VẺ ĐẸP CỦA HOA VƯỜN NHÀ

VẺ ĐẸP

CỦA HOA VƯỜN NHÀ

(Tản văn)

Tươi non mọc giữa vườn nhà

Nở hoang sơ lại mặn mà sắc hương

      Miền đất Dương Kinh (tập 5) là hợp điểm của nhiều câu thơ gợi hình, biểu cảm - cái rất cần cho thế đứng của thơ trong lòng bạn đọc. 

       Để  lay thức một rung cảm nào đó ở phía độc giả, tác giả thơ cần phải chịu suy nghĩ, cân nhắc đến mức “ lao tâm khổ tứ ”. Từ ngữ vốn dĩ rất vô tri, chỉ đơn thuần là chữ và nghĩa khô khan ..., nhưng người thơ phải biết biến nó trở nên có hồn, khiến ai đó phải bồi hồi day dứt.

      Những vần thơ dẫn ra ở đây không ngoài  mục đích cổ suý cho tinh thần trên.

      Đây là một đoạn trong bài có tựa đề Mưa

Chông chênh ngồi trước biển Đông

Biển bao nhiêu nước - tôi không giọt nào

Chỉ mong: một hạt mưa rào                      

Để tôi tắm lại khát khao một thời

                           (Mưa - Nga Anh Hoàng) 

      Nghệ thuật đối lập khá, gợi được tâm trạng. Người thì tràn trề hạnh phúc, chỉ mình ta cô đơn, lẻ loi...Ta cảm như chao đảo “chông chênh”, chờ mong và khát khao yêu thương trong biển tình như bao người!. Quả là có ấn tượng trong cách viết của Nga Anh Hoàng

      Nói về hạt thóc, người viết đã dẫn ta đến cái cội nguồn sinh ra nó. Đó là sự khổ nhọc của việc gieo trồng, là bão gió và gần đây là giá rét đến độ

       Lúa xanh chết giá còn đâu

       Mạ non hai lá rủ nhau lụi tàn 

  Và cái cảnh mất mùa, đồng trắng nước nhìn tựa khói sương, ngao ngán công cốc công cò

        Một đàn cò trắng sang ngang

        Lặn mò đáy nước đôi hàng lệ rơi

        Mênh mông sương khói cuối trời...

                     (Hạt thóc - Ngô Phong Nhã)

 

            Hình ảnh và âm thanh rất cần trong thơ. Vì nó đánh thức được trí tưởng tượng nơi người đọc.

 

Khổ thơ sau của Quang Mên khá chỉn chu trong câu chữ đã đành, lại có khả năng tạo hình, biểu cảm khi tác giả tả về người mẹ - chỗ dựa tinh thần, cội nguồn của tình yêu cuộc sống cho con:

 

            Bước chân tảo tần dáng mẹ

            Con về vịn nắng hàng cây

            Sum vầy tiếng chim lảnh lót

            Hương vườn xưa vẫn còn đây  

                                       (Giọt nhớ)

Và đây là một giọng thơ nữ đã định hình, hồn thơ đã chín:

Phút ấy trăng ru hồn cát ngu ngơ

Nỗi nhớ bình phương đại dương đồng vọng

Thương yêu quá lịm dần hồn chân sóng

Con thuyền anh - lặng lẽ cánh buồm em...

 

     Hình ảnh chồng lên hình ảnh: những trăng ru - hồn cát ngu ngơ, những hồn chân sóng, những con thuyền anh /cánh buồm em; cảm xúc đan cài trong liên tưởng (Nỗi nhơ bình phươngN - Thương yêu quá..., lặng lẽ cánh buồm em...)

Có được những dòng thơ đầy ám ảnh như thế, cần được khích lệ.

 

        Người xưa nói:

Vũ vô kiềm toả năng nương khách

   Sắc bất ba đào dị nịch nhân

(Mưa rào không có khoá mà giữ được kháchM, Sắc đẹp không có sóng mà có thể dìm được người)

 

       Thế đấy. Đọc thơ hay khiến lòng ta rung cảm. Tâm hồn ta được giao lưu với  người. Tựa mưa rào níu giữ, khách chẳng thể về. Như sắc đẹp, người đẹp quyến rũ đến mê mẩn...

