Quê hương và dòng họ của Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi

Quê hương và dòng họ của Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi

 

Mạc Đĩnh Chi tên tự là Tiết Phu, vốn người Lan Khê, huyện Bình Hà, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang, sau đó dời đến làng Lũng Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Ông là dòng dõi Mạc Hiển Tích đời Lý.

Mạc Đĩnh Chi là một danh nhân văn hóa nổi tiếng sống và hoạt động dưới 4 triều vua đời Trần: Trần Anh Tông (1293 – 1314), Trần Minh Tông (1314-1329), Trần Hiến Tông (1329 -1341) và Trần Dụ Tông (1341-1369). Ông lại là tổ 7 đời của Mạc Đăng Dung, vua sáng lập vương triều Mạc (1527-1592). Trong bài viết này chúng tôi xin giới thiệu một số tư liệu về quê hương và dòng họ Mạc Đĩnh Chi.

  1. LÀNG LŨNG ĐỘNG VÀ CÁC DI TÍCH LIÊN QUAN TỚI TRẠNG NGUYÊN MẠC ĐĨNH CHI

Làng Lũng Động (1) nay là thôn Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Vào khoảng những thập niên đầu thế kỷ XIX, xã Lũng Động thuộc tổng Cao Đôi, huyện Chí Linh, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương (2). Xã Lũng Động xưa, thôn Long Động nay chỉ là một trong 5 thôn của xã Nam Tân, huyện Nam Sách ngày nay (4 thôn còn lại là: Trung Hà, Đột Hạ, Đột Thượng và Quảng Tân).

Từ huyện lỵ Nam Sách, theo đường quốc lộ 183 đến Thanh Quang, rẽ trái đi chừng 2 km thì đến trung tâm xã Nam Tân. Xã Nam Tân là một vùng đất thuần nông, đất khá thấp (3 mặt là các con song Kinh Thày và trung thủy nông của huyện Nam Sách) nên rất dễ bị ngập lụt, trước đây hẩu như chỉ cấy được một vụ chiêm. Làng Lũng Động còn có tên nôm là Làng Sách (hoặc Kế Sách (3). Chính vì vậy, Trần Quý Nha (4) trong Công dư tiệp ký tục biên đã viết: “Đĩnh Chi là cháu đích tôn của [Mạc] Hiển Tích, tục gọi là Tú Sách (5), vì xã Lũng Động tên tục là Kế Sách” (6). Thôn Long Động, phía Bắc giáp thôn Đột Hạ cũng thuộc xã Nam Tân, phía Đông giáp thôn Trung Hà, cùng xã và liên với sông Kinh Thày; phía Nam giáp xã Thanh Quang, cùng huyện; phía Tây giáp cánh đồng Hợp Tiến cùng huyện Nam Sách.

Ngày nay, tại thôn Long Động, vẫn còn lưu được khá nhiều di tích liên quan đến Mạc Đĩnh Chi. Trong số các di tích ấy, đáng kể đầu tiên là đền thờ Mạc Đĩnh Chi. Theo sách Hợp biên thế phả họ Mạc, nghe tin Mạc Đĩnh Chi tạ thế, vua Trần Dụ Tông sai quan tư tế về và ban cho dân sở tại 500 quan tiền để xây đền thờ. Ngôi đền thờ này tọa lạc trên khu đất rộng chừng 0,5 ha (hơn 1 mẫu Bắc Bộ), thế đất khá thoáng đãng, cao ráo. Đền kiến trúc theo lối chữ Tam (三), gồm có: Hậu cung 1 gian, 3 gian Trung từ, còn 5 gian Tiền tế mới được cho dựng hơn chục năm lại đây). Hậu cung có 3 pho tượng bằng gỗ sơn son thếp vàng, kích thước gần bằng người thật. Cả 3 pho tượng đều đội mũ cánh chuồn, ngồi trong ngai, thần thái nghiêm trang, đĩnh đạc. Theo các vị cố lão tại địa phương các pho tượng được sắp xếp như sau: Mạc Đĩnh Chi ngồi giữa, bên tả là Mạc Hiển Tích, còn bên hữu là Mạc Kiến Quan. Cũng theo các cụ: mặc dù Mạc Đĩnh Chi vào hàng cháu Mạc Hiển Tích, nhưng lại được xếp ngồi giữa điện thờ ở vị trí trang trọng nhất, bởi vì theo nguyên tắc “Triều đình trọng tước, Hương đảng trọng xỉ (Nơi triều đình trọng người có chức vụ cao, chốn làng xã trọng người có tuổi tác cao). Tuy nhiên, trong khi xây bệ tượng, người làng đã cố ý xây bệ tượng của Mạc Đĩnh Chi thấp hơn một chút so với bệ tượng của Mạc Hiển Tích. Đây có thể coi là một chi tiết thú vị phản ánh sự dung hòa giữa “phép vua” và “lệ làng”.

