Cùng với những khu thành cổ trên khắp nước được khai quật, khảo cứu, phế tích Dương Kinh của nhà Mạc tại vùng đất Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng gần đây được dư luận rất quan tâm. Với khoảng 370 ha, những kết quả nghiên cứu đã đưa ra minh chứng sống về kinh đô thứ hai của một triều đại gây khá nhiều tranh cãi. SGGP đã có cuộc trò chuyện với GS Trần Quốc Vượng, một trong những người tiên phong khẳng định vị thế của triều Mạc trong lịch sử Việt Nam.
- Thưa Giáo sư, sau khi lên ngôi vào năm 1527, Mạc Đăng Dung vẫn tiếp tục đóng đô ở Thăng Long. Vậy thành Dương Kinh được xây dựng có ý nghĩa ra sao?
- Dương Kinh được nhà Mạc xây dựng sau năm 1527. Đây là quê hương của Mạc Đăng Dung. Theo thông lệ, mỗi vị vua lên ngôi đều đóng đô ở vùng đất “thế rồng bay”. Tuy nhiên ai cũng nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Mạc Đăng Dung không nằm ngoài quy luật tình cảm đó. Ngay sau khi lên ngôi, ông tiến hành ngay việc xây dựng Dương Kinh. Và thế là từ một làng đánh cá, khu vực này đã thành kinh đô thứ hai của nhà Mạc với mô hình giống như Kinh đô Thăng Long. Dương Kinh được xây dựng rất đàng hoàng, có điện Hưng Quốc, điện Tường Quang, điện Phúc Huy…
Một góc phát lộ của Dương Kinh. Ảnh:T.L. |
Tất nhiên là không thể lớn và đồ sộ bằng Thăng Long được. Dương Kinh gần biển và được bao bọc giữa hai dòng sông Đa Đô (phía Đông) và Văn Úc (phía Tây Nam). Mỗi khi vua về Dương Kinh cũng có bộ Lễ đi theo và các hoạt động cũng diễn ra như ở Thăng Long… Năm 1533, Mạc Đăng Dung nhường ngôi cho Mạc Phúc Hải rồi lên ngôi Thượng Hoàng, rút về ở Dương Kinh.
- Dương Kinh đã tồn tại được bao lâu? Phải chăng, sau khi đánh bại nhà Mạc, nhà Lê-Trịnh đã san phẳng khu thành quách này?
- Năm 1592, khi Trịnh Tùng đuổi được Mạc Mậu Hợp ra khỏi Thăng Long, liền dẫn quân thẳng xuống Dương Kinh. Và ngay sau đó, toàn bộ thành quách, kiến trúc của Dương Kinh bị san phẳng. Đó cũng là mặt hạn chế của các triều đại phong kiến Việt Nam.
Triều đại sau, luôn tàn phá những gì của triều đại trước dựng lên. Tuy nhiên, công việc khai quật, khảo cổ đã chứng minh sự tồn tại của Dương Kinh. Đó là dấu tích của các khu cung điện, tường thành rất rõ ràng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, những công trình hoặc hiện vật giá trị nhất của Dương Kinh chính là hệ thống tượng, bia đá của hoàng tộc nhà Mạc được lưu giữ tại những ngôi chùa, đền miếu trong vùng.
- Quy mô lớn, gần sát và hướng ra biển là một hiện tượng lạ so với những kiến trúc truyền thống của người Việt. Ôâng có thể lý giải vấn đề này của Dương Kinh như thế nào?
- Theo sử sách, vào cuối thế kỷ 15, đầu thế kỷ 16 dưới thời cai trị của Lê sơ, chính quyền mục nát, nhân dân cơ cực và đòi hỏi cần phải có người thay thế ổn định tình hình đất nước. Trong tình thế đất nước rối ren như vậy, Mạc Đăng Dung “cướp ngôi”, thiết lập triều Mạc. Sau khi lên ngôi, Mặc Đăng Dung đã chấm dứt thời kỳ “ức thương”, mở rộng giao thương với nước ngoài. Ông đề cao hoạt động thương mại, và thực sự đã có nhiều chính sách mới mẻ.
GSTrần Quốc Vượng. |
Minh chứng cụ thể là đồ gốm sứ trở thành mặt hàng được nhiều nước mua. Hiện nay đồ gốm sứ thời Mạc có mặt ở bảo tàng nhiều nước: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… Và con tàu đắm ở Cù Lao Chàm mới được tìm thấy có rất nhiều đồ gốm sứ thời này. Điều đáng nói là các sản phẩm gốm sứ thời Mạc đều có khắc tên người làm, địa chỉ xưởng sản xuất và nơi cung tiến.
Tôi cho rằng, nếu nhà Mạc tiếp tục tồn tại và phát triển, Việt Nam đã có một cuộc cải cách giống như thời kỳ Minh Trị của Nhật Bản, nhưng từ rất sớm! Dương Kinh chính là sự thể hiện tư tưởng “hướng ngoại” của nhà Mạc.
- Những bí mật về Dương Kinh vẫn đang nằm sâu dưới lòng đất. Với con mắt của nhà nghiên cứu, ông có thể cho biết những giá trị đã tìm thấy trong đợt khai quật vừa rồi?
- Có thể nói, nghiên cứu kiến trúc của Dương Kinh là một khó khăn đầy thách thức với các nhà nghiên cứu. Nguyên nhân là khi nhà Trịnh lên thống trị thiên hạ thì những giá trị vật thể của nhà Mạc hầu như bị phá bỏ. Song vẫn còn nhiều kỳ vọng để chúng ta có một kết luận đủ đầy về giai đoạn lịch sử này. Ngay từ đầu thập kỷ 60 của thế kỷ 20, giới khảo cổ học và mỹ thuật đã nhìn nhận khách quan về nhà Mạc.
Công việc khảo cổ, khai quật được tiến hành được vào những năm 80 của thế kỷ trước. Nhìn chung, nền và quy mô của các cung điện, thành lũy đã được các nhà khảo cổ xác định. Hiện nay, công tác nghiên cứu khu vực này vẫn đang được triển khai. Đến Dương Kinh hôm nay, chúng ta vẫn thấy nguyên vẹn tượng chân dung Mặc Đăng Dung và Hoàng hậu, các văn bia bằng đá, các chân cột đá có khắc hình cánh sen đặc trưng hoa văn thời Mạc…
- Xin cảm ơn ông.
HIỀN THẢO (thực hiện)
Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Văn Sơn (Phó Chánh văn phòng UBND TP Hải Phòng): Dương Kinh là thủ đô ven biển đầu tiên của Việt Nam “Di tích Dương Kinh nhà Mạc” là luận án Tiến sĩ do tôi bảo vệ năm 2001. Trong đó, tôi đặt ra 5 vấn đề chính: Dương Kinh là thủ đô ven biển đầu tiên của Việt Nam; nơi nội, ngoại thương phát triển; một vùng đất nông nghiệp trù phú. Dương Kinh là địa điểm thi cử; đề cao tính tự chủ, thương hiệu sản phẩm làm ra. Sắp tới, trên cơ sở luận án này, kết hợp cùng kết quả khai quật, tôi sẽ cho xuất bản một cuốn sách đề cập đầy đủ về những vấn đề xung quanh Kinh đô Dương Kinh”. |
Viết bình luận