     Vào thế giới thơ ca là lạc vào mê hồn trận của các nhà ảo thuật bằng ngôn từ.

 

Xưa nay, chưa có tiêu chí nào đánh giá chất lượng sản phẩm thơ. Nhưng một yêu cầu không thể thiếu mà người làm thơ nên biết và nên khai thác, đó là tưởng tượng. Từ văn bản, người đọc thơ mới hình dung liên tưởng và hiểu dụng ý của tác giả.

                  Thời gian xuyên vách đá

                   Nhuộm xanh màu lá

                   Nhuộm hồng sắc hoa

                   Nhuộm vàng sắc quả

                   Nhuộm trắng làn da...

     Đoạn thơ trên là phần đầu bài Thời gian của Chí Ngọt (người giới thiệu không giữ lại Thời gian trong câu Thời gian nhuộm xanh màu lá - BTT). Thời gian ghê gớm thế đấy (xuyên vách đá). Nhưng nó cũng tuyệt vời. Nó trang điểm cho đời, nhuộm màu cuộc sống (xanh lá, hồng hoa, vàng quả), cho con người có điều kiện phát lộ những vẻ đẹp tiềm ẩn đến tuyệt trần trắng trong ngọc ngà thiếu nữ. Người ta thường nói: thời gian làm cho tàn phai và huỷ hoại tất cả. Nhưng ở đoạn thơ trên thì ngược lại. Đoạn thơ này khá chỉn chu về chữ - nghĩa. Và cứ nghĩ: giá như tác giả vui lòng cắt bỏ đoạn thơ sau và bài thơ chỉ dừng lại ở đây thì tuyệt. Vì chức năng của thơ là gợi, là để khoảng trống cho bạn đọc suy ngẫm, và biết đâu có khi họ còn nghĩ vượt cả tầm của người viết nữa kia!

        Trong bài thơ Một mình cũng có câu thơ đầy sức gợi

Quờ tay loãng cả không gian

Hồn thơ thao thức mơ màng đêm qua

(mơ màng chưa "đắt" lắm!)   Chữ dùng ở câu đầu chất chứa tâm trạng của người trong cuộc. Đúng là một mình  lắm sự cô đơn. Bạn đời thiếu vắng, khoảng trống bao la, tìm trong vô vọng mà vẫn phải tìm, vì đó cuộc sống, rất nhân bản, nhiều khi như bản năng, một đòi hỏi tự nhiên không thể thiếu của con người! Nỗi khổ nào cũng đáng được cảm thông, nhưng sự trống trải trong tình yêu, trong hạnh phúc lứa đôi, trong cô quạnh một mình giữa đêm qua, đêm nay rồi lại đêm mai... thì không có lời động viên an ủi nào khoả lấp được! Thơ Nguyễn Thị Minh Hằng, có những nét sắc về trạng thái cảm xúc, thường là những "gập ghềnh anh, gập ghềnh tôi" khấp khểnh trên con đường duyên phận.

               Cũng viết về tình duyên, hạnh phúc lứa đôi, bài thơ Vui đến cùng thơ của tác giả Thuần Phong có đoạn

                   Với đời duyên thắm tình sâu

                   Bởi ăn trái ngọt nhớ nhau mỏng dày

                   Quái chiều bóng nắng còn say

                  Toả lan mặt sóng chân mây ánh hồng

  Bốn câu đều khá. Nhưng trội nhất câu 2 và 3. Thơ là cõi tình của thi nhân, như tình yêu lứa đôi. Được đắm mình trong hạnh phúc (ăn trái ngọt) nên hiểu nhau sâu sắc lắm, cụ thể lắm (nhớ nhau mỏng dày). Càng có độ dày của tuổi tác, càng chín về sự rung cảm của tâm hồn, như tình người, dù ở cái tuổi xế chiều, vẫn say đắm thuỷ chung.  Mê thơ đến thế là cùng "Quái chiều bóng nắng còn say"!

