Xã Đại Đồng

UBND xã Đại Đồng

Số điện thoại: 0313.681.059
Hộp thư cơ quan: xadaidong@haiphong.gov.vn

Lãnh đạo cơ quan:
- Đ/c Phạm Chiến Thắng - Chủ tịch UBND xã
- Đ/c Lương Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND xã

 

1.Địa giới hành chính

Xã Đại Đồng nằm về phía Bắc huyện. Bắc giáp xã Đông Phương; Đông giáp phường Hoà Nghĩa (quận Dương Kinh); Nam giáp xã Minh Tân; phía Tây giáp sông Đa Độ với chiều dài 1,3 km. Từ trung tâm xã đến trung tâm huyện lỵ theo đường 401 dài 2 km

 Tổng diện tích tự nhiên của xã 512 ha.

 Trước năm 1945, vùng đất này thuộc tổng Đại Trà. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945 xã Đại Đồng được thành lập trên cơ sở tổng Đại Trà cũ gồm các thôn Đức Phong, Phong Cầu, Đại Trà và Lạng Côn. Năm 1956, xã Đại Đồng được tách ra thành 2 xã là Đại Đồng và Đông Phương. Địa bàn xã Đại Đồng ổn định từ đó đến nay gồm các thôn Đức Phong, Phong Cầu và Phong Quang.

Theo số liệu thống kê ngày 1/4 năm 2009, số dân xã Đại Đồng là 6476 người, với 1919 hộ. Mật độ dân số trung bình 1265 người/ km2. Số dân trong độ tuổi lao động chiếm 62% tổng số dân. Trong đó lao động nông nghiệp chiếm 68%; lao động trong các doanh nghiệp 17%, còn lại là lao động trong các ngành nghề khác. Về tôn giáo, số đông dân Đại Đồng theo đạo Phật.

2. Lịch sử - truyền thống

Đại Đồng là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước.

Cuối thế kỷ thứ X, nhân dân tổng Đại Trà đã tích cực đóng góp nhân lực vật lực theo Chu Xích Công giúp vua Lê Hoàn phá Tống bình Chiêm.

Vào cuối thế kỷ thứ XIII ở thái ấp Đại Trà  có phò mã Đô uý Văn Định Vương Trần Quốc Thi tổ chức huy động lương thảo chiêu tập binh mã tham gia kháng chiến chống quân Mông - Nguyên xâm lược.

Thời nhà Mạc có ông Nguyễn Như Quế người Đại Trà trang đã có công giúp nhà Mạc tạo dựng Vương triều, là một trong những công thần khai quốc. Ông làm quan đến chức Thái uý Trung quốc công. Cùng thời ở Đại Trà còn có ông Nguyễn Đức Cao làm quan triều Mạc được phong Thái Bảo.

Giữa thế kỷ XIX, ở thôn Đức Phong có cụ Vũ Hữu Văn là một văn thân yêu nước. Cuối thế kỷ XIX có các thủ lĩnh nông dân Cai Mon, Quyền Tâm ở thôn Đức Phong. Hưởng ứng phong trào Mạc Thiên Binh (1897), ở tổng Đại Trà có Chánh Lãnh binh Vũ Đình Đào. Những năm 1928-1929, có các thủ lĩnh nông dân Phạm Mạc, Lương Văn Lánh ở thôn Phong Cầu.  Các ông đều là những người yêu nước, gan dạ, dũng cảm nổi tiếng trong vùng. Những năm 1928-1930, tổ chức Việt Nam quốc dân Đảng đã xây dựng được cơ sở ở tổng Đại Trà. Đây là tổ chức có tư tưởng yêu nước của giai cấp tiểu tư sản Việt Nam

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền xã ra đời. Ngày 20/12/1947, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của xã được thành lập đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cách mạng ở địa phương.

Chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, quân dân Đại Đồng  đã trực tiếp chiến đấu 12 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 137 tên địch, vận động 500 tên binh sĩ địch, trong đó có 2 lính Pháp ra hàng. Những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dân Đại Đồng kiên cường vừa sản xuất vừa chiến đấu và phục vụ chiến đấu, tích cực chi viện cho tiền tuyến, lập công bắt sống giặc lái Mỹ.

 Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và thực hiện công cuộc đổi mới, nhân dân Đại Đồng đã vượt qua mọi khó khăn thử thách, khơi dậy tiềm năng lợi thế, từng bước vươn lên thực hiện mục tiêu dân giàu, địa phương vững mạnh. Đại Đồng một thời là điểm sáng về an ninh trật tự,  cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp, thâm canh tăng năng suất lúa.

Đại Đồng tự hào là một địa phương có bề dày thành tích, được Đảng, nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: hai Huân chương Kháng chiến hạng Ba về thành tích trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho công an xã (1985); mẹ Hoàng Thị Giá được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Huân chương Chiến công hạng Nhất (1985), Huân chương Chiến công hạng Ba (1969), Huân chương Lao động hạng Ba (1982, 1986). Bộ Nội vụ tặng cờ luân lưu (1981-1986); Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen đơn vị quyết thắng (1986). Xã có 426 người được tặng huân, huy chương kháng chiến các loại. Số liệt sĩ 106, thương binh 59, 4 gia đình có 5 người tham gia quân đội, 8 gia đình có 4 người tham gia quân đội.

3. Kinh tế

Kinh tế Đại Đồng chủ yếu vẫn là sản xuất nông nghiệp kết hợp phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Cơ cấu kinh tế năm 2008, nông nghiệp 68%, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ 32%. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.

 Địa phương đang hình thành các vùng chuyên canh lúa, cây rau màu, nuôi trồng thuỷ sản và phát triển kinh tế gia trại, trang trại.

Diện tích đất nông nghiệp  336 ha, trong đó phần diện tích sâu trũng ngập nước 35 ha. Năng suất lúa bình quân 5 năm qua đạt 115 tạ/ha, giá trị đạt được trên một hecta canh tác 55 triệu VND. Chăn nuôi giữ ổn định, giữ tổng đàn 5 năm qua.

Xưa ở Đại Đồng có nghề đánh bắt cá biển, đồi mồi; chế tác hàng mỹ nghệ từ ngà voi, đồi mồi, sừng gia súc, đến nay không còn. Nghề rèn  xuất hiện cách đây chừng 300 năm, nay vẫn còn một số tổ rèn. Do giữ được bí quyết gia truyền nên sản phẩm rèn ở Đại Đồng có nước tôi tốt, độ bền, sắc cao. Tuy quy mô không lớn nhưng nghề mộc, nề, sản xuất gạch ngói vẫn được duy trì. Nghề sản xuất thảm len xuất khẩu có một thời phát triển thịnh vượng thu hút hàng trăm lao động đem lại nguồn thu lớn cho địa phương, đến nay không còn, Các nghề sửa chữa máy móc, nông cụ, xe đạp, xe máy, đồ dùng dân dụng ngày càng phát triển.

Đại Đồng xưa có chợ Phong Cầu, sau chuyển về khu trung tâm xã. Mỗi ngày chợ họp một phiên vào thời gian từ 10 giờ đến 12 giờ trưa, chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân địa phương.

Đường 401 qua địa phận xã Đại Đồng dài 2 km. Đường liên thôn phủ nhựa 5,5 km, đạt 60 % kế hoạch, bê tông ngõ xóm đạt 95%. Phương tiện vận chuyển chủ yếu là các loại xe thô sơ, thuyền gỗ, thuyền nan. Cả xã có 5 ôtô vận tải, xu hướng tăng nhanh do nhu cầu vận chuyển hàng hoá phục vụ sản xuất kinh doanh.

 Thu nhập bình quân đầu người năm 2008: 10,9 triệu VND, (chưa thống kê hết nguồn thu của người đi lao động ở xa). Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,7% theo tiêu chí mới.

