GIÁ TRỊ VĂN HÓA NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
Triều Mạc do Thái tổ Mạc Đăng Dung dựng lên, tồn tại trong vòng 65 năm ở kinh thành Thăng Long và 85 năm ở Cao Bằng, Lạng Sơn đã để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử dân tộc.
Luận bàn công tội nhà Mạc là việc của các sử gia và các nhà nghiên cứu. Nhưng từ thập kỷ 80 của TK XX đến nay, ngày càng có nhiều ý kiến minh oan cho một số cáo buộc đối với nhà Mạc. Ghi nhận một triều đại có những đóng góp tích cực cho tiến trình phát triển lịch sử dân tộc, Nhà nước đã coi triều Mạc như một triều đại chính thống cần được đánh giá một cách công bằng. Năm 2009, Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng khu tưởng niệm Vương triều Mạc của UBND TP Hải Phòng. Ngày 10-10-2009, tại xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng, quê hương nhà Mạc, UBND TP Hải Phòng cùng chính quyền địa phương đã tổ chức lễ khởi công xây dựng Khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc - một trong ba công trình của Hải Phòng hướng tới đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Khu tưởng niệm Vương triều Mạc tại xã Ngũ Đoan, Kiến Thụy, Hải Phòng
Trong 65 năm trị vì trên một phần lớn lãnh thổ Đàng Ngoài, 5 vua Mạc, từ Đăng Dung (1527-1529) tới Mậu Hợp (1562-1592) đã làm được một số việc tích cực.
Về kinh tế: Nhà Mạc chú trọng khẩn hoang, lập làng, đắp đê phòng lụt. Trong công thương nghiệp, nhà Mạc không theo chính sách trọng nông, ức thương của triều Lê sơ mà khuyến khích sự phát triển thủ công nghiệp, kể cả giao thương. Những phát hiện khảo cổ học gần đây chứng minh điều đó. Ở Hải Dương tìm thấy nhiều đồ gốm TK XVI. Tại vùng biển Cù Lao Chàm năm 2005 đã phát hiện con tàu cổ chở gốm sứ thời Mạc xuất khẩu ra nước ngoài bị đắm. Những hiện vật phát hiện ở hai địa điểm đó cho thấy TK XVI của nhà Mạc là thời kỳ rực rỡ của gốm hoa lam Việt Nam đồng thời phản ánh sự phát triển giao thương của người Việt thời bấy giờ.
Việc buôn bán trong nước và với nước ngoài được đẩy mạnh. Các văn bia thời Mạc đã ghi rõ những hoạt động xây cầu, lập chợ ở địa phương, đặc biệt là các cảng thị ven sông ở Thăng Long, Phố Hiến (Hưng Yên).
Về khoa cử: Chú trọng tổ chức các kỳ thi kén chọn nhân tài, mở 22 khoa thi hội, lấy đậu 485 tiến sĩ. 13/46 trạng nguyên của 800 năm nền thi cử Hán học nước ta là thuộc giai đoạn nhà Mạc. Nhiều người trong số đó đã có những đóng góp đáng kể cho văn học và văn hóa thời Mạc. Trong số đó nổi bật nhất là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà hoạt động chính trị, nhà thơ, nhà tiên tri nổi tiếng với những câu sấm ký tiên đoán sự việc trước mấy trăm năm. Nguyễn Bỉnh Khiêm còn là một thày giáo đã đào tạo nên nhiều nhân tài như tể tướng Giáp Hải, tiến sĩ Đinh Thời Trung, Phùng Khắc Khoan (Trạng Bùng), Nguyễn Dữ (nhà văn) tác giả của Truyền kỳ mạn lục.
Văn bia ghi tên tiến sĩ khoa thi năm Minh Đức thứ 3 (1529) cho biết nhà Mạc đã ban ân điển rộng hơn đối với các tân tiến sĩ. Do đó dư âm Mạc thị sùng nho kéo dài mãi về sau, đến TK XIX, tác giả cuốn Hoàng Việt giáp tý niên biểu Nguyễn Bá Trác còn trân trọng nhắc tới.
Về giáo dục: Không đề cao Tống nho như thời Lê sơ, trái lại cố gắng phục hồi Phật giáo, cùng lúc khuyến khích sự phát triển văn hóa dân gian, trong đó có nghệ thuật gốm sứ xuất khẩu.
