Báu vật nơi cửa thiền
Đầu năm 2021, thành phố Hải Phòng đón nhận tin vui: Bức tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung và phù điêu Thái Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, thuộc niên đại thế kỷ XVI, chất liệu bằng đá, đang được phụng thờ tại chùa Trà Phương, huyện Kiến Thụy, vừa được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia…
Ngày 31-12-2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2283/QĐ-TTg về việc công nhận 24 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia (đợt 9), trong đó có hai cổ vật đã được lưu giữ khoảng 470 năm tại chùa Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Đó là tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung và phù điêu Thái Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, thuộc niên đại thế kỷ XVI.
Chùa Trà Phương - nơi lưu giữ hai báu vật trên có tên chữ là Thiên Phúc tự, tên nôm là chùa Bà Đanh (tấm bia đá khắc vào năm 1562 đang lưu giữ tại chùa cho biết tên chùa thời đó là Bà Đinh). Qua khảo sát một số dấu tích còn sót lại, các nhà nghiên cứu cho rằng chùa có thể được khởi dựng từ thời nhà Lý tại thôn Trà Phương, quê hương của Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn - chính thất của Thái Tổ Mạc Đăng Dung.
Theo Từ điển Bách khoa địa danh Hải Phòng, vùng đất này tên cũ là Trà Hương, tên nôm là Chè, trước năm 1945 thuộc xã Trà Phương, tổng Trà Phương, phủ Kiến Thụy, tỉnh Kiến An và: “Tên có muộn nhất trước thế kỷ 16. Trước 1813, là xã Trà Hương, tổng Trà Hương, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương. Đời Thành Thái (nhà Nguyễn - tác giả chú thích) đổi Trà Phương vì kiêng húy”.
Vùng đất cổ này thực sự vang danh trong câu ngạn ngữ: “Cổ Trai đế vương - Trà Phương công chúa” từ khi một người con gái sinh ra ở đây - bà Vũ Thị Ngọc Toàn được chọn làm Hoàng hậu đầu tiên của Triều Mạc. Từ đó, ngôi chùa này được quan tâm tu tạo, mở rộng thành danh lam xứ Đông.
Theo sách Văn bia thời Mạc: tấm bia đá chùa Trà Phương “Tu tạo Bà Đinh tự chi bi” khắc vào năm Thuần Phúc sơ niên (1562), đời vua Mạc Mục Tông (tức Mạc Mậu Hợp) ghi lại công đức Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, cùng Khiêm vương Mạc Kính Điển và các Quốc công, Quận công cùng phu nhân, công chúa nhà Mạc cung tiến tiền của xây chùa.
Dựng bia ngày 26 tháng 8, Thuần Phúc sơ niên.
Ruộng tín thí: Ngày 8 tháng 10 nhuận năm Bính Dần, Thái hoàng Thái hậu có ruộng của bản điện được cấp và mua mới tất cả là 1 mẫu 9 sào cúng vào Thiên Phúc tự làm của tam bảo.
Kê: Một mảnh xứ ngoại tổ cội 1 mẫu 9 sào tại xã Lan Ổ, huyện An Lão; phía Đông gần ruộng của cố Hương La hầu Vũ Trụ, Tây gần ruộng An Lộc bá Vũ Du Mỹ, Nam gần chằm, Bắc gần đường. Phần trên có bia ruộng cúng tiến làm của tam bảo, giao cho chùa để tiện cày cấy và khói hương thờ thánh. Nếu ai mai táng lên ruộng, phá hoại ruộng hoặc di chuyển bia ruộng đều bị chư phật chiếu xét, tru di ba đời.
Nay thề nguyện !”
Tuy nhiên, hơn 30 năm sau, từ năm 1592 nhà Lê Trung hưng trở lại, nhà Mạc bị đánh bại phải bỏ kinh đô Thăng Long chạy, chúa Trịnh “đem quân phá hết cung điện ở Cổ Trai, hủy bia đá ở mộ, chặt hết cây trồng trong lăng” (theo Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn). Chùa Trà Phương cùng nhiều công trình kiến trúc trên vùng đất Dương Kinh đã bị tàn phá. Đến cuối thời Nguyễn, vào năm 1943, chùa được xây dựng, trùng tu lại nên mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Năm 2007, chùa Trà Phương được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.
Tuy trải qua binh lửa, thời gian tàn phá nhưng may mắn chùa vẫn còn lưu giữ nhiều dấu ấn thời Mạc như đôi sấu đá, các bia ký và đặc biệt tượng vua Mạc Đăng Dung và phù điêu Hoàng hậu của Ngài, có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, tôn giáo, mỹ thuật Việt Nam.
