Đền Long Động (xã Nam Tân, Nam Sách) thờ 3 danh nhân khoa bảng hàng đầu đất Việt là: Mạc Hiển Tích, Mạc Kiến Quan và Mạc Đĩnh Chi.
Đền Long Động nhìn từ trên cao
Nơi đây đã được tu bổ khang trang, xứng tầm di tích cấp quốc gia. Từ ngày 28.2-2.3, lễ hội đền Long Động lần đầu tiên được tổ chức quy mô cấp huyện.
Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia
Sau 12 năm dang dở, Dự án tu bổ, tôn tạo đền Long Động ở thôn Long Động, xã Nam Tân (Nam Sách) đến nay đã hoàn thành nhiều hạng mục, khang trang hơn, xứng tầm di tích cấp quốc gia.
Đền Long Động là 1 trong 10 di tích được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia ở Nam Sách. Đền còn có tên gọi là đền Lũng Động, thờ 3 danh nhân khoa bảng hàng đầu đất Việt là: Mạc Hiển Tích, Mạc Kiến Quan và Mạc Đĩnh Chi. Tại đây còn phối thờ nữ anh hùng liệt sĩ Mạc Thị Bưởi.
Trước năm 1953, đền Long Động là một khu di tích khá đồ sộ gồm đền, chùa và nhà tư văn. Đền lúc ấy có 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung rộng lớn nhìn về phía đông. Bên trong có nhiều câu đối, đại tự của các bậc túc nho và nhiều đồ tế tự có giá trị. Quân Pháp từng đốt phá đền, chùa hòng tiêu diệt cơ sở kháng chiến. Ngôi đền bị phá hủy hoàn toàn.
Cách đền Long Động khoảng 500 m về phía đông là lăng Quan Trạng, nơi an táng Mạc Hiển Tích, Mạc Kiến Quan và Mạc Đĩnh Chi
Gần 40 năm sau, người dân địa phương đã đồng lòng góp công, góp của khôi phục lại. Giai đoạn 1993-1999, đền Long Động được cải tạo khá khang trang theo kiểu tiền nhất hậu đinh gồm 5 gian tiền tế, 5 gian trung từ và 2 gian hậu cung. Tất cả đều làm bằng gỗ lim, lợp ngói mũi.
Đền Long Động được công nhận di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia năm 1995. Đến năm 2019, UBND tỉnh công nhận di tích đền là điểm du lịch cấp tỉnh.
Năm 2011, Dự án tu bổ, tôn tạo đền Long Động được phê duyệt với tổng mức đầu tư xây dựng hơn 43,7 tỷ đồng do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, dự án gặp vướng mắc nên bị dang dở ở giai đoạn 2. Sau đó, UBND huyện Nam Sách được giao làm chủ đầu tư giai đoạn 2. UBND huyện đã giao một số bộ phận liên quan triển khai ngay những phần việc tiếp theo và tiếp tục thi công, xây dựng những hạng mục còn lại.
Lễ hội truyền thống đền Long Động được tổ chức từ ngày 28.2-2.3 (tức 9-11.2 âm lịch), đúng dịp kỷ niệm ngày giỗ Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (ảnh tư liệu)
Kết nối lăng Quan Trạng, điện Sùng Đức
Hiện đền Long Động vẫn còn nhiều cổ vật quý, trong đó có bia Tiên hiền năm 1863, thống đá năm 1844, bát hương đá, gốm, ngai thờ 3 danh nhân và nhiều cổ vật có giá trị. Cách đền không xa về phía đông là lăng Quan Trạng, nơi an táng Mạc Hiển Tích, Mạc Kiến Quan và Mạc Đĩnh Chi. Năm 1985, khu lăng mộ này bị kẻ gian đào phá hư hỏng và được người dân địa phương xây dựng lại từ năm 1993. Từ đó đến nay, khu lăng mộ được chăm sóc, bảo vệ và tôn tạo thường xuyên.
Trong đền có các tượng thờ 3 danh nhân khoa bảng hàng đầu đất Việt là Mạc Hiển Tích, Mạc Kiến Quan và Mạc Đĩnh Chi
Từ đền Long Động nhìn ra chừng 300 m về phía đông bắc là điện Sùng Đức. Khi mới lên ngôi, Mạc Đăng Dung xây dựng điện thờ Mạc Đĩnh Chi ngay trên nền nhà cũ của ông nhưng bị tàn phá vào cuối thế kỷ XVI. Năm 2020, đông đảo con cháu Mạc tộc cùng người dân địa phương chung tay phục dựng ngôi điện này. Đến cuối năm 2022, công trình điện Sùng Đức được khánh thành.
Giờ đây, du khách đến với đền Long Động được tham quan, chiêm bái 3 di tích đều đã khang trang, quy củ là đền Long Động, lăng Quan Trạng và điện Sùng Đức. Một đoàn du khách từ Thái Bình là một chi của Mạc tộc bày tỏ sự phấn khởi khi tham quan tại đây. "Lần này về thấy mọi nơi đều đổi thay và đẹp hơn hẳn, được chăm chút tỉ mỉ, quy củ. Về đây, chúng tôi thấy như được tìm về nguồn cội của mình và càng thấy tự hào hơn khi là con cháu Mạc tộc Việt Nam", bà Nguyễn Thị Chí, Chủ tịch Hội đồng gia tộc chi họ Nguyễn Phúc chia sẻ.
Di tích là nơi đông đảo con cháu Mạc tộc và du khách thập phương về tham quan, chiêm bái
Năm nay, huyện Nam Sách lần đầu tổ chức Lễ hội truyền thống đền Long Động với quy mô cấp huyện, diễn ra từ ngày 28.2-2.3 (tức 9-11.2 âm lịch), đúng dịp kỷ niệm ngày giỗ của Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Đây là dịp để con cháu Mạc tộc và nhân dân mọi miền Tổ quốc trở về quê hương nguồn cội. Dự kiến lễ hội diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa...
Theo phả họ Mạc Việt Nam, cụ Mạc Hiển Tích sinh năm 1060 ở làng Lũng Động là người đỗ đầu khoa thi năm Quảng Hựu thứ 2 đời Lý Nhân Tông (năm 1086). Cụ được bổ nhiệm chức Hàn lâm học sĩ, sau thăng lên Thượng thư Bộ Lại, từng đi xứ Chiêm. Mạc Hiển Tích là người rất nổi tiếng, là vị Trạng nguyên thứ hai của Việt Nam, được coi là thủy tổ họ Mạc Việt Nam. Cụ Mạc Kiến Quan là em ruột cụ Mạc Hiển Tích, đỗ đầu khoa thi năm Kỷ Tỵ (1089), làm quan đến chức Thượng thư Bộ Công. Cụ Mạc Đĩnh Chi (1272-1346) là cháu đời thứ 5 của Mạc Hiển Tích, thi đỗ Trạng nguyên khoa Giáp Thìn (1304), đời vua Trần Anh Tông. Trong lần đi sứ sang Trung Quốc, tài năng của Mạc Đĩnh Chi được triều Nguyên thán phục và được xem là “Lưỡng quốc Trạng nguyên”. |
PHONG TUYẾT
Viết bình luận