Hoàng Bôi, Quan tướng triều Mạc

Hoàng Bôi, Quan tướng triu Mc

Huỳnh Đình Kết

Từ vấn đề lịch sử

Triều Mạc đã thực sự tồn tại trong tiến trình lịch sử từ 1527 đến 1592, riêng ở Thuận Hóa, Vương triều này đã trực tiếp quản lý những hoạt động xã hội đương thời từ 1527 đến 1552. Mặc dù vậy, các sử gia đời trước thường xem nhà Mạc là ngụy triều hoặc nhẹ hơn là nhuận triều. Gần đây, cùng với quá trình đổi mới về nhận thức, đổi mới tư duy, đã có những công trình nghiên cứu những hoạt động hội thảo khoa học nhằm góp phần nhìn nhận, đánh giá đúng thực chất Vương triều Mạc. Trong chiều hướng ấy, vào ngày 18 tháng 7 năm 1994, Viện Sử học, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội đồng Sử học Hải Phòng cùng UBND huyện Kiến Thụy (quê hương của nhà Mạc) đã tổ chức hội thảo khoa học về Vương triều Mạc. Có 26 tham luận tập trung ba vấn đề chính: Vị trí Vương Triều Mạc trong lịch sử, về chính sách đối ngoại, về vấn đề các sử gia phong kiến trước đây quan niệm Vương triều Mạc như là một “ngụy triều” và đặt nhà Mạc như một vương triều chính thống cần được nghiên cứu và đánh giá đúng mức (1).

Bấy giờ, đạo Thuận Hóa do Tín Vương Mạc Quyết trấn thủ, dân chúng tin theo, nhiều người giúp lập, cuộc sống có nhiều mặt khởi sắc. Về sau tình hình thay đổi, vua Lê Trung Hưng, Thuận Hóa mất quyền kiểm soát của triều Mạc kể từ năm 1552. Trong hoàn cảnh ấy người quy thuận, người lại vượt biên ra Bắc về với triều đình. Duy có Hoàng Bôi đưa quân lập căn cứ ở huyện Hải Lăng ròng rã mấy năm, về sau thất thế mà bị hại. Với tư liệu ít ỏi hiện có, bài viết ngắn này xin được đề cập đôi điều về vị tướng đã tuẫn tiết cùng Triều Mạc trên đất Thuận Hóa ấy.

Hoàng Bôi: Đôi dòng tiểu truyện

Trong chương mục: “Những người trung nghĩa” tác giả Ô Châu cận lục đã có chép về ông rằng: “…Ông người xã Câu Nhi, huyện Hải Lăng… do chân lực sĩ vệ chiêu vũ, được bổ làm Hiệu úy ty Trung tá. Hồi Chính Trung gây loạn, ông phụng mệnh làm phó tướng đạo Thuận Hóa, theo Tây Quốc công đi đánh giặc được phong Viên Đá Bá, vẫn một lòng trung nghĩa… được phong Đồng tri Thiên sự, từ khi đạo nhà thất thủ… Một mình ông đóng giữ ngọn nguồn huyện nhà…. Vua Mạc biết chuyện sai người đem tờ dụ đến khen ngợi, tấn phong hầu tước… Ông giữ địa thế chống nhau với giặc gần 13 năm, lương thực thiếu thốn, lòng chúng lìa tan lại bị Hương dương bà Phạm Đức Trung làm nội phản, ông đuối thế bị bắt rồi bị hại…(2), điều này cũng đã được Lê Quý Đôn chép rõ trong tác phẩm Phủ Biên tạp lục (3).

Vừa qua chúng tôi đã được ông Huỳnh Triển, cháu 22 đời dòng họ Hoàng ở làng Câu Nhi cho xem bản phổ mà ông đang giữ, qua đây có thể rõ thêm đôi điều về phó tướng Hoàng Bôi: “Ông là cháu đời thứ tư Huỳnh Tấc Đắc, từng học Quốc Tử Giám, tinh thông võ kinh võ bị được triều Mạc phong tước Giới Phiên vệ tước Viên đàm hầu. Ông có vợ là bà Lê Thị Uyên, người cùng làng, sanh hạ được hai trai. Lăng mộ ông hiện táng tại xứ Cồn Thướng ở quê nhà. Ông được dân làng tôn vinh làm nhân thần phụng thờ tại đình làng Câu Nhi, cũng được Chùa Quang Khố lập miếu thờ, nhân dân xóm Chùa, xóm Đồng, xóm Hòa và xóm Thượng đều lập đàn hoặc miếu để thờ. Triều đình nhà Nguyễn cấp sáu đạo sắc phong. Hàng năm tế vào ngày 14-7 âm lịch. Từ trước đến nay đều do dân làng sở tại phụng thờ …”

Về lai lịch ông Huỳnh Tấn Đắc, bản phổ ghi là: “Kính nam ngài Thái Thi Tổ họ ta vốn người Bắc Nhơn mà lại, ngài cùng các ngài Bùi, ngài Hoàng, ngài Nguyễn, ngài Phan, ngài Trần, ngài Lê, ngài Đào, ngài Trương, ngài Đặng… Các ngài xưa từ Bắc xoay vào Nam chiêu một được hơn 20 người chiếm đất Ô Châu, hiện người Chiêm đi hết, đất đai hoang vắng… lập thành làng Câu Lãm sau đổi là làng Câu Nhi…

Ông Húy Đắc, chữ là Trọng Hoạch, hiệu Hữu Chi, dòng dõi ngài Hoàng Phúc.

