NHỮNG ĐỐNG GÓP CỦA VƯƠNG TRIỀU MẠC
TRONG SỰ NGHIỆP PHÁT TRIỂN VĂN HÓA - GIÁO DỤC DÂN TỘC
Ts.Đặng Kim Ngọc
TT Văn hóa Khoa Học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội
Nhà Mạc và Vương triều Mạc là một hiện tượng đặc biệt trong sự phát triển của lịch sử phát triển dân tộc là một công việc tốn khá nhiều công sức và thời gian. Đã có nhiều hội thảo khoa học được tổ chức, cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu về nhà Mạc và thời đại nhà Mạc được thực hiện. Nhờ những cố gắng như vậy của giới nghiên cứu, nhiều vấn đề khoa học cảu nhà Mạc và vương triều Mạc đã được sáng tỏ, đặc biệt là những đóng góp trên một số mặt của vương triều này trong lịch sử dân tộc đã được khẳng định.
Hội thảo khoa học lần này chúng ta lại có dịp làm rõ thêm, tiếp tục khẳng định thêm những đóng góp của vương triều, một dòng họ mà trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc, không hề kém cạnh những dòng họ, vương triều khác.
Trong bản tham luận ngắn trình bày tại hội thảo khoa học hôm nay, chúng tôi xin nêu một số những đóng góp của vương triều Mạc trong sự nghiệp phát triển văn hóa- giáo dục của dân tộc.
- Nhà Lê sơ đạt đến đỉnh cao của sự thịnh vượng vào thời Lê Thánh Tông. Vị vua nổi tiếng về văn học đó đã từng biểu thị niềm tự đắc về một thời thịnh trị của đât nước qua bài thơ “Minh Lương” trong đó hai câu kết được nhà vua viết như sau:
Hiếu tôn Hồng Đức thừa phi tự
Bát bách cơ chu lạc tự bình
(Cháu hiếu là Hồng Đức nối nghiệp lớn
Vui thấy cuộc trị bình sẽ lâu dài như Cơ Chu tám trăm năm)
Nhưng lịch sử không diễn ra theo lời tiên đoán chủ quan cả vị vua văn học ấy. Chỉ mấy năm sau khi Lê Thánh Tông mất đất nước đã bước vào một thời kỳ mới, thời kỳ khủng hoảng triền miên và kéo dài suốt mấy chục năm mà triệu chứng mở đầu là vào các triều vua Uy Mục Đế(1505 – 1509), Tương Dực Đế(1510 – 1516).
Đời vua Uy Mục, chính sự đổ nát, lòng người ly tán . Vua thì giết hết đại thần này đến đại thần khác ở trong triều, giết cả bà nội mình là Thái hoàng Thái hậu Trường Lạc chỉ vì Trườn Lạc không có ý địnhlập mình làm vua. Đến nỗi mà sử thần nhà Minh lúc ấy là Thiên tích trông thấy tướng vua phải đề câu thơ rằng:
An Nam tứ bách vận lưu trường
Thiên ý như là giáng quỷ vương
(Vận nước An Nam còn dài đến 400 năm
Ý trời thế nào lại giáng sinh vua quỷ)
Sử cũ chép về vua Uy Mục Đế như sau: “Vua nghiện rượu, hiếu sát, hoang dâm, thích ra oai, tàn hại người tông thất, giết ngầm tổ mẫu, họ ngoại hoành hành, trăm họ oán giận, người bấy giờ gọi là Quỷ vương, điềm loạn đã xuất hiện từ đây”
Giản tu công chiêu tập hợp lực lượng tiến về kinh đô đánh đổUy Mục đế, giết hết bọn ngoại thích, lên làm vua tức Tương Dực Đế. Nhưng Tương Dực cũng không đáp ứng được tình hình lúc đó mà lại đi theo vết chân cũ của Uy Mục, lao vào con đường ăn chơi trụy lạc, giết người vô độ, bỏ mặc triều đình. Sách toàn thư có lời bàn về Tương Dực như sau: “Vua buổi đầu lên ngôi, ban hành giáo hóa, thận trọng hình phạt, cũng đáng coi là có công nghiệp. Song chơi bời vô độ, xây dựng liên miên, dân nghèo thất nghiệp, trộm cướp nổi lên dẫn đến nguy vong là vô bờ bởi ở đấy.
