Trạng nguyên Trần Tất Văn- Vị Thành Hoàng làng Ngũ Lão
BBT: Nhà báo Phí Văn Chiến – Chủ tịch Hội đồng Phí tộc vừa gửi đến Ban biên tập website homacvietnam.vn bài viết về Trạng nguyên Trần Tất Văn – một vị khai quốc công thần của triều Mạc. Chúng tôi trân trọng giới thiệu bài viết của nhà báo Phí Văn Chiến.
Từ bao đời qua, dân làng Ngũ Lão xã Quang Hưng huyện Phủ Cừ tỉnh Hưng Yên vẫn thờ cúng ba vị Thành Hoàng ở đình làng là: PHÙ LÂU HIỂN ỨNG ĐẠI VƯƠNG, TRẦN DIỆM ĐẠI VƯƠNG và TRẦN TẤT VĂN. Hai vị đầu tiên là thiên thần, còn Trần Tất Văn là nhân thần . Vậy ông Trần Tất Văn là ai, có công gì với làng với nước mà được nhân dân trong làng Ngũ Lão thờ phụng như vậy?
Theo bản “Thần tích thần sắc” làng Ngũ Lão ( khai lại vào năm 1938 hiện còn lưu trữ tại Viện Thông tin khoa học xã hội Việt Nam), ông Lý trưởng làng Ngũ Lão viết:
“Vị nhân thần tên ngài là Trần Tất Văn. Về đời nhà Lê ngài làm quan đến chức Giám sát Ngự sử Tả thị lang, người làng Ngũ Lão, sau làm Thành Hoàng làng ở làng…Khi ấy (khi còn sống) ngài mở mang phong tục và khai hóa văn phong con cháu hưng thịnh. Ngài có sắc phong “THỊNH ĐIỂN THẠC PHỤNG DANH THẦN”. Đến đời vua Minh Mệnh, vua Tự Đức, vua Đồng Khánh nhiều lần phong sắc cho Ngài. Đến năm vua Khải Định thứ 3, sắc phong cho Ngài rằng “HỘ QUỐC TÝ DÂN LẪM CHỮ LINH ỨNG DỰC BẢO CHUNG HƯNG ĐẠI VƯƠNG”.
Bản thần tích, thần sắc này còn chép lại bản sao thần tích thần sắc năm 1550 như sau:
“ Đương lúc ấy có ông Trần Tất Văn, người trang Yên Mão ( tên cũ của làng Ngũ Lão) huyện Phù Dung phủ Khoái Châu thành Thăng Long (tên cũ là Phụng Thiên) thi đỗ Bảng nhãn (Tổ của ông trước đây định cư ở trang Phan Xá thuộc bản huyện). Ngay ngày hôm đó vua ban chiếu báo tin cho dân làng, vua Lê Uy Mục ban cho ông áo mũ, xuống chiếu cho dân mang trống, lọng đón rước ông vinh quy về làng. Ông mở yến tiệc lớn bái yết trời đất thần kỳ tiên tổ, khao vọng mọi người trong trang khu, ai cũng được ăn uống. Ông ban cho dân làng 03 mẫu ruộng công, sau đó ông ra đảm đương chính sự, làm quan đến chức Giám sát ngự sử, Tả thị lang. Về sau dân làng Ngũ Lão có phong tục thuần hậu, thành một nơi thịnh vượng, con cháu được đông đúc, là nhờ công lao đóng góp của ông. Ông di mệnh cho dân làng Ngũ Lão, sau khi ông qua đời, dân làng thờ cúng mãi mãi, đời đời nối truyền, không bao giờ dứt”.
Dân làng Ngũ Lão còn cho biết, mộ của ông Trần Tất Văn hiện được đặt tại thôn, đang được bà con ở đây thờ cúng và chăm sóc chu đáo.
