Hải Phòng thời nhà Mạc (1527 – 1592) (Phần 2)

Hải Phòng thời nhà Mạc (1527 – 1592) (Phần 2)

(HPĐT)- Tháng 10 năm Mậu Tý (1528), nhận thấy tình hình trong nước đã tạm thời ổn định, nhưng pháp luật còn lỏng lẻo, Mạc Đăng Dung bèn sai Nguyễn Quốc Hiến cùng triều thần bàn định phép điền, phép lộc. Tuy nhiên, nội dung phép điền ban hành vào thời điểm này như thế nào, sử cũ không cho biết cụ thể.  

 

Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc.

 Mặc dù trong thế kỷ XVI, chế độ ruộng đất đã có sự chuyển biến mạnh mẽ nhưng vẫn tồn tại hai hình thức sở hữu chính là quan điền (ruộng công) và tư điền (ruộng tư). Trong 65 năm trị vì, tổng số ruộng đất nhà Mạc quản lý được ít hơn nhiều so với nhà Lê sơ, bởi hai lý do.Thứ nhất là phạm vi lãnh thổ nhà Mạc quản lý đã bị thu hẹp lại rất nhiều và toàn bộ xứ Tuyên Quang thuộc quyền quản lý của Vũ Văn Mật và dòng họ Vũ, quyền hành của nhà Mạc chưa thể với tới được. Thứ hai, chiến tranh loạn lạc diễn ra trong gần hai thập niên đầu thế kỷ XVI đã làm Nhà nước trung ương tập quyền Lê bị suy yếu dẫn đến khủng hoảng trầm trọng. Nhà nước không đủ khả năng kiểm soát các làng xã trên nhiều phương diện, trong đó có việc quản lý ruộng đất công làng xã. Hậu quả là ở nhiều làng xã tình trạng xâm phạm ruộng đất công diễn ra nghiêm trọng dưới nhiều hình thức: lấn chiếm, mua bán, chuyển nhượng, “biến công vi tư"... mà nhà nước không thể khống chế nổi. Đầu thế kỷ XVI, tình hình tư hữu về ruộng đất đã phát triển rất mạnh mẽ trong khi ruộng đất công làng xã ngày càng bị thu hẹp. Nắm trong tay số lượng ruộng đất công không nhiều nhưng trong hoạt động kinh tế nhà Mạc vẫn phải thực hiện đầy đủ các chính sách về ruộng đất. Đó là các chính sách quân điền, ban cấp lộc điền với các hình thức phân điền (hay tứ điền), thế nghiệp điền và tự điền (ruộng thờ) cho nhiều đối tượng khác nhau như hoàng tộc, binh lính và đội ngũ quan lại có công với vương triều.

 Phân điền là một trong những hình thức ban cấp ruộng lộc được thực hiện khá phổ biến, với đối tượng được hưởng chủ yếu là những người trong hoàng tộc. Mặc dù nguồn sử liệu không cho biết cụ thể hình thức ban cấp này nhưng nội dung của nó được phản ánh khá đầy đủ trong các bia ký thời Mạc. Nguồn tư liệu qua văn bia ghi chép về việc các thành viên trong hoàng tộc nhà Mạc cúng ruộng cho chùa khá phong phú, trong đó có nói đến một loại ruộng là “phân điền”. Văn bia "Tạo Thiên Phúc tự bi" ở chùa Thiên Phúc, xã Hoà Niễu, huyện Nghi Dương (xã Thuận Thiên, Kiến Thuỵ) cho biết bà Thái hoàng Thái Hậu (Vũ Thị Ngọc Toàn) đã đem số phân điền của mình và ruộng mới mua là 23 mẫu 2 sào 2 thước cúng cho chùa vào năm 1561 và 1 mẫu 9 sào phân điền và ruộng mua cúng vào chùa Bà Đanh (chùa Trà Phương). Bia chùa Hồng Khánh cũng nói rõ Chính phi công chúa cúng 7 mẫu phân điền cho chùa làm ruộng tam bảo. Số lượng phân điền nhà Mạc ban cấp cho hoàng thân quốc thích theo từng đối tượng không rõ là bao nhiêu nhưng chắc chắn ít hơn nhiều so với thời Lê. Theo bia ký thì số ruộng mà các thành viên trong hoàng tộc nhà Mạc đem cung tiến cho chùa nhiều nhất cũng chỉ đến 30 mẫu. Đó là trường hợp một bà Thái hoàng Thái hậu cúng tiến cho chùa Hoa Tân (An Thắng, An Lão) là 30 mẫu hay Thọ Phương Thái trưởng công chúa cung tiến cho chùa này 20 mẫu làm ruộng tam bảo. Tuy nhiên, tổng số ruộng cung tiến ấy nội dung văn bia không nói rõ là phân điền hay ruộng mua.

