NGÔI ĐÌNH TRUNG TÂM LÀNG XÃ

NGÔI ĐÌNH TRUNG TÂM LÀNG XÃ

Đình làng từng có vai trò quan trọng trong đời sống tôn giáo và văn hóa của cộng đồng làng xã người Việt. trong khi hầu hết mọi công trình xây dựng có liên quan tới hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng đều có nguồn gốc từ nước ngoài, nhất là từ Trung Quốc, thì đình làng dường như là sản phẩm khá đặc sắc của người Việt. Tuy vậy vấn đề nguồn gốc chức năng của nó trong buổi đầu xuất hiện như thế nào hiện vẫn còn là câu hỏi cần thảo luận. Ngày nay chúng ta biết được kiến trúc và dấu tích của một số ngôi đình có niên đại Mạc, có thể coi là những di tích về đình làng sớm nhất. Vì vậy việc hiểu biết về sự xuất hiện ngôi đình ở thời Mạc là vấn đề hết sức cần thiết, mà từ đó góp phần làm sáng rõ những vấn đề nêu trên.

A.Nguồn gốc, kiến trúc và chức năng của ngôi đình thời Mạc.

Trong khi từ thế kỉ XVII trở đi, đình làng dường như phổ biến ở mọi làng quê miền Bắc Việt Nam được phản ánh qua rất nhiều nguồn tư liệu, thì trước đó hầu như mọi tư liệu liên quan đến ngôi đình đều rất hiếm. Vì lẽ đó, thiết nghĩ cũng nên hệ thống lại những tư liệu về ngôi đình thời Mạc qua tư liệu văn bia và tư liệu điền dã mà chúng ta hiện có.

1-Di tích và văn bản.

Chúng ta biết được 6 ngôi đình hiện còn có niên đại Mạc và 8 ngôi đình khác được ghi chép trong văn bia cùng thời kì này, đó là:

              -Đình Thụy Phiêu, xã Thụy An (Ba Vì, Hà Nội) mới được Nguyễn Hồng Kiên phát hiện niên đại “tu lí” của ngôi đình này là năm Đại Chính thứ 2 (1531).

-Đình Lỗ Hạnh (Hiệp Hòa, Bắc Giang) bao gồm một tòa nhà 3 gian 2 chái, được dựng vào “ngày 7 tháng 6 năm Bính Tí, niên hiệu Sùng Khang thứ 11 (1576)” . Sau đó đình được sửa chữa, tu bổ vào các năm 1694, 1850, và cuối cùng được xây thêm gian hậu cung vào năm 1910.

- Đình La Phù (Thường Tín, Hà Nội) được dựng vào năm Diên Thành thứ 2 (1579). Hiện đã được tu bổ nhiều, chỉ còn lại vài mảng chạm rồng cùng dòng niên đại trên.

- Đình Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội ) là một tòa đại đình 3 gian 2 chái được làm vào năm Quý Mùi (1583).

- Đình Thổ Hà (Việt Yên, Bắc Giang) được dựng vào cuối thế kỉ XVI, sau đó được tu bổ, sửa chữa nhiều lần. Kiến trúc hiện tại bao gồm một tòa đại đình, một tòa tiền chế và một tòa hậu cung.

- Đình Thanh Lũng (Ba Vì, Hà Nội). ngoài ra, còn có đình Yên Sở (Hoài Đức, Hà Nội) được dựng vào thời Mạc, song mới bị phá hủy vào năm 1947. Kể cả những ngôi đình không bị phá hủy như vừa nêu trên, thì hầu như ít nhiều đều có sự thay đổi, bổ sung thành phần thể kiến trúc xa dần với bộ mặt ban đầu của nó, đáp ứng chức năng, nhiệm vụ của ngôi đình trong từng thời kì lịch sử. Ngoài những ngôi đình trên, tư liệu văn bia cho biết thêm một số ngôi đình khác thời Mạc.

