Hải Phòng thời nhà Mạc (1527 – 1592) (Phần 1)

Hải Phòng thời nhà Mạc (1527 – 1592) (Phần 1)

(HPĐT)- Năm 1527, Mạc Đăng Dung phế truất rồi giết Lê Chiêu Tông, Lê Cung Hoàng và lên làm vua, mở đầu cơ nghiệp vương triều Mạc (1527-1592). Vương triều Mạc được thiết lập trong điều kiện đất nước vừa diễn ra một cuộc khủng hoảng kéo dài gần hai thập kỷ. Chiến tranh loạn lạc làm trật tự xã hội bị đảo lộn.  

Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc.

Các bộ chính sử “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Lê triều thông sử”, “Việt sử thông giám cương mục” chép về diễn biến cuộc đảo chính của Mạc Đăng Dung khá thống nhất, chỉ có thêm bớt một vài chi tiết không đáng kể. Về sự kiện này, “Đại Việt sử ký toàn thư” cho biết:“Tháng 6 năm Đinh Hợi (1527) Mạc Đăng Dung từ Cổ Trai vào kinh bắt hiếp vua phải nhường ngôi. Bấy giờ thần dân trong nước đều theo Mạc Đăng Dung, đều đón vào kinh sư. Ngày 15, các quan đứng vào ban chầu, chưa có tờ chiếu nhường ngôi, các quan bảo Lại bộ Thượng thư Trương Phu Duyệt thảo. Phu Duyệt trợn mắt mắng rằng: “Thế là nghĩa gì?”. Lại bảo Đông các đại học sĩ Đào nguyên bá Nguyễn Văn Thái thảo. Thái cầm bút thảo… Ngày hôm ấy, Đăng Dung xưng hoàng đế, đại xá, đổi niên hiệu là Minh Đức. Giáng phong vua làm Cung vương, cùng với hoàng hậu đều giam ở cung Tây nội. Sau vài tháng bắt phải tự tử. Sử cũ ghi Mạc Đăng Dung xuất thân ở một dòng họ nổi tiếng gốc làng Lũng Động, huyện Chí Linh, trấn Hải Dương, có nhiều người học rộng tài cao, lừng danh trong lịch sử nước nhà như Mạc Hiển Tích, Mạc Đĩnh Chi...

Nhà Mạc trong buổi đầu tạo dựng phải đối mặt với bộn bề khó khăn cả đối nội lẫn đối ngoại. Ngay sau khi lên ngôi Hoàng đế, Mạc Đăng Dung đã ban lệnh đại xá thiên hạ, đặt niên hiệu là Minh Đức, lập miếu, dựng điện, truy tôn tổ khảo, đồng thời lập con trai là Mạc Đăng Doanh làm Thái tử, phong em trai là Mạc Quyết làm Tín vương, Mạc Đốc là Từ vương; phong em gái trưởng là Ngọc Phong làm Trang Hoà trưởng công chúa, em gái thứ là Ngọc Huệ làm Khánh Diệm công chúa, em gái út là Ngọc Di làm Tú Hoa công chúa. Em rể Vũ Hộ, nguyên giữ chức Thượng thư bộ Binh, Chưởng bộ sự, gia phong Đồng Đức tán trị công thần, Thiếu bảo Từ quận công thời vua Lê Cung Hoàng, được phong tước Tĩnh Quốc công, cho được đổi sang họ Mạc, tức Mạc Bang Hộ (Lê Quý Đôn toàn tập, tập III, Sđd trang 251). Trung quan Nguyễn Thế An, người làng Ngọc Lâm, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) được phong tước Kỳ Quốc công, dùng làm người phò tá thân cận.

Sợ “lòng người còn nhớ vua cũ, có thể sinh biến”, Mạc Đăng Dung buộc phải “Tuân theo pháp độ nhà Lê”, giữ nguyên mô hình thiết chế chính trị và tổ chức bộ máy chính quyền được xây dựng khá hoàn chỉnh dưới thời Lê Thánh Tông (1460 - 1497). Tại triều đình, các cơ quan như Lục bộ, Ngự sử đài… cơ cấu tổ chức cũng như chức năng, nhiệm vụ hầu như không có gì thay đổi. Tổ chức chính quyền địa phương được duy trì y như cũ, gồm 13 đạo, địa bàn tương ứng với 13 thừa tuyên thời Lê sơ. Dưới đạo là các cấp hành chính thuộc: phủ, huyện, châu, tổng và xã. Trong hệ thống từ trên xuống dưới này, nhà Mạc đặt thêm cấp tổng, là đơn vị hành chính trung gian giữa huyện và xã. Ở mỗi đạo nhà Mạc vẫn đặt Tam ty: Đô ty, Thừa ty và Hiến ty. Đứng đầu các ty là các chức Đô tổng binh sứ, Thừa chính sứ, Hiến sát sứ quản lý việc dân, binh, chính trong đạo. Để đối phó với các thế lực thù địch, nhà Mạc rất quan tâm đến việc xây dựng và củng cố lực lượng quân đội.

