Trấn Cao Bằng xưa - tỉnh Cao Bằng nay

Bài 15: Nhà Mạc hậu kỳ Thăng Long ở Cao Bằng

    Ngày 15/6/1527, Mạc Đăng Dung đang ở Cổ Trai, Nghi Dương, Kiến An (nay thuộc xã Ngũ Doãn, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng), được vua Lê Cung Hoàng “yếu ớt” gọi về kinh đô để nhường ngôi. Sau lễ tuyên chiếu của vua Lê nhường ngôi, Mạc Đăng Dung lên ngôi vua đặt niên hiệu là Minh Đức.

    Vương triều Mạc thiết lập chưa được bao lâu đã gặp ngay sự chống đối của cựu thần và tôn thất nhà Lê. Sau thời kỳ thịnh trị, năm Ất Dậu (1585), nhà Mạc suy yếu, Mạc Mậu Hợp cho sứ giả đến hỏi Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: tương lai nên xử trí ra sao? Trạng Trình đã khuyên vua quan nhà Mạc rằng: "Cao Bằng tuy tiểu khả dung số thế" (đất Cao Bằng tuy nhỏ bé cũng có thể dung thân được vài đời).
     Năm Quang Hưng thứ 15 (1592), quân nhà Lê tiến ra Bắc chiếm lại thành Thăng Long, nhà Mạc lên Cao Bằng chọn vùng trung tâm Hòa An đóng đô, dựa vào địa thế núi rừng hiểm trở để xây dựng căn cứ, lấy Na Lữ (xã Hoàng Tung, Hòa An) và Cao Bình (xã Hưng Đạo, nay thuộc Thành phố) là đế đô, lập vương phủ ở Cao Bình.
    Nhà Mạc lên trấn giữ vùng Cao Bằng, thiết lập vương triều, xưng vương hiệu, điều hành chính sự, mở rộng khu vực quản lý cả vùng Đông Bắc của nước Đại Việt, đắp thành lũy, xây dựng lực lượng, xây dựng vùng lãnh thổ phía Đông Bắc ngày càng phát triển về mọi mặt, cùng tồn tại song song với chính quyền Lê - Trịnh. Nhiều lần, nhà Mạc lợi dụng mâu thuẫn trong nội bộ Lê - Trịnh, kéo quân về chiếm lại Thăng Long nhưng không giữ được lại phải rút lên Cao Bằng. Năm 1623, Bình An vương Trịnh Tùng chết, Trịnh Tráng lên ngôi chúa, nhưng trong nội bộ dòng họ Trịnh diễn ra xung đột gay gắt. Đảng phái của Trịnh Xuân (em Trịnh Tráng) tập trung lực lượng, tổ chức đánh phá các nơi. Trịnh Tráng buộc phải cùng triều thần đưa vua Lê về Thanh Hóa. Nhân cơ hội này, Khánh vương Mạc Kính Khoan từ Cao Bằng kéo quân về đóng ở làng Thổ Khối (huyện Gia Lâm) uy hiếp kinh thành Thăng Long. Khi Lê - Trịnh đưa quân từ Thanh Hóa tiến ra, Mạc Kính Khoan lại lên Cao Bằng.
    Khi nhà Mạc bị quân Lê - Trịnh đánh bật khỏi Thăng Long đã cho người thương lượng để nhà Minh giúp. Vì muốn duy trì thế Nam - Bắc triều ở Đại Việt  có lợi cho mình nên nhà Minh can thiệp, triều đình Lê - Trịnh buộc phải để nhà Mạc cát cứ ở Cao Bằng. Triều đình Lê - Trịnh phong cho Mạc Kính Khoan chức Thái úy, Thông Quốc công quản lý miền Cao Bằng...
