Quán Đạo

B.Quán Đạo

Cũng như ngôi chùa là nơi sinh hoạt của các tín đồ Phật giáo, quán Đạo là nơi sinh hoạt và thực hành tín ngưỡng của tín đồ Đạo giáo, một trong những tôn giáo có lịch sử lâu đời được du nhập và phổ biến rộng rãi ở nước ta trước đây.

Đạo giáo là một trong những tôn giáo khá hưng thịnh của người Trung Hoa. Nhưng nguồn gốc từ đâu đến quả là còn phải tiếp tục nghiên cứu. Như nhận xét của K.Schipper rằng: “ rất khó nói được là Đạo giáo đến từ đâu”, bởi đã mất hết tài liệu lịch sử. Đạo đức kinh, một văn bản gốc của Đạo giáo cũng không rõ thuộc niên đại nào, và cũng không chỉ ra bất kể một tên gọi cụ thể nào. Tác giả tập sách được phỏng đoán là Lão tử, nghiêng về huyền thoại hơn là lịch sử. Ông được xem là xuất hiện ở thế kỷ VI, trước công nguyên, người đã thiết lập học thuyết như một tôn giáo nhằm cứu thế chúng dân, đối diện với hệ tư tưởng của Nhà nước trong giai đoạn nhà Tần (221 – 206 trước Công nguyên), rồi nhà Hán (từ năm 206 đến năm 220 sau Công nguyên). Sau đó, học thuyết này tự xác định trong chừng mực là một tôn giáo bản địa khi phân biệt với Phật giáo, một tôn giáo từng đạt đến đỉnh điểm ở Trung Quốc trong thời kỳ Lục triều, Tùy, Đường và Ngũ đại từ thế kỷ V đến thế kỷ X. Sau này, nhất là trong giai đoạn thuộc triều Tống (960 – 1279), sự phát triển của thị tứ kéo theo sự chuyển đổi lớn của đức tin đối với Thánh sư của họ. Người dân vì vậy mà thờ cúng các vị thánh của Đạo giáo khắp nơi, những người trường sinh bất tử có phép màu nhiệm siêu nhiên. Cũng như đạo Phật, đạo Lão đặt mục tiêu là cứu vớt người khốn cùng, mang hạnh phúc đến cho mọi người bằng sự nỗ lực, nhưng khiêm nhường nhất. Tuy nhiên, các Đạo gia luôn ước nguyện đạt tới cảnh đẹp huyền ảo trong cuộc sống của họ trên thế giới này. Trong khi đó, những Phật tử lại đặt mục tiêu cao cả ở thế giới cực lạc sau khi lìa xa trần thế. Hơn nữa, nghi thức thờ cúng của Đạo sĩ hết sức hấp dẫn. Tuy nhiên, nó cũng vô cùng phức tạp bởi phép phù thủy, lời thần chú, bói toán, bùa mê, bùa yểm, thể thức ma thuật mà nhờ vòa những thứ đó, người ta có thể cầu điều may mắn cho tất cả những gì liên quan đến con người như sinh đẻ, bị bệnh tật, chết chóc và cả những rủi ro khác.

  1. Sự du nhập của Đạo giáo và kiến trúc quán Đạo

Đạo giáo du nhập vào Việt Nam đồng thời với thời kỳ áp đặt chính sách đô hộ của phong kiến phương Bắc. Vào thời gian này, có một đạo sĩ thời Đông Hán (25 – 220) tên là Yên Kì Sinh đến Việt Nam và tu đạo ở một quả núi nằm ở phía Đông Bắc, nơi mà sau đó ông trở thành trường sinh bất lão. Khi Sĩ Nhiếp cai trị ở Giao Châu vào thế kỉ thứ II sau Công nguyên, thì đã có nhiều đạo sĩ đến đây tu luyện và truyền đạo.

Đạo giáo Trung Quốc từng là quốc giáo dưới thời Đường (618 – 907) và vì thế cũng trở lên phổ biến ở Việt Nam trong thời kỳ này cùng với nhiều cuộc di dân và áp đặt chính sách đô hộ của người phương Bắc. Minh chuông quán Thông Thánh huyện Bạch Hạc (Phú Thọ), khắc năm Đại Thánh thứ 8 (1321) thời Trần cho biết, quán này từng được Đô đốc Phong Châu là Nguyễn Thường Minh cho xây dựng dưới niên hiệu Vĩnh Huy (650 - 656) đời Đường. Minh chuông Đông Ngạc (Từ Liêm – Hà Nội) khắc năm 944, ghi lại việc các thành viên của hội tôn giáo của thôn Từ Liêm huyện Giao Chỉ (nay là huyện Từ Liêm, Hà Nội) đã cho vẽ một bức tranh thờ về ba vị chí tôn “ Tam tôn” của đạo Lão vào năm này. Thời Lý, quán Trấn Vũ được dựng đầu tiên khi dời đô ra Thăng Long năm 1010. Tiếp đó, một vài quán Đạo khác được dựng như quán Bích Câu (cạnh sân vận động Hà Nội). Dưới thời Trần, nhiều ngôi quán cũ được tu bổ như quán Thông Thánh, huyện Bạch Hạc vừa nêu trên, quán Thái Thanh ở Thăng Long. Ngoài ra, còn có khá nhiều ngôi quán khác được dựng mới, như quán Thái Vi ở làng Ninh Hải huyện Hoa Lư (Ninh Bình), quán Ngọc Thanh dựng năm 1338 ở gò Đại Lải huyện Hà Trung (Thanh Hóa). Tham gia các hoạt động tín ngưỡng của đạo Lão có cả một số sư chùa và vua quan trong triều, thậm chí một số cung điện trong hoàng cung nhà Trần được mang tên điện của quán Đạo như cung Thái Vi. Dưới thời Lê, trong khi chùa Phật bị hạn chế bởi chính sách thu hẹp ảnh hưởng của Nhà nước đối với Phật giáo, thì quán Đạo nhờ đó mà xuất hiện ngày càng nhiều. Quan Đạo này được duy trì và mở rộng ở thế kỷ XVI và thời Lê Trịnh thế kỷ XVII, XVIII, nhưng bị hạn chế vào thời Nguyễn thế kỷ XIX.