- Đình xã An Trạch ( Lí Nhân, Hà Nam) được văn bia “ Phật Pháp Tăng” ở chùa bản xã nhắc đến vào năm 1531, là một ngôi đình lợp ngói 3 gian 2 dĩ và vườn đình là 2 sào 2 thước đất ( Văn bia thời Mạc).

- Đình Hậu Bổng ( Gia Lộc, Hải Dương) được văn bia “ Tu cấu Viên Quang khám bi” của chùa Quang Minh trong xã dựng năm Diên Thành thứ 2 (1579) cho biết là “ bà Hậu Phật Phạm Thị Tam cúng cho làng 1 mẫu ruộng và 1 chiếc ao để làm một ngôi đình ngói” ( Văn bia thời Mạc).

- Đình thôn Liên Đông ( Thái Thụy, Thái Bình) do quan viên của 3 giáp trong làng góp tiền của xây dựng năm Diên Thành thứ 8 (1585). Hiện nay, ngôi đình này không còn dấu vết kiến trúc nào của thế kỉ XVI,nhưng còn bài văn bia “ Cấu tác tân đình bi kí” dựng khi tạo mới ngôi đình này vào thời Mạc (Văn bia thời Mạc).

- Đình Đại Đoan ( thôn Văn Thịnh, huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh) do các vị hương lão, hưởng trưởng trong làng xây dựng trên nền đình cũ, vào năm Diên Thành thứ 8 ( 1585).

- Đình thôn Mão Điền ( Thuận Thành, Bắc Ninh) được văn bia “ Trùng tu đình bi kí” dựng năm Đoan Thái thứ 2 (1587) cho biết rằng: “ Quan viên xã thôn trưởng đứng ra sửa đình, nhưng vì thiếu tiền của, vật liệu, nên đã đề nghị vị Vũ úy ở vệ Vũ An là Vũ Kì giúp đỡ, hứa sẽ mời ông ngồi chiếu trên trong kì lễ cầu phúc của làng và thờ cúng mãi sau khi ông qua đời”.

- Đình Xuân Tảo ( Đường Hào, Hưng Yên) được văn bia “ Bi đình kí” khắc năm Hưng Trị thứ 2 ( 1589) ghi lại rằng, năm nay các vị hương lão trong làng cúng ruộng để dựng một ngôi đình ( Văn bia thời Mạc).

- Đình Nghênh Phúc ( Gia Lộc, Hải Dương) do văn bia “ Nghênh Phúc bi kí” dựng năm Hưng Trị thứ 4 (1591) cho biết, dân làng cúng ruộng làm đình Nghênh Phúc ( Văn bia thời Mạc).

- Đình Nghênh Phúc hương Đồng Ngoại huyện Quỳnh Côi, nay là xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, được khôi phục lại vào năm Tân Tỵ (1586), ( Tư liệu mới phát triển, bổ sung trong Văn bia thời Mạc, Tái bản 2010).

Những ngôi đình này hầu hết đã bị phá hủy và nếu còn thì cũng đã bị thay đổi khá nhiều. Rải rác trong một số văn bia khác, chúng ta còn thấy vài thông tin về một số ngôi đình làng như trong văn bia cầu La Phù ( Hà Nội) dựng năm 1575 ghi rằng: “ phía đông có chợ, thường ngày tụ hội tài vật trong thiên hạ; phía tây có đình, năm tháng cầu khấn để dân yên, vật thịnh” (Văn bia thời Mạc).

Như vậy, chúng ta hiện biết được trên 15 ngôi đình thời Mạc. Những ngôi đình này được dựng từ năm 1531 đến năm 1591, thuộc các địa phương ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Hà Tây cũ. Hầu hết số ngôi đình kể trên đều được làm mới, chỉ có 2 đình sửa lại, 2 đình khác làm lại trên nền đình cũ và 1 đình nữa chỉ làm nền đình để làm nơi tế lễ vào kì cầu phúc.