Trong đền thờ Mạc Đĩnh Chi, hiện còn lại dăm câu đối, hầu hết nhằm ca tụng công lao, sự nghiệp, công đức của vị Trạng nguyên nổi tiếng thông minh và mẫn tiệp này. Thí dụ như Hậu cung có câu:

Trạng nguyên năng xuất sứ

Danh tướng cố vi thần.

(Tạm dịch: Có tài đỗ Trạng nguyên lại có thể làm sứ thần,

Vừa đáng bậc danh tướng vừa đáng làm thần thành hoàng).

Hoặc câu đối ở ngoài Trung từ:

Đông A (7) long bảng khôi nguyên chiếm.

Bắc sứ hồng (8) thanh lưỡng quốc trí (9).

(Tạm dịch: Ông là người đứng đầu trong bảng đề tên Tiến sĩ đời Trần,

Khi đi sứ phương Bắc (Trung Quốc) danh tiếng của ông to lớn khiến hai nước đều biết tên).

Tại gian bên trái của nhà Tiền tế, còn một tấm bia đá, cao chừng 1 mét, rộng khoảng 0,5 mét, bia 2 mặt, cả 2 mặt đều khắc chữ Hán. Tấm bia này vốn là bia đặt ở Văn Chỉ bị đổ nát, các cụ trong làng chuyển về dựng tạm tại đền. Bia được khắc năm 1865 dưới thời Tự Đức, chúng tôi phiên âm và dịch nghĩa dưới dây:

  1. Phiên âm (Mặt tiến):

“ Lịch khoa đăng đệ tiên hiền chí

Bản xã Long Động văn hội lập bia ký:

  • Lý triều, Bính Dần khoa Tiến sĩ thủ tuyển đệ thí văn học, sung Hàn lâm viện, đệ nhất danh, vinh thăng Lại bộ, lịch sĩ thượng thư, tự Hiển Tích, Mạc Tướng công.
  • Lý triều, Kỷ Tỵ, khoa Tiến sĩ thủ tuyển, vinh thăng Công bộ, lịch sĩ Thượng thư, tự Kiến Quan, Mạc Tướng công.
  • Trần triều, Giáp Thìn khoa Đệ nhất giáp, Đệ nhất danh, Trạng nguyên cập đệ, Thái bảo Tả bộc xạ phụng sứ Thiên triều, Lưỡng quốc Trạng nguyên, lịch sĩ Thượng thư, Nhập nội Đại hành khiển kiêm Trung thư tri quân dân trọng sự, húy Đĩnh Chi, tự Tiết Phu, Mạc Tướng Công

Cung duy

Tiên hiền phủ phất, tiên triều ký quy, hậu tiến lễ dĩ thời hành đạo tùy nhật chấn

Kỵ

Tự Đức thập bán niên tuế tại ât Sửu, xuân nguyệt, cát nhật

Cung chú”.

  1. Dịch nghĩa

“Ghi chép về các vị tiên hiền đỗ trong các kỳ thi Tiến sĩ.

Hội Tư văn (10) của xã Long Động lập bia ghi chép về:

  • Tướng công họ Mạc, tên tự Hiển Tích đỗ Đệ nhất danh kỳ thi tuyển văn học, khoa Bính Dần (1086) dưới triều Lý. Ngài được bổ làm Hàn lâm viện, sau thăng đến Thượng thư bộ Lại.
  • Tướng công họ Mạc, tên tự Kiến Quan, đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Tỵ (1089) (11) dưới triều Lý làm quan đến Thượng thư bộ Công.
  • Tướng công họ Mạc, tên húy Đĩnh Chi, tự là Tiết Phu đỗ Đệ nhất giáp Đệ nhất danh, Trạng nguyên cập đệ khoa Giáp Thìn (1304) dưới triều Trần. Ngài làm tới chức Thượng thư Đại Hành khiển kiêm Trung thư tri quân dân trọng sự, Thái bảo Tả bộc xạ, từng đi sứ Trung Quốc, được suy phong Lưỡng quốc Trạng nguyên.

