NGÔI ĐÌNH TRUNG TÂM LÀNG XÃ ( tiếp)

B. Vấn đề Thành hoàng làng

Thần và Thành hoàng là một trong những đề tài thu hút nhiều công trình nghiên cứu ở Việt Nam. Tuy vậy hiện vẫn còn đôi điều liên quan đến nguồn gốc Thành hoàng làng và nhất là thời điểm mà Thành hoàng được thờ phổ biến ở đình làng.

Khi nói đến Thành hoàng, chúng ta có thể hiểu đó là tên gọi từ thời Trung Quốc, chỉ vị thần bảo hộ, nhưng bảo hộ nơi đô hội, thành trì, bởi “thành” là thành lũy và “hoàng” là hào sâu bao bọc thành lũy. Còn Thành hoàng ở Việt Nam là Thành hoàng làng, thần bảo hộ của làng xóm thường gắn với ngôi đình chung. Thành hoàng ở Trung Quốc có từ rất xa xưa, nhưng vấn đề thời điểm du nhập vào Việt Nam và trở thành tín ngưỡng Thành hoàng ở Việt Nam thì vẫn còn nhiều kiến giải khác nhau. Trong đó có hai mốc thời gian được giả định: một là vào cuối thế kỉ XIII hoặc đầu thế kỉ XIV khi Nho giáo bắt đầu thịnh hành ở Việt Nam  và một là vào thế kỉ XV, khi Nho giáo trở thành quốc giáo trong phạm vi cả nước.

Để hiểu rõ hơn các thòi kì du nhập tín ngưỡng Thành hoàng du nhập vào Việt Nam, thiết nghĩ trước hết cũng cần điểm lại khái lược về tín ngưỡng Thành hoàng ở Trung Quốc qua các thời kì lịch sử. Thần Thành hoàng bảo vệ cho các thị dân ở các đô thị Trung Quốc vốn đã xuất hiện từ sớm, nhưng tài liệu thư tịch ghi lại sớm nhất là vào năm 555, thuộc Bắc Tề, đến thời Đường thì tín ngưỡng Thành hoàng khá thịnh hành “mỗi châu, huyện đều phải có Thần Thành hoàng”. Đến thời Tống, việc cúng lễ Thành hoàng được liệt vào điển lễ thờ phụng. Sang đến thời Minh thì tín ngưỡng Thành hoàng đạt đến đỉnh cao. Bởi chính Chu Nguyên Chương (tức Minh Thái Tổ: 1368-1399), chủ trương tăng cường chính quyền trung ương tập quyền, đồng thời tập trung quyền cho Thần Thành Hoàng. Khi sắc phong cho Thần Thành Hoàng, vị vua này đã khẳng định dụng ý là: “ Trẫm lập  Thần Thành hoàng để mọi người biết sợ. Người có sợ thì mới không dám làm càn”. Sau đó, cho định lệ quy chế miếu Thần và cho lập miếu Đô Thành hoàng ở Kinh đô do nhà nước tế lễ vào hai kì xuân, thu hàng năm, cùng cho lập miếu Thành hoàng ở các phủ, châu, huyện do các quan sở tại tế lễ. Thành hoàng này được xem như một vị Thần che chở cho dân và giám sát quan lại. Lại chính vị vua Thái tổ này nói: “ Trẫm lập Thành hoàng ở kinh đô để cai quản các thần ở các phủ, châu, huyện, cùng giám sát cái thiện ác của dân và họa phúc của họ” (Thổ địa dữ Thành hoàng tín ngưỡng, tr.187)

Nhà Thanh tiếp tục thể lệ này của nhà Minh, nhưng phân miếu Đô Thành hoàng làm hai loại: một tại Bắc Kinh và một tại Thẩm Dương (Trung Quốc đạo giáo, Sdđ, tr.110).

Tương tự như vậy, Thành hoàng ở Việt Nam cũng được phân làm hai loại: một là Đô Thành hoàng được thờ ở kinh đô tương tự Đô Thành hoàng ở Trung Quốc, còn một loại là Thành hoàng làng, như Phan Kế Bính đã viết: “…Cứ xét cái chủ ý lúc trước, thì mỗi phương có danh sơn, đại xuyên, triều đình lập miếu thờ thần sơn xuyên ấy để làm chủ tể cho việc âm ti một phương mà thôi. Kế sau triều đình tinh biểu những bậc trung thần nghĩa sĩ và những người có công lao với nước, thì cũng lập đền cho dân ở xã gần đâu thờ đấy. Từ đó dân gian bắt chước nhau, chỗ nào cũng phải thờ một vị để làm chủ tế trong làng mình. Làng nào có sẵn người anh hùng hào kiệt mất đi rồi thì thờ ngay người ấy, làng nào không có thì cầu lấy một vị thần linh khác rước về nhà thờ. Hoặc nơi thì nhân việc mộng mị, việc bói khoa, việc tá khẩu, tin là một sự linh dị mà thờ. Hoặc nơi vì một sự ngẫu nhiên, cho là thiêng liêng mà xin duệ biểu để thờ…Tổng chi là dân ta tin rằng: đất có thổ công, sông có hà bá, cảnh thổ nào phải có thần hoàng ấy, vậy phải thờ phụng để thần ủng hộ cho dân,vì thế mỗi ngày việc thờ thần một thịnh”  (Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, tr.98).