Một hình thức ban cấp lộc điền khác được thực hiện khá rộng rãi dưới thời Mạc là “binh điền”. Theo sử liệu thì đối tượng được nhắc đến trong chính sách ban cấp lộc điền chủ yếu là binh lính. Mặc dù phép lộc điền được đưa ra bàn định từ năm 1528, nhưng phải 15 năm sau mới thực hiện. Đối tượng được hưởng chính sách lộc điền thời Mạc khá đông đảo, tuy nhiên khẩu phần ruộng đất được chia lại quá ít ỏi (2 mẫu). Tuy binh lính được ưu đãi hơn trước song vẫn còn bị đóng khung trong khuôn khổ “khẩu phần” ruộng công từng làng và chịu sự chi phối của tính chất “khẩu phần” đó.

Suốt thời gian trị vì, nhà Mạc vẫn duy trì chính sách ban thưởng ruộng thế nghiệp, ruộng thờcho những người có công lao lớn đối với vương triều. Chẳng hạn như Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm khi mất được nhà Mạc cấp cho 100 mẫu ruộng thờ, Ứng vương Mạc Kính Điển có 55 mẫu ruộng ở xã Thiên Bài, huyện Yên Mô (Ninh Bình). Bia chùa Minh Phúc (Toàn Thắng, Tiên Lãng) cho biết bà Thái hậu họ Vũ có 5 mẫu ruộng tại xứ Mả Cả, xã Đốc Hành cúng cho chùa làm ruộng tam bảo. Số ruộng này nguyên là thế nghiệp điền của Phúc Tuy Thái trưởng công chúa bị các con trai là Bùi Thế Mỹ, Bùi Thế Triết và Bùi Thế Trách  bán đứt theo thời giá là 120 lạng bạc... Tuy nhiên, Phúc Tuy Thái trưởng công chúa không phải chỉ có 5 mẫu thế nghiệp điền mà chắc chắn phải nhiều hơn, vì văn bia còn cho biết 5 mẫu ruộng bà Thái hậu họ Vũ mua lại ấy có địa giới phía bắc giáp với ruộng thế nghiệp của Phúc Tuy.

Đối tượng được hưởng chính sách quân điền đời nhà Mạc là các hạng dân làng xã, có nghĩa vụ đóng góp tô, thuế và sưu dịch cho Nhà nước. Chính sách quân điền được thực hiện như thế nào vẫn chưa rõ, nhưng ruộng đất đem cấp cho quân phân chắc chắn phải là quan điền (ruộng đất công) do làng xã trực tiếp quản lý. Có lẽ về hình thức phân chia thì chính sách quân điền thời Mạc có điểm khác với thời Lê là “chia đồng đều”, không phân biệt các hạng dân.