Cung kính.

Xin các bậc tiên hiến, các bậc già cả ở các triều trước nhận lấy các lễ nghi này để giúp cho đạo Nho ngày một chấn hưng.

Kịp đến

Ngày tết, tháng mùa xân năm Ất Sửu là năm Tự Đức thứ 18 (1865).

Cung kính khắc bia”

Tấm bia này còn được khắc cả ở mặt hậu. Nội dung ghi tên 16 người thành đạt trong xã Lũng Động xưa (tính đến năm 1865) gọi là “Đạt quan liệt vị”. Trong số 16 vị “đạt quan” này, có 1 vị Viên ngoại lang, 4 vị Tri huyện, 2 vị Giám sinh và 9 vị Hiệu sinh. Nói về dòng họ thì có 12 vị họ Mạc và 4 vị họ Lê

Tại đề thờ Mạc Đĩnh Chi, còn lưu giữ được 1 tấm bia Tiên hiền bi ký nữa. Tấm bia này, trước đây được dựng tại Văn Chỉ tổng Cao Đôi. Văn Chỉ đổ nát không còn nữa, các cụ già đem về để ở đến. Nhưng thật đáng tiếc, tấm bia đã bị cưa ngắn, khoét ở giữa làm chân cối giã gạo nên không thể đọc toàn bộ nội dung được. May mắn, cụ Nguyễn Văn Cấp, một cố lão của thôn Long Động đã sưu tầm được nội dung toàn bộ tấm bia nói trên. Sau khi tìm hiểu, chúng tôi thấy đây là tấm bia ghi tên 7 vị đỗ Tiến sĩ của tổng Cao Đôi trước đây. Bia có niên đại: Tháng 10 năm Tự Đức thứ 16 (1863) (Tự Đức thập lục niên, Mạnh Đông). Trong số 7 vị được ghi danh, thì có 3 vị Mạc của Lũng Động đã nói ở trên ( Mạc Hiển Tích, Mạc Kiến Quan, Mạc Đĩnh Chi). Còn 4 vị khác là: Nguyễn Xuân Quang, người làng Đột Lĩnh (nay là thôn Đột Thượng, xã Nam Tân) đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Mùi (1559) làm tới chức Tham chính, tước Đông Quận công; Nguyễn Mại (12), người làng Ninh Xá, đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Tân Mùi (1591), làm quan tới chức Tả thị lang bộ Binh, tước Đông Lĩnh bá, gia tặng Thượng thư bộ Hộ, bộ Lễ, tước Đông Quận công; Trần Huy Liễn: vốn người xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, nhưng cư ngụ tại xã Đột Lĩnh, đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân khoa Kỷ Hợi (1779), làm quan tới chức Đông các Đại học sỹ, Thự Tham chính Hải Dương (13); Trần Huy San: người xã Đột Lĩnh (nay là thôn Đột Thượng, xã Nam Tân), đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân khoa Bính Thìn (1856), làm quan tới chức Thị giảng Tập Hiền Viện. Năm Nhâm Tuất (1862), ông mộ nghĩa dung vào quân thứ Gia Định chống Pháp, bị thất bại, tuẫn tiết (14).

Tại cánh đồng phía Đông, làng Lũng Động hiện còn bảo tồn được 2 di tích quan trọng liên quan tới Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Đó là ngôi mộ của ông và khu điện Sùng Đức. Ngôi mô này, mới được tỉnh Hải Dương và nhân dân địa phương xây lại bằng đá trắng, khá to đẹp.