Hiện nay, chúng ta thấy một số quán Đạo đã trở thành chùa Phật hoặc đền thờ Thần, đình thờ Thành Hoàng như chùa Sổ (Thanh Oai, Hà Nội) vốn là quán Đạo khá uy nghi vào thế kỷ XVI – XVII, với tên gọi là Hội Linh quán, chùa Mui (Hà Nội) vốn là quán Hưng Thánh và đền Ngọc Sơn (Hà Nội) vốn là quán thờ Văn Xương, quán Văn Xá (Xã Tân Ước, Hà Nội) thờ Tam Thanh trở thành đình Văn Quán thờ cả Tam Thanh và Thành hoàng làng là Quý Minh đại vương. Ngoài ra trong một số ngôi quán, người ta cho xây dựng thêm hậu cung thờ Thần hoặc Phật điện thờ Phật như quán Huyền Thiên (Hà Nội) nay có thêm một hậu cung thờ Phật ở phía trong.

Trong thời kì nhà Mạc, chúng ta hiện biết đến cả thảy 8 ngôi quán Đạo. Đó là quán Thụy Ứng (Hưng Yên) năm 1562, Chân Thánh (Hưng Yên) năm 1566 và 159, quán Linh Tiên (Hà Nội) năm 1584, Tiên Phúc (Hải Dương) năm 1589, Viên Dương (Hà Nội) năm 1589, Hội Linh (Hà Nội) năm 1590, Đế Thích (Hưng Yên) năm 1590 và quán Hưng Thánh (Hà Nội) cuối thế kỉ  XVI. Phần lớn số quán này được biết đến nhờ vào tư liệu văn bia. Đặc biệt, tư liệu văn bia quán Linh Tiên đãthuật lại lịch sử quán đạo này qua đoạn văn sau đây:

“Quán Linh Tiên. Vốn là vào thời nhà Triệu, Zhao (207-111 trước Công nguyên), có vị Lã Nam đế húy là Gia Du, khi vãn du tới vùng này, bỗng gặp một tiên ông đang đánh cờ. Nam Đế hạ giá bái yết, nhưng tiên ông liền bay vụt về trời. Nhân đó Nam Đế cho xây quán ở đây gọi là quán Linh Tiên. Khi này có long thàn xuất hiện, làm thành huyệt đan sa rất linh dị. Lại có vị pháp sư tên là Lí Anh tu đạo ở quán này. Khi nhỏ pháp sư thường trồng rau hẹ để ăn, ngày đêm tụng niệm kinh “Ngọc hoàng bản hạnh ”. Khi rau hẹ già biến thành cỏ “xương bồ”, mọc trên đá, pháp sư lấy ăn rồi bay lên trời. Từ đóquán rất linh ứng. Trước ngày nhà vua ban ruộng ở xứ Đường Chi và cho thu thuế mỗi năm 6 quan để làm của Tam bảo. Đến năm Thiệu Bình thứ nhất (1434), lại cho thu thêm một quân để làm lễ cầu đảo, cho dân làng làm dân tạo lệ để lo việc đèn nhang. Lệ về chức quan của quán: chức Đạo chính 2 vị, chức Đạo sĩ 4 vị, chức Quán chính 1 vị ”. Một đoạn văn khắc cũng khắc trên bia này cho biết, quán Linh Tiên năm 1584, dưới thời Mạc được sủa mới lại, gồm ba tòa Tiền đường, Thượng điện và Thiêu hương, cùng tam quan. Trong số tín đồ cúng tín công đức, có vợ chồng Phò mã Đô úy Ngạn Quận công Mạc Ngọc Liễn và Phúc Thành Thái trưởng công chúa Mạc Ngọc Lâm (Văn bia thời Mạc, tr. 243-244). Qua văn bia chúng ta biết đượ lịch sử của ngôi quán này có từ xa xưa, thời Bắc thuộc, phù hợp với thời kì du nhập Đạo giáo vào Việt Nam như đã trình bầy ở trên. Sau đó quán là nơi tu hành và luyện đạo của nhiều đạo sĩ có tiếng. Đặc biệt vào thời Lê Sơ, quán đã được nhà nước ban ruộng đất, sắc lệnh cho dân vùng này được làm tạo lệ miễn phu phen tạp dịch để lo việc đèn nhang, trong khi chùa Phật bị hạn chế không được xây dựng. Đồng thời Nhà nước còn ban chức tước cho người cai quản quán như chức Đạo chính, Đạo sĩ và Quán chính. Ngoài ra nơi đây từng được sử dụng khi cầu đảo.

Tương tự như trên, chúng ta gặp khá nhiều văn bia ghi về lược sử các quán Đạo, đặc biệt về các thần tiên, như truyện về Đế Thích và Trương Ba từng được lưu truyền khá rộng rãi. Bài văn bia Quán Đế Thích (Yên Mĩ, Hưng Yên) khắc năm 1590, đã ghi lại sự tích này như sau: “Vào năm Long Thụy thứ hai (1055), đời vua thứ ba nhà Lí, có người xã Liêu Hương tên là Trương Ba, ba đời tu thiện, thích rượu giỏi cờ, cả nước không ai địch nổi. Ông sang bắc quốc gặp một cụ già tên Kỵ Như cũng rất giỏi đánh cờ, bèn kết bạ và đưa nhau về bản quán lập một am nhỏ củng ở. Hai người ở được với nhau 7 năm thì chia tay. Họ thấy hạ giới  không có địch thủ, chỉ mong được đấu cờ cùng Đế Thích, người cao cờ nhất ở thiên đình. Một hôm bỗng có một cụ già rách rưới, tới xin được đấu cờ. Trương Ba thua liền mấy ván, hỏi ra mới biết cụ là Đế Thích. Đế Thích sau khi chia tay, ban cho Trương Ba mấy nén hương và bảo nếu sau này gặp nạn thì thắp hương lên ắt sẽ xuống cứu. Về sau, khi Trương Ba chết, con cháu đốt hương, Đế Thích liền xuống triệu Tam phủ công đồng hoàn hồn cứu Trương Ba sống lại. Sau đó miếu thờ Đế Thích được dựng ở đây. Nay ba xã Liêu Hạ, Thư Thị, Thượng Cốc vẫn phụng thờ theo lệ cũ, rất linh ứng… ” (Nguyễn Quang Hồng, tr.643).