Những cuộc sống xa hoa, trụy lạc như vậy, những vụ giết người liên miên như vậy đã dẫn đến cuộc chém giết lẫn nhau nổ ra ở trong triều đình và các cuộc nổi dậy đấu tranh của nhân dân ở khắp mọi nơi ngày càng nhiều làm cho triều đình mỗi ngày một suy yếu. Đầu năm 1511, tiến sĩ Thân Duy Nhạc cùng Ngô Văn Tống dấy binh đánh phá vùng Sơn Tây, Hưng Hóa rồi kéo quân về sát vùng kinh thành Thăng Long. Năm 1512, Lê Hy, Trịnh Hưng, Lê Ninh Triệt kêu gọi dân nghèo nổi dậy ở Nghệ An nhiều tổn thất cho triều đình. Năm 1515, Phùng Chương nổi dậy ở Tam Đảo, Đặng Hân, Đặng Ngật nổi dậy ở huyện Ngọc Sơn. Đầu năm 1516, Trần Công Ninh nổi dậy ở huyện Yên Lãng(Vĩnh Phúc). Những cuộc nổi dậy liên tiếp của nhân dan vẫn không làm cho triều đình nhà Lê tỉnh ngộ. Vua tôi vẫn tiêp tục đi vào con đường ăn chơi xa đọa dẫn đến cuộc khời nghĩa của Trần Cảo làm lung lay tận gốc nền tảng vương triều Lê.
Trần Cảo chiếm được kinh thành Thăng Long, lúc này Tương Dực Đế đã bị giết chết.Các thế lực khác nhau của nhà Lê vội tập hợp lại để chống Trần Cảo và đuổi được quân Trần Cảo ra khỏi Thăng Long. Sau đó các tập đoàn phong kiến lại đánh giết lẫn nhau tranh giành quyền bá chủ. Vua Lê trở thành một thứ bù nhìn.Tịnh Tuy, Trần Chân, Nguyễn Hoằng Dụ và sau đó là Mạc Đăng Dung đã trở thành người đứng đầu các phe phái đối lập, liên tiếp đem quân trừ khử nhau. Bằng sự khôn khéo và tài năng, Mạc Đăng Dung dần dần đánh bại được các thế lực đối lập, một mình phò tá một người con cháu của nhà Lê là Lê Xuân lên làm vua. Năm 1527, nhận thấy thế lực của nhà Lê không còn gì nữa, Mạc Đăng Dung quyết định cưỡng ép Lê Xuân nhường ngôi cho mình, lập ra nhà Mạc.
Sau đúng 100 năm trị vì, nhà Lê sơ đến đây bị lật đổ. Sự ra đời của nhà Mạc không làm cho đất nước trở lại bình yên. Trái lại nhiều thế lực phong kiến, xuất thân quan lại của nhà Lê đã nhân tình hình mới nổi quân dương cao lá cờ “Phù Lê diệt Mạc”. Một cục diện mới bắt đầu.
2. Lịch sử nước ta có 5 trường hợp dòng họ này thay thế dòng họ khác lên làm vua trị vì thiên hạ. Đó là các trường hợp: Nhà Tiền Lê thay thế nhà Đinh, nhà Lý thay thế nhà Tiền Lê, nhà Trần thay thế nhà Lý, nhà Hồ thay thế nhà Trần và nhà Mạc thay thế nhà Lê sơ. Hiện tượng này rất bình thường đối với các quốc gia phong kiến cả phương Đông lẫn Phương Tây.
Tuy nhiên ở Việt Nam, 5 trường hợp kể trên được đánh giá rất khác nhau
Do cái nhìn lịch sử khác nhau, quan điểm đánh giá khác nhau của mỗi người và ở mỗi thời kỳ lịch sử khác nhau.
Riêng đối với trường hợp nhà Mạc thay thế nhà Lê cũng có những cách đánh giá khác nhau. Theo sách “ Mạc tộc thế phả hợp biên” ở mục “mấy điều tâm đắc” có cho rằng xưa nay có hai khuynh hướng đánh giá trái ngược nhau:
- Hoặc đánh giá quá thấp dựa trên những tư liệu của sử thần nhà Lê và sử thần nhà Nguyễn đã viết trong các bộ sử Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, khâm định việt sử thông giám cương mục, Đại Nam nhất thống chí…
- Hoặc đánh giá cao dự trên tư liệu của Lê Quý Đôn và với quan điểm sử học khi đánh giá.