     Thơ nói bằng hình tượng. Người đọc thơ không nên (và không thể) bảo tác giả này, tác giả nọ nói vô lí hoặc không đúng sự thực. Hình tượng là lấy cái A để nói cái B kia mà! (hình tượng bao gồm các hệ thống hình ảnh). Cho nên khi đọc thơ, ta phải làm công việc giải mã tín hiệu ngôn ngữ. Bài thơ Nợ đời của cụ Đặng Nam là một ví dụ:

                  "Nợ đời một trả một vay"

                   Trong tôi nợ vẫn đong đầy giếng sâu

                   Sương khuya nhuộm trắng mái đầu

                   Vẫn chưa đi trọn nhịp cầu tôi ơn                  

      Nợ đời đến mức vô cùng, không xác định. Hình tượng thơ ở câu 2 và 3 giàu liên tưởng. Ai đong đo được nước nguồn giếng sâu bao giờ, cũng như không thể trả hết được công ơn của nhân dân, đất nước đã  chở che, cưu mang mỗi người trong suốt cuộc đời. Thơ cụ Đặng Nam lúc nào cũng đau đáu, nặng lòng với nước, với dân và với đời như thế. "Sương khuya nhuộm trắng mái đầu" đâu chỉ là nói về tuổi tác.  Đó là nỗi gian nan, vất vả, hiểm nghèo, gợi cho ta hình dung những năm tháng kháng chiến kiến quốc một đời cách mạng của lão đồng chí trung kiên.

Xét trên phương diện lý thuyết, người làm thơ phải hiểu điều này: Thơ là sự chắt lọc từ ngữ đến cao độ. Thi sĩ phải làm cho ngôn từ thăng hoa.Sự hấp dẫn của thơ trước hết là vẻ đẹp của ngôn từ.

Ngôn ngữ nói chung và ngôn ngữ thơ nói riêng đều có hai yếu tố tạo thành. Thứ nhất là nghĩa thông tin, thông báo về sự vật, sự việc, hiện tượng. Thứ hai là nghĩa biểu thị trực tiếp hay gián tiếp thái độ, cảm xúc của người viết. Xem mức độ và tần xuất của hai nghĩa đó, người ta mới nhận diện và đánh giá được thơ hay, thơ dở, người thơ giỏi hay tầm tầm … Có người giỏi cả hai yếu tố: lượng thông tin đã hay mà lại xốn xang cảm xúc "Mắt em là một dòng sông / Thuyền anh bơi lặng trong lòng mắt em" Lưu Trọng Lư). Làm được thơ để tạo ấn tượng mạnh cho độc giả (vốn rất khó tính!) cũng nhọc nhằn và công phu lắm. Vì thế, ta cũng nên trân trọng và nâng niu những dòng thơ nở nơi vườn dân dã.

   Những câu thơ mà tôi dẫn ra sau đây cũng có điều để nói:

" Nhà em ở phía ven sông

Câu thơ em nhặt từ trong nắng chiều

Một mình bóng nước cô liêu

Mảnh trăng thổn thức bao điều vấn vương

Xin ai đừng nói yêu đương

Tủi lòng con nhện, xót thương ruột tằm"

   Câu đầu chỉ là giới thiệu vị trí "nhà em". Từ câu 2 trở đi, không đơn thuần là thông tin nữa. Có thể tóm tắt điều tác giả định nói: một mình trong đêm, thổn thức với  những câu thơ buồn của một tâm trạng trống vắng; yêu đến cháy lòng, yêu đến vắt cạn lòng như tằm nhả tơ, thậm chí như nhện chăng lưới (!)mà vẫn cô đơn...Bấy nhiêu sự kiện phô diễn đã đủ diễn tả tâm trạng.. Nhưngm, cái tình của người trong cuộc mới da diết và xa xót biết bao! Cái buồn đắng đót  qua hình ảnh. Là câu thơ "nhặt" trong xế chiều của đời em; là mảnh trăng "cô liêu" phản chiếu đời người con gái đã nguội lạnh tình yêu. Bài thơ có cần gì dài đâu mà chất ngất nỗi niềm dang dở. Một vết thương lòng không muốn nhắc đến "Xin ai đừng nói yêu đương". Câu thơ thật giản dị mà sâu sắc. Hay ở từ "yêu đương". Nguyễn Thị Minh Hằng đã dùng từ rất "đắt" để nâng ý thơ của mình. Nếu nói "yêu thương" thì vứt đi cả bài thơ! Yêu đương thì mới là trớ trêu, đùa cợt của duyên phận. Tôi nghĩ, Vấn vương *  là một bài thơ đáng đọc. Nhưng thú thật, cái tựa đề bài thơ này chưa tương xứng với cái tầm nội dung biểu đạt của tác giả đã làm được!      Có người làm thơ thông báo, kể rất nhiều mà cái cần thì vẫn thiếu. Bởi anh  thiếu cái tình thơ. Có người tả ít mà lại rất tình. Chẳng hạn:

Người đi qua - ngày đi qua

Thôi đành đợi cái người ta đợi mình

  Hai câu kết của bài "Đợi" không nhằm mục đích thông báo sự này sự nọ. Chỉ là tâm trạng Đợi. Mà sao đay đo, da diết thế! Định nói với người ta mà không thể. Trong tầm tay mà không giữ được, huống chi người ta đã "đi qua", còn gì để níu kéo. Buông xuôi "Thôi đành" nhưng vẫn lờ mờ chờ đợi và khắc khoải ngóng trông. Người ta chờ mình, mình rụt rè hay thế nào đấy... để rồi lỡ làng dang dở. Giờ chấp nhận cái cảnh "bắc bếp chờ gạo người": Thôi đành đợi cái người  ta đợi mình. Vu vơ niềm hi vọng . Chắc đâu người ta đợi gì mình! Như rơi vào trạng thái tương tư...Tơ tưởng rồi luyến tiếc. Thấu cảnh tình yêu đơn phương và chàng chỉ còn cách mong manh đợi. Đâu phải là kẻ đa tình, mà tại mình bỏ lỡ thời cơ. Cách viết của Nga Anh Hoàng quả thực có duyên, bởi anh rất khéo đem cái tình đưa đẩy câu thơ, ý thơ, bài thơ. Điều này, người làm thơ nào chả muốn thế!

    Nhặt ra một vài câu thơ hay để bình phẩm giá trị của nghĩa biểu đạt (thông tin) và nghĩa biểu cảm (cảm xúc), thiết nghĩ đó là việc làm có ích. Nó khích lệ người viết phát huy bút lực của mình.. Bài Tình thơ của cụ Đặng Nam tả cảnh ngày chia tay tạm biệt người yêu ra đi chiến đấu, trong đó có 2 câu nổi trội:

" Lẻ loi em đứng bên cầu

Hoàng hôn nhuộm tím nhớ câu quân hành"

  Cảnh chia tay trong hoàng hôn thì nhiều thi sĩ đã nói, thậm chí diễn tả rất hay. Nhưng cái lối viết vắt dòng như thế này thì ít thấy: em đứng trong hoàng hôn nhuộm tím. Buồn mà đẹp. Và cũng thật lãng mạn. Nhớ người ở lại đến se sắt. Nhưng vì nhiệm vụ, vì lí tưởng, đành dằn lòng. Cho nên, cái đọng lại trong tâm hồn người đi là nỗi "nhớ câu quân hành". Có một thời chia li như thế thật. Không có chỗ cho những tình cảm uỷ mị, sướt mướt...Giá trị của những hình ảnh -  đặc biệt là xúc cảm của người viết tạo nên chất lượng của 2 câu thơ nổi trội này.

             Thơ hay là sự kết hợp của rất nhiều yếu tố. Đầu tiên phải là ngôn ngữ thơ ca. Chọn lựa, sắp đặt cho khéo, nhưng không quá cầu kì. Nhưng cái làm người ta mê thơ chính là cái tâm của người viết. Hãy viết ra những rung cảm chân thành và xúc động thật sự của trái tim anh. Lúc đó, thơ anh mới có chỗ đứng.

                                                       04 / 2009

                                                   Bùi Trọng Thể

(Cử nhân văn chương trường THPT Kiến Thụy)

* Các câu dẫn trong bài viết này đều lấy trong Tin thơ số 9.