Rõ ràng là tín ngưỡng Thành hoàng ở Việt Nam có nguồn gốc sâu xa từ tín ngưỡng Thành hoàng Trung Quốc, đồng thời còn có nguồn gốc của tín ngưỡng dân gian Việt Nam ở các xóm làng nhằm một mặt tưởng nhớ người có công với dân làng, mặt khác mong muốn được Thần che chở, phù trì tránh tai ương, hãn hoạn.

Ngay trong thời kỳ Bắc thuộc, vào năm 823, Thần Tô Lịch trở thành vị Thần bảo hộ La Thành đầu tiên. Nhà Lý định đô ở Thăng Long năm 1010, cũng cho dựng miếu thờ thần Tô Lịch. Vào thời Trần, còn thấy Thần Long Đỗ được lập miếu thờ ở Thăng Long, cùng Thần Thổ địa được lập thờ ở Đằng Châu ( nay thuộc địa phận thị xã Hưng Yên) (Hà Văn Tấn, Đình Việt Nam, tr.50). Trong thời kỳ thuộc Minh (1414 - 1427), nhiều miếu thần do các quan lại phương Bắc đến trấn trị đã được dựng ở Thăng Long và các châu phủ theo quy cách nhà Minh. Theo cách thức này, vua Lê Nhân Tông thời Lê sơ vào năm 1449, cho dựng lại miếu Đô đại Thành hoàng ở Thăng Long, sau đó vào năm 1464, định thể lệ tế lễ Bách Thần và phân làm ba hạng: Thượng, Trung và Hạ đẳng thần. Vào thời Nguyễn miếu Thành hoàng bảo vệ kinh đô Huế cũng được dựng vào cuối thế kỷ XIX. Các trường hợp trên tương tự Thành hoàng ở Kinh đô và thành thị của Trung Quốc.

Ngoài ra, ở các vùng thôn quê, người dân địa phương dựng các miếu Thần để thờ cúng mà phần lớn các vị Thần này thời Lý Trần đều là Phúc thần như 26 vị kê trong Việt Điện u linh. Chẳng hạn, vị Thủy quốc linh thần được thờ ở đền Trăn Tân (Thuận Thành, Bắc Ninh) từng được nhiều địa phương lân cận xin rước thụy hiệu về thờ vào những năm cuối nhà Lý. Cũng trong thời kỳ nhà Lý, triều đình rất coi trọng việc lập miếu thờ Thần: “ Vua Lý Cao Tông, khi đi thăm thú núi sông, đến đâu có Thần linh, đều cho phong hiệu và cho lập miếu thờ”. Có nghĩa là trong dân gian đã xuất hiện miếu Thần từ rất sớm, mà phần lớn trong số đó vẫn tồn tại đến ngày nay, còn một số khác thì trở thành đình làng.

Thực tế cho biết, hầu hết những văn bia có niên đại từ thế kỷ XVI về trước, hiện đặt tại đình vốn là những văn bia miếu Thần. Chẳng hạn, trường hợp đình La Mai (Hoa Lư, Ninh Bình) hiện nay có một bia đá dựng vào thế kỉ XVI, vốn là văn bia miếu La Mai. Tương tự như vậy, một số sắc phong Thần có niên đại sớm hiện có ở đình cũng là sắc phong cho Thần ở miếu hoặc đền. Cụ thể như một sắc phong cho Thần ở đình Từ Dương, Ứng Hòa, Hà Nội vào năm Sùng Khang thứ 9 (1574). Sắc phong này thuộc đình Từ Dương, nhưng khi ban sắc phong vào thế kỷ XVI, thì Từ Dương là đền và Thần được thờ ở đây là Thần từ, chứ không phải là Thần Thành hoàng như đình hiện nay:

“Sắc cho vị thần Dực tĩnh Phù tế Phhot thí Hồng trạch uyên hựu Đại Long Vương. Thần được chung đúc bởi sự linh thiêng của trời đất, vẻ tươi đẹp của núi sông; Biến hóa muôn phương, thần thông khó đoán, gộp tinh anh của khí ngũ hành; cảm thông gần gũi, phù hộ khắp nơi, hiển linh ứng suốt, muôn vạn năm; Cởi dữ làm lành, rộng ban ân trạch, tặng khen rạng rỡ, long trọng ơn trên. Vì thế đáng thăng Đền Thần Thượng đẳng. Nay sắc (phong)! Ngày mồng 6 tháng 11 niên hiệu Sùng Khang thứ 9 (1574). (Con dấu: Sắc Mệnh chi bảo) ”.