Tất nhiên, khi đánh giá nhà Mạc và sự thay thế nhà Lê của nhà Mạc phải có đầy đủ tư liệu và nhất là phải đứng trên một quan điểm lịch sử và mác xít, cuộc đảo chính của nhà Mạc diễn ra tương đối hòa bình, thuận buồm xuôi gió, có thể dẫn ra hai nguyên nhân chính: Do cuộc khủng hoảng chính trị- xã hội của nhà Lê kéo dài suốt mấy chục năm dẫn đến tình trạng của nhà Lê quá suy yếu, không còn gì để chống đỡ. Thứ hai là thế lực của họ Mạc quá lớn mạnh do Mạc Đăng Dung đã có ý thức xây dựng nó hàng chục năm trời. Do đó, ý định chiếm ngôi vua cũng dần dần hình thành. Những cuộc thay đổi triều đại trước đó như:họ Hồ thay thế nhà Trần, họ Trần thay thế nhà Lý, họ Lý thay thế nhà Tiền Lê họ Lê thay thế nhà Đinh, tuy hoàn cảnh điều kiện cụ thể có khác nhau nhưng đều thống nhất ở một điểm: Các triều đại trước đã quá suy yếu và dòng họ thay thế là dòng họ có thế lực lớn nhất ở trong triều.Do đó lại dẫn đến một điểm chung khác: Tất cả các cuộc đảo chính cung đình dó dều diễn ra êm thấm trong không khí hòa bình. Như vậy những hiện tượng “thay triều đổi đại” trên hay gọi một cách khác là hiện tượng đảo chính chiếm ngôi vua đó có phải là tất yếu trong lịch sử không?
Đây là một vấn đề cần trao đổi thêm. Nếu đứng trên lập trường phong kiến thì những hiện tượng này không thể chấp nhận được. Nhiều Nho thần phong kiến đã lên tiếng phê phán những hành động phản nghịch đó. Nhưng nhiều sử gia và các nhà nghiên cứu ngày nay lại có cái nhìn khác hẳn. Xin trích một đoạn trong sách Mạc Thị thế phả hợp biên để minh chứng cho hai loại ý kiến này: “việc đảo chính lật đổ vua Lê của Mạc Đăng Dung khách quan công bằng mà nói là điều tất yếu của lịch sử. Nhà Lê đã suy yếu quá đỗi để nhân dân lầm than, cơ cực mà dân như nước “chở thuyền lật thuyền nhờ sức của dân”. Dân tình đã chán ghét nhà Lê kể từ thời Uy Mục Đế (1505-1509), Tương Dực, Chiêu Tông, Cung Hoàng còn đâu quá khứ tốt đẹp bình Ngô lừng lẫy thời Lê Lợi…”
3.Sau khi lên nắm quyền, trong việc xây dựng và củng cố thể chế nhà nước, Mạc Đăng Dung đã hoàn toàn theo “phép cũ” của nhà Lê. Đặc biệt, họp Mạc đã rất chú trọng tới việc đào tạo cho vương triều mình một đội ngũ quan lại thông qua giáo dục khoa cử. Đây là một rong những chính sách đối nội quan trọng của nhà Mạc. Do vậy,họ Mạc sẽ phải dùng Nho giáo, dựa vào Nho giáo.
Như đã biết, ngay từ khi nho giáo du nhập vào Việt nam chính chính giáo dục – khoa cử đã đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc truyền tải những nội dung của Nho giáo. Đến thời Lê sơ, khi Nho giáo trở thành quốc giáo thì các ông vua đầu thời Lê, đặc biệt Lê Thánh Tông đã xây dựng một hệ thống giáo dục – khoa của tương đối hoàn chỉnh từ trung ương đến địa phương .
Nhà Mạc thay thế nhà Lê trong hoàn cảnh một bộ phận không nhỏ các sĩ phu quan liêu nhà Lê không ủng hộ và đang tìm cách chống lại, nhằm khôi phục vương triều cũ. Họ Mạc cũng hiểu rằng cơ sở nền tảng của xã hội và do đó sẽ là cơ sở của bộ máy cai trị chính quyền vương triều Mạc vẫn sẽ là dùng Nho giáo, sử dụng Nho giáo để nắm sĩ phu. Bên cạnh đó, tập đoàn Lê – Trịnh đang nổi lên ở phía Nam khiến nhà Mạc phải tìm mọi cách để tranh giành sĩ phu với nam triều. Bởi vậy, hàng năm nhà Mạc đã tiến hành đều đặn các kỳ thi tuyển chọn nhân tài.
Trong suốt thời kỳ thống trị của nhà Mạc, không năm nào nhà mạc không tổ chức thi cử. Ngay trong những năm có nhiều biến loạn, những năm nhà Mạc bị thất bại liên tiếp, triều đình nhà Mạc vẫn tổ chức các kỳ thi, năm 1592 quân Mạc bị thua lớn, quân Trịnh Tùng kéo vào tàn phá kinh thành, nhưng sau khi Trịnh Tùng rút quân thì mùa hạ năm ấy, Mạc Mậu Hợp lại mở khoa thi Hội.
