Nhà Mạc và Thái tổ Mạc Đăng Dung trong lịch sử dân tộc.
Nhà Mạc – một triều đại phong kiến tồn tại 65 năm ( 1527 – 1592) một thời gian không dài trong lịch sử Việt Nam ( nếu kể cả thời gian tồn tại ở Cao Bằng 85 năm nữa, cộng lại là 150 năm) nhưng cống hiến của họ Mạc đối với lịch sử dân tộc không phải là nhỏ.
Khu tưởng niệm nhà Mạc xã Ngũ Đoan - Kiến Thụy - Hải Phòng
Tuy vậy, theo quan điểm phong kiến thì cũng như nhà Hồ, nhà Tây Sơn, vì lật đổ triều đại cũ, lập nên triều đại mới cho dòng họ mình, đều bị coi là “ nhuận”, “ ngụy” ( nhuận Hồ, ngụy Mạc, ngụy Tây Sơn).
Ngày nay, công cuộc đổi mới mà Đại hội lần thứ VI của Đảng đề ra bắt đầu từ đổi mới tư duy, cùng với phương châm khoa học “ nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” đã giúp cho chúng ta có cách nhìn mới về các nhân vật trong lịch sử, trong đó có nhà Mạc và Mạc Đăng Dung.
I. Bối cảnh lịch sử và sự ra đời của nhà Mạc.
Xã hội phong kiến Việt Nam sang đầu thế kỷ XVI bắt đầu suy thoái. Sự suy thoái cuối Lê đã mang đặc trưng thời đại – thời đại mà phương Tây đã bước vào thời kỳ phục Hưng. Trên thế giới chủ nghĩa tư bản đã manh nha, nhất là ở Tây Âu. Ở phương Đông – kinh tế hàng hóa tiền tệ cũng phát triển mạnh đẩy nhanh sự suy thoái của xã hội phong kiến. Quyền uy tối thượng của vua cũng như độc quyền của một dòng họ không còn bền vững như trước nữa.
Trong lịch sử phương Đông cũng như phương Tây, khi chủ nghĩa tư bản chưa phát triển đến chế độ chín muồi để có thể thủ tiêu được chế đội phong kiến thống nhất thị trường tư bản chủ nghĩa thì sự chia rẽ, đối đầu giữa các thế lực phong kiến đã chịu ảnh hưởng của kinh tế hàng hóa- tiền tệ, thường đưa đến thoán đoạt ngôi vua, chia cắt lãnh thổ, phân phong cát cứ, phân chia quyền lực giữa các tập đoàn phong kiến. Đó là sự vận động khách quan của xã hội xảy ra ở nhiều nước. Thậm chí như ở Đức, một dân tộc phân chia ra nhiều công quốc.
Ở thời Lê mạt, từ Lê Uy Mục ( 1505 – 1509) đến Lê Cung Hoàng ( 1527) kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, quân sự ngày càng suy thoái, biểu hiện ra thành khủng hoảng xã hội. Sự nổi lên của các thế lực cát cứ: Lê, Mạc, Trịnh, Nguyễn…đã xảy ra trong tình hình như vậy.
Với phương châm “ Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, chúng ta cũng phải xem xét nhà Mạc trong hiện trường xã hội đó. Bắt đầu là đi vào tìm hiểu cuộc khủng hoảng cung đình cuối Lê.
II. Khủng hoảng xã hội cuối Lê: Một cuộc khủng hoảng cung đình trầm trọng.
Khủng hoảng cuối Lê, kể từ Lê Uy Mục (1505) trở đi đã có cơ sở sâu xa của nó là khủng hoảng kinh tế- xã hội mang dấu ấn thời đại. Đó là mâu thuẫn giữa kinh tế phong kiến Việt Nam còn mang nặng tàn dư của phương thức sản xuất châu Á với kinh tế hàng hóa- tiền tệ đã có khả năng làm nảy sinh mầm mống tư bản chủ nghĩa.