Rõ ràng sắc phong này cho biết, Thần thờ ở đền chứ không phải ở đình “Ngôi đền này xứng đáng được thăng lên hạng đền Thần Thượng đẳng ”. Bên cạnh đó, ngay từ thế kỉ XVI, nhiều làng xã đã có chùa phật, miếu Thần và đình riêng  “Bên trái chùa có đền thờ Thánh linh ứng, bên phải có cửa đình đông vui” (Tả hữu Thánh từ linh ứng, hữu hữu huyên náo đình môn) (Văn bia thời Mạc, tr.217).

Như vậy từ thế kỉ XV, XVI, với sự xuất hiện của ngôi đình thì việc thờ cúng Thần linh đã chuyển hóa dần từ miếu sang đình. Chẳng thế mà việc thờ Hậu Thần, gửi giỗ ở đình cũng xuất hiện ngày càng nhiều từ thế kỉ XVII trở đi. Điều đó phù hợp với kiến trúc đình thời Mạc như trình bầy ở trên là đình chưa có Hậu cung, nơi thực hiện chức năng thờ Thần Thành hoàng. Tuy nhiên, đuiều nổi bật ở đây là việc thờ Thần trong giai đoạn này đã khá phổ biến và được thể chế hóa bừng những quy định của Nhà nước. Một trong những thể chế đó là văn bản hóa sựt ích Thần và sắc phong Thần.

Sự tích Thần được văn bản hóa thành những bản Thần tích hay Ngọc phả. Hiện nay, trong kho Thần tích ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm có tới 568 cuốn. Trong đó, những bản Thần tích sớm nhất hiện biết là một số bản được biên soạn dưới niên hiệu Hồng Đức (1470-1497), thời Lê Sơ. Chẳng hạn bản Thần tích Hùng Vương do hàn lâm viện Trực học sí Nguyễn Cố biên soạn vào năm Hồng Đức thứ nhất (1470). Tiếp đó là hàng loạt bản Thần tích khác do Đại học sí Nguyễn Bính biên soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572), mà sau đó được quản giám bách Thần Nguyễn Hiền sao và nhân bản vào những năm Vĩnh Hựu thứ 2 và thứ 3 (1736, 1737). Như vậy là văn bản Thần tích xuất hiện chủ yếu từ thế kỉ XV,và trở nên phổ biến vào thế kỉ XVI, sau đó được sao chép, nhân bản vào thế kỉ XVIII.

Một điều đáng lưu ý ở đây là tên Thần với tên gọi là “Đương cảnh Thành hoàng”, “Bản cảnh Thành hoàng”, thường gắn với tín ngưỡng Thành hoàng ở đình, lại mới chỉ xuất hiện trong các bản thần tích  do Nguyễn Hiền sao lại năm 1737, 1740. Thêm nữa trong số 21 vị thần được Lê Quý Đôn sao chép năm 1777, có chỉ 3 vị được gọi là Thành hoàng (Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, bản dịch, Hà Nội, 1977, tr.435-440). Thực tế những tên gọi “Đương cảnh thành hoàng”, “Bản cảnh thành hoàng” này cũng đã xuất hiện trên một số văn bia từ cuối thế kỉ XVII, XVIII, nhưng chủ yếu xuất hiện trên các loại hình văn bản thời Nguyễn. Trái lại trên sắc phong thì các tên gọi này hầu như chưa gặp ở thời Lê mà chủ yếu ở thời Nguyễn.

Duy nhất chữ Thành hoàng xuát hiện trên văn bia thời Mạc “hồi bản đình đồngThành hoàng liệt tọa” (rước hai vị về đìnhcùng liệt tọa với Thành hoàng) (Văn bia thời Mạc, tái bản 2010, tr.406). Trên một văn bia ở quán Lại Yên, huyện Hoài Đức Hà Nội dựng vào năm Gia Long thứ 15 (1816) khắc lại văn bia thời Trần cho biết, thời Trần đã ban sắc cho vị thần ở đây và ban là “Đương cảnh Thành hoàng Chí linh đại vương”. Đây là văn bản khắc lại về sau, nên về mặt văn bản học có những hạn chế nhất định. Tuy nhiên một thực tế là ngôi quán này vào thời Trần gọi là đền Thần và thờ thần làng. Điều này cũng đã gặp ở nhiều ngôi đền thờ Thần khác thời Lý Trần, nhưng không phải là thờ Thành hoàng làng ở đình.