Rõ ràng là lịch sử các ngôi Quán đạo luôn gắn với những truyền thuyết liên quan tới thiên thần, luyện đan, trường sinh bất lão.

Kiến trúc của quán thời Mạc tương tụ như chùa, gồm chủ yếu một tòa thượng điện, thiêu hương va tiền đường, như quán Hưng Thánh và quán Linh Tiên (Hà Nội ) vừa nêu trên. Quy mô mỗi nhà không lớn, thường là chỉ có 1 gian 2 dĩ tạo thành một tòa ba gian nhà nhỏ, như quán Chân Thánh (Hưng Yên), Hưng Thánh (Hà Nội). Tuy nhiên có một số ngôi quán được mở rộng quy mô, nhất là được xây thêm nhà hậu để thờ Phật như văn bia quán Thụy Ứng (Hưng Yên) cho biết, quán này năm 1562 đươc “sửa lại nhà thượng điện, làm thêm nhà hậu đường và tô tượng phật” (Văn bia thời Mạc, tr.114).

2-Tượng thờ

Tượng thờ ở quán Đạo Trung Quốc vốn rất đa dạng và có nhiều biến đổi qua từng giai đoạn khác nhau. Nhưng kể từ thời Đường (618-907) và thời Tống (960-1279), tượng thờ dần dần định vị với hệ thống tượng thờ hoàn chỉnh gồm trước hết là tượng Tam thanh, Tứ ngự và Ngũ lão quân.

Tam thanh tức Ngọc thanh, Thượng thanh va Thái thanh la ba cung thanh cao nhất được coi là ba nơi tiên cảnh, mà ở đó mỗi cung do một vị thần cai quản. Đó là Nguyên thủy thiên tôn (hoặc Ngọc Thanh đại đế), Linh Bảo thiên quân (hoặc Thượng Thanh đại đế) và Đạo Đức thiên tôn (hoặc Thái Thượng lão quân). Tượng vủa ba vị thánh này hợp thành bộ Tam Thanh trong các quán Đạo tương tự bộ Tam thế trong các Phật điện, trở nên phổ biến từ thời Đường vào thế kỉ VII.

Tứ ngự, tức bốn vị đại đế cai quản bốn phương là ngọc Hoàng đại đế, Trugn thiên Tử vi bắc cực đại đế, Câu trần thượng cung Thiên hoàng đại đế và Hậu thổ hoàng địa chỉ. Trong đó, Nọc hàng đại đế là người đứng sau ba vị Tam thanh trên, nhưng lại đứng đầu bốn vị đại đế này.Ngũ lão quân, tức năm vị thần cai quản năm hướng là Thương đế hướng Đông, Xích đế hướng Nam, Hoàng đế ở trung tâm, Bạch đế ở hướng Tây và Hắc đế ở hướng Bắc. Ngoài ra, còn một số vị tinh tú mà mỗi vị là chủ của một loại vật chất là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Cũng trong điện thờ Quán đạo ở Trung Quốc còn có rất nhiều tượng là các vị Thần đọa giáo khác.

Ở Việt Nam hiện nay còn không nhiều quán đạo được bảo lưu nguyên trạng, đặc biệt là những quán được xây dựng trước thế kỉ XVII. Dưới thời Mạc ở thế kỉ XVI, hệ thống tượng thờ quán Đạo chủ yếu được nhận diện nhờ vào tư liệu văn bia. Tuy vậy qua một số minh văn khắc trên tượng có thế biết được chắc chắn một số pho tượng Thánh và tên gọi cụ thể được thờ ở thời kì này.

Ngoài ra cũng còn một số điện thờ còn giữ được hệ thống tượng thờ ở quán Đạo, như quán Viên Dương, Linh Tiên (Hà Nội), đặc biệt là quán Hội Linh thuộc huyện Thanh Oai, Hà Nội, có hệ thống tượng thờ được tạc vào cuối thế kỉ XVI đầu thế kỉ XVII. Tại đây hiện còn một văn bia ghi về lần trùng tu lớn quán này sau khi bị hủy hoại bởi nạn binh đao, vào năm Mậu Dần (1578), đời Mạc Mậu Hợp mà hiện tại còn nhiều viên gạch trang trí hình rồng, lân, ngựa khá điển hình của loại gạch đất nugn thời kì này. Ngoài ra còn hai văn bia khác, một được dựng vào năm Vĩnh Tộ thứ 3 (1621) ghi việc dựng lại tòa Thượng điện, Tam quan, Tiền đường, gác chuông; một khắc năm Đức Long thứ 4 (1632), ghi việc tô lại ba pho tượng và làm mới 17 pho khác, tổng cộng là 20 pho. Rất có thể các pho tượng này hiện đanhg thờ ở quán. Hệ thống tượng thờ tại đây có thể sơ đồ hóa trong mô hình như sau:

Mô hình 3: Tượng thờ tại điện quán Hội Linh

Tam thanh

 

Thánh phụ

Ngọc hoàng

Thị giả

Nam tào

Thị nữ

Thị nữ

Bắc đẩu

Thị giả

Quan ấm

Hậu Thánh

Thánh mẫu

Để hiểu rõ hơn về điều này, cỏ thể xem thêm ảnh chụp điện thờ quán Hội Linh (Xem phụ lục ảnh 10a-b). Phía trên cùng là ba pho tượng Tam thanh ở tư thế ngồi. Hàng thứ hai là 2 pho tượng được gọi là Thánh phụ và Thánh mẫu, ở hàng thứ ba là pho Ngọc hoàng cùng hai pho Thị giả đặt chếch về phía trước, hàng ngoài cùng là tượng Nam tào, Bắc đẩu cùng hai thị nữ. Hai gian bên của điện thờ đặt tượng Quan âm và Hậu thánh cùng hàng thứ ba ngang với tượng Ngọc hoàng.

