Hội thảo khoa học giai đoạn hậu Cao Bằng ở Vĩnh Phúc

Hội thảo khoa học giai đoạn hậu Cao Bằng ở Vĩnh Phúc

Chủ đề của cuộc hội thảo là “ Nhà Mạc và hậu duệ trên đất Vĩnh Phúc”, nhưng các tham luận tham gia Hội thảo vừa tập trung vào chủ đề đó, vừa mở rộng và nhận thức về nhà Mạc. Tổng kết hội thảo hôm nay, tôi xin được đưa ra mấy vấn đề như sau:

Về tư liệu: Khó khăn nhất trong nghiên cứu nhà Mạc là tư liệu rất hạn chế. Như chúng ta đã biết, nhà Mạc sau khi thất bại bị coi là Ngụy triều thì các ghi chép ở trong chính sử của chính quyền Lê – Trịnh vừa ít, vừa bị uốn nắn theo quan niệm chính thống của Lê – Trịnh. Các tư liệu mà chúng ta khai thác được trong các bộ thư tịch khác và bi ký có bổ sung thêm nhưng cũng rất hạn chế. Đến cuộc hội thảo lần này, tôi thấy nguồn tư liệu không những trên địa bàn của tỉnh Vĩnh Phúc mà nói chung các nguồn tư liệu liên quan đến nhà Mạc khó mà nói rằng đã khai thác hết, nhất là khả năng tìm thêm các nguồn mới.

Tôi đánh giá cao các nguồn tư liệu khai thác trong thư tịch cổ của Trung Quốc. Trong hội thảo này , có sự đóng góp của hai học giả Trung Quốc , một vị có mặt ở đây là Ngưu Quân Khải và một vị khác là Dương Liễm hôm nay vắng mặt. Đồng thời có một đóng góp của một học giả Việt Nam là Chu Xuân Giao. Ba học giả này có công lớn trong khai thác các nguồn tư liệu thư tịch của Trung Quốc và cả các di tích hiện nay đang còn ở Trung Quốc liên quan đến nhà Mạc. Tôi cho rằng đây là một nguồn tư liệu mới so với nguồn tư liệu mà trước đây chúng ta tích lũy từ trước. Đây là một đóng góp bổ sung tư liệu rất đáng trân trọng, riêng cá nhân tôi đánh giá rất cao.

Tôi lấy ví dụ, như các học giả nêu trên đã phát hiện thì cộng đồng dân cư người Việt ở Tân Cương xa xôi, ở tận Urumqi, trong đó có hai nhóm người Việt: một nhóm là Hoàng Công Toản ( là con của Hoàng Công  Chất, hậu duệ nhà Mạc bị đày ở vùng Urumqi) và một nhóm là Hoàng Ích Hiểu ( đại thần lưu vong của vua Lê Chiêu Thống). Sau thời Gia Long, nhóm Hoàng Ích Hiểu đã được trả về cho Việt Nam, rõ ràng đây là một phát hiện mới mẻ, tìm dấu tích trong các nguồn thư tịch rất rõ ràng có thể xác định được. Điều đáng tiếc ở vùng Tân Cương xa xôi này sau nhiều biến thiên có thể nói là kinh thiên động địa ở Trung Quốc nhất là sau “ đại cách mạng văn hóa” thì các dấu tích vật chất gần như bị xóa bỏ. Học giả Dương Liễm đã lên tận nơi để khảo sát, đưa ra nhận xét đó.

Rồi một phát hiện nữa cũng thú vị. Ai đến thăm Quảng Châu cũng biết có Đại Phật tự là một ngôi chùa rất lớn, nhưng chúng ta không ngờ rằng những cái cột to lớn cao 10m hai người ôm là gỗ từ An Nam do nhà Mạc đóng góp khi xây dựng ngôi chùa này. Rất tiếc các tấm bia ở đây không ghi rõ chuyện này nhưng các sử tích đó được phát hiện qua các nguồn tư liệu khác.

Rồi cũng bằng các nguồn tư liệu mới của Trung Quốc mà chúng ta cũng hiểu thêm phổ hệ nhà Mạc ở Cao Bằng, bổ sung thêm ba vị vua nhà Mạc cuối cùng đó là Mạc Kính Diệu rồi đến Mạc Nguyên Thanh, cuối cùng là Mạc Kính Quang ( về Mạc Kính Vũ thì còn có ý kiến khác nhau: là Mạc Kính Diệu hay Mạc Nguyên Thanh). Một số tư liệu Việt Nam có ghi chép về tên của ba vị vua này nhưng rất mơ hồ, phải kết hợp với các nguồn tư liệu Trung Quốc mới có thể xác định được.

