XÃ TÂN TRÀO
1. Địa giới hành chính.
Xã Tân Trào nằm về phía Nam huyện Kiến Thụy; Bắc giáp xã Đại Hà, Tây Bắc giáp xã Kiến Quốc, Đông giáp xã Ngũ Đoan, Tây Nam và Nam giáp sông Văn Úc. Từ trung tâm xã theo đường 404 qua 402 về đến trung tâm huyện lỵ 5 km. Tổng diện tích tự nhiên của xã: 438,6 ha.
Xưa kia vùng đất này là nơi sình lầy ngập mặn và được phù sa của sông Văn Úc bồi đắp mà thành. Trước năm 1945, các làng Kỳ Sơn, Kim Sơn, Đa Ngư, Ngọc Tỉnh của xã Tân Trào đều thuộc tổng Cổ Trai. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, xã Tân Trào được thành lập trên cơ sở 4 làng trên và ổn định đến nay.
Theo số liệu thống kê ngày 01/4/2009, số dân của xã Tân Trào là 7.906 người. Mật độ dân số 1.805 người/km2. Cả xã có 81 dòng họ và 2.232 hộ dân. Lực lượng lao động chiếm 60,2% dân số; trong đó lao động nông nghiệp chiếm 38,7%, lao động doanh nghiệp chiếm 28,1%, lao động thương mại và dịch vụ chiếm 24,7%, còn lại là các ngành nghề khác.
Nhân dân Tân Trào phần lớn là theo đạo Phật; một bộ phận dân làng Kim Sơn theo đạo Thiên chúa giáo (thuộc xứ đạo Văn Khê). Trong suốt quá trình hội cư về quê hương Tân Trào sinh cơ lạc nghiệp, các thế hệ người dân nơi đây luôn nêu cao truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái đùm bọc lẫn nhau, chung lưng đấu cật để chống lại thiên tai giặc dã, xây dựng và bảo vệ quê hương.
2. Lịch sử, truyền thống.
Cùng với quá trình khai hoang, lấn biển mở mang làng xã và chăm lo cuộc sống của cả cộng đồng, nhân dân các làng Kim, Kỳ, Đa, Thống (Ngọc) xưa đã luôn sát cánh cùng với nhân dân các địa phương trong vùng tham gia các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương, đất nước. Trong cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên lần thứ 3 (1288), nhân dân trong làng đã thành lập các đội “hương binh”, tham gia trận “thuỷ chiến” quyết tử với quân Mông - Nguyên trên vùng biển cửa Đại Bàng do tướng nhà Trần là Phó đô Ngự sử Vũ Hải chỉ huy, nhiều người dân trong làng đã anh dũng hy sinh. Đầu thế kỷ XV, nhiều trai tráng trong làng đã đi theo Đỗ Nguyên Thố, Nguyễn Sư Cối (ở Nghi Dương) và nhà sư Phạm Ngọc (ở Đồ Sơn) chống lại ách đô hộ của nhà Minh.
Các cuộc khởi nghĩa nông dân của Nguyễn Hữu Cầu (1741-1751), Phan Bá Vành (1821-1827), Mạc Thiên Binh chống lại triều đình phong kiến thối nát và thực dân Pháp xâm lược đều được nhân dân tích cực tham gia. Trong phong trào Mạc Thiên Binh ở Tân Trào có các ông Đặng Quang Ừ (ở Kim Sơn) được cử làm Phó Lãnh binh; ông Vũ Văn Mộc được phong chức Khâm sai thống lĩnh các đội “hương binh” tiến đánh Hải Phòng bị thất bại, nhiều lãnh binh và dân làng đã anh dũng hy sinh để bảo vệ khí tiết.
Từ năm 1930, Kim Sơn trở thành trung tâm phong trào cách mạng của huyện. Nhiều thanh niên ưu tú được giác ngộ cách mạng, tiêu biểu là Đoàn Đắc Diễm, Nguyễn Đức Bạn. Dưới sự lãnh đạo của Việt Minh tỉnh và huyện, nhân dân Kim Sơn đứng lên giành chính quyền ngày 12/7/1945 và thành lập ra Uỷ ban dân tộc giải phóng. Ngày 04/8/1945, nhân dân làng Kim Sơn cùng toàn huyện đã đánh bại trận càn quy mô lớn của giặc Nhật nhằm tiêu diệt chính quyền cách mạng non trẻ vừa mới ra đời. Ngày 25/9/1946, Uỷ ban hành chính xã Tân Trào được thành lập. Ngày 19/10/1946, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở địa phương ra đời. Chín năm trường kỳ kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược, mặc dù phải nằm trong vòng o ép, kìm kẹp của địch, quân dân Tân Trào vẫn một lòng theo Đảng, kiên cường bám trụ, đấu tranh giải phóng quê hương, góp phần vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dân xã Tân Trào tiếp tục “vừa sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu”; sẵn sàng chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, thực hiện “thóc thừa cân, quân thừa người”, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong sự nghiệp xây dựng CNXH và thực hiện công cuộc đổi mới, phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, quân và dân xã Tân Trào không ngừng tìm tòi, sáng tạo, đoàn kết, năng động, vượt khó vươn lên với phong trào xây dựng HTX nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đền ơn đáp nghĩa, xoá đói giảm nghèo; là điểm sáng của thành phố về mô hình xây dựng thiết chế văn hoá cơ sở.
