Xã Đoàn Xá

Xã Đoàn Xá

 Số điện thoại: 3560299
Hộp thư cơ quan: xadoanxa@haiphong.gov.vn

Đ/c Phạm Hồng Cương - Chủ tịch UBND  xã 
Đ/c Phạm Mạnh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã
Đ/c Nguyễn Đình Đối - Phó Chủ tịch UBND xã

1. Địa giới hành chính
Xã Đoàn Xá nằm về phía Đông Nam huyện Kiến Thuỵ. Bắc giáp các xã Tú Sơn và Tân Phong; Đông giáp xã Đại Hợp; Tây giáp xã Ngũ Đoan; Nam giáp xã Vinh Quang (huyện Tiên Lãng) bằng gianh giới là đoạn cuối sông Văn Úc đổ ra cửa biển Nam Đồ Sơn.

Hai tuyến lộ chính từ trung tâm huyện lỵ về trung tâm xã: theo đường 401, qua 403 về xã dài 11 km; theo đường 402 qua 404, đê Cổ Tiểu về xã dài 9 km.

Tổng diện tích tự nhiên: 803,3 ha. Địa hình Đoàn Xá không bằng phẳng, xoải dần về phía triền sông Đa Độ và sông Văn Úc. Sông Văn Úc chảy qua địa phận xã với chiều dài 2.550m. Sông Đa Độ chảy qua địa phận xã với chiều dài 3.620 m. Đầm cửa Đồn là một đầm rộng, đây thực chất là đoạn sông chết.

Xưa vùng đất này có tên là làng Thiên Lộc gồm 3 xóm Đông, Nam và Đoài. Dân cư đông đúc dần và tên làng Thiên Lộc đổi thành làng Đoan Xá (làng Đoan còn có tên nôm là Đồng Cống). Thiên Lộc đứng làm tên tổng (tổng Thiên Lộc) sau đổi thành tổng Đại Lộc. Tổng Đại Lộc gồm các xã Đoan Xá, Hoè Thị, Quần Mục và Tiểu Bàng. Vào năm 1890, xã Đoan Xá tách thành 3 xã, thôn Nam đổi thành xã Đắc Lộc, thôn Đông đổi thành xã Đông Xá, thôn Đoài đổi thành xã Phúc Xá. Sau cách mạng Tháng 8/1945 xã Đoàn Xá huyện Kiến Thuỵ được thành lập gồm các làng Phúc Xá, Đắc Lộc, Đông Xá, Lộc Xá và Nam Hải. Đầu năm 1948, có thêm làng Đoan Xá được cắt từ xã Tân Phong về xã Đoàn Xá.

Hiện nay xã Đoàn Xá có 10 thôn là: Đoan Xá 1, Đoan Xá 2, Đoan Xá 3, Đoan Xá 4, Đắc lộc 1, Đắc Lộc 2,  Phúc Xá, Đông Xá, Lộc Xá, Nam Hải.

Theo số liệu thống kê ngày 1/4 năm 2009, số dân xã Đoàn Xá là 8.044 người, số hộ 2294 hộ. Mật độ dân số trung bình trên 1002 người/ km2. Số hộ làm nông nghiệp chiếm 75,8%, số  hộ làm nghề nuôi trồng thuỷ sản và đánh bắt hải sản chiếm 12,7 %, số hộ hoạt động ở các ngành nghề dịch vụ khác chiếm 11,5%. Số người trong độ tuổi lao động chiếm 57,2 % số dân. Định cư ở nước ngoài trên 300 người. Lao động xuất khẩu có thời hạn 57 người. Cả xã có 39 dòng họ đều là người kinh. Họ Mạch ở Đoàn Xá vốn là người Việt gốc Hoa từ lâu đời đến năm 1987 người cuối cùng của dòng họ này đã chết. Dân Đoàn Xá theo đạo Phật là chủ yếu. 