Cách ngôi mộ Mạc Đĩnh Chi về phía Bắc, khoảng dăm trăm mét, là dấu tích khu điện Sùng Đức xưa. Trong Đại Việt thông sử, nhà bác học Lê Quý Đôn chép khá rõ về khu điện này như sau: “ Tháng 6 năm Thống Nguyên thứ 6 (1527), Đăng Dung vào kinh sư ép vua (Lê Cung Hoàng –TG) nhường ngôi…truy tôn ông tổ 7 đời là Mạc Đĩnh Chi làm “Kiến thủy Khâm minh Văn hoàng đế”. Đăng Dung dựng lại ngôi điện, gọi là điện Sùng Đức vào nền nhà cũ của Đĩnh Chi ở xã Lũng Động… Lại đắp một gò lớn ở bờ sông (tức sông Kinh Thầy – TG), ở phía Bắc mặt trước điện Sùng Đức, làm nơi lễ bái, các quan nhà Ngụy Mạc qua nơi đây, đều lễ vọng vào điện Sùng Đức. Nay nền điện và gò hãy còn, điện thì ở xã Lũng Động, nơi gần song, gò thì ở bờ song xã Đông Đôi, gọi là gò Mả Thảo” (15). Những dòng ghi chép trên đây được Lê Quý Đôn ghi vào khoảng giư thế kỷ XVIII (16). Vào nửa cuối thế kỷ XIX, trong bộ Đại Nam nhất thống chí, các sử thấn triều Nguyễn cũng cho biết: “Điện cũ Lũng Động: ở xã Lũng Động, huyện Chí Linh [tỉnh Hải Dương]. Tiên tổ nhà Mạc vốn người Lũng Động, sau con cháu dời đến Cổ Trai. Khi đã cướp ngôi, lại về dựng điện Sùng Đức ở Lũng Động để thờ tiên tổ” (17). Hiện nay, tại cánh đồng Mả Thảo vẫn còn di tích nền điện Sùng Đức xưa. Đó là một gò đất rộng chừng trên 100m2, nằm giữa một cánh đồng khá bằng phẳng. Cách sông Kinh Thầy ước chừng 500 mét về phía Bắc. Ở giữa gò đất, xây một ngôi miếu nhỏ để tưởng niệm Mạc Đĩnh Chi và các vị tiên tổ nhà Mạc. Tại cổng của di tích điện Sùng Đức này có một câu đối khá hay như sau:

Vạn cổ vân phong (18) đồng nhật nguyệt

Thiên thu vũ lộ (19) tráng sơn hà

(Tạm dịch: Mây gió muôn đời đồng nhật nguyệt

Sương mưa nghìn thuở tráng sơn hả)

Một di tích nữa mặc dù không thuộc làng Lũng Động, nhưng liên quan mật thiết với cuộc đời của Mạc Đĩnh Chi là “Trạng nguyên cổ đường” (Nhà cổ Trạng nguyên), nên chúng tôi cũng xin ghi lại ở đây. Trong mục Cổ tích (tỉnh Hải Dương), sách Đại Nam nhất thống chí chép: “ Nhà cổ Trạng nguyên, ở xã Lĩnh Khê, huyện Chí Linh là giảng đường cũ của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, nay người huyện lập đề thờ ở đây, tế vào xuân thu” (20). Di tích “Di tích Trạng nguyên cổ đường” này hiện nay vẫn còn tại làng Lĩnh Khê, xã Thanh Quang, huyện Nam Sách.

Trước kia, ở làng Long Động có hai ngôi đình: Đình Trên và Đình Dưới. Đình Trên tọa lạc ngay phía sau đền thờ Mạc Đĩnh Chi bây giờ. Đình này quay về hướng Nam, thờ 2 vị tổ họ Mạc là Mạc Hiển Tích và Mạc Kiến Quan. Còn Đình Dưới ở cuối làng Long Động, thờ cụ Mạc Đĩnh Chi, so với Đình Trên to hơn nhiều. Nhưng qua nhiều cuộc chiến tranh, cả hai ngôi đình nói trên đã bị tiêu hủy, không còn vết tích gì. Từ khi đình làng không còn, người dân địa phương coi đền thờ Mạc Đĩnh Chi cũng giống như ngôi đình làng của mình. Vì ở đây, nhân dân thờ Mạc Đĩnh Chi làm thần thành hoàng làng.

Gắn liền với tục thờ thành hoàng làng là Lễ hội của làng, nhằm tưởng nhớ đến công lao, sự nghiệp của Đức thành hoàng Mạc Đĩnh Chi cùng các tiên tổ họ Mạc, và cũng là để cố kết nhân tâm, hướng về cội nguồn trong tinh thần cộng cảm của những con người cùng chung một nơi chôn rau cắt rốn. Hội làng Long Động diến ra trước và sau ngày Kỵ của Đức thành hoàng (tức ngày 10 tháng 2 Âm lịch – ngày mất của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi). Lễ hội tiến hành trong 7 ngày, từ ngày mùng 9 tháng 2 đến ngày 15 tháng 2 hàng năm. Lễ hội được tổ chức với đủ các nghi thức tế lễ, các trò vui chơi giả trí, kể cả đón các gánh chèo nơi khác về phục vụ. Nhưng đặc biệt, không tổ chức thi vật, vì các cụ quan niệm rằng: thành hoàng làng mình vốn là “quan văn”, người lại nhỏ nhắn, nên tổ chức thi vật, võ là không thích hợp.