    Khi nhà Minh mất (1644), các thế lực chính trị còn lại của nhà Minh vẫn ủng hộ nhà Mạc ở Cao Bằng. Triều Thanh còn lo củng cố thế lực và địa vị, nên nhà Mạc vẫn mặc nhiên tồn tại trước sự công nhận của vương triều mới (nhà Thanh). Chỉ đến khi nhà Mạc công khai ủng hộ Ngô Tam Quế phản lại nhà Thanh thì nhà Mạc mới bị triều đình Lê - Trịnh đưa quân lên Cao Bằng đánh bật khỏi cố đô ở trung tâm Hòa An (năm 1677). Sau đó, Mạc Kính Vũ lui về thành Phục Hòa cố thủ đến năm 1683, vương triều Mạc ở Cao Bằng mới bị đánh bại. Song đến năm 1692, khi bắt được Mạc Trí Kính, thì tình hình Cao Bằng hậu nhà Mạc mới tạm yên.
    Để phòng bị quân nhà Lê tiến đánh, tại kinh đô, nhà Mạc đã tu bổ và sửa chữa thành Na Lữ, thành Bản Phủ (ở Cao Bình) thành một trung tâm chính trị và quân sự.
    Trong thời gian từ 1592 - 1677, nhà Mạc đã thi hành những chính sách kinh tế tích cực nhằm phát triển kinh tế như khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, vận động nhân dân địa phương khai phá những cánh đồng lúa ở Trùng Khánh, Thạch Lâm, Quảng Uyên… không chỉ trồng các loại cây lương thực ở vùng đồng mà còn khai hoang, mở rộng diện tích canh tác ở vùng cao, vùng sình lầy ven sông, kiến tạo các mương, phai, làm guồng nước  để vừa canh tác, vừa lợi dụng sức nước giã gạo, ép mía.... Đặc biệt là phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, trồng bông vải, kéo sợi, dệt tơ lụa, thổ cẩm và vải mặc; phát triển trung tâm rèn nông cụ và vũ khí ở xã Phúc Sen (Quảng Uyên), các nghề nấu đường phên, sản xuất đồ gốm, làm gạch ngói cũng phát triển mạnh.
    Để mở rộng giao lưu, nhà Mạc tiếp tục mở mang đường sá nối liền Cao Bằng với Lạng Sơn, Bắc Kạn... Xây dựng nhiều chợ làng để buôn bán ở các địa phương, đẩy mạnh giao thương qua biên giới, mở rộng giao lưu buôn bán với Trung Quốc... Kinh tế vùng Cao Bằng nói riêng, cả vùng Đông Bắc Đại Vịêt nói chung phát triển tạo cơ sở hậu cần cho nhà Mạc có đủ thực lực để trụ vững, cầm cự với nhà Lê.
    Như vậy, sau khi rời Thăng Long, nhà Mạc lên đóng đô ở Cao Bằng 85 năm, trải qua nhiều đời vua: Mạc Kính Cung, Mạc Kính Khoan, Mạc Kính Vũ... Theo quan niệm của các nhà nho thời phong kiến, thì nhà Mạc bị coi là “ngụy triều”, do đó dưới ngòi bút của các sử gia đều tỏ rõ quan điểm phản đối nhà Mạc nên chưa phản ánh khách quan những thành tựu nhà Mạc đã để lại trên đất Cao Bằng và vùng Đông Bắc Việt Nam.
     Nay vai trò của triều nhà Mạc đã được đánh giá lại, ngay tại thủ đô Hà Nội đã có hai đường phố mang tên hai vua của triều nhà Mạc.    
    Sự tồn tại của nhà Mạc ở Cao Bằng là tất yếu của lịch sử, thời kỳ nhà Mạc lên đóng đô ở Cao Bằng đã tạo ra sự phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội ở Cao Bằng cũng như các tỉnh miền Đông Bắc. Đồng thời đã để lại nhiều di sản văn hoá cả vật thể và phi vật thể cho các dân tộc.

    Nguồn: baocaobang.vn

    Viết bình luận