TỔNG KẾT 10 NĂM HOẠT ĐỘNG CỦA CLB THƠ DƯƠNG KINH

UBND HUYỆN KIẾN THỤY                           CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

  CLB THƠ DƯƠNG KINH                                              Độc lập- Tự do- Hạnh phúc

       
   

 

 

BÁO CÁO

TỔNG KẾT 10 NĂM HOẠT ĐỘNG CỦA CLB THƠ DƯƠNG KINH

(16/7/2003- 16/7/2013)

Kính thưa các quý vị đại biểu

Dân tộc Việt Nam vốn là một dân tộc yêu thơ, coi thơ ca là một nhu cầu của đời sống văn hóa. Người Kiến Thụy cũng có những truyền thống tốt đẹp đó và đòi hỏi được thưởng thức. Trước yêu cầu trên, Huyện ủy và Ủy ban nhân dân huyện Kiến Thụy quyết định thành lập Câu lạc bộ thơ lấy tên là Dương Kinh, đồng thời Ủy ban nhân dân huyện cử Ban chủ nhiệm gồm 11 thành viên do ông Đặng Nam làm chủ nhiệm. Đến nay Câu lạc bộ đã vừa tròn 10 năm hoạt động có hiệu quả.

Kính thưa các quý vị đại biểu

Kiến Thụy có truyền thống lịch sử và văn hóa rất phong phú. Thời nào cũng có dấu ấn đột phá và tiên phong: Người vạn chài dám kéo đổ một vương triều, xây dựng Dương Kinh là thành phố ven sông biển đầu tiên của nước Việt Nam; nơi Kim Sơn thành lập chính quyền cách mạng đầu tiên miền duyên hải Bắc Bộ (12/7/1945) và kháng Nhật kiên cường (4/8/1945); nơi Đoàn Xá là quê hương "khoán mười" trong thời kỳ đổi mới; nơi có nhiều lễ hội độc đáo như lễ hội Minh Thề đền, chùa Hòa Liễu, lễ hội đền Mõ, lễ hội hát đúm đầm cửa Phủ v.v... Đó là kho tàng văn hóa và lịch sử quý báu tạo nguồn cảm hứng cho Câu lạc bộ thơ Dương Kinh và những người yêu thơ khai thác, khám phá, sáng tác. Tôi xin trình bầy 7 nội dung sau đây:  

1) Thơ ca Miền đất Dương Kinh luôn lấy nhiệm vụ chính trị của huyện ủy và Ủy ban nhân dân huyện Kiến Thụy để xây dựng chương trình hoạt động:

- Kỷ niệm 60 năm Ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2007) Câu lạc bộ thơ Dương Kinh đã tổ chức chương trình thơ "Bài ca không bao giờ quên" có mời nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn phó tổng biên tập báo Văn nghệ trẻ cùng một số nhà thơ, nhạc sỹ ở trung ương và thành phố Hải Phòng về dự. Đây là khúc tưởng niệm đầy ý nghĩa.

- Kỷ niệm 65 năm Ngày thương binh liệt sỹ (27/7/1947- 27/7/2012) Câu lạc bộ thơ Dương Kinh đã động viên hội viên và tranh thủ bạn bè viết về đề tài trên. Trong lòng mỗi người như là một tình cảm tự nhiên luôn thức dậy niềm rung động cao quí để tri ân các anh hùng liệt sỹ, thương bệnh binh, các bà mẹ Việt Nam anh hùng của dân tộc:

"Mẹ tiễn ba con đi bộ đội

Mẹ nhận về ba bằng Tổ Quốc ghi công                 

Bữa cơm ngày mẹ vẫn ngóng trông

Ba đôi đũa, ba bát cơm, ba phần góc chiếu

Mẹ tự hào cả ba đều trung hiếu"

(Vũ Lệnh Năng)

 

"Người bạn gái khắc khoải canh thâu

Ơi ngày cưới!

Cứ mỏi mòn tuổi son ngóng đợi

Chim gọi bạn

Quân không về, mãi tuổi hai mươi

Chim ơi!