Lĩnh vực văn hóa nghệ thuật dưới triều Mạc đã có những tiến bộ đáng ghi nhận, đóng góp vào sự phát triển của nền nho học, nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và văn nghệ dân gian nước ta.
Về xây dựng, kiến trúc: Giúp dân trùng tu hay xây dựng nhiều đình miếu, chùa quán, làm giàu cho văn hóa dân gian Đại Việt. Đình làng, với tư cách là một trung tâm hành chính và nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh của cộng đồng làng, xã đã phát triển mạnh dưới thời nhà Mạc.
Trước TK XVI, dường như chúng ta chưa tìm thấy những chứng cứ vật chất cũng như các tư liệu đề cập về đình làng và kiến trúc đình làng (trừ một số sử liệu đề cập đến sự xuất hiện của các ngôi đình trạm ở thời Trần)
Trong giai đoạn thịnh trị, ngoài kinh đô Thăng Long, Mạc Đăng Dung còn xây dựng Dương Kinh trên quê hương mình với hệ thống cung điện, lầu các đồ sộ như Các Dương Tự, điện Tường Quang, Phúc Huy, phủ Hưng Quốc, đồn binh, kho lương và cả một trường Quốc học song song với Quốc Tử Giám tại Thăng Long.
Khác với cung điện Tức Mặc (thời Trần) hay Lam Kinh (thời Lê sơ) chỉ là nơi nghỉ ngơi, thờ tự của vua chúa, Dương Kinh là trung tâm kinh tế, chính trị và là kinh đô cảng sầm uất. Dương Kinh vừa có cả cung điện, lăng tẩm, chùa chiền... vừa mang tính chất một đô thị ven biển xứ Đông đầu tiên ở Việt Nam
Ở Dương Kinh, nhà Mạc cho xây một số thương cảng làm nơi giao lưu hàng hóa trong và ngoài nước như phố Lỗ, Minh Thị, An Quý, Do Nha, đồng thời tôn tạo nhiều di tích đền chùa ở Cổ Trai và các vùng lân cận.
Trong những những đợt khảo cổ ở Hải Dương và thôn Cổ Trai xã Ngũ Đoan (Hải Phòng) đã xuất lộ những di tích thời Mạc như thành lũy, hào nước, gốm sứ hoa màu lam, đồ sành, đồ đá, đất nung... với những nét hoa văn mang phong cách điển hình của TK XVI. Điêu khắc đá thời Mạc tại Dương Kinh có nhiều đề tài chưa từng thấy ở nơi khác như tượng nghê đồng, Quan Âm tọa sơn, Quan Âm Nam Hải, Quan Âm nghìn tay, nghìn mắt và bộ tượng Tam Thế.
Trong lĩnh vực thương mại, nhà Mạc cũng có những đóng góp đáng kể trong việc thúc đẩy nền ngoại thương, tạo điều kiện cho nghề gốm sứ phát triển và giao lưu buôn bán trong, ngoài nước.
Gốm sứ là nghề tiêu biểu nhất và phát triển thịnh đạt nhất thời Mạc, trong đó nổi tiếng nhất là các làng gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), Hợp Lễ (Bình Giang, Hải Dương) và Chu Đậu (Nam Sách, Hải Dương).
Nhờ những chính sách khuyến khích, tôn trọng vai trò người thợ mà thủ công nghiệp thời Mạc khá phát triển với các nghề như đúc tiền, điêu khắc đá, làm gốm sứ. Nhiều sản phẩm vẽ, điêu khắc đã ghi tên người sản xuất, thậm chí cả người đặt hàng.
Thời Mạc được coi là giai đoạn phát triển đỉnh cao của làng gốm sứ Bát Tràng. Sản phẩm đa dạng gồm: đĩa, chậu âu, thạp, ang, bát, chén, khay trà, ấm, điếu, nậm rượu, bình vôi, bình lọ, chóe và hũ và đồ thờ (chân đèn, chân nến, lư hương, đỉnh, đài thờ...). Trên đỉnh được trang trí rồng, phượng, ngựa, hoạt cảnh người, cánh sen đứng, mây cụm. Nhiều sản phẩm có tên nghệ nhân ghi phía dưới chân.