Phía trước Đình Trên xưa kia, vẫn còn lại hai di tích có quan hệ tới những ngày lễ hội của làng. Đó là chiếc giếng cổ, chiếc thống đá cổ. Giếng có đường kính ước tính chừng hơn 10 mét. Giếng được đào từ bao giờ không ai còn nhớ được nữa. Các cụ già đều nói, khi có đến, đình thì đã có giếng rồi. Chiếc thống đá cổ có chiều cao 50 cm, đường kính 72 cm, thân dày 8,5 cm, lòng thống sâu 25 cm. Người địa phương cho biết chiếc thống đá cổ này, dung để vo gạo, mỗi khi làm lễ trong ngày hội làng.

Từ khi Mạc Đĩnh Chi đi vào cõi bất tử đến nay đã gần 7 thế kỷ. Trong khảng gần 700 năm ấy, với biết bao biến cố thăng trầm, binh lửa tàn phá, lụt lội hủy hại, thế mà ở tại một ngôi làng nhỏ trong vùng xứ Đông văn vật này, vẫn còn lưu giữ được một vài di tích, dấu tích về vị Trạng nguyên đời Trần Anh Tông – Mạc Đĩnh Chi – thì quả là một điều hết sức đáng quý, đáng trân trọng.

  1. VÀI NÉT VỀ DÒNG DÕI MẠC ĐĨNH CHI VÀ HỌ MẠC Ở LONG ĐỘNG

Về dòng dõi của Mạc Đĩnh Chi, nhiều bộ sử và nhiều bộ gia phả họ Mạc, trong đó phải kể đến cuốn Hợp biên thế phả họ Mạc (21) do Hoàng Lê (chủ biên), đã chép khá đầy đủ và kỹ lưỡng. Ở đây, chúng tôi cỉ xin ghi lại những nét vắn tăt và chủ yếu về con cháu dòng dõi Mạc Đĩnh Chi.

Bộ chính sử đầu tiên chép về vấn đề này là Đại Việt sử ký toàn thư. Nhân sự kiện vào tháng 3 năm Mậu Thìn (1508), vua Lê trao cho Mạc Đăng Dung làm chức Thiên Vũ vệ đô chỉ huy sứ ty, đô chỉ huy sứ, Đại Việt sử ký toàn thư giới thiệu đôi nét khái quát về ông như sau: “ Đăng Dung là người Cao Đôi (Cương mục – Chính biên, q.25-26, chép là xã Đông Cao), huyện Bình Hà (tức xã Long Động, huyện Chí Linh), tiên tổ Đăng Dung là Mạc Đĩnh Chi, Trạng nguyên đời Trần, làm quan đến Tả bộ xạ. Đĩnh Chi sinh ra Cao (Cương mục chép là Dao), Cao sinh ra Thúy (Cương mục chép là Túy), Thúy sinh ra Tung, dời sang xã Lan Khê, huyện Thanh Hà rồi sinh ra Bình, Bình lại dời sang Cổ Trai, huyện Nghi Dương (sau là huyện Kiến Thụy – nay thuộc huyện Kiến An, thành phố Hải Phòng – TG) rồi trú tại đó” (22). Trên đây là cách chép phả hệ theo lối thế thứ quá vắn tắt, không cho chúng ta biết thêm gì về con cháu của Mạc Đĩnh Chi.

Bộ  Hợp biên thế phả họ Mạc, vì thu thập được một khối tư liệu phong phú từ các chi học Mạc trong và ngoài nước đã cho chúng ta một cái nhìn toàn diện hơn. Theo các tác giả bộ sách này cho biết: Từ cuối thế kỷ XVI (tức sau khi triều Mạc bị mất, vua cuối cùng nhà Mạc tại kinh đô Thăng Long là Mạc Mậu Hợp, bị Trịnh Tùng giết chết vào năm 1592) đến nửa cuối thế kỷ XVII (năm 1677), họ Mạc cát cứ ở Cao Bằng cũng bị nhà Lê – Trịnh đánh dẹp, triệt hạ. Do điều kiện chính tri, xã hội thời đó, họ Mạc phải di chuyển nhiều nơi, và thay tên đổi họ thành nhiều họ khác. Theo thống kế của Ban Liên lạc họ Mạc Hà Nội, vào năm 1999, thì con cháu họ Mạc ngày nay có 37 họ với 368 chi ở 25 tỉnh, thành phố. Ngoài ta còn nhiều con cháu họ Mạc hiện nay đang sinh sống ở nước ngoài như: Pháp, Mỹ, Canada, Trung Quốc…Từ một họ đổi ra 37 họ (có thể thống kê chưa đấy đủ), nhưng vẫn có những mật mã, những thông điệp như giữ bộ “Thảo đầu” (…….) của tên họ như: Phạm, Hoàng, Phan, Tô, Lều…, nếu theo họ mẹ, họ bố nuôi thì giữ tên đệm: Lê Đăng, Đào Đăng, Nguyễn Đăng, Phan Đăng…, về sau có thể đổi là Phúc, là Đình để khỏi bị truy tích…, ngoại trừ theo tên đất như họ Thái v.v…để hậu duệ biết mà tìm nhau, hỗ trợ nhau, phát huy truyền thống của tổ tiên.