Hót mãi chi hai nửa cuộc đời"

(Lương Xuân Dân)

 

"Em chính là bài ca đi cùng năm tháng

Hôm nay là người đẹp nhất hội làng

Em hát giữa cờ hoa và nắng mới xuân sang

Bất chợt tôi thấy em trở về                                      

"Tuổi trăng tròn ngày ra đi cứu nước"

Công việc xóm làng vẫn có em đi trước

Ơi cô gái Trường Sơn "cô gái mở đường" 

(Bùi Đức Hậu)

 

- Hưởng ứng "Ngày gia đình Việt nam" 28/6/2006 Câu lạc bộ thơ Dương Kinh đã kết phối hợp với Phòng dân số kế hoạch hóa gia đình của huyện để phát động sáng tác thơ với chủ đề trên. Kết quả có tới 122 bài thơ thể hiện mối quan hệ các thành viên trong gia đình và xã hội, bức tranh sinh hoạt trong mỗi nếp nhà cùng bao cảnh ngộ vui buồn của từng tế bào xã hội. Đó là cội nguồn, là sức mạnh của dân tộc, tô thắm thêm những giá trị truyền thống, vừa là đạo lý làm người Việt Nam hôm nay cần được gìn giữ kế thừa và phát triển. Như:

"Dạ! là thế muôn lần em dạ

Dạ! với người và dạ với ta

Dạ chấp nhận sau khi em đã rõ

Gọi dạ rồi nghe gần gũi thiết tha"

(Phạm Cuông)            

"Mồ côi cha, con có mái rạ chắn che

Có sông quê, có lũy tre khóm trúc

Có vầng dương dẫn con vững bước"

(Đặng Trinh Sáng, tác giả đã quá cố)

"Chỉ là ấm tích giỏ nan

Vị chè Núi Đối mà làm nên quê

Cho người đi kẻ trở về

Trước sông trước núi lặng nghe lòng mình"

(Trịnh Anh Đạt)

 

 

"Cánh cửa khép hờ

Mơ một lần thức dậy thấy anh

Ba mươi năm

Người lính Mỹ

Họ đến tìm em

Trao lại tấm hình chúng mình... cháy dở"

(Vũ Hữu Phách)

Theo sự chỉ đạo của thường trực huyện ủy và thường trực UBND huyện: Để chào mừng đại hội Đảng các cấp và kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của huyện (22/9/1944-22/9/2004) và 65 năm ngày Kim Sơn thành lập chính quyền cách mạng đầu tiên miền duyên hải Bắc Bộ; ngày Kim Sơn kháng Nhật cũng như kỷ niệm 469 năm và 470 năm ngày mất của Thái tổ Mạc Đăng Dung và khánh thành Khu tưởng niệm Vương triều Mạc. Câu lạc bộ thơ Dương Kinh đã phát động từng đợt sáng tác và xuất bản những tập thơ phục vụ kịp thời nhiệm vụ quan trọng trên.

Kính thưa các quý vị đại biểu

Thơ bản chất là chính trị, là đụng đến nỗi niềm tâm trạng, số phận con người, nó có sức mạnh to lớn đem đến chân, thiện, mĩ; có những phép mầu nhiệm để chinh phục con người. Người làm thơ Miền đất Dương Kinh đã tham gia làm công tác chính trị tư tưởng bằng văn học nghệ thuật với tình cảm chân thành, trong sáng, phản ảnh chân thực góp phần nâng cao nhận thức về tư duy chính trị, thực hiện nghị quyết Trung ương 5 (khóa 8) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiền tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

 

2) CLB thơ Dương Kinh luôn bền bỉ, liên tục viết thơ về truyền thống lịch sử, truyền thống văn hóa của miền quê Kiến Thụy yêu quý:

Trong 10 năm với số lượng gần 800 bài thơ viết về chủ đề trên, chiếm gần 1/4 trong tổng số trên 4.000 bài thơ. Riêng thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc chiếm trên 50% các thể thơ.