Sách Tượng cổ Việt Nam với truyền thống điêu khắc dân tộc của PGS.TS Chu Quang Trứ (NXB Mỹ Thuật, 2016) ca ngợi bức tượng Mạc Thái Tổ chùa Trà Phương: “Tượng ở thế ngồi thiền bán kiết, tất cả cao 76cm, trong đó đầu (kể cả mũ) tới 29cm, mặt 20cm, hai vai rộng 38cm, hai đùi khuỳnh ra 57cm, về độ dày chỉ có 24cm. Tỷ lệ không cân đối ấy làm cho tượng có đầu to vượt lên, nhưng giữa vai và mặt tượng lại tương đối cân, và do thân ngắn mà lòng đùi cũng thu hẹp, tạo cho tượng có dáng chung hơi thô, gần với các tượng lăng mộ Lam Kinh thời Lê sơ ngay trước đó, tuy nhiên vẫn đảm bảo cho tượng khi chuyển sang mặt phẳng thì nội tiếp trong hình tam giác cân, và vì vậy trông lại vững vàng, chững chạc.”
Tư thế tượng ngồi giống các vị Phật “nhưng vẫn mang bóng dáng vị hoàng đế tai to mặt lớn”, “hai cánh tay áo được chạm những nếp gấp nhăn tự nhiên làm cho tượng dễ hòa nhịp với không khí khói hương mà như động đậy” và “Điều đặc biệt là mặt trước của mũ được chạm hình con chim sẻ xòe cánh bay bổ nhào từ trên xuống, dường như muốn gợi vùng trời lồng lộng thuộc tầng vũ trụ cao vời.
Qua những cách thức trên, người ta dễ gắn vua với Phật, với Ngọc Hoàng, hay nói cách khác là ở Mạc Đăng Dung có sự quy tụ những nhân vật quyền năng nhất, được dân tôn kính nhất. Là tượng chân dung Mạc Đăng Dung, mặt tượng có nét riêng bầu bầu với những đường cong mảng căng phúng phính, song phần từ nhân trung xuống cằm dài gấp đôi phần mũi làm cho mặt tượng như được dướn lên, đàng hoàng mà phóng khoáng, đôn hậu, dễ thu hút mọi người”.
Còn phù điêu Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn hình dáng như một tấm bia đá, trán bia có hai chữ Hán “Động Chủ”, mặt sau bia có dòng chữ cho biết tượng làm ngày mồng 1 tháng 4 năm Tân Hợi (1551) do sư Phúc Huyền vâng lệnh bề trên thực hiện. PGS.TS Chu Quang Trứ nhận xét: “Tượng được thể hiện một người phụ nữ quý phái nguồn gốc dân quê, dáng người đầy đặn khỏe mạnh, mặt trái xoan phúc hậu, ngồi tọa thiền, hai tay đặt trên đùi nhưng tay phải để ngửa quay vào trong lòng còn tay trái để úp duỗi thẳng về phía trước.
Tượng có tai dài, cổ cao ba ngấn, đầu chải tóc rẽ đường ngôi ở giữa rồi chít khăn gọn gàng, bình dị như các bà thuộc lớp người nhàn nhã ở thôn quê, mình mặc áo dài phanh mở trước ngực và bụng để lộ váy áo trong. Hình khối tượng khá nuột, đường nét mềm mại, các nếp áo trang nhã. Tượng ngồi nghiêm trang nhưng dung dị, gần gũi, hai nửa gần như đăng đối, tất cả khuôn theo một khối tháp vững vàng có đường viền rõ ràng.” và “Đây là những tác phẩm tạo hình đẹp, gắn nối hai loại hình phù điêu với tượng tròn, biểu hiện cái thẩm mỹ của dân gian đối với các nhân vật quý tộc, không cầu kỳ, không diêm dúa, chân chất, thùy mị” (sách đã dẫn).
Qua chín đợt xét chọn từ năm 2012 đến nay, cả nước đã có 215 hiện vật, nhóm hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia, trong đó Hải Phòng có 6 hiện vật, nhóm hiện vật gồm: Mộ thuyền Việt Khê (phát hiện ở xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên, thuộc văn hóa Đông Sơn), Chuông chùa Vân Bản (phát hiện ở Đồ Sơn, niên đại thời Trần), thanh Long đao (niên đại: thế kỷ XVII - XVIII), hiện trưng bày tại Khu di tích tưởng niệm Vương triều Mạc (xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy), Tàu vận tải quân sự số hiệu HQ671 (niên đại: kháng chiến chống Mỹ), hiện được trưng bày tại Bảo tàng Hải quân (phường Anh Dũng, quận Dương Kinh) và hai bảo vật mới được công nhận nói trên. Đây là 6 niềm kiêu hãnh của nhân dân thành phố Cảng về truyền thống văn hóa, lịch sử quê hương.
Nguyễn Dương
Nguồn: báo an ninh Hải Phòng
Viết bình luận