Họ Mạc là một trong những họ lớn của cộng đồng người Việt Nam. Về cội nguồn, họ Mạc vốn từ họ Cơ, vào đời Chu (1134 tr.Cn -221 tr.Cn) Trung Quốc. Cuối đời Chu, họ này bị ly tán, đến đời Tần (221 tr.Cn – 205 tr.Cn), Hán (206 tr.Cn – 220 tr.Cn) có người đến Cự Lộc, làm quan Chấp kích, ăn thực ấp ở đất Mạc, nên lấy tên đất làm tên họ là Mạc. Như thế, về cội nguồn họ Mạc giống họ Vũ ở Mộ Trạch, từ Vũ Hồn ở Phúc Kiến, giống họ Phạm ở Kinh Chủ, vốn từ họ Chúc ở Quảng Đông; giống họ Hồ từ Hồ Hưng Dật ở Chiết Giang; giống họ Trần ở Kỳ Bố vốn từ Trần Lãm ở Quảng Đông…

Theo Hợp biên thế phả họ Mạc, thì tính từ Mạc Đĩnh Chi đến vua đầu triều Mạc là Mạc Đăng Dung, thế thứ cụ thể như sau:

  • Mạc Dao là con trai của Mạc Đĩnh Chi (23). Ông đỗ Hương cống, làm quan đến chức Viên Ngoại lang đời Trần Dụ Tông. Sau này, Mạc Dao được Mạc Đăng Dung tôn phong làm Hoằng Cơ đốc thiện, Tuyên Hưu hoàng đề. Mạc Dao sinh hạ được 4 người con trai là Mạc Địch (có sách chép là Biên), Mạc Thoan, Mạc Thúy, Mạc Viễn. Người con nào cũng có tài năng sức lực, song bất đắc chí vì ở cuối đời nhà Hồ (1400-1407).
  • Mạc Thúy (chưa rõ năm sinh – năm mất là 1412): Là con thứ của Mạc Dao. Anh trai là Mạc Địch, có tài năng, sức lực, nhưng vì bất đắc chí muốn chống lại nhà Hồ, nên mắc sai lầm đưa nhà Minh sang đánh nhà Hồ. Người Minh phong cho Mạc Địch chứcChỉ huy sứ. Mạc Dao, cũng cùng chí hướng như anh và có hành động sai lầm, muốn chống lại nhà Hồ, nên đã dẫn đường cho Trương Phụ qua sông đánh úp, phá thành Đông Kinh (Thăng Long). Người Minh thưởng công, trao cho Mạc Thúy chức Tham chính ở ty Bố chính Giao Chỉ, em là Mạc Viễn chức Diêm thiết sứ. Vào tháng 12 năm Nhâm Thìn (1412) khi đem quân đánh Nông Văn Lịch ở Lạng Sơn, Mạc Thúy bị chết vì trúng tên độc. Mạc Đăng Dung truy tôn ông làm Triệu phúc hoằng đạo Tích đức hoàng đề.
  • Mạc Tung: Là con của Mạc Thúy, sống vào thời hậu Trần (1407-1413). Ông di cư đến làng Lan Khê, huyện Bằng Hà, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang (nay là huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương). Sau năm 1428, khi Lê Lợi bình định được giặc Minh xâm lược, nghiêm trị bọn ngụy quan, cho nên Mạc Tung không dám ra làm quan, chỉ ẩn náu nơi thôn dã. Mạc Đăng Dung truy tôn Mạc Tung làm ý tổ hống khánh uyên triết, Anh duệ hoàng đế.
  • Mạc Bình (hay Mạc Đĩnh Quý): là con trai Mạc Tung. Ông lại di cư đến làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương. Cũng như cha mình, Mạc Bình chỉ ẩn náu nơi thôn dã, không ra làm quan. Mạc Đăng Dung truy tôn làm Hoằng tổ Thuấn huấn tuy hưu, Đốc cung hoàng đế.
  • Mạc Hịch (hay Mạc Đĩnh Phú): chưa rõ năm sinh – mất năm 1514, là con của Mạc Bình. Mạc Hịch lấy con gái Đặng Xuân, người cùng làng Cổ Trai, tên là Đặng Thị Hiếu. Sinh hạ được 3 người con trai, con trưởng là Mạc Đăng Dung, con thứ là Mạc Đốc, con thứ ba là Mạc Quyết. Mạc Đốc được phong Từ vương. Mạc Quyết được phong Tín vương, sau khi chết còn được truy phong Uy tín Đại vương. Khi Mạc Đăng Dung đăng cơ, truy tôn thân phụ – Mạc Hịch – làm Chiêu tổ Quang liệt, Cơ mệnh hoàng đế. Thân mẫu Đặng Thị Hiếu phong làm Hoàng Thái hậu. Họ Mạc thực sự khởi sắc bắt đầu từ 3 người con của Mạc Hịch.