Viết thơ về lịch sử như là viết hồi ký cách mạng có ý nghĩa bổ xung cho chính sử dễ có hồn. Nhiều câu thơ đã có sức lay động tâm tư tình cảm của người dân huyện nhà:

"Xin được chép đôi dòng dư lệ

Và ngợi ca công đức Mạc triều

Dẫu thời gian trùm bao thế hệ

Vẫn vọng về đẹp giữa nguyên tiêu"

(Đỗ Quang Huy)

"Em ở Tân Trào tỉnh Tuyên Quang

Trùng điệp núi non trắng mưa ngàn

Anh ở Tân Trào thành phố Cảng

Nắng đồng bằng sông nước mênh mang"

(Đặng Trinh Tư)

"Có một chiều về đất cố đô

Bỗng bâng khuâng trước con đò làng Cổ

Con đò xưa nối ba vùng đất bãi

Cổ Trai- Kính Trực- Kim Sơn"

(Bùi Trọng Thể)

"Kim Sơn đất mẹ quê tôi

Đồng thơm hương lúa lòng người kiên trung

Nhóm lên một ngọn lửa hồng

Giữa miền duyên hải cháy bùng tỏa lan"

(Lưu Huy Mậu, tác giả đã quá cố)

Viết về liệt sỹ kháng Nhật Nguyễn Thị Bám, tác giả Quang Khoảng có câu:

"Bám vào bến nước dòng sông

Bám vào cách mạng ánh hồng ban mai

Bám vào ruộng lúa nương khoai

Bám vào hát đúm giêng hai hội làng"

3) Thơ Miền đất Dương Kinh không biên giới:

Từ ngày thành lập Câu lạc bộ thơ Dương Kinh đến nay đã xuất bản 9 tập thơ và 26 tờ Tin thơ. Số lượng tác giả là bạn bè 280. Bạn bè nói trên không chỉ ở trong thành phố Hải Phòng mà xa hơn như thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bến Tre, thành phố Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hà Tĩnh, Nghệ An v.v... Hầu hết là người Kiến Thụy hoặc đã có một thời công tác gắn bó với quê hương Kiến Thụy; một số tác giả là con cháu họ Mạc hoặc gốc Mạc cũng gửi thơ về tham gia. Đây là sự đóng góp rất quý và trân trọng. Mong rằng các bạn tiếp tục là những bông hoa đa mầu sắc làm đẹp cho đời.  Ngoài ra, CLB thơ Dương Kinh còn tổ chức giao lưu với Ban Văn nghệ Đài tiếng nói Việt Nam do nhà thơ Trần Đăng Khoa làm trưởng đoàn, nhân kỷ niệm cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 và giao lưu thơ với một số câu lạc bộ bạn như CLB thơ Lạc Hồng tỉnh Phú Thọ, Câu lạc bộ Văn thơ Bưu điện Việt Nam, CLB thơ Chân quê thi hội Hải Phòng, CLB thơ cựu giáo chức Hải Phòng, CLB thơ quận Đồ Sơn, CLB thơ xã Hồng Giang huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang v.v... Đặc biệt thơ Miền đất Dương Kinh đã được Ban quản lý Khu tưởng niệm vương triều Mạc giới thiệu trên mactrieu.vn

Nhiều hội viên có thơ giới thiệu trên lucbat.com như Quang Mên, Bùi Trọng Thể, Ngô Quang Khoát v.v... Bài thơ "Bâng khuâng" của tác giả Ngô Mạnh Trí khi được giới thiệu trên lucbat.com đã có tới 6 tác giả ở Hà Nội, Phú Thọ, Nam Định có thơ họa, trong đó một bạn thơ là công dân Việt Nam sinh sống ở nước cộng hòa Séc đã có thơ họa lại như sau:

"Ngày xưa gửi lại cánh đồng

Bao nhiêu thơ ấu bế bồng hồn quê

Bước đi một nhớ một về                              

Bao nhiêu xuân bấy bộn bề ngổn ngang"

(Minh Tuân)

 

4) Thơ ca bao giờ cũng đi vào cuộc sống:

Thời kinh tế thị thường với những biến động phức tạp trong đời sống xã hội, gây ra nhiều nhức nhối mà cố nhà thơ Tố Hữu đã viết:

"Mới bình minh đó đã hoàng hôn

Đang nụ cười tươi bỗng lệ tuôn

Đời thường sớm nắng chiều mưa vậy

Khuấy động lòng ta biết mấy buồn"

Đối với CLB thơ Dương Kinh nhiều tác giả cũng trong tâm trạng đó:

- "Chùm khế vườn nhà bỗng hóa chua

Chim vàng kiếm quả cũng quên mùa

Gốc sần trăm tuổi dầu quê cũ

Hoa tím mỗi chiều rụng lối xưa"

(Thuần Phong)       

