Lần đầu tiên phát hiện dấu tích Dương Kinh nhà Mạc

Lần đầu tiên phát hiện dấu tích Dương Kinh nhà Mạc

Các chuyên gia Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Sở Văn hóa Thể thao thành phố Hải Phòng lần đầu tiên phát hiện dấu tích nền móng và gia cố trụ của các cung điện Dương Kinh, kinh đô thứ hai (ngoài Thăng Long) của các triều vua nhà Mạc (thế kỷ 15-16), tại thôn Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy.

Dấu tích cung điện Dương Kinh.

Trong đợt khai quật đầu tiên, các nhà khoa học đã tìm thấy dấu vết trụ, nền móng kiến trúc các điện Tường Quang, Hưng Quốc cùng nhiều thanh đá khổng lồ dùng để xây điện, trên diện tích 450m2 tại các Gò Chữ Công, Gò Gạo và Gò Thiệu của thôn Cổ Trai. Ngoài ra còn có một khối lượng hiện vật phong phú bao gồm gạch vồ, ngói, đồ gốm tranh trí phượng, rồng, sóng nước và hoa cúc.

 

Theo ông Nguyễn Ngọc Chất, trưởng đoàn khai quật, dấu vết gia cố móng trụ tại đây có nhiều điểm tương đồng với Hoàng thành Thăng Long, và nhiều khả năng các cung điện Dương Kinh được xây theo hình chữ Công.

Điểm độc đáo của kinh đô này là hoàn toàn không có dấu vết thành quách, rào lũy hay hào nước, và thay vào đắp thành, nhà Mạc đã đắp đê. Vết tích phòng thủ duy nhất là đồn binh đơn sơ trên Gò Chữ Công. Ngoài một số vật liệu đá, các cung điện ở Dương Kinh đều được xây bằng loại gạch vồ.

Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Văn Sơn khẳng định Dương Kinh chắc chắn bao gồm một quần thể kiến trúc rộng lớn, vết tích trải dài trên hàng vạn m2. Từ khối lượng hiện vật khảo cổ đã được tìm thấy, có thể thấy thời Mạc đã có một nền kinh tế tương đối ổn định, buôn bán phát triển, tư tưởng phóng khoáng và có nhiều điểm tiến bộ so với thời Lê Sơ.

Dương Kinh được xây dựng sau khi Vua Mạc Đăng Dung truyền ngôi cho con trưởng Mạc Đăng Doanh lui về làm Thái Thượng Hoàng (năm 1529), với hệ thống cung điện, lầu các có quy mô đồ sộ như Các Dương Tự, điện Tường Quang, Phúc Huy, phủ Quốc Hưng, đòn binh, kho lương, và cả một trường Quốc học song song với Quốc Tử Giám tại Thăng Long.

 

Bảng xếp hạng Di tích quốc gia Từ đường họ Mạc.

Khác với cung điện Tức Mặc (Nam Định) thời Trần hay Lam Kinh (Thanh Hóa) thời Lê Sơ chỉ là nơi nghỉ ngơi, thờ tự của vua chúa, Dương Kinh là trung tâm kinh tế, chính trị và là “kinh đô Cảng” sầm uất xuất hiện đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Để Dương Kinh trở thành “đô thị ven biển xứ Đông”, nhà Mạc còn cho xây một số thương cảng trên bến, dưới thuyền, làm nơi giao lưu hàng hóa trong và ngoài nước như phố Lỗ Minh Thị, An Quý, Do Nha, đồng thời tôn tạo nhiều di tích đền chùa ở Cổ Trai và các vùng lân cận.

Tại Dương Kinh vẫn còn giữ lại chùa Phúc Linh với những thành bậc đá kích thước lớn, trang trí cầu kỳ, bố cục tương tự các thành bậc ở điện Lam Kinh và Kính Thiên thời Lê Sơ. Điêu khắc đá thời Mạc tại Dương Kinh có nhiều đề tài chưa từng được thấy tại các nơi khác như tượng Nghê đồng, Quan Âm tọa sơn,  Quan Âm Nam Hải, Quan Âm nghìn tay nghìn mắt và bộ tượng Tam Thế.

Tuy nhiên, năm 1592, sau khi nhà Mạc suy vong, các cung điện, bia đá tại Cổ Trai đã bị đốt phá, san phẳng. Ngày nay, ngoại trừ khu vực 450m2 khảo cổ nói trên, hầu hết các vết tích của một kinh đô ven biển đã bị xóa mờ, bị che phủ bởi làng mạc và đồng ruộng.

Ngay tại khu vực Gò Gạo, nơi có dấu vết điện Hưng Quốc, địa điểm thiết triều của Vua Mạc Đăng Dung, cũng đã bị che lấp một phần bởi trường tiểu học xã Ngũ Đoan.

Ngày 17-9-2002, Bộ văn hóa – Thông tin đã có quyết định xếp hạng, công nhận Từ đường họ Mạc là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

 V.S. (Theo TTXVN)

Viết bình luận