Vai trò của các nhà Nho trong hoạt động tín ngưỡng, văn hóa.
Khác với trí thức ở Trung Quốc trong các thời kì lịch sử mà phần lớn tập trung ở đô thị, tri thức Việt Nam thường gắn bó nhiều hơn với làng xã. Vậy trí thức Việt Nam thế kỉ XVI có nét đặc trưng gì và họ có vai trò như thế nào trong hoạt động tôn giáo, văn hóa xã hội nơi làng xã?
a.Những nét tiêu biểu của tri thức Việt Nam thế kỉ XVI
Nói đến tri thức Việt Nam thế kỉ XVI, chủ yếu là nói đến tầng lớp Nho sĩ, những người phải “ dùi mài kinh sử” theo sách vở Khổng Mạnh để đỗ đạt, làm quan. Trong 65 năm tồn tại với tư cách là một vương triều, nhà Mạc đã tổ chức được 22 kì thi hội, lấy đỗ 485 Tiến sĩ, trong đó có 13 Trạng nguyên và còn biết bao Nho sinh chưa thành danh. Tiếp theo nhà Lê sơ, thời kì Nho giáo được đề cao đến đỉnh điểm, nhà Mạc rất chú trọng đến Nho học, tôn sùng Thánh hiền, trân trọng nhân tài, như nhận xét sau đây của bài văn bia Tiến sĩ đầu tiên của vương triều này:
“…Vâng mệnh Hoàng đế, để chức mừng nền Nho học, bề tôi xin kính cẩn chắp tay cúi đầu mà dâng lời rằng: Đạo trời hòa hợp thì hào kiệt trong thiên hạ được sinh ra, vua hưng thịnh thì hào kiệt trong thiên hạ được thu dùng. Trong buổi vua hiền tôi giỏi, cơ hội trên dưới theo không phải là điều ngẫu nhiên vậy.
Những kẻ sĩ hào kiệt đều do khoa cử mà ra. Ngày xưa, nhà Ngu hỏi các quan mà dùng người thì cái nghĩa tốt của khoa mục bắt đầu, nhà Thành Chu tìm tài mà cất nhắc thì phép tắc hay của khoa mục đã hình thành. Về sau đến các đời Hán, Đường, Tống cùng nước Đại Việt ta, vua hiền đức kế tiếp nhau trị vì đều lấy khoa mục làm bậc thang cho hào kiệt tiến lên.
Kính nghĩ, Thánh thiên tử là người thông minh hơn đời, mở mang việc tốt cho nước.Dùng võ công mà định đoạt thiên hạ, dùng văn giáo mà rèn luyện nhân tài, sửa trường học mà mở rộng nền giáo dục, ban học quy để cổ vũ lòng hăng hái. Nhân văn được trau dồi, thi cử được đổi mới. Phàm những điều lệ về thi cử, ban ấn vinh theo cấp bậc, so với thời xưa đều rõ ràng và đầy đủ hơn nhiều.
Kẻ sĩ gặp gỡ thánh triều được hấp thụ nền giáo hóa tốt đẹp mới, được thi đậu, tiến lên con đường vẻ vang, lại khắc tên vào bia đá, há không phải là vinh hạnh lắm ru! Vậy nên cảm phục đức lớn, gắng gỏi tiến lên, lấy trung thành làm nếp, lấy lễ nghĩa làm khuôn; tâm thuật phải ngay thẳng, làm nên sự nghiệp to lớn và lâu dài…”
Đây có thể coi là lời tuyên ngôn của nhà Mạc về chính sách giáo dục và sử dụng nhân tài, nhằm thiết lập một tầng lớp trí thức trung thành với họ. Với chính sách này nhà Mạc đã thực sự có được một đội ngũ nho sĩ khá đông đảo. Trong số đó có không ít tri thức được đào tạo dưới thời Lê sơ đi theo nhà Mạc. Thời kì này cũng có khá nhiều những nhân tài mà tiêu biểu là Nguyễn Bỉnh Khiêm và Giáp Hải. Trong đó, một là tri thức lớn có nhiều cống hiến cho nền học vấn đương thời và một là nhà ngoại giao tài hoa của nhà Mạc. Ngoài ra, nhà Mạc còn có biết bao nhân tài trung thành với họ, như Lê Quang Bí đi sứ nhà Minh 18 năm liền, Mạc Ngọc Liễn, Nguyễn Quyện là các tướng quân hết mực tài ba và khí phách. Họ thà chấp nhận cái chết chứ không muốn nhờ viện binh ngoại bang mà mang tai họa cho dân và cũng chỉ thờ một vua, chứ không hề hai lòng.