- "Ngày xưa tường đất mái tranh

Bờ tre đón ánh trăng thanh vào nhà

Bây giờ nhà cửa chọc trời

Mà sao cảm thấy cứ vời vợi xa"

(Trần Toan)

- " Ở làng mẹ ngóng chờ con

Biết đâu khoảng tối gặm mòn vầng trăng"

(Quang Mên)

 

5) Thơ được phổ nhạc và được chuyển thể sang nhạc dân tộc:

Trong 10 năm qua, có tới 15 bài thơ của hội viên CLB thơ Dương Kinh được phổ nhạc như Đỗ Quang Huy, Bùi Trọng Thể, Nguyễn Mạnh Quỳnh, Đặng Trinh Tư, Nga Anh Hoàng, Quang Mên, Đặng Nam, Trần Minh Tuệ , Cao Thắng v.v... Riêng Câu lạc bộ thơ Dương Kinh có 2 tác giả sáng tác bài hát (cả nhạc và lời) là Văn Năng và Đỗ Quang Huy.

Một số bài thơ của hội viên CLB thơ Dương Kinh được chuyển thể sang nhạc dân tộc:

- Bài "Kim Sơn đất mẹ" thơ Đặng Nam, được Đoàn cải lương Hải Phòng chuyển thể thành hát cải lương.

- Bài thơ "Dương Kinh một thuở" của Lã Đắc Phước viết về thể hát ca trù.

- Bài thơ "Nhớ về Dương Kinh" thơ Quang Khoảng được chuyển thể hát chầu văn.

- Bài hát "Sông quê ngày ấy" thơ Đặng Trinh Tư được chuyển thể hát chầu văn

- Bài hát "Tình ca Đa Độ xanh" thơ Trần Minh Tuệ được chuyển thể theo làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh v.v...

       Đặc biệt, câu lạc bộ thơ Dương Kinh đã có 2 bài hát được huyện ủy, UBND huyện Kiến Thụy tặng thưởng nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của huyện Kiến Thụy (22/9/1944-22/9/2004):

 

 

1)  Bài hát "Đò xưa làng Cổ" phỏng thơ Bùi Trọng Thể, nhạc Tùng Ngọc

2)  Bài hát "60 năm nơi thắp lửa đầu tiên" phỏng thơ Đặng Trinh Tư, nhạc Tùng Ngọc

Nhạc đã chắp cánh cho thơ bay cao, bay xa hơn. Như:

"Một chiều ai hát về Kiến Thụy

Phượng hồng giăng lối con tim

Lung linh Dương Kinh trong nắng

Biển xa gõ nhịp trước thềm" 

(Bùi Thị Thu Hằng)

 

6) Thơ trữ tình:

Tình yêu vốn có của con người là động lực làm cho ta sức mạnh và niềm tin. Hầu như những người làm thơ đều có thơ tình:

- "Tình yêu có chết bao giờ

Lúc như sóng cả, lúc chờ trăng lên"                           

(Phạm Thị Nhung)

- "Anh hiện hóa không biết ngọt lời

Bởi muối mặn vẫn muôn đời tìm biển

Em đắm say cái cười rộng dài bờ bến

Xanh hơn mùa xuân dẫn dắt những chân trời"

(Bùi Thị Thu Hằng)

- "Mai ngày trên bến đò Đa

Em sang sông dưới mái phà nón nghiêng

Em trao ánh mắt làm tin

Anh xin sẻ nửa trái tim làm đò"

(Trần Văn Sênh)

- "Mời bà ghé sang bên chơi

Xem hoa xem cả dáng người trồng cây

Lá thơm hái tặng chiều nay

Gội đầu hong tóc khiến say lòng người"

(Nguyễn Văn Sổ)

- "Gập ghềnh anh, gập ghềnh tôi

Sao không chung gánh cả đôi gập ghềnh"

(Nguyễn Thị Minh Hằng)

- "Tình em như dải cầu vồng                                 

Vắt qua mưa nắng, uốn cong vồng trời       

Tưởng rằng lấp lánh cuộc đời

Lung linh bẩy sắc cho người ngợi khen

Nào ngờ mưa nắng đánh ghen

Cả mưa và nắng bỗng quên cầu vồng"

(Vũ Thị Vi)

 

Thơ trữ tình Miền đất Dương Kinh không sa vào ủy mị, thất vọng, thường mang tính trải nghiệm và chất chứa giọng điệu dân dã dễ đi vào lòng người.

