Chuyện mở quốc của Mạc Thái Tổ và bí ẩn về cây đại long đao

Chuyện mở quốc của Mạc Thái Tổ và bí ẩn về cây đại long đao

Thanh đại long đao của Mạc Thái Tổ (Mạc Đăng Dung) gắn liền với sự nghiệp bình thiên hạ và dựng lên vương triều Mạc điều đó là không thể phủ nhận. Xung quanh cây đại long đao mở quốc này có nhiều câu chuyện đặc biệt mà mỗi câu chuyện như là một thông điệp lịch sự đầy ý nghĩa.

Bí ẩn từ long đao và trí dũng người mở quốc

Mạc Đăng Dung (1483 – 1541) có gốc tích ở làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, phủ Kim Môn, trấn Hải Dương (nay là làng Cổ Trai, Ngũ Đoan, Kiến Thụy, Hải Phòng). Nhờ có sức khỏe và giỏi võ nên khi vua Lê Uy Mục mở khoa thi võ, Mạc Đăng Dung dự thi môn đánh vật và đỗ Đô Lực sĩ (võ Trạng nguyên), được sung quân vào Túc vệ.

Tuy nhiên tạo nên thanh thế và những chiến tích của Mạc Đăng Dung lại là những chuyện xung quanh cây đại long đao. Nhiều cuộc khảo cứu về lịch sử cũng như các dũng tướng giai đoạn từ thế kỷ XIV đến XV, nhiều ý kiến vẫn còn trái chiều từ nhiều cách tiếp cận khác nhau về công trạng cũng như những tác phong và quyết sách quân sự của Mạc Thái Tổ (Mạc Đăng Dung).

Có nhiều người cho rằng, ông chỉ là bậc ngụy quân tử, đã lợi dụng thời cơ “đục nước béo cò”, “ngư ông đắc lợi”. Thế nhưng với những gì đã đóng góp, thể hiện và để lại, Mạc Đăng Dung xứng đáng được lưu vào sử sách như một người có công trạng lớn của một giai đoạn lịch sử.

Theo ông suốt từ những ngày tấm bé đến khi mở quốc, cây đại long đao như báu vật. Nhà nghiên cứu lịch sử trung đại Trần Tiến Nam nhận định rằng: “Sự huyền bí trong cây đao này thì khoa học cũng chưa lí giải được. Có lẽ phải cần có cuộc thẩm định khoa học về vấn đề chất liệu.

Đó là binh khí duy nhất của một danh tướng cũng như một vị vua dưới thời phong kiến Việt Nam vẫn còn lưu lại đến ngày nay. Tuy nhiên việc sử dụng uyển chuyển nó để đánh trận thì chỉ có Mạc Đăng Dung mới làm được. Có danh tướng đã được Mạc Thái Tổ cho thử dùng binh khí này nhưng đã tự làm đứt tay mình”.

Bằng sự nhanh nhạy, Mạc Đăng Dung thâu tóm quyền và lập nên nhà Mạc.

Thanh long đao của Mạc Thái Tổ hay còn có một tên gọi khác là Đinh long đao. Theo nhận định của ông Nam thì cây long đao này có thể do một thợ rèn đặc biệt thuộc bậc tiền bối của Mạc Thái Tổ rèn cho ông. Trong một số tư liệu lịch sử giai đoạn này chép lại rằng:

“Biết tính khí của Mạc Đăng Dung khác người, có ước vọng và mưu tài nghiệp lớn, thầy giáo của ông khi ấy là nhà nho Chiêu Thế Toàn đã đến năn nỉ một người thợ rèn có trí tuệ uyên bác, tinh thông võ học nhưng chỉ thích ở ẩn rèn cho Mạc Thái Tổ một cây đao. Ban đầu rèn cây đao nhỏ chỉ nặng chừng 10kg, nhưng dẫu mới bước qua tuổi thiếu niên mà Mạc Đăng Dung vẫn có thể múa vù vù mà không hề có cảm giác nặng nề gì cả”.

