Hai bà hoàng hậu trên đất Duy Xuyên

Sunday, 31 July 2016 15:37

Hai bà hoàng hậu trên đất Duy Xuyên

Trên đất Duy Xuyên có hai lăng mộ của hai vị hoàng hậu Triều Nguyễn mà mối quan hệ của họ trong hoàng tộc là mẹ chồng và nàng dâu.

Lăng Vĩnh Diễn (Lăng Dưới).
Lăng Vĩnh Diễn (Lăng Dưới).

Mạc Thị Giai là cháu nội của Mạc Đăng Dung, con gái của Mạc Kính Điển và gọi Mạc Cảnh Huống bằng chú ruột. Bà sinh năm 1578 tại làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương; nay là xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng.

Sau khi Mạc Kính Điển qua đời (1580), nhà Mạc suy vong, bà bỏ xứ Đàng Ngoài vào Nam tìm chú là Mạc Cảnh Huống, lúc này đang là Thống binh Thái phó, nắm giữ binh quyền ở Đàng Trong, để nương nhờ.

Bà được người thím - vợ Mạc Cảnh Huống - là Nguyễn Thị Ngọc Dương vốn là em ruột của Đoan quốc công Nguyễn Hoàng đưa vào cung để hầu hạ thái tử Nguyễn Phúc Nguyên (người gọi thím bà bằng cô). Mạc Thị Giai được Nguyễn Phúc Nguyên yêu mến đưa lên địa vị Vương phi sau cho mang quốc tính (đổi họ Mạc thành họ Nguyễn), vì vậy sau này nhiều người gọi bà là Hoàng hậu Nguyễn Thị Giai.

Sau thời gian ở phủ Chúa tại dinh Trà Bát (Vũ Xương, Quảng Trị) khi Nguyễn Phúc Nguyên được cử làm Tổng trấn Quảng Nam, năm 1602 bà về sống ở dinh trấn Thanh Chiêm, phủ Điện Bàn.

Bà mất ngày 9 tháng 11 năm Mậu Ngọ (12-12-1630), hưởng dương 52 tuổi, tại Dinh trấn Thanh Chiêm và được an táng trên núi Hàm Rồng, thuộc làng Chiêm Sơn (nay là xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Sở dĩ Hoàng hậu Mạc Thị Giai được chôn ở đây vì trước đó, chú bà là Mạc Cảnh Huống đã chọn làng Trà Kiệu (nay là Duy Sơn, Duy Xuyên) làm quê hương thứ hai của họ Mạc ở xứ Đàng Trong. Năm 1806, vua Gia Long truy tôn bà là Huy Cung Từ Thận Ôn Thục Thuận Trang Hiếu Văn Hoàng hậu và dâng lăng hiệu của bà là Vĩnh Diễn.

Lăng Vĩnh Diên (Lăng Trên). Ảnh: L.B.T
Lăng Vĩnh Diên (Lăng Trên). Ảnh: L.B.T

Cơ duyên đưa đẩy, vùng đất Duy Xuyên có một nàng thôn nữ về sau trở thành con dâu của Hiếu Văn Hoàng hậu.

Đó là bà Đoàn Thị Ngọc, sinh năm 1601 tại châu Đông Yên, huyện Hy Giang, trấn Quảng Nam. Về sau châu Đông Yên đổi thành xã Đông Yên, huyện Hy Giang đổi thành huyện Duy Xuyên và trấn Quảng Nam thành dinh Quảng Nam rồi tỉnh Quảng Nam (nay là xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Bà là con gái thứ 3 của ông Đoàn Công Nhạn và bà thứ thất Võ Thị Thành. Ông Nhạn là một hào trưởng có thế lực của vùng Chiêm Sơn. Đông Yên là làng nằm bên bờ sông Thu Bồn có nhiều đất bãi bồi màu mỡ vốn là làng nghề chuyên về trồng dâu nuôi tằm. Gia đình ông Đoàn Công Nhạn trở thành hào phú cũng nhờ nghề trồng dâu nuôi tằm.

