Từ khi nhà nước Văn Lang được xác lập, đến nay nước ta đã nhiều lần thay đổi quốc hiệu. Vậy quốc hiệu Việt Nam hiện nay có từ bao giờ? Từ cách mạng tháng Tám năm 1945 hay từ triều Nguyễn, hoặc sớm hơn. Vấn đề tưởng như đơn giản nhưng khi nghiên cứu sâu cũng không ít khó khăn.
Quang Trung sau khi đánh bại các tập đoàn cát cứ Trịnh, Nguyễn và bọn xâm lược Mãn Thanh lập ra triều Nguyễn Tây Sơn vẫn thừa kế quốc Đại Việt của tiền triều. Sau khi Gia Long đánh đổ triều Nguyễn Tây Sơn, lập ra nhà Nguyễn năm Nhâm Tuất (1802), nhưng 2 năm sau, tức tháng Hai năm Giáp Tý (1804) mới đặt quốc hiệu là Việt Nam. Nhưng quốc hiệu này chỉ tồn tại có 34 năm. Khi Minh Mệnh lên ngôi, đến tháng Hai năm Mậu Tuất (1838) lại đổi thành Đại Nam. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhà nước ta lại lấy quốc hiệu là Việt Nam. Nhưng trong tư liệu lịch sử thì quốc hiệu Việt Nam ra đời sớm hơn rất nhiều, như trong tác phẩm của Hồ Tông Thốc (cuối thế kỷ XIV), Nguyễn Bỉnh Khiêm (đầu thế kỷ XVI) đã nhắc đến. Nhưng viết trên giấy người đời vẫn có thể nghi ngờ tam sao, thất bản. Ngày nay, một số học giả đã tìm được trên 10 bia có ghi quốc hiệu Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII, tức trước đời vua Gia Long tới gần 3 thế kỷ, trong đó có một số bia ở Hải Dương. Điều đó chứng tỏ giới trí thức nước nhà luôn luôn đi trước thời đại trên nhiều lĩnh vực, kể cả việc đặt quốc hiệu. Rất may là tấm biểu ghi quốc hiệu Việt Nam sớm nhất trên bia ký nay đã biết vẫn còn thác bản.
Cách đây 20 năm, học giả Nguyễn Phúc Giác Hải có về Hải Dương nhờ chúng tôi chỉ cho địa danh làng Trâu Bộ thuộc huyện Kinh Môn để tìm tấm bia có quốc hiệu Việt Nam sớm nhất mà ông đã biết tại chùa Bảo Lâm nhưng không thành công. Lý do là, theo nhân dân địa phương, tấm bia này đã bị phá huỷ sau ngày hoà bình lập lại. Điều đó không có gì lạ, nhưng biết đâu, bia đó bị vùi dập lâu ngày hoặc di chuyển khỏi địa điểm cũ về bắc cầu ao ở đâu đó mà nay lãng quên. Chúng ta biết rằng trước năm 1939, tấm bia vẫn còn, người ta đã làm được bản in, tức làm thác bản. Thác bản nay vẫn còn nhưng chỉ có mặt trước có chữ, mặt sau có chữ hay không thì chưa rõ.
Bia có tên là Trung tu Bảo Lâm tự bi ký. Bia có 500 chữ, đã đọc được 490 chữ, còn lại 10 chữ do mòn mờ hoặc do những vấn đề xã hội mà bị người đời sau bào mòn chưa đọc được, trong đó có 4 chữ thuộc văn bản và 6 chữ thuộc tên người, tuy nhiên sự thiếu sót này không ảnh hưởng nhiều đến nội dung văn bản. Toàn bộ thân bia cao rộng thế nào chưa rõ, nhưng riêng phần văn bản có kích thước 85cm x 100 cm. Đây là tấm bia có kích thước không nhỏ. Dòng văn bia ghi:
Việt Nam đại danh lam bất tri cơ tất đắc
Như vậy chữ Việt Nam được ghi ở dòng đầu tiên, vào năm Quang Bảo thứ 5 (1559). Văn bia cho biết chùa Bảo Lâm ở xã Trâu Bộ có từ thời Lý-Trần, là một đại danh lam còn di tích. Hoàng thái hậu của Mạc Phúc Nguyên có công chiêu tập nhân dân tu sửa thành đại danh lam. Đây cũng là một văn bía hiếm thấy về giá trị văn học và lịch sử cách đây 450 năm.
Ngày 5 -3-2012 (13-2-Nhâm Thìn), chúng tôi đã đến khảo sát chùa Bảo Lâm, cảnh vật nay đã khác xưa. Di tích chùa ở chân núi thuộc ranh giới làng Trâu Bộ và An Bộ, bị hư hại trong chiến tranh chống Pháp, nhưng không mất hoàn toàn vẫn còn một vài công trình kiến trúc, hệ thống tượng phật và bia ký, nhiều cây cổ thụ như: thị, gạo và vườn ổi...Bia ký nay không còn, chỉ thấy gạch và ngói vỡ, trong đó có ngói mũi hài cỡ lớn, dấu vết của thời Lý-Trần; một số đá tảng cỡ trung bình, trong đó có một viên tạc hoa sen có mặt nhẫn, dấu vết của lần trùng tu triều Mạc. Cách chừng khoảng 30 km về phía núi, gần đây nhân dân địa phương xây một ngôi chùa nhỏ, có tên là An Châu, hàm ý chùa chung của hai làng, không còn tên Bảo Lâm xưa. Theo nhân dân địa phương cho biết, chùa xưa có đền thờ Lý Chiêu Hoàng. Đây là một ngôi chùa lớn, mang tầm cỡ quốc gia, khai quật di tích này chắc chắn sẽ tìm được nhiều di vật thời Lý-Trần và Mạc có giá trị.