2. Nguồn gốc ngôi đình

Xuất hiện rộng rãi ở thế kỷ XVI, phải chăng ngôi đình đã có từ rất xa xưa? Như ở trên vừa nêu, có một ngôi đình (Thụy Phiêu) được “ tu lí” vào năm 1531, một ngôi đình khác ( Mão Điền) được sửa lại vào năm 1587, còn một ngôi đình nữa (Đại Đoan) được dựng năm 1585, nhưng trên một nền đình cũ. Trong các ngôi đình làm mới, có một ngôi đình được làm vào năm 1531. Vì lẽ đó, rất có thể ngôi đình đã xuất hiện vào thời Lê sơ như đoạn ghi chép trong Thông sử sau đây: “ Năm Nhâm Ngọ (1522)… vua bèn tránh ra phía tây Thăng Long, đóng ở đình thôn Nhân Mục cựu”.

Mặt khác, ngôi đình ở thế kỉ XVI như vừa nêu trên, là sản phẩm của làng xã, gắn với làng xã, hoàn toàn do làng xã tự lo liệu, dường như không có sự giúp đỡ lớn của các vị quan lại trong cung đình như việc xây dựng chùa Phật cùng thời kỳ này và xây dựng đình làng ở thế kỷ XVII. Cụ thể như đình Đại Đoan do các vị hương lão, hương trường trong làng đứng ra xây dựng, đình Trừng Hoài thì hoàn toàn do 3 giáp trong làng lo liệu, còn đình Hậu Bổng do dân làng cúng ruộng và làm đình…Trường hợp đình Mão Điền cũng do các vị quan viên xã thôn trưởng đứng ra tu sửa, nhưng do thiếu tiền, vật liệu mà họ đã đề nghị với Vũ Kì chức Vũ Úy là người địa phương giúp đỡ tài chính, rồi lập giao ước tôn thờ như một Hậu Thần. Đình Nghênh Phúc (Quỳnh Hải, Quỳnh Phụ, Thái Bình) được bà Chánh phu nhân vị quan Thượng trụ quốc cúng 108 quan tiền và 4 cây gỗ làm đình mới. Người dân không tôn bầu Hậu cho bà mà nhận làm gia thần, đời đời phụng thờ hương hỏa. Điều đó chứng tỏ lệ bầu Hậu thần chưa phải đã phổ biến ở thời Mạc. Nhưng ngay sau đó, từ những năm đầu thế kỉ XVI, lệ bầu Hậu trở lên phổ biến hơn, nhiều ngôi đình được làm do bổ đầu đóng góp của dân làng, như văn bia đình Thổ Hà ( Việt Yên, Bắc Giang) đã ghi lại được.

Là sản phẩm của làng xã, ngôi đình chỉ có thể xuất hiện khi làng xã phát triển và định hình là một đơn vị hành chính độc lập. Thời kì đó, có thể rõ nét nhất từ thời Lê Sơ thế kỉ XV, với sự xuất hiện chính thức đơn vị hành chính cơ sở đó là “ xã”. Một xã có thể là một làng hoặc cũng có thể bao gồm nhiều làng. Vai trò của làng xã trong quản lý xã hội được khẳng định. Mọi hoạt động tín ngưỡng ở địa phương đều do làng xã đảm nhận, như sự chuyển giao quản lý chùa Phật từ nhà nước sang dân làng từ sau thời nhà Trần trở đi mà chúng tôi đã nêu ở trên. Đây cũng là thời kì xuất hiện đơn vị hành chính “ tổng” sản sinh trên cơ sở phát triển của làng xã và nhu cầu liên kết các làng xã lại.