 

7) Tổ chức xây dựng lực lượng:

a) Tổ chức:

Kết nạp hội viên, lấy tiêu chí nhiệt tình trước hết. Về năng khiếu thơ, qua thực tế sẽ bồi dưỡng dần từng bước và xác định mục tiêu phục vụ bạn đọc phổ thông mang tính cộng đồng hơn là đòi hỏi tính nghệ thuật cao.

Qua 10 năm hoạt động đến nay, CLB thơ Dương Kinh đã củng cố và phát triển  được 80 hội viên. 7 hội viên đã có tác phẩm thơ in riêng được xuất bản: Quang Mên, Trần Thu Hiền, Bùi Thị Thu Hằng, Nguyễn Sĩ Nhân, Bùi Trọng Thể, Đặng Nam, Lã Đắc Phước. Nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, tập thơ "Ngàn năm thương nhớ" của Gia Dũng, 1000 tác giả, 1000 bài thơ, có 3 tác giả của câu lạc bộ thơ Dương Kinh được tuyển chọn là Chí Ngọt, Ngô Phong Nhã, Bùi Thị Quỳnh Nga; tập thơ "Những vần thơ giữa hai thế kỷ" của Nhà xuất bản lao động có thơ của Lã Đắc Phước, Lương Xuân Dân, Nguyễn Sĩ Nhân, Trịnh Năm Thừa Tháng và Kim Thoa.  Một số hội viên chưa có điều kiện xuất bản đã in thành tập (lưu hành nội bộ) để lưu giữ và tặng bạn bè yêu thơ như Ngô Quang Khoát, Nguyễn Thị Minh Hằng, Phạm Thị Nhung, Trần Thanh Tảo, Trần Toan, Hải Hà, Đỗ Xuân Hiệu, Trần Khái, Tô Tấn Khải, Cao Thắng v.v... cũng cần được khuyến khích.

Nhiều bài hát, nhiều bài thơ của hội viên được phổ nhạc cũng đã được ghi thành đĩa CD, VCD để giới thiệu với bạn bè trong và ngoài huyện.

- Riêng 9 tập thơ với số lượng 12.000 cuốn, trong đó bán cho khách thập phương thăm quan Khu tưởng niệm vương triều Mạc (trên 650 cuốn); các xã, thị trấn mua 2450 cuốn; riêng xã Tân Trào mua 300 cuốn; một số doanh nghiệp, một số ngành trong huyện và người Kiến Thụy ở Hà Nội mua trên 550 cuốn; người Kiến Thụy ở Hải Phòng mua 1800 cuốn; số còn lại làm quà tặng. Trong tình hình hiện nay bán được số lượng thơ lớn như vậy là điều đáng quý.

- "Tin thơ": 26 số, mỗi số 200 đến 300 bản, tổng cộng gần 6500 bản; nhiều tập dày 40 đến 50 trang; Một số chuyên mục viết về Bác Hồ; trang thơ bạn bè; "Kiến Thụy xưa và nay"; "Đôi điều trao đổi"; "Hoa vườn nhà"; "Gương mặt hội viên"; "Thơ vui"; "Bình thơ", "Câu đối" nhân dịp Tết âm lịch hàng năm v.v... đã được bạn đọc trong và ngoài huyện yêu mến, coi như người bạn gần gũi.

Điều có ý nghĩa cao đẹp: Năm 2012 ca nương ca trù Vũ Thị Khìn vì tuổi cao sức yếu không thể mang lời ca tiếng hát tiếp tục phục vụ, cụ đã tặng Câu lạc bộ thơ Dương Kinh bộ đàn đáy,kèm theo bộ tăng âm, bộ trống và 2 bộ quần áo biểu diễn. CLB thơ Dương Kinh đã tổ chức lễ tiếp nhận tại gia đình cụ và sau đó cùng Ban quản lý Khu tưởng niệm Vương triều Mạc đã thành lập CLB Văn nghệ dân gian thuộc Ban quản lý Khu tưởng niệm Vương triều Mạc do ông Quang Mên làm chủ nhiệm gồm có bộ môn ca trù, chầu văn và hát chèo. Sau khi thành lập đã khẩn trương tổ chức luyện tập và biểu diễn, bước đầu đã thành công tốt đẹp.

