Tiểu thuyết Mạc Đăng Dung Phần 8 tiếp

Tiểu thuyết Mạc Đăng Dung Phần 8 tiếp

Tương Dực lại một lần nữa bàn rút vào Thanh Hoa. Nghĩa Quốc công Nguyễn Văn Lang tâu:

- Trịnh Duy Sản đã làm mất hết nhuệ khí cuả triều đình, tội đáng chém đầu. Giặc nay tuy đã tới cửa ngõ kinh thành nhưng nhờ các tướng cố sống cố chết chặn chúng lại nên chúng vẫn còn cách bờ Tây sông Tô Lịch một đoạn xa. Ta nên huy động toàn bộ lực lượng, kể cả quan binh các xưởng đóng thuyền, đúc tiền, đóng gạch của Bộ Công, bày trận bên này sông Nhị Hà (*), bao nhiêu cờ xí cho cắm hết, đêm ngày trống mõ vang lừng nghi binh khiến giặc không rõ thực hư thế nào, tưởng quân các xứ đã về cứu giá. Cố gắng cầm cự, chờ các nơi về, thể nào cũng lui được giặc.

 

Nguyễn Hoằng Dụ bàn:

- Trần Tuân chỉ vì muốn trả thù cho Trần thị mà làm phản, nay ta cho triều đình để tang theo nghi thức Hoàng thái hậu rồi cho người mang bài vị và khéo ăn nói trại giặc phủ dụ, có khi Tuân nghe ra mà lui binh. Trước mắt như thế rồi sau sẽ liệu.

 

Vua làm theo cách của Hoằng Dụ. Trần Tuân nhận bài vị Trần Hoàng hậu, tế lễ xong, chẳng những không rút quân mà còn thúc quân đánh mạnh hơn. Đôi bên đánh nhau một trận lớn, xác thuyền xác người ngập cả một đoạn sông Tô Lịch, sông Nhĩ Hà, thuyền bị đốt cháy lửa khói nghi ngút ngày đêm.

Một đêm Minh Luân bá Lê Niệm, Thái giám Lê Văn Huy và hai lực sĩ ở ti

 

Hải Thanh và Hà Thanh chèo thuyền sang sông Tô Lịch để dò la tình hình giặc, lúc này mới hay bao nhiêu phố xá quanh chợ An Gia đều cháy hết, xã Quả Hối không còn một nóc nhà. Họ tìm được bọn Duy Sản ẩn náu ở một nghĩa địa, thấy thủ hạ Duy Sản chỉ còn còn chưa đầy 30 người, bọn Lê Niệm khuyên Duy Sản rút về kinh thành. Duy Sản nói:

 

- Ba mươi người trong tay tôi là ba mươi kiện tướng, một người địch nổi trăm người. Hãy nhìn xem Mạc Đăng Dung, Đàm Cử, Cù Khắc Xương đây là những người như thế nào? Chúng tôi quyết không về. Hẹn khi nào nổ ba tiếng pháo thì đại quân triều đình sang sông.

 

Thấy Duy Sản khảng khái vậy, hai lực sĩ ở ti Hải Thanh, Hà Thanh cũng xin nguyện ở lại.

Lê Niệm, Lê Văn Huy về báo cho nhà vua biết tình hình. Tương Dực đứng ngồi không yên.