Trong hơn hai chục năm chiến tranh, loạn lạc đầu thế kỷ XVI, nhà Lê không có khả năng kiểm soát được tình hình ruộng đất dẫn đến tình trạng lấn chiếm ruộng đất tràn lan. Nhà Mạc sau đó không những không có biện pháp ngăn ngừa khống chế, mà còn có những chính sách khuyến khích ruộng tư phát triển. Trong phép lộc điền ban hành năm 1543, mặc dù số lượng ruộng đất công còn rất ít để phân chia cho binh lính nhưng nhà Mạc vẫn không trưng dụng đến ruộng đất tư. Qua bi ký thì hiện tượng mua, bán, chuyển nhượng ruộng đất với số lượng lớn diễn ra khá sôi động trong tầng lớp hoàng thân, quốc thích, như trường hợp bà Thái hậu họ Vũ mua 5 mẫu ruộng nêu trên. Nếu tính tổng số ruộng bà Thái hậu mua để cung tiến cho các chùa quán lên đến gần 40 mẫu, Ứng vương Mạc Kính Điển mua lại 7 mẫu 2 sào ruộng của chùa Hưng Phúc đã bị chiếm đoạt để trả lại cho chùa. Tĩnh Quốc công Vũ Hộ (tức Mạc Bang Hộ) có 55 mẫu ruộng cũng đã bị các con đem bán vào năm 1544... Tình hình sở hữu tư nhân về ruộng đất thời Mạc hầu như không có nguồn sử liệu nào đề cập đến. Tuy nhiên, các bia ký lại cho biết khá rõ điều đó. Trong nội dung các văn bia, điển hình là bia chùa kê khai ruộng đất của chùa, thấy ghi chép nhiều loại hình ruộng đất, nhiều chủ sở hữu với thành phần xã hội khác nhau. Các loại hình ruộng đất ấy là phân điền, thế nghiệp điền, quan điền hay tư điền.

 Dưới thời Mạc, các làng xã đã có lập địa bạ. Sự kiện này được xác định qua một thông tin duy nhất từ nội dung bia chùa Nghiêm Quang, xã Hội Xuyên, huyện Gia Lộc (Hải Dương), dựng khắc năm 1572. Nội dung văn bia cho biết: Ruộng đất của chùa có 27 mẫu, 7 sào, 5 thước, 8 tấc, giáp giới các hướng đông tây ghi trong địa bạ. Điều đặc biệt dễ nhận thấy dưới thời Mạc, phụ nữ đứng tên chủ sở hữu khá đông. Họ được Nhà nước công nhận, bảo trợ các quyền lợi về mua bán, kế thừa và là chủ sở hữu ruộng đất.

Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc.

Thế kỷ XVI, thế kỷ phục hưng của Phật giáo, trên địa bàn nhà Mạc quản lý, chùa chiền mọc lên khắp nơi. Nhiều ngôi chùa bị hoang phế đổ nát từ thế kỷ trước được trùng tu tôn tạo nhưng nhiều nhất vẫn là các làng xã thuộc Tứ Trấn và trên quê hương Dương Kinh của nhà Mạc. Chùa trở thành chủ sở hữu một bộ phận ruộng đất. Tuy nhiên, qua ghi chép tổng số ruộng chùa ở các bi ký thì không có chùa nào có diện tích ruộng đất từ 100 mẫu trở lên. Chùa sở hữu lớn nhất cũng chỉ có 70 mẫu ruộng mà thôi. Ruộng chùa được Nhà nước trưng dụng để ban cấp lộc điền cho binh lính có lẽ là ruộng quan điền mà nhà chùa được làng xã cung tiến, còn các loại hình ruộng khác vẫn thuộc quyền sở hữu của chùa. Về cơ bản, ruộng chùa vẫn thuộc hình thức sở hữu tư nhân mà chủ sở hữu chính là nhà chùa. Số ruộng này nhà chùa chia cho một bộ phận dân làng xã cày cấy thu hoa lợi dùng vào việc tuần tiết thờ cúng.

Nội dung bao trùm được chính sử ghi chép trong hơn 2/3 thế kỷ nhà Mạc tồn tại ở Thăng Long là cuộc nội chiến Nam- Bắc triều. Thông tin về các hoạt động kinh tế nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp rất mờ nhạt. Trong những năm đầu thời Mạc Đăng Doanh trị vì (1530 - 1540), sản xuất nông nghiệp của Bắc triều có những biểu hiện phát triển nhất định. Là người “tính tình khoan hậu, giản dị … giữ pháp độ, cấm hà khắc tàn bạo”, Mạc Đăng Doanh đã tạo nên một thời hoàng kim của vương triều Mạc: “Bấy giờ được mùa, nhà no người đủ, trong nước gọi thời ấy là trị bình”. Hình ảnh về một xã hội ổn định, thịnh trị của nhà Mạc, những năm đầu thập kỷ 30 thế kỷ XVI, được các sử thần triều Lê - Trịnh và sử gia Lê Quý Đôn mô tả thật chi tiết “… mấy năm liền được mùa, nhân dân 4 trấn đều được yên ổn”, hoặc “Trúng mùa luôn, thóc rẻ gạo hơn, thuế nhẹ dịch ít, ai nấy no đủ thư thái, lại thêm tư pháp nghiêm minh, quan lại thanh cần, trộm cướp mất tăm, đêm không nghe tiếng chó cắn, đi đường không ai thèm nhặt của rơi …”.

