ĐA ĐỘ - DÒNG SÔNG GIÀU HUYỀN THOẠI VÀ TIỀM NĂNG VĂN HÓA – DU LỊCH
Đa Độ là tên một con sông thơ mộng và giàu huyền thoại, ẩn chứa nhiều tiềm năng về thủy lợi và du lịch của thành phố cảng Hải Phòng. Sông Đa Độ tiếp nước từ sông Văn Úc tại thôn Câu Thượng, xã Quang Hưng (huyện An Lão) đổ vào sông Văn Úc tại xã Tân Trào (huyện Kiến Thụy), dài 48km. Sông tựa dáng thủy long uốn lượn hình thắt túi giống như thế của các con rồng trên các tấm bia đá, công trình kiến trúc cổ truyền thời nhà Lý (1010 – 1226), chảy qua các xã Bát Trang, Quang Hưng, An Tiến, Quốc Tuấn, Tân Dân, Tân Viên, Thái Sơn, Đông Phương, Tân Phong, Ngũ Đoan, Thanh Sơn, Đoàn Xá, Tân Trào….
Sông Đa Độ còn có tên gọi là sông Câu Thượng. Sách “ Đại Nam nhất thống chí” nhận xét về sông Câu Thượng như sau: “ Thế nước khuất khúc gọi là sông Cửu Biều; lại tách ra chảy về phía Nam qua xã Cẩm La, huyện Nghi Dương, đến Cổ Trai chia làm hai nhánh; một nhánh chảy về phía Nam vào sông Đa Ngư suốt đến cửa Úc, một nhánh chảy về phía Đông Nam đến bến Họng, có một lạch từ xã Đồ Sơn chảy đến đổ vào, suốt đến cửa Riêng…”. Sông Đa Độ là một chi lưu của sông Văn Úc (tên cổ là Uất Giang), trước kia rất lớn, đã nhiều lần đổi dòng, chuyển cửa, lúc thì đổ vào vụng biển Bàng La, khi đổ ra cửa sông Cổ Trai, rồi sông Văn Úc như bây giờ. Xưa kia, sông Đa Độ rộng lớn hơn nhiều, dòng chảy khúc quanh như chùm bầu 9 quả, nên có tên gọi là Cửu Biều Giang. Khi vụng biển cổ bị lấp dần, cửa Đại Bàng bị bồi tụ, nước sông Đa Độ không kịp thoát nước theo lối sông Sàng nên đã đổi dòng, đổi lối chảy vào sông Văn Úc như bây giờ. Những đầm hồ mênh mông nước ở huyện Kiến Thụy như đầm Lá (Kỳ Sơn), đầm Cửa Phủ (Thuận Thiên, Thụy Hương), đầm chợ Xã (Đại Hợp), đầm Cửa Đồn (Đoàn Xá)….chính là vết tích của sông Đa Độ thuở xưa.
Sách “Giao châu thủy lục ký” tương truyền do tướng nhà Minh Trương Phụ soạn đã thấy nhắc đến tuyến đường thủy qua các cửa Đại Bàng, Đa Ngư, Cổ Trai về Thăng Long. Có lẽ, sông Đa Độ là trung tâm của hệ thống giao thông này.