Quân dân xã Tân Trào đã được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, 2 Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì. Cả xã có 13 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 710 cá nhân được tặng thưởng Huân, Huy chương các loại (kháng chiến chống Pháp 227 và chống Mỹ 483); 9 cán bộ tiền khởi nghĩa, 72 cán bộ lão thành cách mạng, 4 gia đình có công với nước, 96 gia đình nuôi giấu cán bộ; có 1330 người tham gia quân đội, 219 liệt sỹ 48 thương binh và 19 người là bệnh binh.
3. Kinh tế.
Cơ cấu kinh tế hiện nay của xã Tân Trào chủ yếu vẫn là nông nghiệp kết hợp với phát triển ngành nghề sản xuất, kinh doanh thương mại dịch vụ. Cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch theo hướng tiến bộ, giảm tỷ trọng nông nghiệp, nâng dần tỷ trọng các ngành tiểu thủ công nghiệp - thương mại và dịch vụ.
Diện tích đất nông nghiệp 414,9 ha, diện tích vùng sâu trũng nước ngọt 28,9 ha, nước lợ ngoài đê 167,5 ha. Địa phương đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, xây dựng các vùng chuyên canh lúa, cây rau màu, nuôi trồng thuỷ sản và phát triển kinh tế trang trại, gia trại theo hướng sản xuất hàng hoá. Khuyến khích và hỗ trợ ngư dân đầu tư kinh phí mua sắm mới phương tiện tàu thuyền, ngư cụ để khai thác, đánh bắt thuỷ hải sản xa bờ và trên sông Văn Úc. Năm 2008: năng suất lúa bình quân đạt 114 tạ/ha, tăng 13%; đàn trâu, bò tăng 40%; đàn lợn tăng 30,8%; đàn gia cầm 45.436 con, tăng 29,4%; nuôi trồng thuỷ sản và khai thác hải sản tăng 467% so với năm 2000.
Nghề truyền thống lâu đời của các làng như: trồng cói, đan lưới, đóng thuyền, rèn, nhuộm đang dần mai một; nghề mộc, nề vẫn đang được duy trì.
Nhiều cơ sơ sản xuất, kinh doanh được hình thành với quy mô vừa và nhỏ, gồm gia công cơ khí, vật liệu xây dựng, nhôm kính, dịch vụ vận tải thuỷ, bộ, sửa chữa máy móc nông cụ và điện dân dụng.
Trước đây, chợ Kỳ Sơn là đầu mối giao lưu hàng hoá giữa xã Tân Trào với các địa phương lân cận và xã Vinh Quang (huyện Tiên Lãng). Chợ chủ yếu họp vào buổi trưa, quy mô nhỏ, nhưng hàng hoá trao đổi khá dồi dào, phong phú. Đến nay hầu hết các thôn đều hình thành các tụ điểm buôn bán nhỏ. Xã đang tập trung xây dựng chợ trung tâm tại Kim Sơn.
Tân Trào có món ăn bún Riêu cua làng Kỳ Sơn nổi tiếng trong vùng.
Đường huyện lộ 403, 404 qua địa bàn xã dài 3 km, nối liền địa phương với xã Đoàn Xá, Đại Hà, Ngũ Đoan và qua phà Dương Áo sang Vinh Quang (Tiên Lãng). Đường phủ nhựa liên thôn 4,3 km, đạt 100%, bê tông ngõ xóm 9,7 km, đạt 90%. Cả xã có 9 xe ô tô (vận tải 6, xe con 3); phương tiện vận tải thuỷ 3, với tổng công suất là 180 mã lực.
Thu nhập bình quân đầu người 2008: 12 triệu VND (chưa thống kê hết nguồn thu của người đi lao động ở xa).
Tỷ lệ người dùng điện thoại 40 máy/100 dân; xe máy 3 người/xe; tỷ lệ hộ có ti vi chiếm 99%, nhà xây mái bằng kiên cố 22% và dùng nước hợp vệ sinh chiếm 95% dân số.