Mặc dù nguồn sử liệu không đề cập đến một chính sách hoặc một biện pháp nào của nhà Mạc đối với nền sản xuất nông nghiệp đương thời, nhưng qua tư liệu văn bia và các nguồn tư liệu khác cho thấy rõ nhà Mạc rất quan tâm đến sản xuất nông nghiệp, nhất là trong khi nền chính trị ổn định, kỷ cương xã hội được tạo lập, pháp luật được thực thi.

Quản lý một miền đồng bằng châu thổ rộng lớn màu mỡ, nhà Mạc tỏ ra có ưu thế hơn hẳn so với Nam triều của nhà Lê trung hưng ở xứ Thanh - Nghệ trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp, thương nghiệp và sản xuất thủ công nghiệp. Một trong những biện pháp quan trọng và được thực thi khá hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp dưới thời Mạc là việc tổ chức nhân dân đắp đê chống lũ lụt, đào kênh mương dẫn nước phục vụ tưới tiêu hoặc quai đê lấn biển, khai phá những bãi bồi ven biển xứ Đông. Tên gọi của những đoạn đê sông như đê Chân Kim, đê Kinh Điền (Hải Phòng) hay đê Hà Nam(Yên Hưng, Quảng Ninh) vẫn được nhân dân truyền gọi là “đê nhà Mạc”. Ngày nay, trên địa bàn Hải Phòng vẫn còn dấu vết của những dòng kênh như kênh nhà Mạc ở núi Voi (An Lão), kênh Cái Riếc (Vĩnh Bảo) được khai đào từ thời Mạc. Tư liệu dân gian cho biết người đứng ra tổ chức nhân dân đào kênh là Quận công Nguyễn Công Địch, người làng Phù Lưu (Bắc Ninh). Bên cạnh công tác thuỷ lợi, nhà Mạc còn khuyến khích nhân dân khai phá hàng ngàn mẫu đất dọc các bờ sông Kinh Thầy, sông Hàn, sông Đá Bạc. Diện tích đất canh tác nhờ đó mà tăng lên đáng kể. Những cố gắng của nhà Mạc trong công cuộc “Trị thuỷ, khẩn hoang” đã góp phần làm cho đời sống nhân dân ổn định, mùa màng bội thu, thiên hạ thái bình.

Tuy nhiên, cảnh tượng phồn thịnh ấy duy trì không được bao lâu. Từ năm 1545 trở về sau, cuộc chiến tranh Nam - Bắc triều diễn ra ngày càng khốc liệt, nhà Mạc gần như huy động toàn bộ nhân tài vật lực vào cuộc nội chiến, ít có điều kiện quan tâm đến sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, dưới triều Mạc Mậu Hợp, chính sự nhà Mạc ngày càng suy đồi: “kỷ cương bỏ bê mà không chấn hưng, chính sự thốt nát mà không tu sửa, trộm cướp hoành hành… lòng người nao núng, thế nước lung lay”. Đời sống của các tầng lớp nhân dân, nhất là nông dân ngày thêm khốn khó. Chiến tranh tàn phá xóm làng, đồng ruộng, sản xuất nông nghiệp bị đình trệ, chế độ binh dịch, lao dịch và tô thuế nặng nề đã đẩy người nông dân vào cảnh khốn cùng. Tình trạng ấy được phản ánh trong tờ sớ của Thiếu bảo Giáp Trưng dâng lên Mạc Mậu Hợp năm 1581: “Hiện nay giặc giã chưa yên, quân dịch nặng nề, cả đến việc thu thuế và cho dân vay thóc cũng rất phiền phức, sớm mới buông tha, chiều đã thôi thúc, suốt năm không ngày nào yên, cứ đếm đầu người mà thu, rồi lại tính lời từng phân từng ly. Từ niên hiệu Sùng Khang tới nay, trong khoảng năm đó, các xứ thu vét sưu thuế để chi dùng chỉ đòi hỏi ở dân nghèo; đến chi dùng trong diện cũng chỉ đòi hỏi ở đám dân ấy. Các quân thần vũ, hiệu lực cũng đòi hỏi ở đám dân ấy, các quân uy nỗ, thần tý cũng gọi bắt ở đám dân ấy, các vệ, sở châu huyện trưng thu cũng ở đám dân ấy. Ngoài ra, có khi tăng gấp đôi số thuế đã định, làm cho dân phải khánh kiệt phá sản. Dân tình ngao ngán, không còn muốn sống” (Lê Quý Đôn toàn tập).