Như vậy việc thờ cúng Thần ở đền miếu người Việt xuất hiện khá sớm, nhưng trở thành tín ngưỡng Thành hoàng làng thì lại muộn, có thể manh nha từ cuối thời Trần, thế kỉ XIV, và trở thành phổ biến trong dân gian từ thế kỉ XV trở đi; mắt khác tín ngưỡng này được thực hành ở ngôi đình làng như ngày nay dang được duy trì thì sớm nhất từ cuối thế kỉ XVI trở đi.

Song song với việc văn  bản hóa thần tích là sắc phong của trình cho các vị thần làng. Phần lớn sắc phong ở đình làng hiện biết là những sắc phong từ thế kỉ XVII, XVIII, thuộc thời Lê Trung Hưng và vào thế kỉ XIX, đến những năm đầu thế kỉ XX, thuộc thời Tây Sơn và thời Nguyễn. Tuy vậy chúng ta hiện tại cũng có được một số đạo sắc có niên đại vào thế kỉ XV và XVI. Đó là một số sắc phong thần ở đền Quang Lang xã Thụy Hải (Kiến Thụy, Thái Bình) dưới niên hiệu Hồng Đức thế kỉ XV và đạo sắc cho thần làng Tử Dương (Thường Tín, Hà Nội) vào thế kỉ XVI, như vừa nêu trên.

Như vậy là việc thể chế hóa thờ cúng Thần do Nhà nước quy định được thực hiện rộng rãi từ thế kỉ XV, XVI. Cũng cần nhận biết một điều là tín ngưỡng Thành hoàng ở Trung Quốc phát triển đến cực điểm vào thời Minh như vừa nêu ở trên, đã trực tiếp du nhập vào Việt Nam trong suốt thời kì thuộc Minh (1414-1427), qua chính sách đô hộ của họ. Việc dựng miếu Thần và cúng tế Thần Thành hoàng ở các sở lị thuộc huyện, châu, phủ trong thời kì thuộc Minh là nhiệm vụ của quan lại cai trị ở đây. Hơn nữa Chu Nguyên Chương chủ chương tập trung quyền Thần Thành hoàng ở Trung Quốc, cũng đồng thời đề cao thần linh ở Việt Nam. Chẳng vậy mà “ngay đầu thời Minh, Chu Nguyên Chương đã sai Nam Kinh triều thiên cung đạo sĩ đến Việt Nam tế lễ thàn Tản Viên, Lô Thủy”. Ngay sau thời kì thuộc Minh là sự hưng thịnh của nhà Lê với thể chế chính trị về cơ bản được áp dụng theo mô hình của nhà Minh. Thực tế là sau khi quân đội nhà Minh rút khỏi Việt Nam, thì những miếu thờ đó được người dân Việt Nam duy trì. Vì vậy tín ngưỡng Thành hoàng từ đó cũng trở nên phổ biến ở Việt Nam từ thời kì này. Đây cũng là thời kì xuất hiện đơn vị hành chính cơ sở là làng xã và ở đây xuất hiện ngày càng phổ biến đình làng, cũng như sự biến chuyển từ miếu sang đình trong thực hành tín ngưỡng Thành hoàng. Chính vì vậy nhà nghiên cứu Trung Quốc Vương Tiểu Thuẫn cho rằng: “Đình làng (Việt Nam) là nơi tượng trưng làng xã (tương đương với miếu Thành hoàng ở Trung Quốc), thường là do các quan viên nghỉ hưu tổ chức xây dựng ”. Tương tự ở Việt Nam, tín ngưỡng Thành hoàng hưng thịnh ở thời Minh Trung Quốc đã lưu truyền rộng rãi ở Đài Loan, nhất là vùng phía Nam Đài Loan, nay là Phủ Thành thuộc Đài Nam khi cư dân lục địa dịnh cư ở đây dưới thời Thịnh Thành Công (cuối Minh đầu Thanh).

Tóm lại đình làng xuất hiện từ cuối thế kỉ XV-XVI, cùng với tín ngưỡng Thành hoàng ngày càng trở nên phổ biến nơi làng xã. Tuy nhiên việc thờ cúng Thành hoàng ở đình làng mới có thể định hình từ những năm cuối thế kỉ XVI. Từ thế kỉ XVII trở đi, đình làng người Việt mới có đủ hai chức năng là tôn giáo và thực thi quyền lực như thường gặp ở các ngôi đình sau này mà nhiều nàh nghiên cứu đã khẳng định. Tuy vậy ngôi đình thời Mạc thế kỉ XVI vừa là nơi làm lễ cầu phúc, tổ chức hội làng và cũng là nơi sinh hoạt của quan viên, hương lão, sắc mục trong làng.

Còn tiếp....

Viết bình luận