Tên gọi “ đình” cũng được gặp trong Hồng đức thiện chính, bộ Luật thời Lê Mạc. Trong bộ luật này , có một điều luật quy định về lập Hậu thần, Hậu Phật, ghi rằng: “ nhà giàu thì bỏ tiền của ra làm đình, người nhân thì công đức làm chùa…Vậy con cháu nhà đặt Hậu ở đình hay ở chùa mà thấy kẻ sửa lễ làm Hậu có trái lệ, thì trình cáo ngay đến nha môn, truy đòi lại tiền tài của người trước đã làm Hậu”… Cứ theo đoạn trích này thì đã xuất hiện lệ bầu Hậu thần thờ cúng ở đình dưới thời Hồng Đức và đương nhiên đã có ngôi đình trước đó. Tuy nhiên, như phần mở đầu, chúng tôi đã xác định Hồng Đức thiện chính là bộ luật được biên soạn vào thời Mạc, trên cơ sở bộ luật Hồng Đức. Song có lẽ tất cả những điều luật ở trên đây đều có từ thời Hồng Đức, mà một số đã được thêm vào dưới thời Mạc. Thực tế trong bộ Luật Hồng Đức trước đó, chúng ta chưa hề thấy điều luật về bầu Hậu Thần, Hậu Phật này. Mặt khác, tập sách Hồng Đức thiện chính lưu truyền hiện nay là bản chép tay muộn, có nhiều chỗ tương đồng với Quốc triều chính lệnh thiện chính soạn dưới thời vua Lê Dụ Tông ( 1705 – 1729) và sách Quốc triều thiện chính tập soạn vào năm Long Đức thứ 3 ( 1734). Vì thế, sách Hồng Đức thiện chính này có thể được sao chép vào thế kỷ XVII hoặc XVIII và rất có thể có nhiều điều luật được bổ sung thêm qua những tập “ thiện chính” khác cùng thời kì này.

Thực tế lệ bầu Hậu Thần, Hậu Phật có từ bao giờ? Tất cả tư liệu bi kí đều hco biết rằng lệ bầu Hậu Thần gắn với đình làng mới chỉ xuất hiện từ thế kỉ XVII. Thế kỉ XVI đã có lệ bầu Hậu Thần, song không phải ở đình mà ở miếu. Trong kho thác bản văn bia của Viện Hán Nôm có hai thác bản bia ở đình Nguyên Khê (Cẩm Giàng, Hải Dương) là Bản đình kí kị bi kí (N.2917-8) với niên đại là Quang Hưng thứ 3 (1579) và Kí kị hậu bi kí (N.2921-2) với niên đại là Quang Hưng thứ 5 (1581). Hai văn bia này được một số nhà sử học cho là bia Hậu Thần sớm nhất và dùng để minh chứng cho lệ bầu Hậu Thần phổ biến ở thế kỉ XVI. Thực tế hai thác bản này bị làm giả niên đại. Bởi nếu bia được dựng vào khoảng thời gian trên, thì vùng này khi đó đang chịu sự cai quản của nàh Mạc, nên không thể mang niên hiệu Quang Hưng thời Lê được. Thêm nữa trong văn bia có chữ “tỉnh”, đơn vị hành chính mới có từ năm 1831 dưới thời Nguyễn. Có nghĩa là bia thời Nguyễn bị người in rập bia làm giả niên đại thành Quang Hưng thời Lê thế kỉ XVI. Trong khi thời kì nhà Mạc thế kỉ XVI, có một văn bia Hậu Thần là Hậu Thần từ vũ bi kí (Đan Phượng, Hà Nội) dựng năm Quang Bảo thứ 4 (1557) ghi về Hậu Thần Nguyễn Vĩnh Miên được dân làng cúng lễ, nhưng không phải ở đình mà ở từ vũ.