Sách Đại Nam liệt truyện tiền biên của Quốc sử quán Triều Nguyễn cho biết: “Bà là người minh mẫn thông sáng..., sáng thơm, tú mị, phép tốt trinh thuần… Năm mười lăm tuổi (bà) hái dâu bên bãi, trông trăng mà hát. Bấy giờ Huy Tông Hoàng đế ta (tức chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên - NV) đi chơi Quảng Nam, Thần Tông Hoàng đế ta (tức chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan - NV) theo đi hộ giá. Đêm đáp thuyền chơi trăng, đỗ thuyền ở Điện Châu (bây giờ là An Phú Tây - NV) câu cá, nghe tiếng hát lấy làm lạ, sai người đến hỏi, biết là con gái họ Đoàn, cho tiến vào hầu Chúa ở Tiềm để, được yêu chiều lắm”.

Năm 1631, Nguyễn Phúc Kỳ, con cả của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, làm Trấn thủ Quảng Nam qua đời, Nguyễn Phúc Lan được lập làm Thái tử. Năm 1635, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên qua đời, Thái tử Nhân Quận công Nguyễn Phúc Lan lên nối ngôi trở thành chúa Thượng. Nguyễn Phúc Lan quyết định dời phủ chúa từ làng Phước Yên (Quảng Điền) về làng Kim Long (Phú Xuân). Đoàn Thị Ngọc được phong Đoàn Quý Phi và cha bà, ông Đoàn Công Nhạn được phong là Thạch Quận công.

Từ khi trở thành dâu họ Nguyễn, tuy sống trong phủ chúa nhưng Đoàn Thị Ngọc không quên nghề xưa, hết lòng khuyến khích việc trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa ươm tơ, nhờ thế nghề tằm tang của xứ Đàng Trong phát triển rực rỡ, không chỉ những làng quê dọc hai bên sông Thu Bồn ở Quảng Nam quê bà mà cả ở kinh đô Phú Xuân. Hội An đã trở thành một thương cảng phát triển, mở cửa giao lưu với bên ngoài, trong đó đường bát, lâm thổ sản và nhất là tơ lụa trở thành những mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Sau này dân xứ Đàng Trong nhớ ơn nên tôn bà là Bà Chúa Tằm Tang.

Năm 1630, Đoàn Thị Ngọc được con trai là chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần đưa về an táng trên gò Cốc Hùng, thuộc làng Chiêm Sơn, chỉ cách lăng Vĩnh Diễn (của Mạc Thị Giai) chưa đầy 300 mét. Năm 1806, vua Gia Long đặt tên lăng của bà là Vĩnh Diên và bà là Trinh Thục Từ Tĩnh Mẫn Duệ Hiếu Chiêu Hoàng hậu.

Thế là hai bà hoàng hậu của nhà Nguyễn đã chọn vùng đất thiêng Duy Xuyên làm nơi yên nghỉ ngàn thu cho mình.

Điều đặc biệt lăng Vĩnh Diễn của Mạc Thị Giai, dù là lăng của “mẹ chồng” lại nằm ở trên núi Hàm Rồng có địa hình cao hơn thì được nhân dân gọi là Lăng Dưới, còn lăng Vĩnh Diên của Đoàn Thị Ngọc vốn là lăng của nàng dâu, nằm ở vị trí thấp hơn lại được nhân dân tôn là Lăng Trên. Mặt khác, cả hai lăng đều được tỉnh Quảng Nam công nhận là Di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh vào ngày 15-2-2005. Đến ngày 2-8-2011, chỉ một mình lăng Vĩnh Diên của “nàng dâu” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Phải chăng, những người mẹ chồng “chân chính” luôn lùi ra phía sau để nhường những vinh quang cho… nàng dâu.

Nhiều khách du lịch đã rất thích thú khi phát hiện ra điều này vì thế có người đã đề nghị nên có một tour du lịch đặc biệt đến thăm hai di tích này và chỉ dành riêng cho những người đang và sắp là… mẹ chồng.

LÊ BÌNH TRỊ

Nguồn: baodanang.vn

Viết bình luận