Dưới đây là toàn văn bản dịch văn bia.
Bia ký trùng tu chùa Bảo Lâm
Đại danh lam của Việt Nam không thể biết tất cả, Thánh từ gặp thời thì tu sửa, vì thế sau mỗi lần chuyển đổi mà thời sau có lâu đài lộng lẫy ấy. Chùa Bảo Lâm ở xã Trâu Bộ, huyện Giáp Sơn, phủ Kinh Môn là di tích của thời Lý-Trần. Cảnh trí còn nhìn thấy, không thể không tuỳ thiện tâm, tuỳ thiện duyên mà tự nguyện tu sửa. Kính nhớ Thánh triều(1), Thánh mẫu Hoàng thái hậu, điện hạ chính vị. Triều Trần tạo nên hạnh phúc nước Nam, đức sánh núi sông thánh thiện. Nghĩ vương mẫu thọ sánh Bàn đào. Nhân lúc nhớ đến chùa chiền, thiện duyên muốn tạo phúc cho quốc gia, bèn thu bạc, tiền quý, bạch ngân, chiêu tập mọi người sửa lại chùa. Bây giờ vương công, sĩ thứ đều vui mừng trợ giúp việc ấy.
Đến đầu Xuân năm Giáp Dần, niên hiệu Cảnh Lịch thứ 7(1554), ban đầu chỉ làm cung Phật, giải vũ, hoàn thành bước đầu. Kịp đến đầu mùa Hạ, năm Mậu Ngọ, niên hiệu Quang Bảo thứ 4 (1558) lại làm đẹp hơn, qua đầu mùa đông thì hoàn thành như dự kiến, cảnh mới hơn hẳn quy mô cũ, thờ phật có điện, thiêu hương có nhà, trước khi vào điện có tiền đường. Kế tiếp phía đông và tây tiền đường có hàng lang dài. Lầu chuông, gác trống to lớn; nhìn sang tăng điện, trai phòng, hệ thống bảo khám thật hoàn hảo...ánh sáng kỳ diệu, thật là bền đẹp, lộng lẫy như sao sa trước cửa phật, mở rộng sự tươi đẹp, yên bình, vẽ lên cảnh trí tuệ sáng suốt, minh bạch, mặt trời mọc thật trong sạch vậy. Duyên âm mãn địa, gió mát thổi về, cây cối tốt tươi. Xanh xanh như ngọc bích, tất thẩy thật đông đúc như hoàng nho, như chỉ có chốn Niết Bàn. Đẹp như hoa, tuyệt mỹ biết bao. Núi sông thương ấp, trong cảnh yên tĩnh y thiên, nổi lên như cảnh Hồ Thiên, Thái Chu thế giới(2) vậy. Nơi ấy có bố thí, nơi ấy có phúc lớn như núi ngày càng cao, thánh ngọ bền vững. Sự nghiệp lớn lao một thời tạo cho người dân tiến bộ, lòng nhân ấy bền vững như thành, công đức ấy thật nhiều thay. Không thể nói là nhiều vô kể, di tích ấy từ thời Lý, Trần, di tích ấy vượt lên hàng vạn vạn lần cái thầm thường vậy. Trọng thị mà làm bài minh ghi vào những phiến đá bền vững lâu dài.
Minh viết:
Kinh Môn quê vua(3)
Bảo Lâm đứng riêng
Cung kính Thánh từ
Lại phát thiện duyên Tại nơi nền cũ
Quy mô hơn trước
Phúc địa muôn năm
Trời Nam muôn năm
Đến mùa xuân Kỷ mùi, năm Quang Bảo thứ 5 (1559)
Triều liệt đại phu, Đông các đại học hiệu thư Ngô...phụng soạn
Bảo đoan điện thân thuộc, đặc tiến Phụ quốc thượng tướng quân, Văn Đô bá, hộ phiên phụng trùng tu.
Thị bảo đoan điện nội phủ, giảm đô lại thần Nguyễn...phụng tả.
Người thợ là Phạm Đô, xã Hồng Lục, huyện Gia Phúc, phụng khắc(4).
Chú giải
1) – Thánh triều ở đây chỉ nhà Lý
2)- Hồ Thiên, Thái Chu: cảnh thần tiên trong huyện thoại Trung Quốc.
3) - Đế hương, tức quê hương của vua triều Mạc tại làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn. Vì thế mà coi Kinh Môn là quê hương của đế vương.
4) – Tên người soạn họ Ngô; người chịu trách nhiệm trùng tu; người viết chữ trên bia họ Nguyễn, đều không rõ tên. Trên bản in rất mờ, có thể vì lý do xã hội đã bị xoá trước khi in thác bản, chỉ còn người thợ của xã Hồng Lục, nơi chuyên khắc in mộc bản, tức khắc chữ trên gỗ, ở đây tham gia khắc chữ trên đá.
Tăng Bá Hoành
Bài đăng trên Tạp chí KHCN&MT số 3/2012
Viết bình luận