" Sấm Trạng trình" mở ra 84 năm vương triều Mạc
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) tên thật là Nguyễn Văn Đại, quê thôn Cổ Am, huyện Vĩnh Lại, Hải Dương, nay thuộc huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Ông đỗ Trạng Nguyên năm Ất Sửu (1535) đời vua Mạc Đăng Doanh, để lại cho đời sau nhiều sấm tiên tri, thể hiện một tài năng kiệt xuất, được gọi là Sấm Trạng Trình.
Ngay từ lúc sinh thời, ông đã dùng tài lý số của mình “cứu vãn” cho triều nhà Mạc tồn tại được một thời gian khá dài tại vùng biên cương Cao Bằng.
Dưới thời nhà Mạc, năm 45 tuổi, ông mới đi thi và đậu Trạng nguyên. Vua Mạc Đăng Doanh cất ông lên làm Tả thị lang Đông các học sĩ.
Triều vua Mạc Mậu Hợp, năm Diên Thành thứ 8 (1585), tức năm Ất Dậu tháng 11 thì ông lâm bệnh. Lúc này tình hình nhà Mạc đã quá suy yếu, vua Mạc Mậu Hợp sai sứ đến vấn an và hỏi về quốc sự. Ông chỉ trả lời rằng: "Tha nhựt quốc hữu sự cố, Cao Bằng tiểu địa, sổ thế khả duyên." Nghĩa là: Sau này quốc gia hữu sự thì đất Cao Bằng tuy nhỏ bé cũng có thể dung thân được vài đời. Trước khi ông mất, nhà Mạc xin ý kiến tồn tại thế nào, ông đọc hai câu thơ: "Cao Bằng tàng tại - tam đại tồn cô" (nghĩa rằng rút về đất Cao Bằng thì sẽ tồn tại thêm được ba đời nữa).
Bảy năm sau, năm Quang Hưng thứ 15 (1592), triều Mạc sụp đổ. Theo lời khuyên của Trạng Trình, con cháu nhà Mạc chạy lên Cao Bằng cố thủ, dựa vào địa thế núi rừng hiểm trở để xây dựng căn cứ, chọn Na Lữ, xã Hoàng Tung (Hòa An ngày nay) là đế đô, vương phủ ở Cao Bình, xã Hưng Đạo (Thành phố). Nhà Mạc ở Cao Bằng 84 năm (1593 - 1677) trải qua ba đời vua: Mạc Kính Cung (1593 - 1625), Mạc Kính Khoan (1625 - 1638), Mạc Kính Vũ (1638 - 1677). Năm Vĩnh Trị thứ 2 thời vua Mạc Kính Vũ (1677) bị nhà Lê đánh bại.
Vương triều Mạc ở Cao Bằng duy trì một nhà nước có kỷ cương, có sách lược đối nội, đối ngoại kịp thời, linh hoạt. Tu bổ, sửa chữa các thành Na Lữ, Phục Hoà, Phúc Tăng, Kỳ Chỉ, Gia Bằng, Trà Lĩnh..., để phục vụ các yêu cầu về chính trị, quân sự nhằm duy trì đế nghiệp lâu dài, bền vững ở Cao Bằng, khi có thời cơ sẽ lấy lại Thăng Long, thu phục cả nước. Vì vậy, mọi mặt đời sống xã hội có những chuyển biến tích cực.
Về kinh tế, Nhà Mạc thi hành những chính sách kinh tế tích cực nhằm khuyến khích phát triển sản xuất. Nhà Mạc cùng nhân dân địa phương khai phá những cánh đồng lúa ở Trùng Khánh, Thạch Lâm (nay là Hoà An), Quảng Uyên; không chỉ trồng các loại cây lương thực ở vùng đồng, còn mở rộng diện tích canh tác ở vùng cao, vùng sình lầy ven sông. Thời kỳ này, bắt đầu kiến tạo các mương phai, làm guồng nước (cọn nước) đưa nước từ sông suối lên để vừa canh tác, vừa lợi dụng sức nước giã gạo, ép mía.... Đặc biệt là phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, trồng bông vải, kéo sợi, dệt tơ lụa, thổ cẩm và vải mặc. Nhà Mạc còn phát triển trung tâm rèn nông cụ và vũ khí ở Phúc Sen, các nghề nấu đường phên, sản xuất đồ gốm, làm gạch ngói cũng phát triển mạnh (hiện nay còn dấu tích 22 lò gạch ở Pác Tò, thị trấn Hòa Thuận, huyện Phục Hòa.