Như bộ Tam thế ở chùa Phật, bộ tượng Tam thanh gồm ba vị Tôn Thần tối thượng mà trung tâm là Ngọc thanh đại đế hay Nguyên Tủy thiên tôn, bên trái là Thượng thanh đại đế hay Linh Bảo thiên tôn và bên phải là Đạo Đức thiên tôn hay Thái Thượng lão quân.

Nguyên Thủy thiên tôn mà tên gọi đầu tiên là Nguyên Thủy thiên vương, xuất hiện với truyền ngôn là một hiện thân tối cổ của tinh anh trời đất thuở trời đất còn hỗn mang. Về sau trở thành vị thần tối cao của Đạo giáo, và là vị Tôn Thần cao nhất trong Tam thanh tôn thần. Linh Bảo đạo quân là vị thần thứ hai, từng đi truyền giáo khắp nơi và thường được xếp ở bên trái trong ba vị Tôn Thần. Còn lại là Thái Thượng lão quân ở vị trí thứ ba và xếp ở bên phải trong bộ Tam Thanh này, được xem là hóa thân thành Lão Tử, ông tổ sáng lập ra Đạo giáo.

Bộ tượng Tam thanh tại quán Hội Linh được thể hiện cùng một phong cách là tóc kết thành bối chải ngược kiểu “đại phu” theo mô thức đạo Lão của người trí thức xưa và cùng ở tư thế ngồi buông thõng hai chân. Mặt tượng tương tự như tượng mặt Phật với khuôn mặt bầu bĩnh, má nở, mắt nhìn xuống, mũi thẳng, miệng mở nhưng nghiêm nghị. Cả ba tượng đều có một tư thế một tay cao một tay thấp, tay phải dơ lên, tay trái đặt lên đùi, các ngón tay kết ấn. Trên người có nhiều nếp áo, tay áo thụng, mép áo ngoài, và trong đều được chạm đường diềm hoa cúc dây, vạt áo phía trước của pho trung tâm là một khung trang trí mặt trời. Tính cả bệ, tượng cao 1.40m và bệ tượng phần dưới chân rộng 0.60m.

Hàng tiếp theo bộ tượng Tam thanh là tượng Thánh phụ, Thánh mẫu. Cả hai đều ở tư thế ngồi. Tượng Thánh mẫu để tóc chải ngược, xẻ ngôi ở giữa, tóc buông chảy dài sau lưng tới tận hông. Mặt tượng ít nhiều có tính chất chân dung, bầu bĩnh. Tượng cao cả thảy 1.32m, bề dày dưới chân tượng là 0.53m. Tượng Thánh phụ có hình thức và trang phục tượng tự tượng Tam thanh, nhưng mặt tượng Thánh phụ được thể hiện một cách dữ dằn với nhiều nếp nhăn, đứng với tên gọi là “nghiêm phụ”. Tượng cao cả thảy là 1.35m, chân bệ rộng 0.63m.

Vấn đề đặt ra ở đây là Thánh phụ và Thánh mẫu là phụ mẫu của ai ? Trong Trung Quốc đạo giáo, các nhà sử học Trung Quốc giải thích về Thánh phụ và Thánh mẫu trong Đạo giáo Trung Quốc như sau: “Lúc trời đất còn hỗn mang, đã có Nguyên Thủy thiên vương du vãn ở đó. Đến khi trời đất phân làm hai, Nguyên Thủy thiên vương và Thái nguyên thánh mẫu hòa hợp âm dương, sinh thành Phù Tang đại đế Đông Vương cung và Cửu Quang huyền nữ, gọi là Tây Vương mẫu. Cả hai đều là thiên thần ”. Như vậy Thánh phụ Thánh mẫu ở đây là phụ mẫu của Tây vương mẫu và Đông vương công. Thánh phụ từng được các Hoàng đế Trung Hoa trong lịch sử tôn giáo gọi là “Cửu thiên tư mệnh Thiên tôn” còn Thánh mẫu là “Nguyên thiên đại Thánh hậu”. Truyền thuyết ở Trung Quốc còn cho biết rằng, Tây vương mẫu là phu nhân của Ngọc hoàng đại đế, một vị đại đế được tín thờ khá phổ biến trong quán Đạo và Phật điện. Điều này hoàn toàn phù hợp với tín ngưỡng dân gian của người Việt, và Thánh phụ, Thánh mẫu ở đây thường được cho là phụ mẫu của Ngọc hoàng Thượng đế.

Tượng Ngọc hoàng với áo long cổn, mũ bình thiên mà trên cùng là chiếc khay vuông vức buông bốn hình diềm lá, điểm cánh sen vuông trong lòng có hình chữ vương. Pho tượng Ngọc hoàng ở quán này mang tính chân dưng hiền hòa, mũi lớn má dầy, tai chảy đặc biệt là khuôn mặt mang tính nữ nhiều hơn. Tượng ở tư thế ngồi, cao 1.47m, bề dày là 0.65m. Ngọc hoàng đại đế còn có tên hiệu là “Kính thượng chư Thần ”, nghĩa là ở vị trí dưới chư Thánh và trên chư  Thần mà các Đạo gia thường coi ngài là hiện thân của Nguyên thủy thiên tôn, vị thánh tối thượng trong cõi Tam thanh, tương tự Amitabha (A Di đà), hiện thân của Đức Phật. NGọc hoàng vì vậy có vai trò hết sức quan trọng trong các hoạt động tín ngưỡng của các tín đồ Đạo giáo mà ở đó người ta thường tụng niệm kinh “Ngọc hoàng bản hạnh”.

Cùng với tượng Ngọc hoàng là hai pho Nam tào, Bắc đẩu, có thể coi là hai trợ thủ giúp Ngọc hoàng thượng đế trong việc cai quản cái sống, cái chết nơi trân gian. Ngoài ra còn có tượng Kim đồng, Ngọc nữ là những thị giả giúp việc.