2. Lịch sử, truyền thống
Trong cuộc kháng chiến chống quân Mông- Nguyên xâm lược lần thứ ba  (1288), dân chúng trong vùng Đoàn Xá xưa tích cực đóng góp công sức, cùng thuỷ quân nhà Trần đánh tan đoàn thuyền chiến hơn 300 chiếc của tướng giặc Ô Mã Nhi vào ngày 08/01/1288 trên vùng cửa biển Đại Bàng (vùng biển Nam Đồ Sơn ngày nay).

Vùng đất Đoàn Xá xưa nhiều đầm lầy kênh rạch, rừng ngập mặn, là một trong những căn cứ trụ bám kháng chiến của các cuộc khởi nghĩa nông dân do Nguyễn Hữu Cầu (1744-1754), Phan Bá Vành(1821-1827) lãnh đạo.
Thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhân dân Đoàn Xá đã giúp ông Lãnh Quý một thủ lĩnh hưởng ứng rất tích cực phong trào Cần Vương.

Cuối thế kỷ 19 ở Đắc Lộc có Đề đốc Đỗ Văn Thiệu chỉ huy nghĩa quân tham gia phong trào khởi nghĩa do Mạc Đình Phúc lãnh đạo đánh vào Hải Phòng đêm ngày 15/12/1897 và đã anh dũng hy sinh.

Ảnh hưởng của phong trào Đông kinh nghĩa thục, một số nhà nho yêu nước ở Đông Xá, Đắc Lộc, Phúc Xá đã móc nối với các sỹ phu Bắc Ninh đem tài liệu về làng tuyên truyền. Hình thức tế lễ tiên hiền tại văn chỉ làng là cách tuyên truyền giác ngộ thanh niên, thu hút nhiều người tham gia.

Năm 1910, 27 hộ thuộc đồn điền Đoan Xá đã đứng lên đấu tranh đòi chủ đồn điền phải giảm tô thuế, chống áp bức bóc lột, ức hiếp tá điền. Tá điền đã dùng dao, liềm, gậy gộc, gạch đá chống trả quyết liệt bọn lính Pháp về đàn áp làm một số tên bị thương. 

Đầu năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Việt Minh huyện, hơn 1000 người kéo về Đoan Xá tịch thu và phân chia hết 60 tấn thóc của địa chủ Hoàng Thị Lan cho dân nghèo. Đây là cuộc biểu dương lực lượng quần chúng cách mạng ở huyện Kiến Thuỵ những ngày tiền khởi nghĩa.

Ngày 13/7/1945 chính quyền cách mạng lâm thời ấp đồn điền Đoan Xá được thành lập và tháng 4/1946, Uỷ ban hành chính xã Đoàn Xá ra đời. Ngày 20/6/1946, Chi bộ Đảng ấp đồn điền Đoan Xá được thành lập. Những năm kháng chiến chống Pháp, Đoàn Xá trở thành địa bàn có cơ sở mạnh của huyện. Đoàn Xá là khu vực cuối cùng của huyện Kiến Thuỵ địch tái chiếm lập lại Tề vào cuối năm 1947.

Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của xã Đoàn Xá được thành lập ngày 10/10/1948. Sự ra đời của Chi bộ Đảng đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cách mạng ở địa phương.

Đoàn Xá nằm trong tuyến đường dây giao liên, hậu cần, phục vụ cho bộ đội tỉnh Kiến An tập kích sân bay Đồ Sơn (01/1954), sân bay Cát Bi (3/1954). Quân dân Đoàn Xá đã đóng góp tích cực vào thắng lợi của 2 trận đánh này.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân dân Đoàn Xá tích cực đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến lớn, sản xuất và chiến đấu giỏi, bảo vệ vững chắc vùng đất, vùng trời, vùng biển quê hương lập nhiều chiến công xuất sắc bắt sống 2 phi công Mỹ, bắn cháy tàu chiến Mỹ. Đoàn Xá tiêu biểu cho sự trăn trở vượt nghèo khó, là nơi ra đời, nôi khoán sản phẩm trong nông nghiệp của cả nước những năm 80 thế kỷ XX; năng động sáng tạo, vượt lên làm giàu, phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Đoàn Xá được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (1999); toàn xã có 6 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; hai Huân chương Kháng chiến hạng Ba chống Pháp và chống Mỹ, hai Huân chương Chiến công hạng Ba (1972), Bằng có công với nước cho thôn Đoan Xá (1993), Huân chương Lao động hạng Nhất (2008), Huân chương Lao động hạng Nhì (2003), hai Huân chương Lao động hạng Ba (1961,1985), 546 người được nhà nước tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến các loại. Cả xã có 172 liệt sĩ, 77 thương binh.