Trong khi đó về chính trị, triều đình phong kiến lại không có được tư duy đổi mới, không sản sinh ra được nhân tài cứu nước tìm ra được lối thoát cho cuộc khủng hoảng. Phần lớn vua chúa quan lại đi vào xa hoa, trụy lạc. Thế lực phong kiến chính thống là nhà Lê thì quá bạc nhược, suy đồi. Còn phong kiến ngoại tộc lại chia ra nhiều phe cánh ngang tài ngang sức nhau, không nhượng bộ lẫn nhau. Tất cả đều mưu đồ tranh giành quyền lực, lấn át nhà vua đi tới cướp ngôi vua.
Một cuộc khủng hoảng cung đình sâu sắc, lâu dài đã diễn ra.
Từ Vua Lê Uy Mục trở đi, cơ nghiệp nhà Lê mỗi ngày một suy thoái dần, không có vua nào làm được việc nhân chính, lại thường hay say đắm tửu sắc, làm những điều tàn ác gây thành sự giặc giã, thoán đoạt.
Cuộc khủng hoảng cung đình diễn ra với một hình thái chưa từng có là 5 vua bị giết, hai vụ tiếm ngôi xưng vương, nhiều phe phái tiêu diệt lẫn nhau khiến sức lực suy tàn, nhân tài cạn kiệt, quần chúng cực khổ.
Cụ thể diễn ra như sau:
1.Năm 1504 vua Lê Hiến Tông mất. Ngôi truyền cho con thứ ba là Lê Túc Tông. Túc Tông làm vua được 6 tháng thì mất. Lê Uy Mục con thứ hai của Hiến Tông lên thay năm 1505. Vừa lên ngôi đã giết ngay những người trước kia không suy tôn mình làm vua, kể cả tổ mẫu Thái hoàng Thái hậu cùng với Lễ bộ thượng thư Đàm Văn Lễ và Đô ngự sử Nguyễn Quang Bật. Uy Mục còn làm nhiều điều bạo ngược, lại say đắm tửu sắc, đêm nào cũng cùng các cung nhân uống rượu, rồi đến khi say thì giết đi. Có khi bắt quân sỹ lấy gậy đánh nhau làm trò vui. Tính đã hung ác lại còn phản trắc ( Sứ Tàu sang làm thơ, gọi là Quỷ Vương).
Năm 1509, Giản Tu Công người anh em con chú con bác với vua bị bắt giam. Ông đã đút tiền cho người canh ngục và trốn ra được về Tây Đô hội với các cựu thần đem binh ra đánh bắt Uy Mục và hoàng hậu giết đi.
2.Giản Tu Công giết vua rồi lại tự lập mình làm vua là Lê Tương Dực, nhưng cũng chơi bời xa xỉ, như sai thợ Vũ Như Tô làm điện 100 nóc, xây Cửu trùng đài, bắt quân dân làm việc cực khổ, chết hại rất nhiều,hao tốn tiền của, lại cho đóng chiến thuyền bắt đàn bà chèo chơi ở hồ Tây, tư thông với cung nhân của tiền triều ( Sứ Tàu gọi vua là có tướng Lợn và sự loạn vong chắc là sắp tới). Nông dân nổi lên chống lại ở nhiều nơi. Trần Cao uy hiếp cả kinh thành. Nguyên quận công Trịnh Duy Sản đã có công đi đánh giặc nhưng vì can gián nhà vua mà bị đánh. Duy Sản tức giận hội cùng mấy viên quan khác, mượn tiếng đi đánh giặc, đêm đem binh vào giết vua Lê Tương Dực.
3. Trịnh Duy Sản giết vua Lê Tương Dực lập Quảng Trị ( con Mục Ý Vương) mới 8 tuổi lên làm vua. Võ tá hầu Phùng Mại bàn nên lập con Cẩm Giang Vương thì bị Trịnh Duy Sản bắt đem chém ngay ở chỗ nghị sự. Quảng Trị làm vua chưa được 3 ngày chưa kịp đổi niên hiệu thì Trịnh Duy Đại anh của Trịnh Duy Sản bắt giết đi.
