Hậu duệ đời thứ 18 của họ Mạc tiết lộ về thanh bảo đao gia truyền
GiadinhNet - Nhờ vào thanh Định Long Đao, Mạc Đăng Dung đã trở thành Trạng Nguyên, rồi dẹp bè phái gây dựng nên triều đại Nhà Mạc. Sau khi triều Mạc sụp đổ, con cháu phải đổi thành họ Phạm về ẩn ở làng Ngọc Tỉnh và lưu giữ được thanh long đao này, mang thờ ở từ đường họ.
Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử nhưng con cháu dòng họ Phạm sau gần 500 năm vẫn cất giữ bảo đao một cách an toàn. Ông Phạm Đức Thụ (Thôn Ngọc Tỉnh, Xuân Trường, Nam Định) là trưởng họ cũng là người mấy chục năm trông giữ thanh bảo đao thấm thía được sự gian lao khi con cháu dòng họ cố gắng gìn giữ thanh bảo đao này.
|
Thanh bảo đao trước đây ở Từ đường (ảnh H.T). |
Bảo đao 500 tuổi được coi như bảo vật nhà Mạc (?)
Mạc Đăng Dung (1483-1541) là người làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, phủ Kim Môn, trấn Hải Dương (nay là làng Cổ Trai, Ngũ Đoan, Kiến Thụy, Hải Phòng). Ông sinh ra ở vùng biển, làm nghề đánh cá, nhưng lại có trí dũng hơn người. Thanh đại long đao gắn liền với Mạc Đăng Dung bởi nó đã từng giúp Mạc Đăng Dung đoạt chức vô địch trong cuộc thi tuyển dũng sĩ tại Giảng Võ đường ở Thăng Long thời Lê Sơ. Ông đã trúng Đô lực sĩ xuất thân (Võ Trạng Nguyên), được sung quân Túc vệ. Hơn nữa, với thanh đại long đao, Mạc Đăng Dung đã xông pha trận mạc và bách chiến bách thắng trong các cuộc dẹp loạn. Do lập nhiều công lớn, dẹp loạn các phe phái, bảo vệ triều đình, nên được phong tới chức Thái sư, tước An Hưng vương, đức trí bậc nhất triều đình.
Triều Lê Sơ suy tàn, nên năm 1527, Hoàng đế Lê Cung Hoàng đã hạ chiếu nhường ngôi cho Thái sư Mạc Đăng Dung. Mạc Đăng Dung lên ngôi, lập ra triều Mạc, lấy niên hiệu Minh Đức. Trị vì đến năm 1529, ông nhường ngôi cho con cả Mạc Đăng Doanh. Khi Mạc Thái Tổ băng hà, đại long đao được đem về thờ ở lăng miếu làng Cổ Trai. Năm 1592, nhà Mạc thất thủ ở Thăng Long, Mạc Đăng Thận (cháu 4 đời của Mạc Đăng Dung), là người coi giữ lăng miếu. Ông đi bằng thuyền buồm, giả lái buôn thăm dò thấy yên ổn mới cho gia quyến và con cháu định cư tại đó. Khi đi ông đã mang thanh long đao - kỷ vật thiêng liêng của Mạc Thái Tổ. Đoàn thuyền tiến về phía Nam, vào vùng cửa sông Hồng, đến cửa Lạn Môn thì dừng lại, tìm đến đất Kiên Lao (Nam Định) định cư. Nghe lời Quốc công Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông cùng gia quyến đổi sang họ Phạm để tránh bị nhà Trịnh truy sát diệt vong. Ông đổi họ Mạc thành họ Phạm, song vẫn giữ lại bộ thảo đầu của chữ Mạc để con cháu đời sau ghi nhớ tín hiệu nhận ra nhau.
Đến vùng đất mới, Mạc Đăng Thuận đổi tên là Phạm Đình Trú. Trải 4 đời ở vùng Kiên Lao, dòng họ Phạm gốc Mạc có sự phân chi. Ông Phạm Công Úc được giao mang đại long đao về định cư ở vùng Ngọc Tỉnh và thờ ở từ đường chi họ Phạm gốc Mạc. Trải bao biến cố thăng trầm, theo gia phả dòng họ, thời vua Lê Dụ Tông, hai người con trai Phạm Công Úc là Phạm Công Dục và Phạm Công Dắt lên kinh đô thi võ. Hai ông đã xin cha cho phép làm lễ rước thanh long đao của Mạc Thái Tổ, cầu xin anh linh tiên đế và linh khí bảo đao phù trợ. Khoa thi ấy, cả hai ông đều đỗ võ quan, được triều đình tuyển dụng. Ông Phạm Công Dục theo vua Lê đi dẹp loạn, sau được thăng tới chức Đô thống phủ Tả Đô đốc Lê triều Kiệt trung tướng quân, tước Dục Trung hầu. Ông Phạm Công Dắt được phong chức Quản Hữu chấn cơ Tín nghĩa Đô úy, tước Phạm sứ hầu. Từ bấy, linh ứng bảo đao của Mạc Thái Tổ độ trì cho con cháu hậu duệ nhiều đời sau đỗ đạt. Triều vua Minh Mệnh (1821), Phan Bá Vành khởi binh, chống lại triều đình, muốn dùng long đao của Mạc Thái Tổ làm linh khí trên chiến địa. Họ Phạm ở Ngọc Tỉnh đã kịp thời chôn giấu đại đao, không để mất long đao của tiên đế. Nhiều năm trôi qua, dấu tích nơi chôn giấu không còn, thanh long đao bị thất lạc.