Theo bản thần tích này ta biết, Trần Tất Văn đã đỗ Bảng Nhãn đời nhà Hậu Lê. Nhưng các tài liệu về Đại đăng khoa thời phong kiến và các sách xuất bản sau này như cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư” do nhà xuất bản Văn hóa thông tin xuất bản năm 2004, cuốn “Các nhà khoa bảng Việt Nam”, do nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2006, hoặc cuốn “Các vị Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa…” do nhà xuất bản Văn hóa thông tin ấn hành năm 2006, thì ta biết Trần Tất Văn đỗ Trạng nguyên năm Bính Tuất (1526) chứ không phải là ông đỗ Bảng nhãn năm Giáp Tuất như cuốn Thần tích đã khai lại vào năm 1938. Nguyên nhân là chữ Hán rất nhiều nét, một chữ có nhiều nghĩa nên khi chép lại, khi dịch có thể có sai sót, điều này cho ta thấy câu “Tam sao thất bản” của người xưa áp dụng vào trường hợp này vẫn đúng.
Trong những thư tịch cổ còn lưu trữ ở các Viện nghiên cứu lớn như Viện Sử học, Viện Nghiên cứu Hán – Nôm, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Thư Viện Trung ương…và các cuốn sách Đăng khoa lục như Đại Việt đỉnh nguyên Phật lục, Thiên nam lịch triệu liệt đăng khoa bị khảo, và ba cuốn sách vừa nêu ở trên… thì Trần Tất Văn sinh ra ở xã Nguyệt Áng huyện An Lão, phủ Kinh Môn trấn Hải Dương, nay là thôn Nguyệt Áng xã Thái Sơn huyện An Lão TP Hải Phòng.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho ở một làng nho, nên ông sớm tiếp thu được nhiều kiến thức về nho học. Năm 1526, khi đã qua tuổi “Tam thập nhi lập”, Trần Tất Văn và nhiều sĩ tử khác trong trấn đã lều chõng đi thi. Sau khi lĩnh Giải Nguyên ở khoa thi Hương năm trước, ông đi thi Hội và lại ẵm giải Hội Nguyên. Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, là một trong 20 người đỗ Hội nguyên, tháng 4 năm 1526 ông được quyền tham gia thi Đình, khoa thi Bính Tuất 5 đời vua Lê Cung Hoàng. Sử cũ ghi, khoa thi này “Văn sách hỏi về các bậc thánh triết trị thiên hạ”, các ông “Trần Tất Văn, Nguyễn Văn Du và Lưu Trung Doãn ba người đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ (Trạng nguyên), bọn Lê Quang Bí 4 người đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, 13 người đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân”.
Theo thống kê của nhà sử học Ngô Đăng Lợi, “Trong số 47 trạng nguyên của nước nhà thì Trần Tất Văn là Trạng nguyên thứ 30 của các triều đại Lý – Trần – Hậu Lê và là trạng nguyên thứ 21 và cũng là trạng nguyên cuối cùng của nhà Hậu Lê”.
Sau khi đỗ Trạng nguyên, Trần Tất Văn được bổ làm quan trong Ngự sử đài của vua Lê Cung Hoàng. Đây là cơ quan chuyên can gián, đàn hặc các quan trong triều đình khi họ làm không đúng theo Luật và lệnh nhà vua. Sau khi đàn hặc, quan trong Ngự sử đài có quyền tâu thẳng lên vua những việc làm sai trái của các quan trong Lục bộ, hoặc ở các trấn, sau đó tâu biện pháp xử lý các quan này để vua quyết định. Giữ chức vụ Tả thị lang trong ngự sử đài, Trần Tất Văn là quan Tá Nhị, tức là người đứng thứ hai trong Ngự sử đài, trật Tòng tam phẩm, bổng lộc của ông một tháng là 4 quan 3 tiền 20 đồng, một năm là 52 quan, đất thế nghiệp được cấp 8 mẫu, ruộng tứ 30 mẫu, ruộng tế 20 mẫu, đó là còn chưa kể đến số người hầu hạ ông theo quy định của triều đình.
