Độc đáo Lễ hội Minh Thề ở Hải Phòng
TPO - “Nếu lấy của công làm việc công thì được các thần linh ủng hộ. Nhược bằng, có lòng tham, lấy của công làm của tư, nguyện cầu các chư vị thần linh đả tử…”, “Người nào tà tâm trộm cắp của nhau, nguyện cầu thần linh đả tử. Y như lời thề…”. Đó là những câu thề trong Lễ hội Minh Thề, huyện Kiến Thụy (TP Hải Phòng).
Độc đáo Lễ hội Minh Thề ở Hải Phòng
Ngày 18/2 (tức ngày 14 tháng Giêng), tại cụm di tích đền chùa Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy (TP Hải Phòng) đã diễn ra Lễ hội Minh Thề trước sự chứng kiến của hàng trăm người dân.
Lễ hội Minh Thề được diễn ra vào ngày 14 tháng giêng hàng năm.
Tại lễ hội, đông đảo nhân dân và du khách được chứng kiến hoạt động tế lễ tại miếu thờ. Chủ tế dùng dao vẽ một vòng tròn lớn giữa sân miếu làm Đài thề, dùng dao cắt tiết gà vào bình rượu, mời mọi người cùng uống rượu thề. Đại diện tư văn đọc Minh Thề: “Nếu lấy của công làm việc công thì được các thần linh ủng hộ. Nhược bằng, có lòng tham, lấy của công làm của tư, nguyện cầu các chư vị thần linh đả tử! Y như lời thề…”, “Người nào tà tâm trộm cắp của nhau, nguyện cầu thần linh đả tử. Y như lời thề…”
Cắt tiết kim kê uống rượu thề không tham nhũng.
Tư tưởng đặc sắc của Lễ hội Minh Thề nhằm định hướng, giáo dục mọi người, từ chức sắc đến nhân dân tích cực làm việc thiện, không làm điều ác, không tham nhũng, lấy của công làm của tư… Lễ hội Minh Thề không chỉ mang những giá trị nổi bật sâu sắc và độc đáo về lịch sử, văn hóa, giáo dục, mà còn mang tính thời sự về xây dựng trật tự, kỷ cương, tính thượng tôn pháp luật, phòng chống tham nhũng, lãng phí...
Lễ hội diễn ra quy mô trước sự chứng kiến của đông đảo người dân trong vùng.
Lễ hội Minh Thề ra đời cách đây hơn 500 năm, do vợ của Thái Thượng hoàng Mạc Đăng Dung là Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn khởi xướng. Khi đó, giữa thế kỷ XV, Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn vận động quyên góp tiền của tu tạo lại ngôi chùa cổ Thiên Phúc, số tiền dư thừa được đem mua hơn 47 mẫu ruộng để chia cho dân cày, một phần làm ruộng công.
Để đề phòng tư lợi, bà cùng dân làng lập ra Hịch văn Hội Minh Thề với lời thề lấy chí công làm trọng, không xâm phạm của công... Sau nhiều năm gián đoạn, năm 2002, lễ hội được khôi phục và năm 2017 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
HOÀNG DƯƠNG
Nguồn: Báo Tiền Phong
Viết bình luận