b) Về sinh hoạt:

      Nhìn chung hội viên đến với nhau bằng tình cảm chân thành, giữ gìn sự đoàn kết, tạo niềm vui chung; Sinh hoạt ở tổ và Câu lạc bộ được nền nếp thường xuyên và luôn được cải tiến, nhiều lần còn mời một số nhà thơ về nói chuyện thơ với Câu lạc bộ như nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà thơ Trịnh Anh Đạt v.v... để nâng cao chất lượng sinh hoạt. Bên cạnh đó, việc thăm hỏi động viên hội viên khi yếu đau hoặc tứ thân phụ mẫu, vợ hoặc chồng hội viên qua đời được tổ chức thăm viếng; riêng hội viên có lời điếu đã để lại dấu ấn được gia chủ và nhân dân địa phương cảm kích.

 

       Qua 10 năm, từ những câu thơ chập chững, mộc mạc, đơn giản ban đầu, đến nay hội viên Câu lạc bộ thơ Dương Kinh viết đều lên tay, mỗi người mỗi vẻ, nhiều hội viên đã có phong cách riêng. Có những câu thơ đầy trăn trở ẩn chứa duy tư hồi tưởng thể hiện lòng trung kiên bất khuất trước mũi súng quân thù, có những câu thơ ý ở ngoài lời mang tính triết lý và nhân văn, lấy sự sống thường nhật nói lên bao cảnh xã hội ngày nay. Có những câu thơ bay bổng, lay động lòng người. Như nhà thơ Trần Đăng Khoa đã nhận xét đánh giá trong lời giới thiệu tập thơ "Miền đất Dương Kinh" tập 4:  "Ta gặp ở đây nhiều tâm trạng, nhiều số phận, nhiều hình ảnh đẹp của một vùng quê cụ thể, được phác họa khá đa dạng và phong phú. Điều ấy cho thấy các thành viên của Câu lạc bộ thơ Dương Kinh đã đứng trên một mặt bằng thơ khá cao. Có không ít những câu thơ đã vượt qua khuôn khổ của một câu lạc bộ thơ cơ sở, hòa vào "dòng lưới thơ quốc gia" góp phần làm nên vẻ đẹp của thơ ca thời hội nhập"

Sự hoạt động của Câu lạc bộ thơ Dương Kinh đạt hiệu quả tốt, 5 lần được Ủy ban nhân dân huyện Kiến Thụy tặng giấy khen cho tập thể Câu lạc bộ và tặng giấy khen một số hội viên tiêu biểu.

 

Tuy vậy, cũng còn nhiều hạn chế:

Trình độ hội viên không đồng đều lại không được đào tạo bài bản cho nên thường hay sa vào kể lể, nhiều khi lấn sang vè hoặc văn vần; về mảng đề tài đổi mới trong nông nghiệp và phát triển nông thôn còn mờ nhạt. Nhiều hội viên tuổi đời khá cao, sức khỏe có giảm ít nhiều có ảnh hưởng đến sáng tác, trong khi đó chưa tranh thủ được lực lượng trẻ tham gia Câu lạc bộ.

 

KẾT LUẬN CHUNG

       Mười năm hoạt động của Câu lạc bộ thơ Dương Kinh là một sự khởi đầu trưởng thành tốt đẹp, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của Huyện ủy và Ủy ban nhân dân huyện Kiến Thụy; đã phát huy tác dụng thơ ca nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung góp phần xây dựng con người mới để thêm yêu quê hương đất nước, thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ vững an ninh quốc phòng, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân; bước đầu tạo được phong trào "Thơ đến với đông đảo công chúng và đông đảo công chúng đến với thơ", thu hút được sự chú ý của độc giả trong và ngoài huyện được cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương hoan nghênh, có ý nghĩa quan trọng thuộc về thượng tầng kiến trúc xã hội trong mặt trận chính trị tư tưởng. Như nữ sĩ Ngân Giang đã viết:

 

"Văn chương cũng chuyển cả san hà

Tài nhân danh sĩ ngàn thu trước

Đuổi vạn hùng binh nửa khúc ca"

Thời đại chống Mỹ là thời đại "tiếng hát át tiếng bom" nghĩa là thời đại mà giá trị tinh thần cao đẹp đã vượt hẳn lên trên sự tàn bạo của đế quốc xâm lược. Đó là sức mạnh phi thường.