Hai gian bên là hai gian thờ, trên đó thờ tượng Quan âm (bên phải) và tượng Hậu Thánh (bên trái). Trường hợp Ngọc hoàng xuất hiện trong Phật điện như trên đã trình bày, thì Quan âm đôi khi cũng xuất hiện trong điện thờ Đạo giáo. Hậu Thánh được thờ trong quán Đạo thường là Huyền Trung đại pháp sư hoặc Tam thiên đại pháp sư, những vị tổ của tín đồ Đạo giáo.

Phần lớn danh xưng của các tượng thờ trong quán đạo ở Việt Nam đều chưa được ghi chép cụ thể, nên gặp không ít trở ngại khi định danh hệ thống tượng thờ này. Rất may là ở thời Mạc có văn bia chùa Phúc Giao thôn An Tiêm, xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình khắc năm 1556, miêu tả khá cụ thể hệ thống điện thờ ngôi chùa này khi đó. Phật điện có mười pho tượng là: Thích ca, Kim thân, Nam tào, Bắc đẩu, Thánh phụ, Thánh mẫu, Diệu âm, Diệu nhan, Kim đồng, Ngọc nữ cùng hai pho tượng Hộ pháp. Rõ ràng là các tượng Thích ca, Kim thân, Hộ pháp là tượng thờ của chùa Phật, số còn lại là tượng thờ của Quán đạo, trong đó cũng nhắc đến Thánh phụ, Thánh mẫu. Tư liệu này làm rõ hơn về hệ thống tượng thờ ở chùa Sổ (Hội Linh quán).

Tóm lại hệ thống tượng thờ ở quán Hội Linh là khá tiêu biểu cho một điện thờ quán Đạo thời Mạc. Hệ thống tượng ở đây như quán Linh Tiên, Viên Dương (Hà Nội), giản đơn hơn nhiều so với các điện thờ ở các quán Đạo trong các thời kì sau này ở Việt Nam và nhất là với điện thờ ở quán Đạo Trung Quốc. Như đạo phật, Đạo giáo được khôi phục trong thời kì này, nhưng dần dần pha trộn bởi các hoạt động tín ngưỡng khác nhất là với Phật giáo, cũng vì thế mà các quán đạo này còn được gọi là chùa-Hội Linh quán (chùa Sổ). Cùng với quy mô kiến trúc ngôi quán, hệ thống tượng thờ này góp phần hiểu biết về quán Đạo nói riêng và Đạo giáo nói chung ở Việt Nam.

C. Văn miếu

Nho giáo thực chất là một học thuyết chính trị hơn là tôn giáo, mà nhờ đó có thể thể chế hóa chính sách cai trị nhằm củng cố quyền lực của Nhà nước phong kiến. Tuy nhiên người sáng lập ra Nho giáo là Khổng Tử dduwoqcj tín đồ Nho giáo tôn thờ như vị Thánh và nghi thức cũng lễ cũng diễn ra như các vị tôn giáo khác. Việc thờ cúng Khổng Tử và các bậc tiên hiền ở Văn miếu được dựng ở Kinh đô, còn các địa phương thì lập Văn chỉ.

Văn miếu nay ở quận Đống Đa thuộc nội thành Hà Nội, được xây dựng dưới thời Lý thái Tông (1028-1054) sau khi Kinh đô được dời về Thăng Long. Văn miếu được tu bổ và mở rộng quy mô vào năm 1070 dưới đời vua Lý Thánh Tông. Trong lần tu bổ này, người ta cho tạc tượng Khổng Tử cùng các vị Tứ phối, và vẽ 72 vị tiên hiền để thờ, cùng cho dựng nhà Quốc tử giám để làm nơi giảng dạy nho học. Từ năm Nhâm Tuất (1442), niên hiệu Đại Bảo, triều đình nhà Lê cho xây dựng bia khắc tên người đỗ các kỳ thi Hội, gọi là bia Tiến sĩ.Dưới thời Lê Sơ, kiến trúc ở đây phân thành hai cụm chính là Văn miếu và Quốc tử giám và diện mạo của chúng về cơ bản, còn lại như hiện nay. Khi nhà Nguyễn xây dựng Kinh đo ở huế năm 1802, thì một văn miếu khác cũng được xây dựng ở Huế. Từ đó, Quốc tử giám ở Hà Nội không còn trường học nữa và người ta cho dựng ở đây nhà Khải Thánh để thờ cha mẹ Khổng Tử.

Nhà Mạc ngay khi ổn định chính quyền, liền tổ chức kỳ thi Hội đầu tiên vào năm 1529 tại Văn miếu và định lệ duy trì đều đặn ba năm một kỳ thi Hội. trong thời kỳ trị vì ở Thăng Long, nhà mạc đã nhiều lần cho tu sửa Văn miếu, quốc tử giám như nawm1536: “Họ Mạc sai Đông quân Đô đốc phù tả Dô đốc Khiêm Quận công Mạc Đình Khoa sửa lại nhà Quốc tử giám” (Toàn thư, tập 4, tr. 30).Trong Quốc tử giám còn có điện Sùng Nho, nhà Thái học, nhà Minh Luân và hàng lang; đồng thời, còn có nơi cư trú cho học sinh, dưới tên gọi là Xá sinh, Thượng xá sinh và Trung xá sinh mà học sinh ở đây đã mang theo tên gọi này, như Xá sinh Nguyễn Bá Thuật, Trung xá sinh Nguyễn Trí Hòa, Thượng xá sinh Phạm Chuyết Phu (Văn bia thời Mạc, tr.56, 162 và 318).

Còn khu vực Văn miếu, hiện còn một số tòa kiến trúc cơ bản như Thượng điện, nhà Bái đường, giải vũ, cửa Đại Thành. Thượng điện còn được gọi là cung Đại Thành, nơi thờ cúng Khổng Tử và các bậc tiên hiền mà vua Mạc từng đến lễ vái ở đây: “Mùa đông năm Đinh Dậu (1537), Đăng Doanh đến trường Thái học sinh làm lễ tế Tiên Thánh Tiên sư” (Thông sử, tr.154). Đến nay ngoài hai văn bia Tiến sĩ được dựng dưới thời Mạc ở đây ra, chúng ta không còn một đoạn văn khắc nào trong các lần tu bổ Văn miếu, nhưng dấu tích kiến trúc và tượng thờ được mô phỏng theo các đời trước trong đó có thời Mạc. Kiến trúc chủ yếu là tòa Bái đường để làm nơi tế lễ và tòa Thượng điện để đặt trên tượng thờ.