Trong các nguồn tư liệu trong nước, thời gian gần đây một số nhà khoa học đã khai thác nguồn tư liệu văn bia thời Mạc, trong đó có PGS. Đinh Khắc Thuân – người có góp mặt trong hội thảo này. Lần này, các nhà khoa học lại phát hiện và công bố thêm một số văn bia mới trên đất Vĩnh Phúc. Ngoài văn bia trên đất Vĩnh Phúc còn có một số di tích liên quan đến nhà Mạc như cầu, chùa xây dựng dưới thời Mạc, và như PGS. Trần Lâm Biền nói tháp Bình Sơn cũng được xác định niên đại Mạc. Nguồn tư liệu địa phương rõ ràng cần tiếp tục khai thác trong đó cần quan tâm rõ hơn đến một nguồn tư liệu gắn liền với các thế hệ hậu duệ của họ Mạc và những nhân chứng liên quan. Theo báo cáo sơ bộ của Hội đồng Mạc tộc , riêng trên đất Vĩnh Phúc có tới khoảng 30 chi họ Mạc trên tổng số khoảng 500 chi họ Mạc trong cả nước. Đây là nguồn tư liệu sống rất đáng quý. Nhưng đáng tiếc, trong các chi họ Mạc này, có một số ít còn giữ được gia phả, nhiều chi họ không giữ được gia phả, nên nguồn thông tin lưu truyền cần mất nhiều công phu thu thập để phát hiện và xác minh.

Trên cơ sở các nguồn tư liệu mới, hội thảo đặt ra nhiều vấn đề mà theo tôi có 2 vấn đề lớn.

Về địa bàn Vĩnh Phúc

Trong thời kỳ nhà Mạc nhất là thời kỳ hậu Thăng Long rồi sau là thời kỳ Cao Bằng, thì đây là một địa bàn mà Hội đồng Mạc tộc rất quan tâm như đã trình bày trong báo cáo của GS. Phan Đăng Nhật.

Theo kết quả điều tra khảo sát thực địa, trên đất Vĩnh Phúc, dấu tích của nhà Mạc tương đối đậm đặc hơn các địa phương khác và bao gồm từ thời Mạc ở Thăng Long cho đến thời hậu Cao Bằng. Trong đó nên đặc biệt quan tâm đến một số các di tích liên quan trực tiếp với vua nhà Mạc ví dụ như : bà đệ tam phi Mạc Mậu Hợp ở Tiền Phong huyện Mê Linh; bà thứ hậu Mạc Đăng Dung tức bà Nguyễn Thị Ngọc Lãng ở đền Bà Chúa Lối ( Xuân Lôi huyện Lập Thạch ); rồi ở chùa Sùng Khánh ( Tiên Lữ huyện Lập Thạch) có cả hai pho tượng rất lạ thường gọi là Đức Ông – Đức Bà, có người cho là tượng Mạc Kính Vũ và phu nhân;  rồi đặc biệt chùa Xuân Sơn ( Việt Xuân huyện Vĩnh Tường) năm 1965 đã phát hiện ngôi mộ mà con cháu cho là mộ của một nhân vật nhà Mạc và sau chùa có mộ Mạc Kính Vũ…

 Trong các di tích ỏ Vĩnh Phúc có di tích thời Mạc ở Thăng Long ( như thứ hậu vua Mạc Đăng Dung, thứ phi vua Mạc Mậu Hợp) và các di tích thời Mạc hậu Cao Bằng( như mộ và tượng được xem là của vua Mạc Kính Vũ). Ở đây cũng có tới mấy chục chi họ Mạc, tôi chưa có điều kiện xem lại các gia phả này nhưng theo báo cáo trong kỷ yếu, thì trừ một số chi có mặt ở đây từ lâu, phần lớn hậu duệ nhà Mạc ở Vĩnh Phúc có hai nguồn chính. Một lớp từ Thăng Long lên trước năm 1592 khi Thăng Long thất thủ, lớp này khá đông. Lớp thứ hai là các thế hệ hậu Cao Bằng tức là sau khi Cao Bằng thất thủ và có lẽ từ vùng núi Cao Bằng trở về. Tất cả những tư liệu đó đặt ra một vấn đề lớn: tại sao dấu tích của nhà Mạc để lại khá đậm trên đất Vĩnh Phúc, kể cả thời vương triều Mạc, sau đó kể cả thời hậu Thăng Long và thời hậu Cao Bằng? Đây là một vấn đề lớn tôi nghĩ rằng chúng ta cần dày công nghiên cứu hơn nữa, nhưng ít nhất trong Hội đồng Mạc tộc, trong báo cáo của GS. Phan Đăng Nhật cũng đưa ra ý kiến dè dặt như một giả thuyết để chúng ta cùng nghiên cứu và thảo luận thêm. Đó là phải chăng, sau năm 1677, tức là sau khi nhà Mạc thất thủ ở Cao Bằng, thì không phải như chính sử đã chép vua Mạc Kính Vũ là sang Long Châu và biệt tăm từ đây; hình như ông bằng cách nào đó bí mật trở về vùng này, có thể ẩn tích làm sư ở chùa Xuân Sơn, và sau khi mất được mai táng ở sau chùa ( một trong những ngôi mộ liên quan được phát lộ năm 1965). Một câu hỏi đặt ra là Mạc Kính Vũ lui về ở ẩn vì sống qua ngày hay là còn nuôi dưỡng một ý đồ gây dựng cơ sở để chờ thời cơ tiếp tục phát triển. Đây là vấn đề đặt ra , tôi nghĩ chúng ta nên dày công nghiên cứu thêm, chưa thể kết luận ngay trong hội thảo này. Tôi rất tiếc ngôi mộ sau khi phát hiện năm 1965 đã di chuyển và không được nghiên cứu giám định về mặt khảo cổ học.

 

Viết bình luận