Bên cạnh việc duy trì Ngũ phủ quân thời Lê, tháng 10 năm Mậu Tý (1528), Mạc Đăng Dung cho đặt thêm bốn vệ Hưng Quốc, Chiêu Vũ, Cẩm Y và Kim Ngô, lấy trấn binh xứ Hải Dương thuộc vào vệ Kim Ngô; chia bổ các ty, mỗi ty đặt một viên Chỉ huy sứ, một viên Chỉ huy Đồng tri, một viên Chỉ huy Thiêm sự, 10 viên Trung hiệu, 1.100 viên Trung sĩ. Số quân này chia làm 22 phiên, thay nhau túc trực. Đồng thời, nhà Mạc cho kiểm điểm danh hiệu các vệ, các sở, các ty, tên chức quan, các nhân viên và số quân lính ở trong Kinh và ngoài các đạo thuộc Ngũ phủ, y lệ biên chép bổ sung cho đủ. Tất cả mọi quy chế trên đây đại khái đều phỏng theo điển lệ thời Hồng Đức. Bên cạnh đó, để thu phục nhân tâm, Mạc Đăng Dung cho phong tặng tất cả các vị tiết nghĩa cựu thần và 56 người được thăng trật và phong tước theo thứ bậc khác nhau, lại sai tu sửa lầu điện ở Lam Kinh, xuân thu nhị kỳ hằng năm tổ chức tế lễ cùng bốn kỳ tế lễ nơi lăng Mỹ Xá. Bằng việc ban bố và thực hiện một số chính sách tích cực, chỉ sau hơn 1 năm, tình hình trong nước đã “tạm ổn định”, nhà Mạc mới có điều kiện quan tâm đến các hoạt động kinh tế, phát triển nền văn hoá - giáo dục nước nhà.

Dưới triều cha con Mạc Đăng Dung - Mạc Đăng Doanh, “Trong khoảng mấy năm, trộm cắp biệt tăm, súc vật chăn nuôi, tối đến không phải dồn vào chuồng, cứ mỗi tháng một lần kiểm đếm thôi. Mấy năm liền được mùa, nhân dân bốn trấn đều được yên ổn” (Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt thông sử). Trong lịch sử chế độ phong kiến nước ta cũng ít triều vua được ghi chép như thế mà nhà Mạc lại là một “nhuận triều”. Thậm chí, sau khi nhà Mạc đã hoàn toàn bị tiêu diệt, vẫn còn một vị quan to triều Lê-Trịnh bị giết vì tội ca ngợi chính sách của nhà Mạc. Các sử gia thời Lê-Trịnh cũng nhiều lần công khai thừa nhận: “Mạc Đăng Dung một mình giữ binh quyền, từng bình được nhiều giặc lớn, uy quyền ngày càng thịnh…, lòng người ai cũng hướng về”(Đại Việt thông sử); “Bấy giờ thần dân trong nước đều theo Mạc Đăng Dung, đều ra đón vào kinh sư” (Đại Việt sử ký toàn thư)… Qua những dòng trên cho thấy Mạc Đăng Dung có uy tín cao đối với rộng rãi các tầng lớp nhân dân là do tài năng, đức độ của ông. Còn các tướng sĩ, quan lại và sĩ phu đương thời rất nhiều người quy phục nhà Mạc. Những người ủng hộ Mạc Đăng Dung giành ngôi nhà Lê cũng đều là quan lại cũ của nhà Lê. Hơn năm chục khai quốc công thần của nhà Mạc được khen thưởng đợt đầu đều là những trạng nguyên, tiến sĩ đã từng giữ chức vụ cao của triều đình cũ. Khoa thi tiến sĩ đầu tiên của nhà Mạc năm Minh Đức thứ 3 (1529) có đến hơn 4.000 cống sĩ dự thi, trong đó số lớn từng được triều Lê ban ơn lấy đỗ.

 

Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc tại xã Ngũ Đoan (KIến Thụy).

