy cô bé đẹp và đáng yêu quá chừng. Cô bé biết mình đang được người khác chú ý bỗng bật cười khúc khích. Uy vương hỏi: “Ngươi cười gì vậy?”. “Đố biết!”. Một lúc sau Uy vương bỗng bảo: “Ta làm ngựa cho ngươi cưỡi nhá? Để đền bao nhiêu lần ta làm ngươi phải khóc!”. Cô nô tì bảo: “Không được, thầy bảo nam nữ thụ thụ bất thân, không nhớ à?”. “Thế thì ta cõng ngươi vậy?”. “Ngố thế! Cũng là gần nhau, không được!”. “Hay... cho ta thơm ngươi một cái?”. Cô nô tì tròn mắt nhìn Uy vương và bỗng ngây ra mặc cho Uy vương đến thơm vào má. Cùng nhau nhắc lại chuyện ấy, nhà vua cấu cho Lê Quý phi một cái:

- Sao bây giờ không bảo thụ thụ bất thân nữa đi!

 

Quý phi toài người lên bụng nhà vua, nhong nhong như phi ngựa, cười như nắc nẻ:

- Chả dại! Bây giờ thế thì thiệt thân à?

- Không muốn thiệt thân thì sao?

- Còn phải hỏi nữa!

 

Một hôm Lê Quý phi kể cho nhà vua rằng đêm qua mình nằm mộng, thấy một thần nhân từ phía Đông đến quỳ xuống lạy và dâng một cái tỉ và hai cái ấn. Cái tỉ là viên ngọc màu hồng đẹp như mặt trời lúc mới mọc, ánh sáng toả ra rực rỡ vô cùng, hai cái ấn thì một cái màu tím đậm, một cái màu tím nhạt.

Uy Mục đem chuyện của Lê phi ra hỏi các quan. Tả Thuyết thư ở Hàn lâm viện thưa:

- Điện hạ nối nghiệp Túc Tông hoàng đế đã ba, bốn năm nhưng Đông cung vẫn bỏ trống khiến thiên hạ mong chờ mỏi mắt. Nhưng giờ thì mừng rồi, thật là đại phúc đại hỉ cho muôn dân. Thần đọc sách, thấy từ xưa đến nay hễ các hoàng phi mơ những giấc mơ lạ là y như rằng sinh con trời. Như Bạc Thái hậu đời Hán, vốn là vợ cũ của Nguỵ Báo, Nguỵ Báo theo Hạng Vũ, bị Hán đế Lưu Bang đánh dẹp, sau đem giết. Thấy hai người vợ của Báo đẹp, Lưu Bang lưu cả hai làm vợ mình.

 

Sau ngày Hán đế mất, Lã hậu làm loạn, họ Lưu có nguy cơ mất ngôi. Hán đế có đến tám con trai của bao nhiêu bà vợ danh giá thế mà cuối cùng chỉ khi Lưu Hằng, con người đàn bà rổ rá cạp lại họ Bạc ấy lên ngôi, nhà Hán mới được yên. Vì khi có mang Hằng, Bạc Thái hậu mơ thấy mình nuốt mặt trời, lúc ấy đang đêm mà trong cung bỗng sáng rực như ban ngày!

 

Đường Trung hầu Điển sự Phụng nghi Thái giám Nguyễn Khắc Hài tâu:

- Chuyện đâu xa, xưa Quang Phục Hoàng thái hậu nằm mộng thấy Thượng đế ban cho một vị tiên đồng, bèn có mang. Hôm sinh nở lại mơ thấy Thượng đế sai tiên đồng mau xuống làm con trai bà nhưng tiên đồng dùng dắng không chịu đi ngay, Thượng để giận, cầm cái hốt ngọc đánh vào trán chảy cả máu. Bà giật mình tỉnh dậy, bèn sinh ra vua Thánh Tông. Còn... - Khắc Hài định kể tiếp bà chuyện Trường Lạc khi còn là Huy Gia Hoàng hậu lúc sắp lâm bồn nằm mộng thấy rồng vàng từ trên trời hiện xuống bay vào nơi bà ở, một lúc sau sinh vua Hiến Tông. May sao y kịp nhớ ra bà này trước đây không muốn lập Uy Mục lên ngôi nên bị nhà vua sai người giết. Y lái ngay sang việc khác: - ... Còn Quý phi nằm mộng được thần nhân dâng ngọc tỉ và ấn như vậy là điềm sinh thánh tử.

 

Uy Mục mừng lắm, bảo:

- Được như vậy cũng là do Đường Trung hầu đưa Quý phi vào cung. Trẫm sẽ hậu thưởng cho khanh.

Chuyện của Lê phi lan khắp thâm cung. Trần Tu dung nghe chuyện tức lắm, bảo Hoàng hậu:

- ả ta phen này tha hồ mà lên mặt với chị em mình đây!

Hoàng hậu buồn rầu:

- Cũng tại chị em mình bất hạnh. Em biết đấy, chị đã từng... Thôi, chị không muốn nhắc lại chuyện đau đớn đó nữa.

 

Thấy Hoàng hậu rơm rớm nước mắt, Tu dung càng tức tối:

- Đến là lộn ruột! Khóc thì được cái gì?

Trần Tu dung đùng đùng ra khỏi cung.

----------------------------------------------

(*) Trâu Canh, danh y người Trung Quốc, sang ta làm thầy thuốc, bằng châm cứu đã cứu sống Trần Dụ Tông ngày bé bị chết đuối ở Hồ Tây, sau lại chữa cho nhà vua khỏi bệnh liệt dương. Nguyễn Đại Năng, danh y đời Hồ, người đầu tiên viết sách về châm cứu ở ta.

(**) Thanh Hoa là nơi phát tích, đất căn bản của nhà Lê nên người ba phủ Thiệu Thiên, Hà Trung, Tĩnh Gia ở đó được tin cậy tuyển làm “huynh đệ chi binh”, gọi là quân Tam phủ.

(***) Vương phó: Thầy dạy hoàng tử.

Viết bình luận