VẺ ĐẸP

CỦA HOA VƯỜN NHÀ

(Từ "Miền đất Dương Kinh" tập 3

 

1. Bài "Dây vô hình" của Dương Cẩm Vân có một đoạn khá chuẩn về cách gieo vần (mở- ngỏ; anh- xanh). Câu cuối hay vì cách sử dụng cụm từ "xanh thắm xanh". Đúng là cái màu của trái tim xốn xang biết ghìm nén cảm xúc khi cần thiết của người phụ nữ

            "Cửa trái tim hé mở

            Xốn xang buổi gặp anh

            Bao chuyện còn để ngỏ

            Những lời xanh thắm xanh"

 

2. Tác giả Nga Anh Hoàng vốn có nhiều câu thơ khá hay. Ví như câu sau:

"Ao không có cá trong veo cả trời" (Không đề). Và câu lục sau đây nữa, thật độc đáo, có sức gợi hình ảnh hơn:

            "Bửa đôi tảng đá xù xì

            Ngọc ngà tìm một chút gì cho thơ"

                                    (Tìm thơ trong đất đá)

 

3. Tả về núi cao rừng rậm Tân Trào (Tuyên Quang), tác giả bài thơ "Nơi quê hương ấy Tân Trào" có một câu gợi cảnh:

"Trùng điệp núi non trắng mây ngàn"

Còn khi tả về đồng nước ven sông biển Tân Trào (Kiến Thụy) Đặng Trinh Tư cũng tạo được một hình ảnh rất ấn tượng:

"Nắng đồng bằng, sông nước mênh mang".

Thơ hay bao giờ cũng nặng về gợi, nhẹ về tả thực.

 

4.   ..."Em xao xuyến mỗi tiếng gà gọi sớm

            Như lần đầu môi ngọt lịm nụ hôn

            Thu thả dáng tím bồng bềnh phố biển

            Thảng thốt đường trăng ai nhớ... ai tìm"

Trước cảnh giao mùa, người ta dễ xúc động. Mới chỉ "Chớm thu" mà người con gái đã bâng khuâng. Thật đa cảm."Em" trong đoạn thơ trào dâng biết bao nỗi niềm tâm trạng. Trước cảnh trăng đêm nơi phố biển, người con gái đang yêu không thể không rung động. Trái tim thổn thức, bồi hồi "xao xuyến" "bồng bềnh" và bất chợt "thảng thốt" (Những từ láy được sử dụng rất đúng chỗ). Tâm trạng của người con gái lần đầu đón nhận nụ hôn ngọt lịm của người con trai. Thật đa tình!

Thơ Bùi Thị Thu Hằng có cái đắm say của vị ngọt tình yêu, khiến người đọc cũng lâng lâng giữa hai bờ thực ảo.

 

5. Bài "Ngẫm" của cụ Đặng Nam có hai câu mở đầu và hai câu kết đoạn khá sâu sắc về ý tứ và hay về cách sử dụng từ ngữ:

"Thơ người mơn mởn cành tơ

Thơ tôi ấp ủ rêu lờ mờ xanh...

... Thơ người tươi nụ thắm hoa

Thơ tôi tựa gốc cây đa ngẫm  mình".

Có hai cặp đối lập: Thơ người và thơ tôi. Người ta thơ hay "mơn mởn cành tơ", trẻ trung, non tơ, quyến rũ; còn thơ mình đã "rêu xanh ấp ủ" lại "lờ mờ xanh", ít người chú ý đến bởi ít mượt mà say đắm. Hai câu đầu nói về hình thức của thơ, hai câu sau đề cập đến nội dung thơ ca. Một đằng là "tươi nụ thắm hoa" (cách nói tách từ rất phù hợp với nội dung câu thơ), một đằng thơ chỉ như tâm sự kín đáo "tựa gốc cây đa ngẫm  mình".

            Cái tinh tế trong các câu thơ trên là cách nói ẩn dụ. Người viết muốn nói đến cái giản dị, chân chất của thơ. Thì ra cái vẻ hào nhoáng bề ngoài (thơ người) chắc gì đã hơn cái chất bên trong mộc mạc, thiết thực, không phải kiếm tìm nhiều đến chữ nghĩa (đôi khi phù phiếm) của "thơ tôi".

            Cái đọng lại sau câu chữ  phải chăng là sự thâm thuý, sâu xa của ý tình mà tác giả đã thể hiện.

 

BÙI TRỌNG THỂ

 

Viết bình luận