Trong tòa Thượng điện có tượng Khổng Tử ở giữa, hai bên là bốn pho tượng Tứ phối. Phía trước của các pho tượng này đều có bài vị, đề là Đại Thành chí Thánh tiên sư Khổng Tử thần vị, Phục Thánh Nhan Tử thần vị, Thuật Thánh Tử Tư tử thần vị, Á Thánh Mạnh tử thần vị và Sùng Thánh Tăng tử thần vị. Các pho tượng này đều có kích cỡ hơn người thường và có dáng vẻ tương tự nhau. Hai tay đều giơ cao ở trước ngực, nhưng mỗi pho tượng một tư thế khác nhau, như tượng Khổng Tử một tay úp một tay ngửa, còn các vị khác thì người cầm thẻ bài, người cầm sách… Cũng tại tòa Thượng điện còn có hai dãy bài vị đặt ở hai gian đầu hồi, thờ mười vị hiền triết của đạo Nho “thập triết” chia ra hai bên, bên trái là Ngụy công Phốc Thương, Quỳ công Nhiễm Ung, Quý công Mẫn Tổn, Lê công Đoan Mộc tử tứ, Vệ công Trọng Do và bên phải là Ngô công Ngôn Hoàn Yến, Tề công Tể Dư, Từ công Nhiễm Cầu, Chiến công Nhiễm Bá Ngưu, Quách công Chuyên tôn sư.

Việc thờ cúng Khổng Tử và các vị tiên hiền ở Việt Nam trong các thời kì lịch sử chủ yếu mô phỏng theo nghi thức thờ cúng ở Trung Quốc. Tuy vậy có nhiều khác biệt, như Văn miếu ở Trung Quốc thì được xây ở quê của Khổng Tử, Khuất Phụ thuộc tỉnh Sơn Đông, hoàn toàn là một miếu thờ Khổng Tử, ông tổ của các Nho gia, còn Quốc tử giám thì lại được xây dựng ở Kinh đô. Thêm nữa Văn miếu ở Việt Nam có quy mô nhỏ bé hơn nhiều so với Văn miếu ở Trung Quốc. Trong Văn miếu ở Thăng Long, ngoài thờ Khổng Tử và các vị hiền triết Trung Hoa ra, người Việt Nam còn tôn thờ Chu Văn An, một vị Nho học có tiếng thời Trần, từng giữ chức Tư nghiệp Quốc tử giám và biên soạn sách Tứ thư thuyết ước, sách quảng bá đạo Nho. Việc thờ cúng ở Văn miếu không hẳn giống hoạt động của một tôn giáo, nhưng được xem như một trong những nghi thức tế lễ quốc gia.

Ở địa phương, các Hội tư văn gồm những Nho học tập hợp trong từng địa phương, cho dựng văn chỉ hay Văn từ để làm nơi tôn thờ tiên hiền và khuyến khích việc học. Các bậc tiên hiền ở đây bao gồm cả những Nho học tiền bối ở địa phương. Hội tư văn hàng huyện khá phổ biến vào thời Lê Trịnh và đã bắt đầu xuất hiện ở thời Mạc. Văn bia Tiên Hiền huyện Tân Minh (nay thuộc huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) khắc năm 1574, cho biết rằng: “Hộ bộ thượng thư giao cho huyện quan, cấp 3 sào ruộng ở xứ Đống Gà để dựng đền Tiên Hiền cho tiện thờ cúng” (Văn bia thời Mạc tr.167). Như vậy là nếu việc xây dựng chùa, quán do dân làng và tín thí lo liệu, thì việc xây dựng đền Tiên Hiền có sự bảo hộ của Nhà nước. Vào thời điểm này, Hội Tư văn huyện Tân Minh bao gồm các vị Nho học của 11 tổng, cả thảy là 185 vị, trong đó có cả những quan lại đương chức, người đỗ đạt và Nho sinh sống ở làng. Hội tư văn này cũng đã định lệ tế lễ hàng năm vào ngày 25 tháng 2. Hội tư văn dần dần trở thành phổ biến ở các thời kỳ sau thuộc các cấp hành chính từ xã, tổng, huyện và thậm chí cả ở tỉnh. Các hoạt động này thường gắn với từng địa phương và được pha trộn bởi các tín ngưỡng khác.

D. Vấn đề “ Tam giáo đồng nguyên”

Tam giáo vốn đã từng tồn tại đồng thời ở Trung Quốc và một số nước lân cận như Việt Nam, Triều Tiên và Nhật Bản là Khổng giáo, Phật giáo và Đạo giáo. Mỗi tôn giáo có một học thuyết riêng, nhưng đều có một điểm chung là khuyên người làm điều thiện.

Trong khi ở Trung Quốc, Phật giáo được du nhập từ Ấn Độ, thì Đạo giáo được coi là tôn giáo bản địa. Đạo giáo được biết đến ở thời tối cổ với tác phẩm Đạo đức kinh và Trang tử, sách ghi lại giáo lí của đạo Lão. Về sau này, nhất là kể từ triều Tống (960 – 1279), với sự phát triển của các đô thị và nghề buôn bán đã kéo theo lệ cúng lễ thần chủ và chư thần trong Đạo giáo. Với nghi thức cúng lễ sinh động, lại rất linh nghiệm, Đạo giáo thực sự thu hút sự chú ý của đông đảo dân chúng. Cũng ở thời kỳ này, Chu Hi đã bổ khuyết cho Nho giáo để hình thành một học thuyết cho Nho giáo để hình thành một học thuyết mới, gọi là Đạo học hay Tống Nho, bằng cách kết hợp các nguyên lý của Chu Dịch với thuyết Bản thể học của Phật giáo. Vì thế, Tống Nho đã mang tính tổng hợp của cả ba tôn giáo: Khổng, Lão và Phật. Còn các hoạt động tín ngưỡng của Phật giáo, thì xuất hiện ngày càng nhiều môn phái, nhất là môn phái “ Thiền” ở thế kỉ VI, mà ở đó đã được pha tạp bởi các nghi thức cúng lễ của các tôn giáo khác như Mật giáo và đặc biệt với Đạo giáo thời kỳ này ( Hà Văn Tấn, Chùa Việt Nam, tr.33). Vì thế, tên gọi “ địa ngục” trong kiến trúc chùa Phật được đổi bằng tên gọi “ Thập điện Diêm vương”, thuật ngữ của Đạo giáo, chỉ nơi cai quản kẻ tội lỗi.

