Khai bút đầu xuân - giữ gìn thế nào nét đẹp của người hiếu học?
Khai bút đầu xuân cũng là một cách lưu giữ truyền thống, răn dạy cho con cháu đời sau tiếp tục giữ vững tinh thần hiếu học, cố gắng, không ngừng vươn lên của cha ông ta ngày trước.
Lễ khai bút tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc
Cũng như nhiều nghi lễ trong dịp Tết, nhiều người chọn ngày đẹp khai bút đầu xuân với hi vọng 1 năm học hành tấn tới, sự nghiệp thuận lợi, vạn sự đều đạt được thành công như ý.
Những nét chữ đầu tiên của năm thường gửi gắm mong muốn về những điều tốt lành, may mắn, hạnh phúc trong năm mới; đồng thời cũng thể hiện sự tôn trọng chữ nghĩa và đề cao sự học.
Ý nghĩa của tục khai bút đầu xuân: Cũng như các nghi lễ khác trong dịp Tết, khai bút đầu xuân cũng được nhiều người chú trọng. Vì vậy, mọi người thường chọn ngày đẹp khai bút đầu xuân với hi vọng năm nay mình sẽ học hành tấn tới, sự nghiệp thuận lợi, vạn sự đều đạt được thành công như ý.
Trước đây, nhiều ông đồ thường chọn những câu tục ngữ, danh ngôn, câu đối mang dư vị Tết sẽ mang đầy ý nghĩa trong ngày đầu xuân, cũng như đem lại sự lạc quan, tinh thần phấn khởi, vui vẻ trong dịp năm mới. Tuy nhiên, hiện nay, viết khai bút đầu xuân đều được mở rộng hơn rất nhiều.
Theo sử sách, tục khai bút và đi xin chữ đầu xuân bắt đầu xuất hiện vào khoảng thế kỷ XIII, được gắn liền với hình ảnh thầy giáo Chu Văn An – một con người chính trực, từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà về Chí Linh (Hải Dương) để mở trường dạy học.
Tương truyền, khi học trò đến thăm thầy Chu Văn An, lúc ra về thường được thầy tự tay viết tặng một chữ mang ý nghĩa nhắn gửi về lẽ sống cho người đó. Ai nhận được chữ cũng đều cảm thấy hết sức may mắn và trân trọng.
Từ đó về sau, tục khai bút được lưu truyền, không những biểu trưng cho sự hiếu học mà còn thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, sự thành kính của học trò đối với người thầy.
Lễ khai bút của người xưa được thực hiện sau giao thừa, chính là thời khắc đầu tiên của năm mới. Mọi người thường đốt lư trầm bên bàn viết, lấy cây bút mới, mài mực tàu và hạ bài viết trên giấy hoa tiên hoặc giấy hồng điều.
Không gian khi khai bút phải yên tĩnh, người viết phải trang nghiêm, tĩnh tại…
Mỗi người đều thành tâm viết lên những câu chữ và gửi gắm vào đó ước nguyện tốt đẹp trong năm mới. Các cụ đồ nho, các nhà giáo, học sinh tiêu biểu của địa phương sẽ được lựa chọn tham gia vào nghi thức khai bút.
Những lễ hội này thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo người dân và khách thập phương. Bởi khai bút là khai chữ, khai tâm, khai trí, khai nghề…và bất kỳ ai cũng có thể thực hiện nghi thức này để thể hiện tâm tư, bày tỏ ước muốn, nguyện vọng trong năm mới, tự nhắc nhở bản thân hướng đến những điều tốt đẹp để phấn đấu.
Gợi ý cho việc khai bút đầu xuân:
- Viết câu đối, tục ngữ, danh ngôn về Tết, năm mới:
‘Xuân an khang đức tài như ý/ Niên thịnh vượng phúc thọ vô biên’
‘Tân niên, tân phúc, tân phú quý/ Tấn tài, tấn lộc, tấn bình an’
‘Tết trong nhà, Tết ra ngoài phố/ Lộc trên trời, lộc xuống nhân gian’
‘Xuân sang cội phúc sinh nhành lộc/ Tết về cây đức trổ thêm hoa’
‘Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh’
‘Mai vàng nở rộ mừng năm mới/ Đào hồng khoe sắc đón xuân sang’
- Chép lại 1 bài thơ hoặc 1 đoạn văn trong sách giáo khoa:
Các em học sinh có thể lựa chọn một trong những tác phẩm văn học mình thích nhất để khai bút. Sự lựa chọn này còn có thể giúp chúng ta ôn lại những gì đã học hoặc đọc trước một tác phẩm văn học mới.
Lưu ý là đoạn văn không cần dài, nhưng phải viết cẩn thận, nắn nót.
- Viết lời chúc gửi đến cho mọi người:
Hãy viết những lời chúc chân thành của mình trên những tấm thiệp đầu xuân để gửi đến người thân, anh em, bạn bè.
Những tấm thiệp đẹp kèm theo lời chúc của chính mình sẽ cực kỳ ý nghĩa đối với những người thân yêu xung quanh bạn.
- Viết lời tâm nguyện của mình:
Ngoài câu đối, ca dao, tục ngữ Tết, lời chúc đầu năm thì mọi người cũng có thể tự viết ra những tâm nguyện của chính bản thân mình trong năm mới, những ước muốn hay mục tiêu, kế hoạch để phấn đấu đạt được trong năm này.
Nguồn: báo lao động
Viết bình luận