Là người “Văn hay chữ tốt”, ông rất yêu quê hương, đặc biệt yêu mảnh đất “Trần gia trang” ở Nguyệt Áng làng ông, nơi có mạch núi cao hướng ra tận biển, có dòng sông Cửu Biền uấn lượn chảy quanh, bồi đắp cho mảnh đất quê ông thêm trù phú, vì thế ông càng ra sức khuyến khích con em trong làng học tập, tạo nên vùng “Đất học”, cũng là vùng đất nổi tiếng “Địa linh nhân kiệt” của trấn Hải Dương xưa, Hải Phòng nay.
Ngày nay ở làng Nguyệt Áng xã Thái Sơn huyện An Lão TP Hải Phòng vẫn còn lưu truyền những câu văn ca ngợi ông và vùng đất hiếu học này, trong đó có:
“Một áng văn chương, dò đâu đó, nền Tể tướng, đất Trạng nguyên, làng Nguyệt Áng địa linh nhân kiệt”.
Và:
“Mấy hàng chữ, đáng là bao, của Thượng thư, nhà Án sát, đất Cổ Am, nguyên lộng phong lâu”.
Không chỉ thời làm quan cho nhà Lê mà cả sau này khi làm quan cho nhà Mạc, dẫu khó khăn gian khổ, Trần Tất Văn vẫn ra sức khuyến khích nhân dân trong trấn Hải Dương (Hưng Yên thời đó nằm trong trấn Hải Dương) ra sức học tập, rèn đức, rèn tài để phụng sự đất nước. Bởi thế, nên ngày nay không chỉ ở Nguyệt Áng mà còn ở nhiều nơi khác trên đất Hải Dương, Hưng Yên, nhân dân vẫn thờ Trần Tất Văn là Thành hoàng làng, người “Đắp móng xây nền”cho việc học của mỗi làng quê.
Các bộ sách lịch sử của Việt Nam còn ghi lại rằng, vào đầu thế kỷ 16 trong nước loạn lạc sảy ra liên miên và trầm trọng, bên ngoài giặc Minh vẫn liên tục nhòm ngó sẵn sàng xâm lăng bất cứ lúc nào, khiến quốc gia lâm nguy. PGS – TS Đinh Khắc Thuân ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã viết rằng “từ những năm nửa đầu của thế kỷ 16 đến khi sụp đổ ( 1527), ở triều đình nhà Lê đã sảy ra biết bao cuộc tranh chấp thế lực, cát cứ chống lại triều đình”của các thân vương và các quan lại trong triều. Ông tổng kết, trong 27 năm đã có tới 13 cuộc biến loạn lớn, khiến triều đình nhà Lê đứng trước nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.
Trước tình hình đất nước như vậy, Mạc Đăng Dung, với cương vị là một tổng chỉ huy quân đội, người thật sự có ảnh hưởng lớn trong triều đình, đặc biệt dưới thời vua Lê Chiêu Tông ( 1516 – 1522) buộc “phải đứng lên sử dụng quyền lực chính trị” và bạo lực để phế truất nhà Lê, lập nên nhà Mạc. Đánh giá về tài năng của Mạc Thái Tổ, nhà sử học, bác học Lê Quý Đôn đã từng viết trong cuốn Đại Việt thông sử như sau: ông “từng bình được nhiều giặc lớn, uy quyền ngày càng thịnh, mà đạo quân nhà vua thì yếu ớt, lòng người ai cũng hướng về Đăng Dung”.