Cứ thao bản “chỉ phiên” của làng có chưa rõ ràng, ngài thường nghe Tiên nhơn truyền lại nước An Nam nhiều đất báu, ngài theo người Trung Hoa sang An Nam tầm sơn điểm huyệt… Ngày nọ, đã có giúp gia đình nọ an táng phần mộ thân sinh họ vào chỗ huyệt tốt. Để đáp ơn, gia đình ấy đã gả con gái cho. Ông ăn ở với bà có thai rồi giả từ về Trung Quốc. Đã hơn 10 năm, lúc ấy sai ông Trương Phụ, Mộc Thạnh, Liễu Thăng, Huỳnh Phúc đem lính sang đánh nước An Nam… Ngài (Tất Đắc) tìm ra người cũ bèn lánh vào phía Nam cùng những ngài khác lập làng Câu Lãm… (4).

Lại xét sách “Đại Việt sử ký toàn thư “bản dịch” có ghi về trường hợp Hoàng Phúc rằng: ông người Xương Ấp, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, năm 1407, được nhà Minh giao chức Bắc Kinh hành bộ thượng thư giữ hai ty Bố Chính, Án Sát đô hộ nước ta; Vào năm 1424 triệu hồi về nước theo một sắc chi trong đó có nói rằng: “…Thấy sắc đến thì khanh đi trạm mau về kinh để khỏi phụ lòng trẫm mong đợi. Còn vợ con thì giao cho trạm võng cáng về sau…” đến năm 1427, Hoàng Phúc lại theo quân nhà Minh vào xâm lược nước ta rồi bị bắt và được vua Lê Lợi thả về nước vào tháng chạp năm ấy (5). Ông cũng là người tinh thông địa lý, đã soạn sách “Hoàng Phúc Cảo” bổ sung chỗ thiếu của sách địa lý của Cao Biền (6).

Tóm lại, Hoàng Bôi người làng Câu Nhi, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ông tinh thông võ nghệ, nhằm khi nhà Mạc nối tiếp nhà Lê, ông đem lòng hết sức giúp lập. Khoảng năm 1528, ông làm chân lực sĩ ở vệ Chiêu Vũ, đây là một trong bốn vệ Hưng Quốc, Chiêu Vũ, Cẩm Y, Kim Ngô được vua Mạc Đăng Dung cho lập ra để bảo vệ các trấn; Vệ Chiêu Vũ có trách nhiệm trấn Linh Sơn Nam (7). Đến năm 1548 nhân sự kiện Mạc Chính Trung và Nguyễn Từ Nghi làm phản, ông được cất nhắc làm phó trưởng đạo Thuận Hóa, việc hoàn thành được phong tước Viên Đàm bá giữ chức Đồng Tri Thiên Sự. Sau năm 1552, Thuận Hóa đã thất thủ về lực lượng vua Lê Trung Hưng, ông vẫn được vua Mạc Phúc Nguyên giao chức Giới phiên vệ và Tước viên đàm hầu. Từ khi đạo Thuận Hóa giao động, rối loạn bởi quân của vua Lê Trung Hưng hoạt động mạnh cho đến lúc triều đình Trung ương nhà Mạc mất quyền kiểm soát ở Thuận Hóa, ông đã tổ chức lực lượng chiếm giữ đầu nguồn sông Mỹ Chánh, thuộc huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, giáp ranh với tỉnh Thừa Thiên để cầm cự, chống đỡ nhiều năm ròng, một lòng trung thành với triều Mạc. Đến khoảng mùa hạ 1554, ông thất thế bị bắt rồi bị hại (8). Sau khi chết dân làng Câu Nhi tôn ông làm nhân thần. Hàng năm chăm sóc phần mộ và hương khói tế lễ để tỏ lòng tôn kính đối với một vị tướng trung nghĩa quê nhà. Riêng ông, nhưng ghi chép về mối quan hệ huyết thống với Thượng thư Hoàng Phúc nhà Minh ở trong gia phổ, đã gợi mở nhiều vấn đề cần quan tâm, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức mới có khả năng làm sáng tỏ được.

Ông là võ tướng vương triều Mạc ở Thuận Hóa, có công lao với triều đình, là quan chức cao cấp ở địa phương thời bấy giờ. Ông vừa góp phần làm nên lịch sử đồng thời là nhân chứng lịch sử. Hành trang của ông thì nhiều, mà sự hiểu biết của chúng ta còn khiêm tốn lắm.

Huế, 1994

H.Đ.K

__________

(1) Xem tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 4 (275) (VII- VIII) -1994, 1995

(2) Dương Văn An- Ô Châu cận lục- NXB Á Châu Sài Gòn 1963 tr.99- 100, chúng tôi có lược bớt những đoạn rườm rà. Tây Quốc Công ở đây chính là Nguyễn Nghi, tướng nhà Mạc.

(3) Gia phổ họ Hoàng làng Câu Nhi, quận Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Bản chép tay 1963 do ông Huỳnh Triển Phụng giữ. Vì chưa có điều kiện điền giã nên chúng tôi tạm sử dụng như vậy, riêng chi tiết ghi về ông Hoàng Bôi từng theo học Quốc tử giám thì cần chờ khảo cứu thêm.

(4) Xem Đại Việt sử ký toàn thư tập II và III, NXB KHXH Hà Nội (1968). Từ trang 229- 253 tập II và tr.9- 50 tập III.

(5) Lê Quý Đôn toàn tập- Tập III Đại Việt Thông sử. NXB KHXK Hà Nội 1978 tr.133.

(6) Sách đã dẫn (Đại Việt Thông sử) tr. 268.

(7) Sách đã dẫn (Đại Việt Thông sử) tr. 301

 

 

Viết bình luận