Sau thời gian dài tồn tại chung, ba tôn giáo này có những nét tương tự, dần dần hòa nhập với nhau. Từ rất xa xưa, ở Trung Quốc đã xuất hiện thuật ngữ “ Tam giáo đồng nguyên” để chỉ rõ tính tương đồng trong ba tôn giáo này. Vào thời Tấn (280 – 316), người ta còn nhấn mạnh bản sắc của Phật giáo và Nho giáo. Nhưng đến thời kỳ Nam Bắc triều và Lục triều ( 316 – 581), thì các đạo sĩ chủ xướng rằng đạo Lão và đạo Phật có cùng một gốc. Sang thời Đường (618 – 907), chủ xướng về tính đồng nguyên của đạo Lão, đạo Phật và cả với đạo Khổng ngày càng được phổ biến rộng rãi bởi một số tác phẩm luận về tư tưởng lúc bấy giờ, trong đó tiêu biểu là tập Nho Thích Đạo bình tâm luận  của Lưu Mật. Tư tưởng này tiếp tục được giới học giả thời Minh phát triển. Cụ thể là Lâm Triệu Ân (1517 – 1598), người Phú Điền (Putian), Phúc Kiến (Fujian) từng viết khá nhiều bài về vấn đề này, trong đó có Tam giáo chính thống tông luận.

Ở Việt Nam, trung tâm Phật giáo đầu tiên được hình thành vào thế kỉ thứ II tại Luy Lâu ( nay thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh). Trung tâm này đã tổ chức phiên dịch kinh Phật trực tiếp chuyển từ Ấn Độ đến, đồng thời xây dựng chùa tháp, đào tạo môn đệ và tu hành đạo Phật. Sau đó, đạo Phật tiếp tục du nhập vào Việt Nam từ phía Trung Quốc, đặc biệt là trong suốt thời kì người Việt Nam chính thức mượn chữ Hán làm văn tự của mình. Song song với đạo Phật, đạo Nho và đạo Lão hình thành và phát triển ở Trung Quốc cũng du nhập vào nước ta. Cả ba tôn giáo này được duy trì và lưu hành phổ biến ở Việt Nam, đồng thời cũng có ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển của văn hóa dân tộc.

Mỗi tôn giáo ở mỗi thời kì khác nhau có địa vị khác nhau. Thời Lý (1010-1225), Phật giáo có thể coi là “ quốc giáo”, là hệ tư tưởng vững chắc phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Thời Trần (1255-1400), Phật giáo cũng vẫn được coi trọng, nhưng bên cạnh đó, Nho giáo đã bắt đầu phổ biến rộng rãi, nhất là sau khi xuất hiện một số bộ sách của các Nho gia có tiếng đương thời như Tứ thư thuyết ước của Chu Văn An. Thời Lê sơ (1428 – 1527), Nho giáo trở thành quốc giáo, đặc biệt Nho giáo thời kì này là Tống nho, có thể xem như là một học thuyết mà nhờ đó được chế hóa bằng “ tam cương”, “ngũ thường”, phép tắc để duy trì trật tự xã hội, cai quản đất nước. Trong khi đạo Nho được tôn sùng, thì đạo Phật thời kì này bị hạn chế.

Trong thời kì nhà Mạc (1527-1592), triều đình duy trì theo thể chế thời Lê. Nho giáo thời kì này vẫn được dùng làm hệ tư tưởng để duy trì trật tự xã hội, nhưng không còn vai trò là “quốc giáo” như thời Lê nữa, trong khi đó Phật giáo và Đạo giáo lại được trung hưng. Triều đình nhà Mạc không những không hạn chế đạo Phật, đạo Lão, mà ngược lại còn tích cực tham gia vào các hoạt động tôn giáo này. Trong thực hành tín ngưỡng , các tôn giáo trên đều có xu hướng hòa đồng để hướng tới một cái chung, cái phúc thiện. Tư liệu văn bia phản ánh khá sinh động sự đan xen “ đồng nguyên” của ba đạo này.

Năm 1578, có bài văn bia chùa Cao Dương (Thái Bình) ghi về việc làm tượng Tam giáo, còn năm 1590, có bài văn bia ghi về việc làm một ngôi chùa có tên là “ Tam giáo” ( Hà Tây cũ). Bài văn bia về việc tạc tượng Tam giáo do Nguyễn Bỉnh Khiêm, một vị Nho học có tiếng đương thời soạn, đã phát ngôn về Tam giáo như sau:

“Văn bia tượng Tam giáo. Chùa cổ Cao Dương ở Thụy Anh, linh ứng từ lâu…Nay các sãi vãi cùng nhau quyên góp tài sản thuê thợ tạo tạc tượng quý Tam giáo và Diệu Thiện. Công việc hoàn hảo, xin tôi bài minh để ghi lại sự việc có thực này.

Tôi cũng có lòng thích điều thiện, không dám chối từ. Nhưng tôi là nhà Nho. Tuy chưa được nghe thấu đáo về đạo Phật, đạo Lão; song nhờ đọc rộng, suy ngẫm những điều nghi hoặc, cũng nắm được chút ít về các đạo này.