Trong khi ấy bọn Duy Sản ăn thề và xé một bên tay áo làm dấu hiệu để nhận ra nhau, đợi cho chiều tối mới bí mật tiến về phía trại giặc, giả giọng người Sơn Tây, lừa bắt được mấy tên lính của Trần Tuân, bắt bọn này chỉ Tuân ở trại nào. Đến nơi, thấy Trần Tuân mình khoác cái áo đỏ cướp được của Duy Sản hôm trước, đầu đội khăn trắng để tang Trần Thái hậu, đang ngồi trên giường bàn việc với mấy viên tướng. Bọn Duy Sản nhất tề xông vào, Tuân không kịp đề phòng, bị Duy Sản đâm chết, mấy tướng giặc kẻ bị đâm chết, kẻ bỏ chạy. Một lúc sau chúng quay lại đông không biết bao nhiêu mà kể, đuốc cháy rực trời. Duy Sản giơ cao đầu Trần Tuân, quân giặc có kẻ bỏ chạy nhưng cũng có kẻ liều chết xông vào. Duy Sản nổ ba tiếng pháo làm hiệu. Bên kia sông, thấy pháo hiệu, Nguyễn Văn Lang, Hữu Vĩnh dốc toàn bộ lực lượng, bao nhiêu ngựa voi sang sông hết, quân Trần Tuân thua to. Quân triều đình đuổi tới Thuỵ Hương, Tảo Động, Đông Ngạc, quân của Tuân bị giết và bị chết đuối rất nhiều. Tướng của Trần Tuân là Nguyễn Nghiêm đóng ở thành Sơn Tây bỏ chạy khỏi thành , bị Mạc Đăng Dung đuổi theo giết chết.

 

Anh em con cháu Trần Tuân phải bỏ nhà bỏ cửa, đổi tên họ tản đi khắp các xứ. Từ đó tình hình mới yên. Bàn định công lao các tướng, Tương Dực thăng Trịnh Duy Sản làm Nguyên Quận công, đứng đầu các Quận công. Năm sau, sử quan Lê Hy do bất mãn, chạy vào Nghệ An rồi cùng với Lê Minh Triệt nổi loạn, Duy Sản lại được sai mang quân đi đánh dẹp, trở về kinh sư, chỉ ít ngày lại lên đường tiễu phạt Phùng Chương ở Tam Đảo. Duy Sản đánh đâu thắng đấy, từ đó được vua tin cậy giao cho giữ vệ Cẩm Y, chỉ huy cấm binh.

 

*

 

Họ hàng, gia đình nhà Nguyễn Khắc Hài mấy chục người bị đóng gông bỏ cũi đưa từ Thuỷ Đường về kinh đô, chỉ riêng Bạch Yến không bị cũi; tất cả đều bị chém, đầu bêu cửa chợ, cũng chỉ riêng Bạch Yến được tha mạng và đưa vào cung. Tương Dực đế hỏi:

- Ngươi có biết vì sao trẫm lại tha cho ngươi không?

 

- Tâu bệ hạ, thần thiếp đội ơn bệ hạ...

- Ngươi có muốn hầu hạ trẫm không?

- Thiếp được sống đã là may mắn lắm. Còn như hầu bệ hạ thì thiếp không dám vì thiếp giờ đã là gái có chồng có con, thân thiếp đã nhơ nhuốc, người thiếp đã xấu xí, không xứng với bệ hạ. Trước nữa thiếp lại trót hầu vua Hiến Tông nên sợ làm điều không phải. Chẳng phải thiếp nghĩ cho thiếp mà chỉ nghĩ cho bệ hạ vì thiếp như thân con lươn nào còn sợ lấm đầu.

 

- Khanh không ngại những chuyện ấy, kẻ nào dám dị nghị, ta chém đầu. Lê phi chẳng từng là vợ Đoan Khánh đấy sao. Nghe nói ngày trước Hiến Tông yêu nàng lắm có phải không? Lại gần trẫm đây. - Tương Dực đế kéo Bạch Yến vào lòng - Chà! Không trách cha ta có bao nhiêu cung tần mỹ nữ mà chỉ say đắm mỗi nàng. Cha ta thích những ai béo tốt, khoẻ mạnh, ta cũng vậy. Khanh có biết từ “mỹ nữ” có nghĩa là như thế nào không? “Mỹ” là đẹp, tất nhiên rồi. Nhưng chính nghĩa của “mỹ” là tốt tươi, với con người thì là béo tốt. Khanh chính là mỹ nữ. Xem ngực khanh đây này, đầy cả bàn tay trẫm!