Nhà Mạc, một vương triều có hơn sáu thập kỷ (1527-1592) tồn tại như một chính thể trị vì đất nước, trước khi rút về cố thủ ở 4 huyện trên đất Cao Bằng tiếp tục tồn tại hơn 8 thập kỷ nữa (cho đến năm 1677). Vậy mà các bộ Chính sử của các triều đại sau vẫn luôn coi nhà Mạc là “nguỵ triều” hoặc xem như nhà Mạc không tồn tại hoặc xếp ngang vào hàng “nghịch thần chuyện” (Đại Việt thông sử). Điều này chủ yếu xuất phát từ những đánh giá về thái độ và mối quan hệ bang giao giữa nhà Mạc và Trung Quốc, về trách nhiệm liên quan đến việc dâng đất cho nhà Minh. Có thể nói, mối quan hệ chính trị phức tạp nhất giữa nhà Mạc và nhà Minh xảy ra chủ yếu ở thời kỳ Minh Thế Tông - Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh, Mạc Phúc Hải, tức là từ 1527 đến 1541.

 Năm 1527, Mạc Đăng Dung đoạt ngôi của nhà Lê, lên làm vua, lập ra triều Mạc. Nhưng trước khi xảy ra cuộc chính biến này, nhà Minh đã theo dõi khá sát các biến cố chính trị trong triều đình nhà Lê. Nhà Minh một mặt muốn nhân cơ hội tình hình chính trị ở Đại Việt rối loạn, mượn cớ là nước “tôn chủ” đem quân đánh họ Mạc, giúp họ Lê khôi phục cơ nghiệp, giống như cách Minh Thành Tổ “phù Trần, diệt Hồ” (năm 1406), nhưng mặt khác lại không dám phát động một cuộc chiến tranh xuống phương Nam, vì thực tế nhà Minh đang gặp rất nhiều khó khăn trong nước, về cả chính trị lẫn kinh tế. Sau nhiều lần bàn luận, tranh cãi, cân nhắc về lợi hại khi đem quân sang Đại Việt, triều đình nhà Minh quyết định chỉ dùng áp lực quân sự bên ngoài, hư trương thanh thế kích động trong nước làm nội chiến giữa Lê và Mạc, ép Mạc Đăng Dung phải hàng phục, cắt đất cho nhà Minh. Vì vậy, Tuần phủ Vân Nam truyền hịch sang An Nam, chiêu dụ các thổ quan ai tự qui thuận, hứa vẫn cho thế nghiệp; cho xúi giục các cựu thần nhà Lê dấy binh. Lại dụ Mạc Đăng Dung khéo bó thân tự hàng, dâng sổ sách, bản đồ thì sẽ không chết.

Nghe tin quân Minh kéo đến biên giới và phao tin sẽ tiến đánh nước ta nên “Đăng Doanh cho tu sửa trại sách, luyện tập thuỷ quân, trưng cầu hết các cựu thần lão tướng để cùng bàn việc nước; phục chức cho Thái Bảo Vũ Hộ làm Tây quân tả đô đốc chưởng phủ sự, mời tới triều bàn luận chính sự” (Đại Việt thông sử). Theo Minh Thế Tông thực lục, trong 10 tội trạng mà triều Minh qui kết cho nhà Mạc, có một tội là nhà Mạc đã bố trí quân lính ở cửa ải và cản trở sứ thần nhà Minh. Trước dã tâm của nhà Minh, để bảo toàn độc lập dân tộc, nhà Mạc buộc phải thuần phục và cắt nhượng 2 đô Như Tích, Chiêm Lãng cùng 4 động Tư Lẫm, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát cho nhà Minh. Nhiều thư tịch cũ cho biết vùng này vốn là đất của các triều đại phương Bắc. Quốc sử chép: “Vua Lê Đại Hành năm thứ 3 niên hiệu Ứng Thiên, người đất Triều Dương (nay là Vĩnh An), là lũ Văn Dũng làm loạn, trốn sang trấn Như Tích thuộc châu Khâm nhà Tống, thế thì mấy động Như Tích thuộc châu Vĩnh An mới có từ niên hiệu Thuận Thiên nhà Lê (Tuyên Đức nhà Minh), nhà Mạc lại trả lại nhà Minh, là trả lại đất lấn, không phải cắt đất để đút lót vậy”. Từ đây trở đi, quan hệ giữa nhà Mạc và nhà Minh đã ổn định theo lệ  nộp cống, cầu phong.