Ngày nay, tại làng Lũng Động (tức thôn Long Động), con cháu, hậu duệ Mạc Đĩnh Chi còn khá đông đúc. Làng Lũng Động có hơn 900 khẩu thì họ Mạc có hơn 560 khẩu, tức chiếm tới 2/3 số nhân khẩu của làng. Để tránh sự bất trắc, trước năm 1945, dưới thời phong kiến, những người họ Mạc ở đây đểu đổi thành họ Nguyễn. Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi chính quyền đã về tay nhân dân lao động, người họ Mạc ở thôn Long Động chia làm 2 chi: Chi A – Trưởng chi họ là ông Mạc Văn Kết và Chi B – Trưởng họ là ông Mạc Văn Thịnh. Một điều đáng quý là họ Mạc nói riêng  và các dòng họ khác cư trú tại Long Động vẫn giữ được truyền thống xưa, đó là hiếu học, quý trọng văn hóa và hiếu khách. Các cụ cố lão trong làng luôn luôn nhắc nhở con cháu, thế hệ tương lai của quê hương Mạc Đĩnh Chi làm sao tiếp nối, giữ vững truyền thống một vùng quê văn hóa, xứng đáng với mảnh đất có tên nôm là “Làng Sách” – một làng lấy tinh thần văn hóa, sách vở, thư tịch, chữ nghĩa làm phương thức sống, để hướng tới cái cao đẹp.

————————————-

CHÚ THÍCH

(1). Lũng Động. Trong sách Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1989, tr.382

Trong khi đó, ở câu đối viết tại cổng đền thờ Mạc Đĩnh Chi ở thôn Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương lại viêt:…..Theo chúng tôi, chữ “Lũng” trong tên làng xã Việt Nam… có bộ “Phụ” (…) ở bên trái có lẽ đúng hơn. Chữ Lũng (…) có thể đọc âm nữa là Long, đều có nghĩa: thịnh vượng, hung thịnh. (Xem  Từ Hải, Hán ngữ đại từ điển…). Còn chững Lũng (….) có bộ “Thủy” (…) ở bên trái, là tên của sông Lũng Giang Hồ Nam, ở Trung Quốc.

(2). Xem Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX. Sđd, tr.31, 382.

(3). Theo Công dư tiệp ký tục biên của Trân Quý Nha. Trong Vũ Phương Đề. Công dư tiệp ký. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2001, tr. 197.

(4). Trần Quý Nha: Theo Trần Văn Giáp, ông có thể là Trần Tiến (xem Tìm hiểu kho sách Hán Nôm,  Hà Nội, 1971, tập 1, tr.260). Trần Tiến người xã Điền Trì, huyện Chí Linh, trấn Hải Dương), đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1748). Làm quan đến chức Hàn lâm thị giảng dưới triều vua Lê Hiển Tông (1740-1786).

(5). Tú Sách: Tú ở đây là để chỉ người đàn ông tuấn tú, tài giỏi, chứ không phải học vị Tú tài (như Tú Xương chẳng hạn…). Học vị Tú tài mãi đến triều Nguyễn, sau năm 1828 mới đặt ra.

(6). Vũ Phương Đế. Công dư tiệp ký. Sđd, tr.197.