Tuy nhiên gốc tích xuất xứ này cũng chưa được chứng minh một cách thuyết phục. Nhưng rõ ràng đến nay cây long đao vẫn được bảo toàn gần như nguyên vẹn trước mọi sự phá hủy. Hiện cây long đao có chiều dài 2.55m, cân nặng 25.6kg.

Trải qua hơn 500 năm tuổi với gần một thế kỷ bị ăn mòn do chôn giấu dưới lòng đất, nhưng cơ bản thanh long đao vẫn giữ được hình dạng và kích thước không khác lúc ban đầu là mấy dù bị sứt mẻ và gỉ sét ở nhiều chỗ. Nhìn vào hiện trạng này, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng và rất khó lý giải được sự trường tồn của cây đao.

Ông Trần Văn Đức là một thợ đúc đồng nhận định: “Vấn đề chưa hẳn nằm ở chất liệu mà còn ở kỹ thuật rèn đao. Có những kỹ thuật rèn của người xưa mà đến giờ chưa hẳn những thợ giỏi đã có thể theo kịp. Quyết định đến độ bền và sự đề kháng của những cây đao còn phụ thuộc vào sự điều tiết độ nóng của lò rèn, thời gian tôi luyện sắt thép nữa”.

Những đường đao lạ dự báo một thiên tướng

Quay lại với những đường đao đầu tiên của Mạc Thái Tổ. Dẫu khi ấy mới chỉ là một cậu bé bước qua tuổi thiếu niên nhưng Mạc Thái Tổ đã làm thầy giáo của mình cùng nhiều người ở làng Cổ Trai phải trầm trồ lấy làm lạ vì có thể nhấc bổng một cây đao nặng gần bằng trọng lượng cơ thể mình mà chẳng hề có chút khó khăn nào.

Người thợ rèn bí ẩn đã gọi ngay thầy giáo của Mạc Thái Tổ là ông Chiêu Thế Toàn vào phòng riêng và thổ lộ ngay: “Cậu bé này sẽ làm nên nghiệp lớn, không phải bằng con đường kinh sử mà chính là võ học. Những đường đao đầu tiên đã thể hiện phong thái của một vị thiên tướng”. Nghe lời phán của ông thợ rèn, Chiêu Thế Toàn càng tự hào về người học trò của mình hơn. Từ đó, không bao giờ ông quở phạt Mạc Đăng Dung mỗi khi xao nhãng việc kinh sử.

Sau khi buông ra những lời nhận định như thánh phán ấy, người thợ rèn bí ẩn âm thầm rèn cây đao mới nặng đến hơn 30kg-tương đương với trọng lượng của Mạc Đăng Dung khi ấy. Sau khi rèn xong, ông để lại cây long đao kèm với một bài kệ đại ý là: “Cơ nghiệp sẽ dựng nên từ đây, cây đao này chỉ dành cho người có duyên, dùng nó sẽ làm nên sự lớn”, rồi âm thầm bỏ đi.

Vì quá đam mê với cây long đao nên Mạc Thái Tổ cũng không còn mấy để ý đến sự biến mất của người thợ rèn kia mà một mình miệt mài luyện võ đao. Chẳng mấy chốc khả năng kỳ lạ của Mạc Đăng Dung đã lan xa. Nhiều người chỉ cần thấy ông múa cây long đao nặng mấy chục cân đã giật mình thảng thốt.

Một ẩn tích đặc biệt nữa mà có lẽ cũng mang thông điệp của người thợ rèn gửi gắm lại cho Mạc Thái Tổ là trên cây long đao có một hình đầu rồng bằng đồng thau che kín phần cuối lưỡi đao tiếp vào cán đao thay thế cho khâu đao.

Cây đại thanh đao nặng gần 30 kg đã giúp Mạc Thái Tổ làm nên nghiệp lớn.

Thoạt nhìn giống như thể đầu rồng đang há miệng nuốt lấy lưỡi đao, nhưng khi vung lên thì toàn thân rồng lại hiển lộ. Nhiều người cho rằng người thợ rèn bí ẩn đó muốn nói cho Mạc Thái Tổ biết rằng ông sẽ thành thiên tử từ chính cây long đao này. Quan sát kỹ từ chỗ hình đầu rồng còn có một lưỡi chốt chặt lưỡi đao vào cán đao.