Để mở rộng giao lưu, nhà Mạc mở mang đường xá nối liền Cao Bằng với Lạng Sơn, Bắc Kạn, mở rộng đường mòn cho xe ngựa đi lại, xây cầu cống để nhân dân giao lưu hàng hóa và phục vụ việc vận chuyển vũ khí, lương thực cho các đồn binh. Triều đình cũng cho xây dựng nhiều chợ làng để buôn bán ở địa phương và đẩy mạnh giao thương qua biên giới, mở rộng giao lưu buôn bán với Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới... Kinh tế Cao Bằng phát triển, tạo cơ sở hậu cần cho nhà Mạc có đủ thực lực để trụ vững và cầm cự với nhà Lê hơn 80 năm.
Về văn hóa, thời kỳ nhà Mạc ở Cao Bằng vừa thể hiện sự đoàn kết giữa các dân tộc ở phía Bắc di chuyển xuống, ở miền xuôi lên cùng các dân tộc sở tại đồng tình ủng hộ các chính sách của nhà Mạc, tạo ra sự phát triển mới về mọi mặt. Sự giao lưu đó thúc đẩy nền văn hoá phát triển lên một bước mới: Nho giáo du nhập lên Cao Bằng mạnh hơn, tiếng Kinh được sử dụng rộng rãi, chữ Nôm cũng sử dụng trong các trường học, phiên âm theo tiếng Tày - Nùng nên chữ Nôm Tày xuất hiện. Người Tày, Nùng có chữ viết để phát triển nền văn hoá của dân tộc mình. Song, quan trọng hơn cả là dành cho các hoàng thân, quan lại, binh lính học để nắm được ngôn ngữ Tày - Nùng nhằm chung sống hoà hợp, lâu dài. Đây cũng là thời kỳ phát triển rực rỡ của văn hoá Cao Bằng với sự hình thành nên hai dòng then: then nữ múa hát với cây đàn tính ba dây ở châu Thạch Lâm (nay là Hoà An) và then giàng (toàn nam, hát với cây đàn tính hai dây) ở miền Đông, vẫn được lưu truyền và phát triển tới ngày nay.
Nền văn hoá giao thoa xuôi ngược mà nhà Mạc truyền bá và gây dựng tại Cao Bằng là nền tảng quan trọng để hình thành nên những giá trị văn hoá phi vật thể với sự xuất hiện nhiều danh nhân văn hoá nổi tiếng và nhiều tác phẩm đặc sắc. Tiêu biểu hơn cả là ông Bế Văn Phụng, quê làng Bản Vạn, xã Bế Triều (Hòa An) đỗ Tiến sỹ kỳ thi Hội khóa II (1598), được vua phong chức quan Tư thiên quản nhạc với tác phẩm tiêu biểu nhất là tập “Tam nguyên luận” viết bằng chữ Hán, cuốn “Giáo nam, giáo nữ”; ông Nông Văn Noọng (tức Nông Quỳnh Văn), người xã Nga Ổ, châu Thượng Lang (nay thuộc xã Chí Viễn, Trùng Khánh) được người đương thời gọi là Quỳnh Văn, tục gọi là “vua ca đáng”, nghĩa là thơ văn đẹp mà hát hay. Tuy không dự thi nhưng nhân dân tôn ông là bậc “trạng”, là tổ sư giàng với tác phẩm tiêu biểu là “Tứ quý hồng nhan”, “Lượn Ba Chu”…
Về giáo dục, vua Mạc Kính Cung mở Trường Quốc học ở Bản Thảnh - Cao Bình, trường tồn tại 82 năm. Nhà Mạc quy định cứ 3 năm tổ chức thi hương, thi hội, thi đình một lần. Trường Quốc học Bản Thảnh đã đào tạo nhiều nhân tài, các môn sinh ra trường được trọng dụng, bổ sung vào các cấp chính quyền nhà Mạc, một số môn sinh tỏa ra các vùng nông thôn dạy học chữ Hán, chữ Nôm. Nhờ đó, nhân dân nhiều người biết chữ, lại phát triển chữ Nôm Tày và sáng tác thơ Nôm Tày. Đặc biệt, trong kỳ thi Hội năm 1607, người đỗ đầu là Nguyễn Thị Duệ, đây là nữ Tiến sĩ duy nhất trong lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam.
Như vậy, từ lời “Sấm Trạng Trình”, trong hơn 80 năm đóng đô tại Cao Bằng, nhà Mạc hiện diện như một vương triều phong kiến Đại Việt đầu tiên đóng đô ở một vùng dân tộc thiểu số rộng lớn tại miền Đông Bắc Bắc Bộ, biết cách hoà nhập với người dân địa phương, đoàn kết các dân tộc miền núi. Điều này có vai trò vô cùng quan trọng trong công cuộc bảo vệ đất nước, mở mang bờ cõi. Những di sản văn hoá, di tích lịch sử của nhà Mạc còn lại tại tỉnh Cao Bằng có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học cần được bảo tồn và phát huy.
Thu Trang
Viết bình luận