Trong lúc triều đĩnh rối loạn như vậy thì Nguyễn Hoàng Dụ kéo quân về đốt phá kinh thành bắt Vũ Như Tô đem chém ở ngoại thành.
Trịnh Duy Sản lại phải lập Cẩm Giang Vương 14 tuổi lên làm vua là Lê Chiêu Tông. Kinh đô bị tàn phá nên vua tạm chạy về Tây Kinh ( Thanh Hóa). Kinh đô bỏ trống, Trần Cao vào chiếm, tiếm hiệu xưng vương. Trịnh Duy Sản, Nguyễn Hoằng Dụ cùng một số quan quân đem binh đánh Trần Cao. Trần Cao thua chạy về về Lạng Sơn. Trịnh Duy Sản đuổi đánh lên Lạng Sơn bị Trần Cao giết…
4.Chiêu Tông trẻ tuổi không quyết đoán. Triều đình rối loạn. Trịnh Duy Sản mưu sự làm phản bị tố cáo, phải giết cả đảng. Triều thần thì hiềm thù lẫn nhau, đem quân đánh lẫn nhau.
Nổi bật nhất là vụ Nguyễn Hoàng Dụ và Trịnh Tuy, hai người đi đánh giặc về rồi mỗi người đóng quân một nơi chống cự với nhau, vua can ngăn không được.Trần Chân bênh Trịnh Tuy đem quân đánh Nguyễn Hoằng Dụ. Hoằng Dụ bỏ chạy về Thanh Hóa. Vua sai Mạc Đăng Dung đi đánh Hoằng Dụ, nhưng Đăng Dung tiếp được thư của Hoằng Dụ viết riêng cho mình nên không đánh, đem quân trở về. Quyền binh trong triều ở cả trong tay Trần Chân.
Vua nghe nói Trần Chân có ý làm phản nên cho gọi vào thành bắt giết đi. Các bộ tướng của Trần Chân là Hoàng Duy Nhạc, Nguyễn Kính, Nguyễn Áng đem quân vào đánh kinh thành. Vua phải chạy sang Gia Lâm cho người vào Thanh Hóa vời Hoằng Dụ, nhưng Dụ không ra. Chiêu Tông không trông cậy được vào ai phải cho người sang Hải Dương vời Mạc Đăng Dung vào giúp.
5.Mạc Đăng Dung đem vua về Bồ Đề mật dụ cho Nguyễn Kính, Nguyễn Áng về hàng…Họ không hàng lại thông đồng với Trịnh Tuy, Nguyễn Sư- những người đang có âm mưu làm phản, đồng tình lập Lê Do lên làm vua, đóng thành điện ở Từ Liêm.
Mạc Đăng Dung được vua vời ra giúp đã đem binh diệt được được bọn Lê Do lại quy hàng được Hoàng Duy Nhạc, Nguyễn Kính, Nguyễn Áng.
Thấy Mạc Đăng Dung, nhờ thắng lợi gậy được thanh thế. Vua Lê Chiêu Tông lo sợ bỏ hành cung chạy ra Sơn Tây cho người vào Thanh Hóa vời Trịnh Tuy ra ứng cứu. Trước tình thế đó Mạc Đăng Dung đã phải hội các quan, lập Hoàng Đệ Xuân là Lê Cung Hoàng lên thay, di chuyển hành cung về Gia Phúc ( sau là Gia Lộc, Hải Dương) để tránh viện quân của Chiêu Tông từ Thanh Hóa đánh ra. Năm 1524, Mạc Đăng Dung buộc phải cho quân vào Thanh Hóa bắt Chiêu Tông giết đi.