Tuy nhiên, trong thực tế cũng có người bỏ nhà Lê sang nhà Mạc, và ngược lại có người bỏ nhà Mạc về với nhà Lê. Một số Nho sĩ khác không đi theo nhà Mạc. Họ muốn có một cuộc sống ẩn dật nhuốm màu Lão Trang hơn là theo chuẩn mực đạo đức “ tu, tề, trị, bình” của Nho giáo. Chính là Nho giáo ở Thế kỉ XVI ngày càng mất dần vị trí độc tôn của nó trong đời sống dân gian, trong khi đó thì Phật và đạo Lão được hưng thịnh trở lại như trình bày ở trên, đáp ứng phần nào bế tắc trong cách ứng xử thế tục. Nhiều nho sĩ muốn được thỏa trí tự tại với cuộc sống đời thường hơn là quan trường. Họ giao du sông núi, sáng tác thơ văn và đã để lại nhiều tác phẩm văn học hết sức giá trị. Đó là các tác phẩm của Hoàng Trừng, Lê Đức Mao (1462-1529), Nguyễn Dữ, Nguyễn Hàng. Trong đó Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ từng được coi là “thiên cổ tùy bút” (tác phẩm ngàn đời) là một tác phẩm văn xuôi viết bằng chữ Hán sớm nhất về các đề tài trong đời sống dân dã nhằm lên án tội ác của các tần lớp thống trị đối với người dân, đồng thời ngợi ca phẩm chất và tâm hồn cao đẹp của con người luôn vươn tới điều thiện.
Vì lẽ đó trong thời kì nhà Mạc ngày càng có nhiều tri thức trở về sống ở làng xã. Bài văn bia của Hội Tư văn huyện Tân Minh (nay thuộc huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) cho biết, năm 1574 có tới 180 thành viên là những Nho học tham gia Hội tư văn này (Văn bia thời Mạc,tr.167). Các nho sĩ đã tham gia vào mọi hoạt động của địa phương như công đức xây dựng, tu bổ các công trình tôn giáo, cũng như các hoạt động tín ngưỡng và văn hóa mà văn bia đã phản ánh khá cụ thể. Ngoài ra, họ còn trực tiếp tham gia vào việc quản lí làng xã, bởi họ là những “quan viên” trong hội đồng kì mục của làng xã. Các vị này thường được ghi trong văn bia từ thế kỉ XV-XVI về sau là “Quan viên, hương lão, xã thôn trưởng cự tiểu đẳng…”. Cùng với các Nho học khác như người nghỉ hưu, người chưa đỗ đạt, hoặc những ông đồ, thầy lang, thầy cúng…, họ góp phần tạo dựng lên một tầng lớp trí thức ở địa phương, kéo theo các lễ nghi, tập tục sinh hoạt theo điển lệ Nho gia.
Như vậy, trong thời kì nhà Mạc, phần lớn các hoạt động của Nho sĩ gắn với hoạt động làng xã, gắn với sinh hoạt dân gian hơn là ở đô thị. Chính vì lẽ đó, mà chưa có điều kiện để ra đời các thị tứ sầm uất như Phố Hiến, Hội An hoặc Thăng Long như ở thế kỉ sau.
b) Nho sĩ và văn hóa làng xã
mỗi làng xã có một hội đồng chức sắc và hội đồng kì mục điều hành, quản lí mọi công việc, từ thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước đến việc duy trì các tập tục, kỉ cương đạo đức. Chức trách những người này được quy định theo luật lệ thời Lê Mạc “là những gân guốc của xóm làng, nhờ đó mà chính được phong tục. Vậy phải lấy lễ, nghĩa, liêm sỉ để dạy dân…”(Hồng Đức thiện chính, tr.53). Thực tế mọi taapjt ục của làng xã đều được duy trì và chấn chỉnh, song chấn chỉnh theo điển lệ của Nho gia. Đó là sự chấn chỉnh mọi phép tắc, lễ nghi từ dòng họ tới làng xã và cả việc thờ phụng chung của làng xã.