Cố nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi viết: "Bà con ở huyện nhà đọc tập thơ sẽ thấy yêu quê, yêu người quê hơn. Bạn bè ở xa đọc "Miền đất Dương Kinh" sẽ biết thêm nhiều điều thú vị về lịch sử vùng này, càng yêu quý thêm tấm lòng nhân hậu, đằm thắm của con người ở một dùng duyên hải để thêm yêu nhân dân ta, đất nước ta"

     Bà Trần Thu Hiền- phó ban liên lạc Hội đồng hương Kiến Thụy tại Hà Nội trong buổi tọa đàm "Thơ Miền đất Dương Kinh" đã viết: "Những người con quê hương Kiến Thụy dù ở bất kỳ nơi đâu đều cảm nhận được nét đẹp của con người và cảnh vật của quê hương mình, thêm gắn bó với quê hương. Thầm hứa hẹn mãi mãi hướng về nơi cội nguồn của mình để sống và làm việc cho xứng đáng"   

Có được những kết quả trên là nhờ sự đóng góp rất nhiệt tình và trí tuệ của hội viên, có bộ máy hoạt động của Câu lạc bộ nề nếp và đều tay, đồng thời được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy và Ủy ban nhân dân huyện Kiến Thụy sâu sát, năng động và tạo điều kiện vật chất, động viên tinh thần kịp thời; được các ban ngành, đoàn thể và các đơn vị trong huyện hưởng ứng giúp đỡ.

Hội Nhà văn Hải Phòng cùng một số nhà thơ Trung ương và Hải Phòng đã giúp đỡ động viên, giới thiệu thơ Miền đất Dương Kinh với đông đảo những người yêu thơ trong và ngoài thành phố Hải Phòng.

Đoàn Cải lương Hải Phòng, nhiều doanh nghiệp, nhiều cá nhân có hảo tâm giúp đỡ và tài trợ kinh phí để Câu lạc bộ thơ Dương Kinh hoạt động có hiệu quả.

Nhân dịp này, thay mặt Câu lạc bộ thơ Dương Kinh xin chân thành cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ quý báu đó và mong rằng thời gian tới vẫn nhận được sự giúp đỡ nhiều hơn nữa.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

ĐỊNH HƯỚNG HOẠT ĐỘNG THỜI GIAN TỚI:

1) Phát huy kết quả 10 năm hoạt động của CLB thơ Dương Kinh sẽ được vận dụng một cách sáng tạo vào chương trình thơ ca để phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị tư tưởng của Huyện ủy và UBND huyện Kiến Thụy.

2) Có kế hoạch bồi dưỡng hội viên để nâng cao trình độ, đáp ứng đòi hỏi của bạn đọc, đồng thời hướng vào lực lượng trẻ bằng cách kết phối hợp với Huyện Đoàn thanh niên, với Phòng giáo dục và đào tạo huyện; với các trường Trung học phổ thông trên địa bàn huyện Kiến Thụy.

3) Phối hợp với Ban quản lý Khu tưởng niệm vương triều Mạc xây dựng kế hoạch giới thiệu thơ ca Miền đất Dương Kinh trên mactrieu.vn

4) Đề nghị với Huyện ủy và UBND huyện Kiến Thụy: Có kế hoạch tổ chức "Đêm thơ phố huyện" đưa vào hoạt động thường xuyên gắn với "Ngày thơ Việt Nam" hàng năm; chỉ đạo các xã, Thị Trấn xây dựng tổ chức và hoạt động Câu lạc bộ thơ.

5) Đề nghị Phòng Văn hóa Thông tin và Thể dục thể thao huyện cùng Trung tâm văn hóa thông tin huyện có kế hoạch phối hợp với Câu lạc bộ thơ Dương Kinh đưa tờ "Tin thơ" và các bài hát hay của huyện vào hoạt động thường xuyên tại Nhà văn hóa các xã.

 

Kính thưa các quý vị đại biểu, kính thưa toàn thể hội nghị

Với tình cảm quý trọng, tôi xin chân thành chúc các quý vị đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc. Trân trọng cảm ơn!   

 

                                                                        ĐẶNG NAM                                                                                                                  CHỦ NHIỆM CLB THƠ DƯƠNG KINH         

Viết bình luận