Bạch Yến làm bộ ngúng nguẩy:

 

- Bệ hạ chê thiếp sồ sề chứ gì? Từ khi sinh nở người thiếp không còn giữ được gọn gàng, với lại tuy không phải làm gì vất vả nhưng ở quê nắng nôi ao tù nước đọng nên da dẻ thiếp cũng xấu đi. Giá như thiếp biết trước bệ hạ cũng yêu thiếp thế này thì...

- Thì sao?

 

- Thì ngày trước thiếp đã không chạy đi Thuỷ Đường mà chạy ngay tới ... phủ Giản Tu công!

- Khanh dí dỏm lắm. Ngày trước khanh mà chạy tới chỗ trẫm thì con sư tử Hà Đông của trẫm nó xé xác! Còn bây giờ dẫu trẫm có bao nhiêu cung tần mỹ nữ nó cũng không dám làm gì. Trẫm đang buồn vì Hoàng hậu chỉ sinh được cho trẫm ba công chúa, các phi tần khác hàng trăm người hầu trẫm mà chưa một ai mang thai! Lê phi cũng vậy. Thầy bói bảo trẫm phải chung đụng với ai đã từng có con mới được. Khanh chớ quá buồn vì trẫm đã hại Hoa Khê vương Tùng, con nàng. Việc phải thế vì Khắc Hài đã đánh lừa trẫm, lại làm phản, dựng Tùng làm vua giả nên dù Tùng là con của Hiến Tông cũng không để cho sống được. Khanh không có tội, vì vậy trẫm vẫn để yên cho gia đình, họ hàng của khanh ở Đồ Sơn. Rồi khanh sẽ có những đứa con khác với trẫm.

 

Bạch Yến nín lặng, chồng chết, con chết, nàng rất buồn, lại càng sợ khi Khắc Hài dám bạo gan nói con của nàng với người anh trưởng của y là con Hiến Tông! May sao vua Hồng Thuận chưa biết chuyện ấy. Bây giờ, tâm sự của nhà vua làm nàng thêm mừng vì hình như nàng đã có mang đứa thứ hai. Chỉ gia đình nhà chồng nàng biết, nhưng tất cả giờ đã không còn một ai. Nếu cái thai sau này sinh ra là con trai và được nó làm vua, nàng sẽ trở thành Hoàng thái hậu. Trên đời này ai mà chẳng muốn sống, lại được sống trong vinh hiển thì ai chẳng mong.

 

Bạch Yến nũng nịu ngả người trong lòng vua, khẽ thở dài.

- Sao nàng lại thở dài?

- Thiếp nghĩ thương cho bệ hạ, đến giờ mà hoàng hậu và các phi tần, kể cả Lê Quý phi vẫn không làm cho bệ hạ vui. Thiếp mong mình sẽ khác với họ. Nhưng nếu thiếp đem tin vui đến cho bệ hạ thì bệ hạ phải phong cho thiếp làm phi cơ.

 

- Được, lúc đầu trẫm sẽ phong cho nàng làm Quý tần, đứng đầu cửu tần, rồi sau hẵng hay.

- Với lại thiếp không muốn giữ cái tên Bạch Yến nữa. Cái tên ấy ai cũng biết là từng gắn bó với vua Hiến Tông. Mà bệ hạ cũng cần xoá ấn tượng ấy, vậy nên bệ hạ đổi tên cho thiếp đi.

Tương Dực nghĩ một lúc rồi bảo:

- Ta đặt cho nàng tên là Phi Yến, được không?

 

- Giống tên cái nàng Phi Yến của Hán Thành đế à? Thôi được, thiếp nhận.

Bạch Yến ôm ghì lấy cổ Tương Dực đế rồi đưa tay xuống bụng nhà vua, khúc khích cười.

 

 

--------------------------------------------

(*) Tên sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội, do tới đây sông phân làm hai nhánh. Cũng có tài liệu viết là Nhĩ Hà.

Viết bình luận