Như vậy, khủng hoảng cung đình sâu sắc dẫn đến 5 vua bị giết ( Uy Mục, Tương Dực, Quảng Trị, Chiêu Tông, Cung Hoàng); hai lần thế lực chống đối lập ra vua mới ( Trần Cao tiếm hiệu xưng vương. Lê Do được Trịnh Tuy, Nguyễn Sư lập làm vua). Triều thần thì những người ngoài hoài Lê nhưng bất lực, như Nguyễn Văn Lang, Lê Tung, Lương Đắc Bằng xin cáo quan về hưu. Số còn lại, phe nọ chống phái kia, mà tất cả đều là kém tài, thiếu đức, giết hại lẫn nhau. Dân tình khổ cực. Binh sĩ nhiều người bỏ thân nơi chiến địa không vì lợi ích quốc gia.
Trong lịch sử dân tộc cũng nhiều lần xảy ra khủng hoảng cung đình như khủng hoảng cuối Lê sang Lý, khủng hoảng cuối Lý sang Trần, hay “Loạn ba vương thời Lý”, việc tiếm ngôi của Dương Nhật Lễ cuối Trần… nhưng chưa bao giờ khủng hoảng lại diễn ra lâu dài và trầm trọng như lần này.
Lịch sử đang cần có một nhân vật ra giải quyết khủng hoảng để yên dân, dựng nước. Lịch sử đã lựa chọn Mạc Đăng Dung.
Nói “ Lịch sử đã lựa chọn” là nói thực tế khách quan đã có sự giằng co giữa các thế lực, mỗi thế lực có người đại diện của mình và đều là nhằm giành ngôi nhà Lê đang suy tàn, bất lực. Nhưng sau khi loại trừ lẫn nhay, cuộc chung kết chỉ còn lại có hai đối thủ là Nguyễn Hoằng Dụ và Mạc Đăng Dung.Cuối cùng Mạc Đăng Dung đã thắng, tức Mạc Đăng Dung đã được lịch sử lựa chọn.
III. Vai trò của Mạc Đăng Dung trong khủng hoảng cung đình
Nguyễn Hoằng Dụ và Mạc Đăng Dung đã có lần giao hảo với nhau ( như đã nói ở trên: khi vua sai Mạc Đăng Dung đi đánh Nguyễn Hoằng Dụ, Hoằng Dụ đã viết thư riêng cho Đăng Dung cầu hòa. Đăng Dung không đi đánh nữa). Nhưng Hoằng Dụ, sau khi thua Trịnh Tuy và Trần Chân đã bỏ chạy về Thanh Hóa. Đến khi bọn Trần Chân chống lại, cho vời ra giúp, đã không ra. Lần thứ hai vua vời ra để cùng Mạc Đăng Dung đánh Hoàng Duy Nhạc, Nguyễn Kính, Nguyễn Áng… thì lại xuất binh đánh trước và bị thua trận, lui về Thanh Hóa. Như vậy, đức, tài đã được thử thách và biểu lộ rõ là Hoằng Dụ thua kém Mạc Đăng Dung
Còn Mạc Đăng Dung khi được Chiêu Tông vời ra giúp đã ra ngay, được Chiêu Tông trao cả binh quyền để đánh Hoàng Duy Nhạc. Mạc Đăng Dung đã thắng trận trừ được bọn Lê Do ( tiếm hiệu xưng vua) cùng Trịnh Tuy, Nguyễn Sư, lại đã quy hàng được Hoàng Duy Nhạc, Nguyễn Kính, Nguyễn Áng…khiến vây cánh thêm mạnh.
Tài quân sự của Mạc Đăng Dung như vậy đã rõ. ( Ông xuất thân từ nghề võ và không thấy nói trận nào bị thua). Còn đức thì chí ít cũng nghe lời của Chiêu Tông ra cứu vua, và lấy ân uy mà thu phục được Hoàng Duy Nhạc, Nguyễn Kính, Nguyễn Áng… Khi đưa Cung Hoàng lên ngôi đã cố gắng để gần ba năm vực lại ngôi vua của nhà Lê, nhưng thấy không thể vực dậy nổi mới quyết định giành ngôi.
Dẫu đức của ông chưa thể là toàn vẹn nhưng cũng là khá nhất trong số quyền thần lúc bấy giờ.
Nguồn: Vương triều Mạc với sự nghiệp canh tân đất nước
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia
Viết bình luận