Gốm sứ Chu Đậu (thuộc xã Thái Tân, huyện Nam Sách, Hải Dương) cũng khá nổi tiếng. Di tích đào được ở Chu Đậu gồm sản phẩm các loại: chén, bát, chim, cá, côn trùng. Dưới đáy sản phẩm Chu Đậu thường viết chữ Hán, phổ biến nhất là chữ phúc, chính, hoa, trung, sĩ... Màu men phổ biến của gốm sứ Chu Đậu là trắng trong, hoa lam, men ngọc, xanh lục, xanh rêu, vàng nhạt, vàng đậm. Hoa văn trang trí chủ đạo là hoa sen và hoa cúc.
Di chỉ gốm sứ Hợp Lễ (thuộc xã Long Xuyên, huyện Bình Giang, Hải Dương) chủ yếu tìm thấy ở bến đò Đáy, một nhánh của sông Kẻ Sặt. Sản phẩm chính của Hợp Lễ là đồ gia dụng: bát, đĩa, bình vôi, vò nhỏ, chân đèn, lư hương... với 3 dòng gốm chủ yếu: màu xanh ngọc, men trắng và hoa lam. Nền sản xuất gốm sứ ở đây còn phát triển sau thời Mạc, tới TK XVIII thì chấm dứt.
Sản phẩm gốm sứ thời Mạc khá nổi tiếng, được giao thương với một số nước trên thế giới và có mặt ở 30 bảo tàng châu Âu. Không thể không nói đến một nghệ nhân đã góp phần quan trọng phát triển nghệ thuật gốm sứ Việt Nam giai đoạn này, đó là Đặng Huyền Thông, một tú tài kiêm thợ gốm tài hoa.
Đặng Huyền Thông đã để lại những tác phẩm gốm quý, gồm những chân đèn với các thớt vẽ men màu lam, rồng đắp nổi, trang trí rậm, được coi là điển hình cho quan điểm thẩm mĩ thời Mạc, đậm chất dân gian; cùng những bát hương lớn cùng một thể loại, hiện vẫn còn lưu truyền tại nhiều đền, chùa Bắc Bộ. Toàn bộ các tác phầm của ông đều được phủ một loại men trong, dày và có màu xanh sẫm, đôi khi lẫn màu ghi xám hay ngả vàng. Sử dụng loại men màu lam xám, ông đã kết hợp với các chi tiết được chạm thủng chạm nổi, dán ghép kết hợp với khắc chìm để thể hiện nhiều đề tài phong phú khác nhau.
Đặng Huyền Thông là một trong số không nhiều những nghệ nhân gốm ký tên vào tác phẩm của mình, không những thế, trong một số hiện vật, ông còn ghi cả ngày và địa điểm sản xuất, người đặt hàng và nơi sử dụng. Một số tác phẩm do ông cùng vợ là Nguyễn Thị Đỉnh sản xuất và ký tên.
Ông là nghệ nhân ghi tên trên nhiều tác phẩm nhất trong số các tác phẩm gốm thời Mạc còn lại đến ngày nay. Trong 12 hiện vật gốm ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và 7 hiện vật ở Bảo tàng Hải Dương, ghi rõ sản xuất vào thời Mạc Mậu Hợp (1578 - 1891) với các niên hiệu Diên Thành, Đoan Thái, Hưng Trị, đã có 10 tác phẩm ghi tên Đặng Huyền Thông, gồm 3 bát hương và 7 chân đèn. Bên cạnh các bảo tàng, tác phẩm của ông còn được có mặt trong nhiều bộ sưu tập tư nhân trên thế giới. Tại Bảo tàng Topkapi Saray ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) có lưu giữ một lư hương gốm xanh xám được ông làm vào năm Hưng Trị thứ 2 (1589), được xem là một trong hai cổ vật gốm quý giá nhất của Chu Đậu.
Những đồ gốm của Đặng Huyền Thông đã đánh dấu bước phát triển mới của gốm men TK XVI. Ông được người dân Chu Đậu tôn vinh làm ông tổ nghề gốm Chu Đậu. Đền thờ Đặng Huyền Thông xây dựng tại thôn Hùng Thắng đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Về văn hóa: Vào thời Lê sơ, vua quan và nhà nho vì sính Nho giáo và Tống nho nên đã coi rẻ nền văn hóa dân gian Việt. Quan lại mà thương yêu và cưới xin con gái các gia đình làm nghề xướng ca thì bị trừng phạt. Chèo, bội và dân ca không được biểu diễn ở chốn cung đình. Con trai các gia đình hát xướng không được đi thi.