Một nguyên nhân nữa làm cho nền sản xuất nông nghiệp ở nước ta trong thế kỷ XVI phát triển khá chật vật là do thiên tai như lũ lụt, hạn hán, động đất. Trong khoảng 65 năm nhà Mạc cầm quyền, biên niên sử chỉ chép duy nhất 1 lần được mùa vào năm 1531, trong khi đó hiện tượng thiên tai được ghi chép lại với mật độ khá dày: năm 1530, tháng 3, đại hạn, có sâu lúa, lúa má chết khô, đến hạ tuần tháng 6 mới mưa; năm 1537, mùa hạ tháng 4, gió to, gãy cây, tốc nhà, nước biển dâng lớn, người và súc vật chết đuối; năm 1539, đại hạn, tháng 10 động đất; năm 1548, mùa hạ ngày 11 tháng 4, ở các phủ Nam Sách, Thượng Hạ Hồng, Lý Nhân, Khoái Châu và Trường An, đương lúc ban ngày trời bỗng tối sầm, không gian bỗng nổi lên tiếng động ầm ầm, rồi mưa đá đổ xuống sầm sập làm hư hại lúa má ngoài đồng, cây cối trong vườn, phá hoại nhà ở, chết chim ngoài đồng, người và súc vật bị thương rất nhiều; năm 1581, tháng 7, có trận mưa bão rất dữ, mà tại kinh đô càng mạnh hơn, từ cung điện trong triều đến Giao đàn, Thái miếu, Văn miếu và đàn Xã Tắc, cả đến nhà cửa cùng dinh thự thảy đều đổ nát gần hết. Ở hương thôn các xứ thì cây bốc rễ, lúa ngả rạp, nhà đổ, thuyền đắm, người chết rất nhiều. Chính thiên tai đã gây tác hại nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng xấu đến đời sống các tầng lớp nhân dân. Cũng như nhà Trần, nhà Mạc xuất thân từ một dòng họ dân chài xứ Đông nên có tâm lí, tính cách cởi mở và có cái nhìn tự do, phóng khoáng hơn so với nhà Lê. Tư tưởng “trọng nông ức thương”, “bế quan toả cảng” cũng như sự phân biệt về “tứ dân” (đặc biệt là giữa tầng lớp Nho sĩ, nông dân và tầng lớp công, thương) của nhà Mạc không nặng nề và khắt khe như vương triều Lê trước đó. Để lo đối phó với các thế lực chính trị thù địch, mà chủ yếu là nhà Lê Trung hưng ở miền Thanh - Nghệ, nhà Mạc gần như tập trung toàn bộ trí và lực vào cuộc nội chiến, chưa quan tâm đầy đủ hoặc có tư tưởng nới lỏng để nền kinh tế phát triển tự do, mang tính chất thả nổi. Bối cảnh chính trị xã hội đó là tiền đề quan trọng, góp phần thúc đẩy các hoạt động kinh tế công, thương nghiệp dưới triều Mạc có những bước chuyển biến mới.

(Bài sau: Hải Phòng thời nhà Mạc (1527 – 1592) (Phần 3)

(Theo “Hải Phòng – Những chặng đường lịch sử”)

Bình luận

Alecimb

Alecimb - 05/17/2022 01:51:20

Ojsomv https://newfasttadalafil.com/ - Cialis splitting tadalafil tablets Swxbop Cialis kamagra pills effects Achat Propecia 1mg Zqfhks https://newfasttadalafil.com/ - buy cialis online us

Viết bình luận