Hộ có nhà xây mái bằng chiếm 35%, dùng nước sạch hợp vệ sinh 80% dân số. Tỷ lệ người dùng điện thoại 40 máy/100 dân. Xe máy 3,7 người/xe. Số hộ có ti vi 97 %

4. Văn hoá xã hội

 Văn hoá trong các làng xã của Đại Đồng xưa rất phong phú và đa dạng, có sắc thái riêng của vùng. Văn hoá tinh thần được biểu hiện qua hoạt động lễ hội, duy trì tập tục thờ cúng tổ tiên, thần linh, thành hoàng làng.

Hương ước các làng xưa trọng việc lễ nghĩa, khuyến khích thuần phong mỹ tục. Hương ước các làng nay có sự kế thừa nét đẹp truyền thống, xây dựng đời sống văn hoá phù hợp với sự phát triển chung. Thiết chế văn hoá được xây dựng đồng bộ. Nhà văn hoá, đài phát thanh, bưu điện văn hoá xã hoạt động hiệu quả. Phong trào văn nghệ, thể thao quần chúng phát triển khá.

Đình Phong Cầu là một ngôi đình to nhất nhì trong vùng. Chùa Đức Phong hiện còn tấm bia đá “ Sùng nha tự” được tạo năm Vĩnh Thịnh thứ 17 (1721).

Hội thi thả diều là hoạt động văn hoá đặc sắc của người dân địa phương vào dịp cuối tiết xuân sang hạ. Thi đốt pháo cũng là nét độc đáo của người xưa ở Đại Đồng.

Ca dao, tục ngữ, truyện cổ ở Đại Đồng không nhiều, nhưng phần nào đã phản ánh được một số mặt sinh hoạt, cuộc sống của người dân. Những làn điệu ca trù, hát trống quân, hát chèo, tuồng trong những ngày hội làng xưa, nay chỉ còn lưu lại trong ký ức lớp người già.

Thời phong kiến, phần đông dân nghèo Đại Đồng đều thất  học. Song thời nào, làng nào cũng  có người dạy chữ, dạy nghề, làm nghề bốc thuốc chữa bệnh. Phong trào bình dân học vụ và xoá mù chữ chỉ được phát triển dưới chế độ mới. Năm 1959 xã được công nhận thanh toán nạn mù chữ. Năm 1990 hoàn thành phổ cập tiểu học. Năm 1999 hoàn thành phổ cập trung học cơ sở. Năm 2008 hoàn thành phổ cập trung học và nghề.

 Đến năm 2008, số người có học vị cao đẳng, đại học trở lên 287 người (thống kê cả người thoát ly). Trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn I.  Các trường mầm non, Trung học cơ sở giữ vững danh hiệu trường tiên tiến cấp huyện.

          Thời nào Đại Đồng cũng có lương y giỏi hành nghề chữa bệnh có tiếng trong vùng. Dưới chế độ mới công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân đạt được nhiều kết quả. Ban y tế xã được thành lập năm 1957. Năm 2008 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Liên tục nhiều năm liền không để xảy ra dịch bệnh trên địa bàn. Trạm y tế xã  đảm bảo đủ điều kiện khám chữa bệnh thông thường cho nhân dân địa phương.

          5. Định hướng phát triển

          Đại Đồng là một xã ven đô, giáp quận Dương Kinh, giáp thị trấn Núi Đối, có đường 5 cao tốc và đường 401 đi qua địa bàn xã và nằm cận kề bên dòng sông Đa Độ. Lợi thế vị trí địa lý ấy tạo cho Đại Đồng nhiều cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.

          Hướng phát triển chủ yếu đến năm 2020: hình thành các cơ sở sản xuất công nghiệp, kinh doanh dịch vụ, thương mại trên địa bàn. Nông nghiệp hướng vào phát triển vùng lúa cao sản, gạo chất lượng cao, cây rau màu sạch. Phát triển mô hình kinh tế trang trại kết hợp du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng.

Viết bình luận