(7). Đông A: là một cách chiết tự chữ Trần …. Gồm có chữ ….(Đông) và chữ …(A).

(8). Nguyên văn viết chữ hồng (….) là màu đỏ, không đúng, phải viết là … Hồng là to lớn.

(9). Nguyên văn viết nhầm là Trì (….) = nắm lấy, giữ lại, không đúng, phải viết : …. Tri = biết, hiểu.

(10). Tư văn: Nguyên xuất từ một câu trong Luận ngữ: “Tử úy ư Khuông viết: “Văn vương ký một, văn bất tại tư hồ? Thiên chi tương táng tư văn dã, hậu tử giả bất đắc dự ư tư văn dã. Thiên chi vị táng tư văn dã, Khuông nhân kỳ như dư hà?” (Thiên Tử Hãn).

(Khổng Tử [bị người đất Khuông giam giữ ] phải một phen sợ hãi ở đất Khuông, nói: “Văn vương đã mất [nền văn hóa lễ nhạc, chế độ], chẳng ở nơi ta đây sao? Nếu Trời để mất nền văn hóa ấy (tư văn), thì kẻ chết sau này (tức Khổng Tử) chẳng thể dự vào nền văn hóa ấy! Trời nếu chưa để mất nền văn hóa ấy, thì người Khuông kia làm gì được ta?). Từ đó, các nhà nho dung chữ “tư văn”, để chỉ đạo Nho. Hội Tư văn là hội của những người kể từ đỗ Nhất, Nhị trường, hoặc khảo khóa trúng hạch, hay làm hương sư trở lên, đến đỗ Tú tài, cử nhân, tiến sĩ…Nho học.

(11). Khoa Kỷ Tỵ (1089): Người viết tầm bia này, cùng các bộ phả họ Mạc đều chép Mạc Kiến Quan, em của Mạc Hiển Tích đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Tỵ (1089). Trong khi đó các bộ chính sử của ta (Toàn thư, Cương mục…) và các sách Đăng khoa lục không thấy chép về khoa Kỷ Tỵ này và cũng không thấy ghi Mạc Kiến Quan đỗ Tiến sĩ (xem Các nhà khoa bảng Việt Nam. Ngô Đức Thọ (chủ biển), Hà Nội, 1993). Có lẽ các bộ Gia phả họ Mạc căn cứ vào Công Dư tiệp ký tục biên của Trần Quý Nha để chép Mạc Kiến Quan đỗ Tiến sĩ.

(12). Nguyễn Mại là ông nội của Nguyễn Cừ, Nguyễn Tuyển cầm đầu cuộc khởi nghĩa nông dân vào nửa đầu thế kỷ XVIII, sử cũ gọi là “giặc Ninh Xá”.

(13), (14). Theo Các nhà khoa bảng Việt Nam, Sđd, tr.749, 850.

(15). Lê Quý Đôn toàn tập. Nxb Khoa học xã hội,  Nội, 1978, tr.265.

(16). Lê Quý Đôn viết Lời tựa cho sách Đại Việt thông sử vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (1759).

(17). Quốc sử triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, tập III, tr.391.

(18). Vân phong: nghĩa đen là mây gió, nhưng ở đây được dung theo nghĩa bóng, ngụ ý chỉ phong cách thanh cao của Mạc Đĩnh Chi.

(19). Vũ lộ: nghĩa đen là sương mưa, ở đây để chỉ mưa móc, công ơn của các vua nhà Mạc đối với đất nước.

(20). Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí. Sđd, tập III, tr.390.

(21). Ban liên lạc họ Mạc: Hợp biên thế phả họ Mạc. Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2001.

(22). Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, tập III, tr.43,44.

(23). Theo Vũ Hiệp, Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi có hậu duệ ở Cao Ly từ thế kỷ XIV đến nay? Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 2-1996 dựa vào tư liệu của Sơn xa Lê Khắc Hòe, Mạc Đĩnh Chi có một người thiếp ở Cao Ly (Hàn Quốc) sinh thêm 2 trai, một người là võ quan, một người đỗ cử nhân chuyên làm thuốc và dạy học, có tài về thơ phú, không chịu ra làm quan. Con cháu đã tìm về Việt Nam 2 lần vào các năm 1926 và 1965. Tư liệu này chưa được khảo chứng, chúng tôi xin ghi lại đây để tham khảo.

PGS.TS Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học)

Nguồn: homacvietnam.vn

Viết bình luận