Trường hợp bà Phạm Thị Tâm cúng một mẫu đất cho làng Hậu Bổng (Gia Lộc, Hải Dương) làm đình năm 1571, nhưng bà không được bầu làm Hậu Thấn thờ cúng ở đình mà được bầu làm Hậu Phật thờ cúng ở chùa. Lại có bà Hậu Phật Đỗ Thị Sâm cúng 1 mẫu ruộng và 5 quan tiền cổ cho làng An Trạch (Lí Nhân, Hà Nam) năm 1531 để làm miếu thần. Còn trường hợp Vũ Kì giúp làng tiền của để trùng tu đình Mão Điền (Thuận Thành, Bắc Ninh) năm 1587, thì được dân làng rất kính trọng, định lệ là hàng năm vào lễ kì phúc thì mời Vũ Kì ngồi chiếu trên, sau khi trăm tuổi thì rước bài vị đặt ở đó. Tuy vậy Vũ Kì vẫn không phải là Hậu Thần. Tương tự như vậy trường hợp huyện lệnh Yên Thế hiệu là Trúc Hiên tiên sinh cũng cúng tiền cho làng sửa chữa ngôi đình này để “Xin được rước bài vị của cha về lễ ở đình trong kì lễ cầu phúc” (Bia 135). Nếu ở các thế kỉ sau thì các vị trên đều đã được bầu làm Hậu Thần và họ còn cúng thêm ruộng để cúng giỗ sau khi trăm tuổi. Chẳng vậy mà các đình thế kỉ XVI hầu như không có ruộng hậu và ruộng giỗ như ở chùa, miếu cùng thời và ở đình vào các thời kì sau đó. Trường hợp bà Chánh phu nhân cúng 108 quan tiền, 4 cây gỗ giúp hương Đồng Ngoại (Thái Bình) dựng lại đình Nghênh Phúc năm 1586, cùng một mẫu ruộng hương hỏa như lệ bầu Hậu. Tuy nhiên người dân ở đây không tôn bầu Hậu cho ông bà mà nhận làm gia thần, lưu truyền phụng thờ hương khói (Văn bia thời Mạc, tái bản 2010, tr.406).

Rõ ràng là ở thế kỉ XVI, lệ bầu Hậu Phật gắn với ngôi chùa thì đã xuất hiện, còn lệ bầu Hậu Thần gắn với ngôi đình thì chưa phổ biến. Điều đó chứng tở ngôi đình thời kì này chưa hoàn toàn dùng để cúng lễ, trong khi đó, chùa làng và việc thực hành tín ngưỡng nơi chùa Phật là phổ biến hơn cả. Còn nữa một số địa danh bằng chữ Nôm liên quan tới đình làng như “cửa đình”, “sau đình”, “trung đình”, “đình cả” được khắc trên bia đá thì cũng chỉ mới xuất hiện từ thời kì nhà Mạc trở đi, trong khi đó, các địa danh liên quan tới ngôi chùa như “cửa chùa”, “sau chùa”… thì lại xuất hiện khá sớm mà nhiều văn bia thời Trần và thời Lê Sơ đã ghi lại được. Đương nhiên là các địa danh này xuất hiện muộn hơn nhiều so với sự yên vị của các ngôi chùa, ngôi đình vốn phải có trước đó. Nhưng một điều hiển nhiên là những tên Nôm “ cửa đình”, “ sau đình” chưa xuất hiện vào thế kỷ XV và trở lên phổ biến vào thế kỷ XV được.

Song song với việc thờ Phật, việc thờ cúng thần linh ở miếu Thần ngày càng được mở rộng, kéo theo các hoạt động trong tế lễ, hội hè ngày càng sôi động, cùng với sự phát triển và tăng cường quyền lực của làng xã, nhất là từ khi làng xã chính thức trở thành đơn vị hành chính cơ sở dưới thời Lê. Điều đó dẫn đến sự xuất hiện đình làng và ngôi đình ngày càng trở lên phổ biến. Đình làng vì vậy, theo chúng tôi, xuất hiện trước thời Mạc ( Thời Lê sơ, thế kỷ XV) không nhiều.

Còn tiếp....

Viết bình luận