Theo ông Nam thì đây được xem là một trong những vũ khí độc đáo nhất của thời kỳ lịch sử giai đoạn thế kỷ XIV đến thế kỷ XV. Cây long đao có thật này chẳng thua kém gì thanh long đao Yển Nguyệt của Quan Vũ trong Tam Quốc Diễn Nghĩa.

Ông Lê Hữu Nhạn, người từng được tiếp cận và bảo trì cây long đao của Mạc Thái Tổ cũng cho biết: “Nếu là người bình thường nhấc lên thôi cũng là rất vất vả rồi. Cây long đao này dù bị bào mòn qua bao thăng trầm mà trọng lượng của nó vẫn còn gần 30kg, trong khi cây long đao Yển Nguyệt trong truyền thuyết của Quan Vũ cũng chỉ nặng chưa tới 36kg kia mà. Đặc biệt, dọc sống đao của cây đại đao thần kỳ này còn có nhiều nét hoa văn rất lạ đến nay vẫn chưa lý giải được”.

Trận chiến thâu quyền và cuộc sáng lập nhà Mạc

Với những cứ liệu trên đã phần nào chứng minh rằng Mạc Thái Tổ đã thể hiện bản lĩnh phi thường của mình từ những ngày tấm bé. Và liệu rằng vị thợ rèn bí ẩn kia có phải là người dự báo được sự biến dịch của các triều đại và đến trao “thiên cơ” cho ông hay không thì vẫn còn là một bí ẩn.

Theo các tài liệu chính sử thì Mạc Đăng Dung khi bước qua tuổi 18 dẫu không ưa gì nhà Lê nhưng ông vẫn quyết thi bằng được vào chức võ tướng triều đình, và với tài năng võ thuật xuất chúng của mình, Mạc Đăng Dung nhanh chóng được nhà Hậu Lê là Lê Uy Mục trọng dụng. Mỗi lần duyệt quân chỉ cần nhìn những đường đao của Mạc Đăng Dung là Lê Uy Mục xem như mình đã nắm được nhiều phần thắng lợi trong tay.

Năm 1508, để thể hiện lòng coi trọng của mình với Mạc Đăng Dung, vua Lê Uy Mục đã giao cho ông làm Thiên Vũ Vệ Đô chỉ huy sứ ty đô, khi đó chỉ huy sứ tương đương với chức tổng thị vệ cấm thành. Hàng chục trận chiến đều được Mạc Đăng Dung mang về phần thắng vẻ vang càng khiến cho Lê Uy Mục tin tưởng ông hơn. Các binh sỹ kể lại rằng, chỉ cần một đường đao của Mạc Đăng Dung là có thể hạ gục hàng chục tên địch.

Năm 1511, Lê Tương Dực lên ngôi, tiếp tục thăng Mạc Đăng Dung làm Đô chỉ huy sứ. Tuy nhiên, do quá sa đà vào việc hưởng lạc nên dẫu võ tướng Mạc Đăng Dung có tận tụy cống hiến nhưng triều hậu Lê dưới sự điều hành của Lê Tương Dực dần đi vào suy thoái, quan quân chia làm nhiều bè phái khiến Mạc Đăng Dung đã linh cảm được số mệnh của nhà Hậu Lê. Lúc này, Mạc Đăng Dung án binh để suy ngẫm thời cuộc.

Khi các phe phái trong triều định tranh nhau và nổi loạn kịch liệt, Mạc Đăng Dung mới cứu giá. Sau hàng chục trận chiến lẫy lừng, khi đã thâu tóm được mọi quyền lực trong tay, nhà Hậu Lê lại đã mạt vận nên năm 1527, Mạc Đăng Dung quyết định lên ngôi, lập ra nhà Mạc.

Sau khi lên ngôi, khả năng điều hành triều chính của Mạc Đăng Dung có nhiều điểm rất lạ, luôn thể hiện tầm nhìn đi trước thời cuộc mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Kỳ cuối: Những quyết sách điều binh và sự tương đồng giữa Mạc Đăng Dung với Hồ Quý Ly

Theo SBĐ

 

Viết bình luận