Đại loại, đạo Phật gốc ở chỗ làm sáng sắc và tâm, phân biệt rõ nhân và quả. Đạo Lão chú trọng vào khí để tới chỗ mềm dẻo, nắm cái lý duy nhất giữ bản chất chân thực của mình. Đạo lý Đức Thánh Khổng, gốc ở đạo đức, nhân nghĩa, văn hạnh, trung tín. Tất cả đều là giáo lý tuân theo nét tự nhiên con người mà tu dưỡng đạo đức, cùng với vị Diệu Thiện do lòng thiện mà được nổi tiếng. Chẳng phải là không xuất phát từ tâm tính con người? Các vị thiện sĩ ví như có thể mở mang con đường thiện, tuân theo và giữ gìn giáo lí làm điều tốt lành. Vững gốc ở bản thân mình để biểu lộ, đối xử với người thì phúc đức tỏa rộng không cùng. Công đức ấy không thể nghĩ bàn được. Bèn ghi vào đá cứng để truyền dài lâu. Bài minh rằng:

Trời ban là tính,                    Theo tính là Đạo

Gốc vốn trong lòng,              Gửi lời huấn giáo

Tượng thật trang nghiêm       Cùng trời vĩnh cửu.

Bùi Tử Trang, Nguyễn Lễ…Hoàng tần Khiêm Thái vương Nguyễn Thị Ngọc Hoa. Ngày lành tháng hai năm Diên Thành sơ niên (1578). Tiến sĩ cập đệ khoa Ất Mùi (1535), trí sĩ họ Nguyễn, tự Hanh Phủ, tước Trình Quốc công, người xã Trung Am huyện Vĩnh Lại soạn văn bia…”

Có thể coi đây là lời phát ngôn tiêu biểu của nhà Nho Nguyễn Bỉnh Khiêm về Tam Giáo. Chỉ với mấy câu súc tích, tác giả đã làm nổi bật đặc điểm và giá trị của ba hệ tư tưởng: Phật, Lão, Khổng. tuy nhiên, dù có luận thuyết, giáo lí riêng, thì cả ba đều được quy về một nền tảng đồng nhất. Nền tảng này hết sức nhân bản bởi “ mọi giáo lí đều tuân theo tính tự nhiên của con người để trau dồi đạo đức”. Sáu câu minh cuối bài văn bia đã lấy nguyên văn câu mở đầu trong sách Trung dung, kinh điển của Nho học, cho thấy nhà Nho Nguyễn Bỉnh Khiêm đã quy tụ Tam giáo làm một và điểm quy tụ chính là đạo Khổng Mạnh.

Thực tế đây chỉ là sự đề cao đạo Khổng của vị đại Nho này. Có lẽ là thế kỉ XVI, trong khi Nho giáo ngày cảng mất đi vị trí độc tôn của nó, thì Phật giáo và Đạo giáo hưng thịnh trở lại. Vì vậy mà các nhà Nho đã muốn quy chung cội nguồn của ba tôn giáo này là một, mà điểm xuất phát là Nho giáo. Tuy vậy, qua đó chúng ta thấy rằng, sự đồng nhất hết sức nhuần nhuyễn của ba đạo này, trên cơ sở của lòng nhân ái, tính hiếu thiện. Chẳng vậy mà dưới thời Mạc, nơi nơi, người người đua làm việc thiện để tích phúc đức “ Nhà tính thiện, ắt được hưởng phúc dày”. Việc đề cao tính hiếu thiện này không chỉ do đạo Phật, đạo Lão đề xướng mà cả đạo Khổng. Thực tế, chính câu nói cửa miệng trên lại xuất phát từ Chu Dịch, cơ sở của giáo lí Tống Nho. Thêm nữa, bênh cạnh ba tượng tổ của Tam giáo ( Thích ca, Khổng Khâu và Lão Đam) cùng được thờ ở một ban thờ, còn có tượng Diệu Thiện công chúa, được coi là tiền thân của Đức Phật bà Quan thế âm- biểu tượng cho tính nhân ái, hiền từ của phụ nữ. Đức Phật bà này không chỉ xuất hiện trong Phật điện mà còn có mặt cả trong điện thờ ở các quán Đạo.

Mặt khác, tượng Ngọc Hoàng thượng đế, vị thần của Đạo giáo cũng luôn có mặt trong các Phật điện và nhiều khi tượng vị Thượng đế này lại mang khuôn mặt rất phụ nữ, như ở chùa Sổ ( Hội Linh quán, Hà Tây cũ) mà chúng tôi đã trình bày ở trên. Tiêu biểu về sự “ đồng nguyên” Tam giáo này trong điện thờ là hệ thống tượng và cách bài trí tượng ở Quán Linh ( Hoài Đức – Hà Nội). Điện thờ ở đây chia làm ba phần: thượng điện, thiêu hương, tiền điện. Tại tòa thượng điện, có tượng Tam thanh ở trên cùng, tiếp đó là tượng Phạn Vương và Đế Thích, Thánh phụ, Thánh mẫu, Văn Xương, Trấn Vũ và Tây phương mẫu, cùng tượng Khổng Tử. Tại tòa thiêu hương, có tượng vua cha Ngọc hoàng, Nam tào, Bắc đẩu, Kim đồng, Ngọc nữ và Thập điện Diêm vương, cùng tượng Lão Tử. Tại tòa Tiền điện, có tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay, tượng Cửu Long, cùng hai Hộ pháp.

Cũng trong thời kì nhà Mạc, còn có một ngôi chùa lấy tên là Tam Giáo ( Đại Phùng, Hà Tây cũ) được dựng vào năm 1591, mà bài văn bia của lần xây dựng này cho biết “ chùa đặt tên là Tam giáo thì chưa đâu có vậy” (Văn bia thời Mạc)

Tóm lại, vào thế kỉ XVI, nhờ đường lối chính trị cởi mở và sự phát triển kinh tế công thương, Phật giáo và Đạo giáo được hình thịnh. Đạo Khổng vẫn được coi trọng, nhưng không chiếm được ưu thế độc tôn. Vì vậy,cả ba đạo này cùng đồng thời tồn tại, cùng có xu hướng hòa đồng trong thực hành tôn giáo, hình thành tín ngưỡng dân gian mang tính chất tổng hợp mà đỉnh cao là sự xuất hiện đạo Cao Đài vê sau này.

Viết bình luận