Nhà Mạc thường xuyên mở nhiều khoa thi, trước hết là nhằm xây dựng, đào tạo một tầng lớp sĩ phu quan liêu mới để cung cấp cho bộ máy thống trị. Khi nhà Mạc mới lên ngôi thì các sĩ phu quan liêu cũ của nhà Lê một phần bị nhà Mạc tàn sát, phần lớn thì bỏ trốn hay âm mưu chống lại. trong điều kiện ấy, nhà Mạc cần phải tiến hành đào tạo gấp một tầng lớp quan liêu mới. Như trên đã trình bày, việc tổ chức thi cử của nhà Mạc nhằm mục đích tranh giành sĩ phu với Nam triều, lấy khoa của và quan tước để giàng buộc các trí thức phong kiến. Trên tinh thần ấy, nhà Mạc ngay sau khi lên ngôi vua đã cho tổ chức kỳ thi hội đầu tiên vào năm 1529. Toàn thư chép về kỳ thi này như sau:
“Kỷ Sửu(1529), Mạc Minh Đức năm thứ 3, họ Mạc mở khoa thi Hội. Cho bọn Đỗ Tổng, Nguyễn Hãng, Nguyễn Văn Huy 3 người đỗ cập đệ, bọn Nguyễn Văn Quang 8 người đỗ tiến sĩ xuất thân. Bọn Nguyễn Hữu Hoãn 16 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân”.
Từ đó cứ 3 năm một lần thì phải đều đặn, nhà Mạc đều cho tổ chức các khoa thi tuyển chọn tiến sĩ. Trước sau tổng cộng 21 khoa, số người đậu tiến sĩ là 484 người, trong số ấy co 11 trạng nguyên.
Vơi số lượng khoa thi và số lượng người đỗ tiến sĩ như trên ta thấy nhà Mạc không hề thua kém bất kỳ triều đại phong kiến nào của Việt nam về việc tổ chức khoa thi cử và đào tạo nhân tài. Những trí thức phong kiến lớn, nỗi tiếng trong lịch sử Việt Nam, như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan, Giáp Hải… đều đỗ trong các kỳ thi do nhà mạc tổ chức.
Trong lịch sử giáo dục khoa cử việt nam, sau thời Lê Thánh Tông thì chỉ có triều Mạc mới liên tục thực hiện quy chế, tuần tự cứ 3 năm mở khoa thi Hội 1 lần. Số lượng khoa thi và số lượng tiến sĩ đỗ đạt trong các kỳ thi như đã nêu chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt với giáo dục khoa cử của triều Mạc và cũng có thể so sánh được với số khoa thi và số tiến sĩ đỗ của triều Lê sơ. Xem xét lại toàn bộ lịch sử của vương triều Mạc, chúng ta càng khâm phục sự cố gắng hết mức của các ông vua triều Mạc đối với nền giáo dục khoa cử nước nhà. Ngay trước khi nhà Mạc nên nắm chính quyền thì việc tổ chức các kỳ thi của nhà Lê sơ cũng không được thường xuyên. Theo chính sử cho biết, vào năm Quang Thiệu thứ 3(1518) có mở khoa thi Hội, vì năm trước đáng lẽ có khoa thi, nhưng vì nhà nước có biến loạn nên khi khoa thi này được hoãn lại tới năm sau. Ngay chính triều Lê trung hưng được thành lập năm 1545 ở phía Nam, đến năm 1554 mới bắt đầu mở chế khoa. Việc mở các khoa thi liên tiếp không được đều đặn thường xuyên bằng nhà Mạc. Đến năm 1580 mới tổ chức thi hội, thi đình.
Nhằm đề cao khoa cử, năm 1529. Mạc Đăng Dung cũng theo thể lệ cũ của nhà Lê cho dựng bia đa ghi tên những người trúng tuyển. Nhưng về sau, do chiến tranh liên miên, việc dựng bia không dược tiến hành thường xuyên. Suốt 65 năm trị vì của nhà Mạc, nhà Mạc chỉ tổ chức dựng bia có 2 lần. Cụ thể như Sau:
1.Lần dựng bia năm Minh Đức thứ 3(1536) hiện còn một bia của các khoa thi Kỷ Sửu năm Minh Đức 3.
2.Lần dựng năm Đại Chính thứ 7(1536) hiện còn hai bia của các khoa thi:
- Nhâm Tuất năm Cảnh Thống thứ 5(1502).
