Chùa Cổ Trai
Di tích chùa Cổ Trai được xây dựng tại xã Ngũ Đoan, chùa có tên chữ là Phúc Linh tự.
Địa danh Cổ Trai được nhiều người biết đến bởi đây là quê hương của các vị vua triều Mạc hồi thế kỷ 16. Làng Cổ Trai từ trước và sau thế kỷ 16 vốn là một vùng đất bằng phẳng, thuận lợi về giao thông đường thủy. Hướng chính diện của làng là dòng Đa Độ chảy ngang qua. Sông Đa Độ còn có tên là Cửu Biều, được bắt nguồn từ sông Văn Úc đổ ra cửa Đa Ngư. Đến gần Cổ Trai thì chia ra nhiều nhánh như sông Cốc, sông Sàng đổ ra cửa Đại Bàng, sông Riêng, sông He đổ ra cửa Lạch Tray. Một số tài liệu địa chí cũng nhắc đến Cổ Trai với cái tên gọi như Cổ Trai, bến đò làng này là cửa Lan Nhai, cửa Giai, đò Giai. Thần tích làng Cốc Liễn, xã Minh Tân cũng có nhắc đến Cổ Trai với tên gọi là Cổ Trai trường, dân làng có nghề đánh cá biển họp thành phường Thâm Võng (thường gọi là phường lưới). Ngoài nghề đánh cá, làm ruộng, sán xuất thuốc lào ngon nhất huyện, dân còn làm nghề thủ công hoặc buôn bán nhỏ.
Chùa Cổ Trai vốn được xây dựng từ trước thời Mạc. Khi nhà Mạc mất, nhà Lê Trung Hưng trở lại, các công trình như cung điện, lăng tẩm, chùa miếu trên quê hương nhà Mạc cũng đã bị san phẳng hoàn toàn. Theo nội dung tấm bia “Minh Danh Công Đức” hiện còn lưu tại chùa Cổ Trai cho biết: Vào thời Nguyễn, đời vua Tự Đức thứ 30 năm 1877, sư trụ trì chùa là Chiêu Tập cùng bản xã là Hương lý tú tài Nguyễn Quang, tổng đoàn Vũ Hữu Thanh, phó tổng Vũ Hữu Dương cùng toàn thể dân làng tu tạo lại ngôi chùa Phúc Linh tự làng Cổ Trai gồm các công việc cụ thể như dựng lại thượng điện, tô tượng, đúc lại chuông đồng. Toàn bộ các di vật, công trình kiến trúc của đợt trùng tu này hiện vẫn còn được gìn giữ. Trong chùa hiện còn lưu giữ được hơn 10 tấm bia đá. Tấm bia đá ghi việc tái lập lại ấp Cổ Trai ở Từ đường họ Mạc còn có ghi chép rằng việc khôi phục lại đình chùa của làng như khơi lại khí lành biển lớn, quê hương của các bậc đế vương, xây dựng nền móng vạn năm, biến tối tăm thành nơi sáng lạn.
Chùa Cổ Trai hiện tọa lạc trên cánh đồng trong một khuôn viên riêng biệt. Trong chùa có đầy đủ các pho tượng phật cùng nhiều di vật phản ánh các thời kỳ lịch sử khác nhau rất có giá trị.
Năm 2004, chùa được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố.
Viết bình luận