3. Kinh tế
Kinh tế Đoàn Xá hiện nay chủ yếu vẫn là sản xuất nông nghiệp, năm 2007, nông nghiệp chiếm tỷ trọng 65%, còn lại là tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ chiếm 35%.

Trong nông nghiệp tỷ trọng trồng trọt 31%, chăn nuôi 37%, nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản 32%, tăng trưởng kinh tế đạt 11,5 %. Đoàn Xá đang trong quá trình đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, lấy phát triển chăn nuôi và nuôi trồng đánh bắt thuỷ sản làm mũi nhọn để đột phá tăng trưởng nhanh.

Là vùng đất sâu trũng, cận kề sông biển nên có độ chua mặn cao. Diện tích ngập nước quanh năm chiếm tới 40%, diện tích chỉ có thể nuôi trồng thuỷ sản chiếm 15%, trên 25% diện tích đất cấy được 2 vụ lúa, 1 vụ màu. Năm 2004 là năm có năng suất lúa cao nhất so với 10 năm trở lại đây, đạt bình quân 127 tạ/ha. Giá trị một ha canh tác hiện nay đạt 80 triệu đồng. Khâu làm đất canh tác đảm bảo cơ giới hoá 100%. Số trang trại 21, gia trại 98. Đoàn Xá là một trong những địa phương có số gia trại, trang trại nhiều nhất huyện.

 Cây rau màu có các loại chủ yếu khoai lang, khoai tây, ngô, bầu, bí, đậu, lạc, rau ngót, rau rút và các cây rau vụ đông, vụ hè đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ

 Năm 2008, diện tích nuôi trồng thuỷ sản 85 ha, sản lượng đạt 190 tấn tôm, cá các loại, giá trị đạt được 3.800 triệu VND, tăng 18% so với năm  2000.- Đánh bắt hải sản có 120 tàu thuyền, sản lượng đánh bắt 700 tấn tôm cá các loại, giá trị đạt được 8.800 triệu VND, tăng 80% so với năm 2000. 

Tổng số hộ tham gia hoạt động  kinh doanh dịch vụ: 231hộ, trong đó: hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp 42, thương mại dịch vụ 198 hộ, doanh thu đạt được 14.700 triệu VND, tăng 60% so với năm 2000. Xa xưa ở Đắc Lộc có nghề trồng dâu nuôi tằm, Đoan Xá có nghề dệt chiếu cói nay đã mai một. Các nghề sản xuất gạch, nung vôi vẫn được duy trì. Chế biến hải sản phát triển thành làng nghề Nam Hải.

Mạng lưới giao thông nông thôn phủ kín các thôn xóm, mặt đường trải nhựa có chiều dài: 6,1 km đạt 50%; bê tông ngõ xóm: 12 km đạt 90 %.