Ở thời Mạc, trái lại, triều đình không đề cao Nho giáo mà lại có khuynh hướng tôn trọng và phục hồi Phật giáo đã bị thất sủng từ cuối Trần tới cuối Lê sơ.
Có nhiều bằng chứng cụ thể về sự bước đầu phục hưng văn hóa dân gian ở thời Mạc. Rất tiếc, do sự hủy diệt tàn khốc của chính quyền Lê - Trịnh đối với các di vật thời Mạc và sự tàn phá của thời gian, đến nay không còn giữ được nhiều di tích và sản phẩm văn hóa nghệ thuật thời Mạc.
Trong lĩnh vực kiến trúc, điêu khắc, đồ họa và âm nhạc dân gian, có một số nhân vật sự việc, đáng chú ý:
Hiện nay vẫn chưa khẳng định được thật chính xác thời gian ra đời của tranh dân gian truyền thống. Nhưng Hoàng Sĩ Khải (sinh vào khoảng những năm 1510-1520 và mất khoảng cuối TK XVI), một Thượng thư kiêm tế tửu Quốc tử giám triều Mạc, đã viết Tứ thời khúc vịnh, một bài thơ Nôm dài 336 câu, diễn tả cảnh đổi thay bốn mùa, trong đó có câu: Tranh vẽ gà cửa treo thiếp yểm. Qua đó ta thấy dân gian đương thời đã treo tranh gà để trừ tà ma.
Sau Hoàng Sĩ Khải, Lê Đức Mao (1462-1529) sống vào cuối thời Lê sơ đầu thời Mạc, đã viết bài thơ Nôm dài 128 câu theo thể song thất lục bát nhan đề Nghĩ hộ tám giáp giải thưởng hát ả đào, được xem là lời của bài ca trù cổ nhất hiện còn. Tác phẩm này cho thấy điệu hát cửa đình, tiền thân của ca trù, được các ả đào hát trong lễ hội mùa xuân tế thần cầu phúc ở làng quê đã có mặt trong âm nhạc dân gian vào khoảng từ thời Lê sơ sang thời Mạc.
Nhiều đền chùa đình quán đã được xây dựng hay trùng tu trong thời Mạc mang đậm sắc thái dân gian. Những ngôi đình cổ nhất còn lại tới nay đều mang niên đại thời Mạc: Lỗ Hạnh (1576), Tây Đằng (1583), Phù Lưu (cuối TK XVI)... Trong đó, còn khá nguyên vẹn là đình Lỗ Hạnh và đình Tây Đằng.
Tại đình Lỗ Hạnh (Bắc Giang) còn thấy được nhiều tác phẩm điêu khắc dân gian trên gỗ về các đề tài mây, hoa cúc, rồng, phượng, nai, cọp, cô tiên đánh đàn... Thêm vào đó là hai bức tranh cổ vẽ 4 nữ nhạc sĩ đang chơi những nhạc khí quen thuộc như đàn nhị, tỳ bà...
Tại đình Tây Đằng (Hà Nội) có các hình chạm khắc rất phong phú: hoa lá, voi hươu, tiên nữ bên cạnh những hình người đẽo cày, đá cầu, gánh con, chèo thuyền với phong cách nghệ thuật Mạc, khỏe thoáng, mộc mạc, hồn nhiên.
Tại đình Phù Lưu (Bắc Ninh) lại thấy được những tác phẩm điêu khắc dân gian như tiên nữ ngồi trên đầu sư tử hay ngồi trên mình rồng chầu mặt trăng, những nhóm người đánh đàn, đấu vật, bơi trải...