Năm 1546, khi Mạc Phúc Hải chết, Mạc Phúc Nguyên là con trưởng được kế vị nhưng Tứ dương hầu Phạm Tử Nghi lại mưu lập Mạc Chính Trung, con thứ của Mạc Đăng Dung. Việc không thành, Phạm Tử Nghi đưa Chính Trung về xã Hoa Dương, huyện Ngự Thiên (Hưng Yên). Theo Đại Việt sử ký toàn thư, họ Mạc sai Khiêm vương Kính Điển cùng với Tây quận công Nguyễn Kính đem quân đi bắt, bị Tử Nghi đánh cho thua. Sau Tử Nghi mấy lần đánh không được, mới đem Chính Trung ra chiếm cứ miền Yên Quảng. Dân hạt Hải Dương bị nạn binh lửa, nhiều người phải lưu vong. Tử Nghi lại trốn vào đất nước Minh, cho quân đi bắt người cướp của ở Quảng Đông, Quảng Tây, người Minh không thể kiềm chế được. Vào năm Tân Hợi (1551), nhà Minh trách cứ nhà Mạc đã dung túng Phạm Tử Nghi sang lấn cướp đất nhà Minh.

Tìm hiểu về chính sách phát triển kinh tế của nhà Mạc chủ yếu dựa trên những chứng tích hiện còn: Những kết quả khai quật khảo cổ học, hàng trăm tấm bia thời Mạc, các công trình tôn giáo, tín ngưỡng, thư tịch, thần tích, sắc phong, gia phả, truyền ngôn…Mạng lưới giao thông ở Hải Phòng thời nhà Mạc không ngừng được mở rộng, trong đó đáng chú ý là cầu Thiên Đông (Thuỷ Nguyên) dựng năm 1588, giúp cho việc đi lại được thuận lợi. Thư tịch cổ nhận xét “Kẻ sĩ về triều, nông phu ra đồng, thương nhân đến chợ, không ai không thấy hết đỗi vui sướng, tiện lợi”. Bên cạnh Thăng Long, hàng loạt cảng thị mới được hình thành ở Hải Phòng như các cảng chợ Minh Thị, phố Lồ, phố Khách, Đường Thung, Hạ Am, Làng Cũ, Đại Hoàng ở Tiên Lãng, An Lão, Cát Bà, Vĩnh Bảo... đã có những tác động mạnh đến nền kinh tế. Phần lớn các chợ Mạc ở Hải Phòng là chợ làng và thường gắn bó với chùa làng như Cẩm Khê (Tiên Lãng)… Thông thường những nơi nào có chùa, nhất là chùa lớn, đại danh lam, mà ở đó thường có khách thập phương dự lễ và tổ chức lễ hội hàng năm, thì đều có chợ.

Nhà Mạc ngoài việc sử dụng tiền đúc, còn dùng vàng, bạc làm tiền tệ giá trị cao. Sử cũ cho biết rất nhiều người trong hoàng tộc đã cúng vàng bạc vào chùa, quán. Tiêu biểu là bà Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn cúng vào chùa Thiên Phúc (Kiến Thuỵ) 6.000 lá vàng. Riêng chùa Bà Đanh (tức chùa Trà Phương), năm 1562 có tới 23 vị trong hoàng cung cúng vàng bạc, người ít từ một lạng, người nhiều đến mười lạng (Văn bia thời Mạc). Nhà Mạc sử dụng hai loại tiền là “cổ tiền” và “sử tiền”. “Những việc cấp phát công, tư thì dùng sử tiền, còn thu nạp thuế thì dùng cổ tiền” (Vân đài loại ngữ). Đơn vị tính tiền là quan, trở xuống là mạch và văn (1 quan có 10 mạch, 1 mạch có 10 văn). Đối với bạc đơn vị tính là lượng, tiền, trong đó“một lượng bằng 10 tiền (tương đương với 37,783 gram)” (Phan Huy Chú - Lịch triều hiến chương loại chí). Rõ ràng, thời Mạc tiền được sử dụng khá rộng rãi, với nhiều loại hình, nhiều cách thức khác nhau. Đồng tiền đã dần dần có thế lực, tác động vào đời sống xã hội và phần nào làm đảo lộn trật tự lễ giáo đương thời. Đây chính là thời kỳ mở cửa kinh tế mà ở đó sản xuất thủ công và buôn bán khá sôi động.

 (Bài sau: Hải Phòng thời nhà Mạc (1527 – 1592) (Phần 2)

(Theo “Hải Phòng – Những chặng đường lịch sử”)

Viết bình luận