Các dòng họ, các gia đình, nhất là những tộc họ lớn, thường lập gia phả, xây nhà từ đường, định điều lệ thờ cúng tổ tiên. Đặc biệt là những phép tắc nhằm giáo dục, răn dạy mọi thành viên trong gia đình, nhất là con cháu. Các phép tắc này được soạn thành những câu ca, nên gọi là Gia huấn ca. Hiện nay chúng ta biết tới sách Bảo kính cảnh giới mà tác giả được cho là Nguyễn Trãi (1380-1442), có thể coi là bản gia huấn có niên đại sớm nhất, cùng một số bản Gia huấn khác như ngô công huấn tử văn của Ngô Duy Viên (1527-?) biên soạn dưới thời Mạc, Cùng đạt gia huấn của Hồ Phi Tích (1675-1744) và Hành tham quan gia huấn của Bùi Huy Bích (1744-1826). Những bản gia huấn nhằm dăn dạy con cháu phải biết giữ gìn gia phong của tộc họ, tuân thủ lễ nghĩa, đạo đức và quan hệ trên dưới, “trong họ ngoài làng”.
Mặt khác để giữ gìn gia phong, các gia đình đều có phép tắc riêng, bắt nguồn từ “Gia lễ”, tác phẩm kinh điển của Nho gia, mà soạn thành các sách gia lễ mà cuốn Hồ Thượng thư gia lễ của họ Hồ (do Hồ Sĩ Dương biên soạn vào thế kỉ XVII) là tiêu biểu nhất. Gia lễ quy định lễ nghi, ứng xử trong gia đình dựa trên khuôn phép đạo đức của Nho gia, nhất là đạo “tứ đức, tam tòng”. Dòng tộc được đề cao nhất là những vọng tộc và ở những làng xã có truyền thống khoa bảng, như làng Mộ Trạch (Hải Dương). Làng này từ khoa thi năm Giáp Thìn (1304), đến khoa thi năm Giáp Tuất (1754) có tới 36 vị tiến sĩ, trong đó có 31 vị thuộc dòng họ Vũ, 4 vị thuộc họ Lê và một vị họ Nguyễn. Thực tế làng Mộ Trạch đã đóng góp rất nhiều nhân tài cho đất nước mà vua Tự Đức từng khen là “người tài của một nhà làng Mộ Trạch bằng nửa thiên hạ” (Mộ Trạch nhất gia bán thiên hạ). Nhờ đó mà làng này là một trong những làng khá điển hình cả về khoa bảng, cũng như các hoạt động kinh tế xã hội.
Từ trong gia đình mọi nề nếp gia phong, điều lệ được các Nho gia châm chước điển lệ Nho giáo mà cụ thể hóa và gọt giũa nhằm răn dạy, lưu truyền đời này sang đời khác. Trong làng xóm, các Nho gia cũng là người văn bản hóa các tập tục, quy ước để định hình thành lệ làng, đồng thời còn tham gia văn bản hóa lai lịch sự tích Thần làng. Những hoạt động này được phổ biến rộng rãi hơn cả là từ thế kỉ XV, XVI, như đã trình bầy. Vì vậy nho sĩ có vai trò rất lớn trong các haotj động tín ngưỡng và văn hóa xã hội làng xã thời kì này.
Chính vì thế mà từ trong gia đình tới làng xã đều ảnh hưởng sâu sắc khuôn phép Nho gia về tư tưởng trưởng quyền, tộc quyền, phụ quyền và nam quyên. Ngay cả những làng được vua ban biển “Mĩ tục khả phong” cũng là theo tiêu chí mĩ tục của Nho gia.
Thực tế cho thấy, những làng xã có nhiều dòng họ lớn, có nhiều người đỗ đạt như làng Mộ Trạch chẳng hạn, thì làng đó có nhiều tập tục tốt đẹp, nhiều truyền thống quý giá trong các hoạt động văn hóa, cũng như tín ngưỡng. Có được những hoạt động văn hóa truyền thống đó là nhờ một phần đóng góp không nhỏ của các nho sĩ ở địa phương. Trái lại chính ở đây họ trở thành lớp người có địa vị xã hội và có thế lực cả về kinh tế lẫn chính trị, chi phối các hoạt động nơi làng xã cả mặt tích cực lẫn hạn chế bảo thủ.
Tóm lại từ thế kỉ XVI, xã trở thành đơn vị hành chính cơ sở, khiến cho làng xã ngày càng được tăng cường quyền lực, đồng thời ngày càng được phát triển và mang sắc thái riêng của mình. Đặc biệt là từ thế kỉ XVI, với sự chuyển giao hoàn toàn ngôi chàu Phật với làng xã và sự xuất hiện ngôi đình làng, cũng như sự mở rộng tín ngưỡng Thành hoàng, khiến cho các hoạt động văn hóa xã hội nơi làng xã ngày càng trở nên khép kín với các “lệ làng” có nhiều khác biệt, thậm chí cả đối lập với “phép nước”.
Viết bình luận