Bốn ngôi đình khác cũng được làm dưới thời Mạc là đình Thổ Hà (Việt Yên, Bắc Giang) đình Thang Lũng (Ba Vì, Hà Nội) đình La Phù (Thường Tín, Hà Nội). Tuy nhiên qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, những dấu vết kiến trúc thời Mạc hầu như không còn. Qua tư liệu văn bia người ta còn có những thông tin về 6 ngôi đình khác cũng được làm dưới thời Mạc: Đình Nghênh Phúc (xã Lam Cầu, huyện Gia Lộc, Hải Dương), được làm vào niên hiệu Cảnh Lịch thời Mạc (1544-1553); đình Đại Đoan (xã Đoan Bái, Gia Bình, Bắc Ninh), làm năm Quý Tỵ niên hiệu Diên Thành (1583); đình Trừng Hoài (xã Thái Ninh, Thái Thụy, Thái Bình), được làm năm Diên Thành 8 (1583); ngoài ra còn có hai ngôi đình thuộc xã Đông Phiên (huyện Thanh Hà, Hải Dương) và xã Nguyên Khê (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương).
Bố cục của đình làng thời Mạc đơn giản, chỉ là một tòa đại đình hình chữ nhật với một gian hai chái như đình Tây Đằng, đình Thanh Lũng, hoặc ba gian, hai chái như đình Lỗ Hạnh, đình Thổ Hà. Nội thất tòa đại đình được chia làm ba phần. Gian giữa là nơi tiến hành những ghi lễ và thắp hương khi rước bài vị thần từ miếu (còn gọi là nghè) trở về, còn hai phần hai bên là nơi hội họp và tiến hành các lễ hội. Phần lớn kiến trúc các ngôi đình thời Mạc trừ phần mái lợp ngói, còn thì đều bằng gỗ. Trên các thành phần kiến trúc gỗ như đầu dư, con bẩy, hầu, những đầu cột có chốt nhiều lớp được chạm khắc rất tinh xảo. Đó là những đầu rồng hay là cả một đám rồng uốn lượn nô đùa trông thật sinh động. Đề tài trang trí trên các thành phận kiến trúc cũng rất phong phú và đa dạng.
Những thành phần kiến trúc được chú ý trang trí nhiều nhất là các ván lá gió, các cốn và vì nóc. Trên đó có thể nhận thấy nhiều đề tài, đó là rồng, phượng, hoa sen hoặc mô tả cảnh sinh hoạt như lao động tập thể, hội hè, diễn xướng, các trò chơi dân gian. Các trò diễn dân gian được in đậm trong kiến trúc cũng như nghệ thuật trang trí ở những ngôi đình thời Mạc, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử nghệ thuật ở nước ta đồng thời giúp hậu thế thấy được sinh hoạt văn hóa cộng đồng của dân chúng thời Mạc.
Như vậy, cho đến thời điểm này, hậu thế đã có tư liệu và vết tích vật chất của 12 ngôi đình làng được xây dựng, trùng tu, tôn tạo dưới triều Mạc. Tất nhiên, suốt cả TK XVI, tiền nhân không chỉ làm từng đó ngôi đình mà chắc chắn số lượng còn lớn hơn nhiều. Bởi lẽ, nhu cầu sinh hoạt đình làng ở thời Mạc dường như đã trở thành tập tục chung của toàn xã hội.
Ngoài chức năng là trụ sở hành chính của cả làng, ngôi đình còn là nơi trung tâm sinh hoạt văn hóa làng xã, là nơi diễn ra các nghi lễ thờ thành hoàng làng và tổ chức hội hè hàng năm. Có thể nói, ngôi đình nói chung và đình làng thời Mạc nói riêng là nơi hội tụ sức mạnh văn hóa tinh thần của cả cộng đồng và biểu trưng đặc sắc nhất của văn hóa làng xã. Những công trình văn hóa nghệ thuật của tiền nhân này xứng đáng được tôn tạo, gìn giữ như những bảo vật quốc gia.
Rất tiếc những biến thiên lịch sử và điều kiện thời tiết khắc nghiệt làm nhiều ngôi đình thời Mạc đã không còn nữa. Việc phục dựng, bảo tồn đình làng là việc làm cần thiết để giữ gìn vốn văn hóa nghệ thuật dân tộc. Thiết nghĩ, các cấp chính quyền, ngành chức năng cần quan tâm sâu sắc vấn đề này để có biện pháp thích hợp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của tiền nhân cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 316, tháng 10-2010
Tác giả : Phạm Văn Thi
Viết bình luận