Trước thế kỷ XX, khi chưa làm đập Tắc Giang, xây cống Cái Riêng, Cái He…., sông Đa Độ quả là một tuyến đường thủy tuyệt vời góp phần kéo vùng cửa biển Hải Phòng lại gần với Kinh kỳ Thăng Long, nối Dương Kinh (kinh đô miền biển) với Đông Kinh (đất ngàn năm văn vật). Ngày ấy, sông Đa Độ nhộn nhịp tàu bè, hàng hóa ngập tràn, dân cư đông đúc, thịnh đạt. Đôi bờ sông dần dần hình thành nhiều thái ấp, điền trang lớn như: điền trang của dnah tướng Trần Quốc Thi ở Lạng Côn; của Vũ Hải ở Du Lễ; của công chúa Quỳnh Trân ở Mõ, May; của Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn ở Thuận Thiên, Hữu Bằng; của công chúa Chiêu Trinh ở Kha Lâm, Đẩu Sơn…vết tích của hoạt động thương mại sầm uất thuở nào, nay chỉ có thể tìm thấy bóng dáng của một số công trình kiến trúc nghệ thuật cổ mà thôi. Đó là các di tích chùa Lạng Côn, Đại Trà, Vọng Hải, Phúc Hải, Hòa Liễu, Văn Hòa, đền Mõ…
Sông Đa Độ có thủy vực đẹp, nước trong xanh. Giải thích về nguyên nhân nước sông Đa Độ có sắc xanh kỳ ảo, dân gian có nhiều thuyết. Trong đó có thuyết cho rằng, ngày xưa ở vùng này có một thôn nữ đẹp được một hoàng tử yêu tha thiết, lấy làm vợ. Khi hoàng tử lên ngôi báu, bà trở thành quý phi, luôn được kề cận bên vua. Nhưng sau vì không có con, bà xin với đức vua cho trở về quê quán. Đức vua ban tặng bà rất nhiều của cải, châu báu nhưng bà không nhận, chỉ xin nhà vua cấp cho một dải đất hoang ven biển quê nhà. Đức vua bằng lòng. Bà cùng đức vua trở về quê cũ, làng xưa, thăm lại nơi hai người gặp gỡ nên duyên. Bà nói với đức vua rằng: Thiếp xin tung dải yếm thiên thanh này, gió thổi bay đến đâu, xin nhận đất đến đấy. Dải yếm thiên thanh của bà chúa bay qua làng Tiên Cầm (An Lão) đến làng Kỳ Sơn (Kiến Thụy). Dải yếm kéo dài mãi và hóa thành sông Đa Độ bây giờ.
Lại có huyền thoại kể rằng, nước sông Đa Độ chính là nước mắt của bà chúa nhỏ xuống khi nhớ đức vua mà thành.
Cũng có truyền thuyết kể rằng khi nhà Mạc lên ngôi đã huy động dân chúng khia mở rộng lòng sông, nước mắt của phu dịch bị lao động cực nhọc đã hóa thành nước sông Đa Độ thẫm xanh, lưu vạn cổ.
Hiện nay, sông Đa Độ có cảnh quan thiên nhiên đẹp, tựa một bức tranh thủy mạc hữu tình, sống động đang đảm trách vai trò điều tiết nước nông nghiệp, phục vụ nuôi thả cá, tưới tiêu cho ruộng đồng. Nhưng dòng Đa Độ còn ẩn chứa nhiều tiềm năng du lịch, nguồn cảm hứng cho các văn nghệ sĩ thuộc nhiều loại hình nghệ thuật như thơ ca, văn học, mỹ thuật…
Phát triển du lịch sinh thái, vui chơi giải trí là hướng đi đạt hiệu quả nhất trong việc khai thác tiềm năng của sông Đa Độ. Bên sông có thể xây nhà nghỉ, khách sạn, bể bơi, các công trình thể thao, hình thành các làng, vườn trồng cây ăn quả. Dưới sông có thể tổ chức các hoạt động đua thuyền, lướt ván, thuyền văn hóa – du lịch thăm dọc sông…Đặc biệt đôi bờ sông này hiện còn nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật cổ đẹp, nhiều làng quê văn hóa có lệ hay, tục đẹp. Trong tương lai, dưới chân núi Đối sẽ hình thành một bảo tàng nghệ thuật thời Mạc ở Hải Phòng, để giới thiệu cho du khách về một thời phát triển kinh tế thương mại, thủ công nghiệp và văn hóa, nghệ thuật huy hoàng của thành phố Cảng, của đất nước.
Đa Độ - một dòng sông thơ mộng, mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa và tiềm ẩn giá trị kinh tế du lịch đang chờ bàn tay, trí tuệ của con người khai phá để làm giàu cho quê hương đất nước.
Nguồn: du lịch văn hóa Hải Phòng
Bình luận
wrokide - 08/28/2022 08:22:49
Keflex And Side Effects And Interactions stromectol buy
EssetOpep - 04/09/2022 18:11:13
Cerazette Clomid https://bestadalafil.com/ - buy cialis canada pharmacy Vepndt Cialis levitra 10 mg novartis Mkckmi https://bestadalafil.com/ - Cialis Hzxxqm Sildalis