Theo lời kể, thời đó, gò đất phía Đông Nam từ đường họ Phạm làng Ngọc Tỉnh bỗng nhiên phát hỏa. Lửa tự nhiên bốc cháy, phút chốc lại tắt. Nhiều lần lửa bốc lên, cháy cả vào rơm rạ, quần áo của dân làng. Vì thế, dân trong vùng gọi gò đất này là Gò Con Hỏa. Năm 1938, họ Phạm làng Ngọc Tỉnh tiến hành trùng tu từ đường, đào hồ bán nguyệt, đã tìm thấy thanh đại long đao dưới lòng đất sau hơn 90 năm thất lạc. Lúc này, đại long đao đã bị gỉ sét ăn mòn như hiện trạng bây giờ. Họ Phạm đã rước về từ đường thờ phụng bảo quản trong lớp mỡ bò. Theo lời đồn, kể từ khi tìm lại được đại đao, Gò Con Hỏa không còn phát hỏa nữa. Hiện tượng lạ này đến nay còn nhiều người kể.
Sau khi Di tích Vương triều Mạc được xây dựng và khôi phục trên chính mảnh đất tổ tiên của dòng tộc Mạc, thuộc xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng. Đúng ngày 22/9/2010, chi họ Phạm gốc Mạc ở làng Ngọc Tỉnh, cùng con cháu dòng tộc, nhân dân địa phương, đã nghinh rước báu vật của Thái Tổ Mạc Đăng Dung về Thái miếu, thuộc Khu tưởng niệm Vương triều Mạc của dòng tộc Mạc. Khu di tích có tổng diện tích 10,5 ha nơi thờ 5 vị vua triều Mạc .
Năm 1986, nhà nghiên cứu lịch sử Lê Xuân Quang, hội viên Hội Khoa học lịch sử Việt Nam về tìm hiểu hậu duệ vương triều Mạc trên đất Hà Nam Ninh. Khi tiếp xúc với thanh long đao, ông vô cùng phấn khích và đã xin phép chi họ cho tiến hành việc cân, đo, chụp ảnh, tra cứu tộc phả, lập lí lịch di vật để đưa vào danh mục di vật khảo cổ học. Ông ghi lại: "Thanh long đao của Mạc Thái Tổ dài 2,55m, cân nặng 25,6kg, lưỡi đao dài 0,95m, cán đao dài 1,60m, bằng sắt rỗng, có cá chốt chặt lưỡi đao vào cán đao. Một hình đầu rồng bằng đồng thau che kín phần cuối lưỡi đao tiếp vào cán đao thay thế cho khâu đao. Chỗ hình đầu rồng có cá chốt chặt lưỡi đao vào cán đao".
Người nắm giữ bí mật về thanh long đao
|
Ông Phạm Đức Thụ (ảnh H.T). |
Một ngày đầu xuân, chúng tôi có dịp đến tham quan khu từ đường họ Phạm gốc Mạc ở thôn Ngọc Tỉnh, T.T Xuân Trường, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Tiếp đón chúng tôi là ông Phạm Đức Thụ, trưởng họ hiện nay của dòng họ Phạm, cũng là người bảo quản và giữ gìn thanh long đao của tổ tiên. Ông Thụ nhiệt tình và không thể giấu được niềm tự hào khi kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về tổ tiên mình. Ông Thụ cho biết, ông là trưởng họ thuộc chi thứ 2, dòng họ Phạm cũng là người được tổ tiên từ ông cha truyền lại có trách nhiệm giữ gìn và trông coi thanh long đao. Ông Thụ dẫn chúng tôi đi thăm từ đường của dòng họ Phạm và chỉ trỏ vào 2 tấm sắc Phong còn lưu giữ tại từ đường của dòng họ mình.
Ông Thụ chia sẻ: Là trưởng họ, ông được cha giao phó gánh trách nhiệm của cả dòng tộc, trông coi, chăm sóc cho thanh long đao lúc ở từ đường. Ông cũng như tất cả con cháu trong dòng tộc đều coi thanh long đao là bảo vật của dòng tộc nên luôn có gắng hết sức giữ gìn, và cũng coi nó như thần hộ mệnh của cả dòng tộc. Ông kể lại câu chuyện về Gò Con Hỏa (bây giờ là Hồ bán nguyệt), rồi dẫn chúng tôi xem nơi đặt Thanh Bảo đao trước kia ở trong từ đường.
Năm 1957, Bảo tàng tỉnh Nam Định tha thiết đề nghị dòng họ Phạm đưa thanh long đao về bảo tàng lưu giữ. Nhưng các cụ trong dòng họ không tán thành nên thanh long đao vẫn tại vị trong từ đường. Tuy nhiên với nguyện vọng của tiên tổ và ý nguyện của các chi họ Mạc, gốc Mạc trên toàn quốc, ngày 22/8 âm lịch (cũng là ngày giỗ của Mạc Thái Tổ), qua nhiều lần họp bàn, họ Phạm mới thống nhất tổ chức lễ rước thanh đại long đao của Thái Tổ Mạc Đăng Dung hồi cố đất Dương Kinh (Kiến Thụy, Hải Phòng). Ông Thụ cũng chia sẻ: Giờ đây, tâm nguyện của con cháu của dòng họ là thanh long đao sẽ được hồi hương để con cháu được thờ phụng như trước đây vì nó đã gắn bó với dòng tộc suốt gần 500 năm.
Hữu Thuần
Nguồn: baogiadinh.net.vn
Viết bình luận