Cuộc vận động xoá đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, các hoạt động nhân đạo từ thiện phát triển sâu rộng theo hướng xã hội hoá, ngày càng phát huy hiệu quả. Đời sống của người dân không ngừng được cải thiện nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 9,5% theo tiêu chí mới.
4. Văn hoá - xã hội.
Văn hoá vật thể và phi vật thể của xã Tân Trào rất phong phú và mang đậm bản sắc riêng của làng quê miền ven biển. Các làng đều có công trình văn hoá riêng như: đình, đền, chùa, miếu khá bề thế được xây dựng ở làng Kim Sơn, Kỳ Sơn vào thời Lê Trung hưng (thế kỷ thứ XVII); ở làng Đa Ngư và Ngọc Tỉnh vào thời Nguyễn (cuối thế kỷ XIX). Làng Kim Sơn còn có nhà thờ Thiên Chúa giáo được xây dựng vào những năm 1922-1927. Hiện nay xã có 5 di tích được Trung ương và Thành phố xếp hạng; trong đó, đình Kim Sơn được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia. Tục thờ cúng tổ tiên, thờ thành hoàng và thần linh gắn với nhiều lễ hội truyền thống và trò chơi dân gian đặc sắc của làng như: tục cúng cá Mối của ngư dân Ngọc Tỉnh; rước lợn ông Bồ, chạy đá, hát đúm ở Kỳ Sơn; vật cầu, múa Cờ, múa Tứ linh ở Kim Sơn. Các lễ hội này thường được diễn ra trong dịp Tết nguyên đán với nghi thức trang trọng, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương tham gia.
Hương ước của các làng thuộc xã Tân Trào xưa trọng việc lễ nghĩa, khuyến khích thuần phong mỹ tục, tiêu biểu là bản Hương ước của làng Kim Sơn thời kỳ “cải lương hương chính” năm 1926, do cụ Đồ Khanh soạn thảo với nhiều điểm rất tiến bộ, mang tính nhân văn sâu sắc. Kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống, Hương ước các làng văn hoá thuộc xã Tân Trào ngày nay đều có sự lựa chọn và bổ sung nhiều giá trị chuẩn mực đạo đức mới tốt đẹp.
Hệ thống thiết chế văn hoá của địa phương như: Nhà văn hoá, đài phát thanh, điểm bưu điện văn hoá xã, trung tâm văn hoá làng được xây dựng đồng bộ và hoạt động hiệu quả theo hướng xã hội hoá. Phong trào văn nghệ-thể thao quần chúng phát triển sâu rộng, 4/4 làng đều đã phát động xây dựng làng văn hoá, trong đó có 2 làng văn hoá đạt danh hiệu cấp thành phố và 2 làng đạt danh hiệu cấp huyện.
Dưới chế độ cũ, cuộc sống của người dân Tân Trào vô cùng khó khăn nên ít có người được học hành, tỷ lệ người mù chữ trên 90%. Dưới chế độ mới, giáo dục của xã Tân Trào đã có bước phát triển cả về quy mô và chất lượng. Xã đã xoá mù chữ năm 1959, hoàn thành phổ cập tiểu học năm 1999, trung học cơ sở năm 2000, phổ cập trung học và nghề năm 2008. Nhiều năm liền cả 3 trường: Trường Mầm non, Tiểu học và THCS đều đạt danh hiệu tiên tiến cấp huyện.
Theo thống kê năm 2008, số người xã TânTrào có học vị tiến sỹ 2 người, thạc sỹ 4 người; đại học, cao đẳng 320 người; trung học chuyên nghiệp và nghề 250 người (thống kê cả số người thoát ly).
Trạm y tế xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế năm 2005; không để xảy ra dịch bệnh trên địa bàn, đảm bảo đủ điều kiện khám chữa và chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân địa phương. Xã là địa bàn trắng về về ma tuý.
5. Định hướng phát triển.
Theo Quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020 đã được thành phố phê duyệt Tân Trào sẽ có khu công nghiệp tập trung của huyện, thương mại và dịch vụ tập trung trên địa bàn xã. Trong kinh tế nông nghiệp hướng vào quy hoạch phát triển hàng hoá nông sản sạch; lấy trang trại, gia trại, nuôi trồng thuỷ sản và khai thác thác hải sản làm mũi nhọn đột phá. Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, lao động, đất đai, tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH,HĐH nông nghiệp, nông thôn. Phát triển CN-TTCN, thương mại, dịch vụ và du lịch. Tích cực chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu cung cấp lao động cho các khu công nghiệp trên địa bàn.
Nguồn: Kiến Thụy xưa và nay
Viết bình luận