- Mậu Dần năm Quang Thiệu thứ 3(1518)
Điều đáng lưu ý là lần dựng năm Đại Chính thứ 7(1536) thuộc về hai khoa thi của triều Lê cũ. Nhưng không vì thế mà nhà Mạc không tổ chức cho dựng bia. Điều đó muốn nói lên nhà Mạc hết sức đề cao khoa cử, tôn trọng khoa cử, từ đó tôn trọng luôn những người xuất thân từ khoa cử. Cũng trong năm này Mạc Đăng Doanh còn cho sửa lại nhà Quốc Tử Giám. Toàn thư chép rằng: “Họ Mạc sai Đông quân đô đốc phủ Tả đô đốc Khieemquaanj công Mạc Định Khoa sửa lại nhà Quốc Tử Giám”. Năm sau, để tỏ sự quan tâm tới việc học, đề cao Nho giáo và khoa cử, Mạc Đăng Doanh đã thân đến thăm nhà Thái học: “Đinh Dậu năm thứ 5(1527), Mạc Đại Chính năm thứ 8, mùa xuân tháng giêng, họ Mạc đến thăm nhà Thái học”.
Tuy nhiên, việc học và thi cử của nhà Mạc hay nói một cáh khác, ý thức đà tạo một tầng ớp sĩ phu quan liêu mới, chỉ được thực hiện tốt vào những triều đại đầu của nhà Mạc. Càng về sau, dù nhà Macjcos nhiều cố gắng nhưng cũng không đem lại két quả bao nhiêu. Mặc dù nhà Mạc vẫn tổ chức đều đặn việc thi cử, cất nhắc và tuyển chọn những người đỗ đạt làm quan, nhưng việc thi cử đó chỉ còn là hình thức. Thi cử lập bia đá
của nhà Mạc không còn là biểu hiện của sự thịnh trị của chế độ phong kiến như triều Lê Thánh Tông trước đó, mà chỉ còn là một chính sách lôi kéo sĩ phu, một chính sách đào tạo quan liêu làm cơ sở cho chính quyền của nhà Mạc.
Nhà Mạc không thiếu nhân tài cũng không thiếu những người có tâm huyết với xã tắc nhà Mạc. Nhưng các vua cuối của nhà Mạc không sử dụng được. Chỉ xin lấy một ví dụ: Nhà Mạc rất có ý thức trong việc đào tạo tầng lớp sĩ phu, hết sức đề cao khoa cử, nhưng khi việc dựng bia đá bê trễ, quan đại thần Trần Thì Thầm dâng sớ đề nghị tiếp tục dựng bia đá để tỏ rõ việc đề cao khoa cử thì lại không thực hiện được.
Mạc Mậu Hợp rất đồng ý với lời văn phong trong bài sớ nhưng vẫn không thực hiện theo. Việc làm không triệt để của nhà Mạc đã dẫn đến tình trạng tầm lớp quan liêu mới không đủ làm cơ sở vững chắc cho nhà Mạc. Một số sĩ phu có danh vọng tuy xuất thân từ khoa cử nhà Mạc, lại bỏ theo nhà Lê như Lương Hữu Khánh, hay có người từ quan về sống cuộc đời ẩn dật như Nguyễn Bỉnh Khiêm…..Một số sĩ phu, quan lại theo nhà Mạc thì dần dần trở nên sa đọa, suy đồi. Đó là kết quả của những biện pháp cách không triệt để, nửa vời của nhà Mạc.
Vương triều Mạc đã tồn tại trong 65 năm, nhiều thành tựu trên các mặt mà vương triều Mạc đã đạt được, đang chờ các nhà nghiên cứu tiếp tục xem xét và đánh giá. Song thành tựu nổi bật nhất của triều Mạc không thể phủ nhận được đó chính là sự nghiệp giáo dục thi cử , nó đã đào tạo ra một tầng lớp tri thức phục vụ cho vương triều Mạc tồn tại và phát triển, cũng nhờ có chính sách quan tâm đến vấn đề thi cử của vương triều Mạc mà hàng loạt tên tuổi ở thời kỳ này còn vang danh trong lịch sử văn hóa dân tộc như: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan, Giáp Hải…Để kết thúc tham luận này, chúng tôi xin mượn lời nhận xét tổng quát về sự quan tâm tới giáo dục thi cử và tác dụng của nó trong việc xây dựng vương triều Mạc của nhà bác học – sử học Phan Huy Chú.
“ Nhà Mạc dẫu bận chiến tranh mà vẫn không bỏ thi cử, vì thế nhà Mạc được nhiều người tài giỏi giúp việc chống đối nhà Lê, kéo dài đến hơn 60 năm. Ấy cũng là công hieeujcuar khoa cử đó”.
Viết bình luận