Giao thông vận tải thuỷ phát triển khá do có đội tàu thuyền lớn và truyền thống nghề sông nước lâu đời, tuy nhiên đến nay hoạt động này hạn chế. Cả xã có 7 xe ôtô vận tải. Vận chuyển bằng xe cải tiến và thuyền gỗ trong sản xuất nông nghiệp vẫn là phổ biến.
Đời sống của người dân Đoàn Xá không ngừng được nâng lên. Năm 2008 thu nhập bình quân đầu người:11 triệu VND, tăng 102 % so với năm 2000 (chưa kể thu nhập của người đi lao động xa). Bình quân lương thực: 527kg/người. - Hộ có nhà mái bằng kiên cố chiếm 24%, nhà xây mái ngói 76%. Hộ dùng nước hợp vệ sinh 90%. Xe du lịch 10, xe máy bình quân 4 người/ xe. Hộ có ti vi 99%, điện thoại 50 máy/100 dân. 

Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn  9,8% theo tiêu chí mới.

Sản phẩm đặc trưng của Đoàn Xá là các loại cá biển có giá trị kinh tế cao như cá vược, mực, tôm, cua, sứa, các loại mắm tinh chế từ tôm, cá biển tiêu thụ trên thị trường thành phố và xuất khẩu. Rượu Đoàn Xá có bí quyết trưng cất đặc biệt ngon nổi tiếng trong vùng. 

4. Văn hoá - xã hội
Các làng đều có đình thờ thành Hoàng, thôn Nam Hải có đền thờ Yết Kiêu, qua thời gian thiên tai và chiến tranh tàn phá, một số còn, một số đã mất. Di tích văn hoá đáng chú ý có chùa Đại Minh được xây dựng từ thời nhà Minh đô hộ (1407-1427), tháp đá Sùng Ân là một kiến trúc cổ có từ thời tiền Lê. Chùa Đoan Xá là Di tích lịch sử  cách mạng cấp thành phố. Lễ hội đua thuyền rồng làng Nam Hải là một trong những lễ hội tiêu biểu trong vùng.

Ngày nay trong xây dựng đời sống văn hoá mới có sự hoà quyện giữa văn hoá truyền thống và văn hoá cách mạng. Những tập tục lạc hậu bị loại bỏ, phong trào xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá được quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ. Đoàn Xá là địa phương có phong trào xây dựng đời sống văn hoá phát triển khá của huyện.

Dưới chế độ mới, giáo dục Đoàn Xá không ngừng phát triển. Xã hoàn thành xoá mù chữ năm 1959, phổ cập tiểu học năm 1991, phổ cập trung học cơ sở năm 2000, phổ cập trung học và nghề năm 2008.

Theo số liệu năm 2008, số người có học vị tiến sĩ 3, thạc sĩ 12, có trình độ Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp: 450 người (thống kê cả người thoát ly). Lao động được đào tạo nghề 25 % tổng số lao động.

 Trường Mần non đạt Danh hiệu Trường tiên tiến cấp huyện. Trường Tiểu học 30 năm liên tục đạt danh hiệu trường tiên tiến cấp thành phố, là trường chuẩn Quốc gia giai đoạn 1 (2007). Trường Trung học cơ sở là trường tiên tiến cấp Thành phố 32 năm liền.

Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân dưới chế độ mới đạt được nhiều kết quả. Xã đạt chuẩn Quốc gia về Y tế năm 2005. Trạm y tế: đảm bảo điều kiện chuyên môn, cơ sở vật chất, thuốc khám chữa bệnh thông thường cho nhân dân địa phương. Nhiều năm liền không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên năm 2008: 0,69%.

5. Định hướng phát triển 
Theo quy hoạch, trong tương lai dải đất ven sông Văn Úc thuộc xã Đoàn Xá sẽ hình thành nên khu công nghiệp tàu thuỷ. Từ đó mở ra triển vọng phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ. Nghề cá sẽ phát triển mở rộng về quy mô, tổ chức lại cho phù hợp. Kinh tế nông nghiệp hướng vào phát triển vùng lúa cao sản; chuyên canh cây rau màu sạch ở Đắc Lộc, Đông Xá, Phúc Xá, Đoan Xá 1 và Đoan Xá 4; hình thành vùng nuôi trồng thuỷ sản ven sông Đa Độ kết hợp du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cuối tuần tại các khu trang trại, nhà vườn.
 

Viết bình luận