Trong số những người có lòng “hướng về Đăng Dung”, có Trạng nguyên, Tả thị lang Giám sát ngự sử Trần Tất Văn của nhà Hậu Lê. Là người giỏi văn chương chữ nghĩa, ông hiểu rõ đạo làm người của người quân tử “Tôi trung không thờ hai chúa”. Nhưng những gì hàng ngày ông phải tận mắt chứng kiến sự thối nát, suy đồi của nhà Lê, nỗi thống khổ của nhân dân trong nước, và nạn giặc ngoại xâm luôn rình mò nơi cửa ải, khiến ông và nhiều quan lại của nhà Lê khác phải suy nghĩ tới câu “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”! vì thế, ông và nhiều quan lại nhà Lê đành lòng phải dứt áo với nhà Lê đi theo nhà Mạc.
Sau khi lên cầm quyền, nhà Mạc vẫn giữ nguyên quan chế của nhà Lê, thậm chí còn thăng chức tước cho những cựu thần tận trung với nhà Mạc, nên được các quan lại cũ của nhà Lê nhưng giỏi cách trị nước phò tá. Ví dụ như, ông thăng chức tước cho 56 người vốn là cựu thần Nhà Lê đã bỏ nhà Lê đi theo nhà Mạc, trong đó có Nguyễn Văn Thái, lên chức Thượng thư bộ Lễ, tước Đạo Xuyên Hầu, đứng thứ hai trong năm tước vua ban… khiến quan chức cũ của nhà Lê đem hết tâm sức của họ phục vụ triều đình nhà Mạc, nên tình hình đất nước dần dần ổn định. Các cuộc tranh giành nhau ngôi thứ, quyền bính, đất đai trong hoàng tộc dẫn đến biến, loạn trong cả nước không còn, trật tự xã hội dần ổn định.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng, nhờ nhiều chính sách cai trị đúng đắn của Mạc Thái Tông như:
“Cấm các xứ trong ngoài người ta không được cầm giáo mác và binh khí hoành hoành ở dường sá, ai trái thì cho pháp ty bắt”. Nên “Từ đấy người buôn bán và người đi đường đều đi tay không, ban đêm không có trộm cướp, trâu bò thả chăn không phải đem về, chỉ mỗi tháng điểm soát một lần…Trong khoảng vài năm, đường xá không nhặt của rơi, cổng ngoài không đóng, thường được mùa to, trong cõi tạm yên”…Điều này cho thấy chính sách của nhà Mạc đã thu phục được lòng người nên lúc đó nhà Mạc được quan lại nhà Lê cũ và nhân dân ủng hộ.
Trong suốt những năm đầu khi Mạc Thái Tổ lên ngôi, Trần Tất Văn được Mạc Thái Tổ sủng ái, giao cho nhiều việc trọng đại như việc soạn văn thư trao đổi giữa nhà Minh và nhà Mạc rồi đi sứ sang nhà Minh. Sau khi Mạc Thái Tổ nhường ngôi cho Mạc Thái Tông, Trần Tất Văn lại được thăng chức Thượng thư tước Hàn Xuyên bá, là tước thứ ba trong hàng Ngũ tước, gồm: Công – Hầu – Bá – Tử – Nam trong hàng ngũ quan lại nhà Mạc.
Sử cũ còn ghi lại rằng, sau khi Mạc Thái Tổ lên ngôi, nhà Minh nhiều lần dưới danh nghĩa phù Lê diệt Mạc mưu đồ thôn tính nước ta, đây chính là thời điểm nước sôi lửa bỏng của đất nước. Đây cũng chính là thời kỳ Trạng nguyên Trần Tất Văn có những đóng góp to lớn đối với nhà Mạc, chống lại quân xâm lược Minh.
Theo tổng hợp của PGS – TS Đinh Khắc Thuân (Viện Nghiên cứu Hán – Nôm), thì từ năm 1537 đến năm 1540, chỉ có 4 năm, nhà Minh đã có những hành động chuẩn bị cho cuộc xâm lăng nước ta như sau:
– “ Tháng giêng năm Gia Tĩnh thứ 16 ( 1537) Phó đô ngự sử Mao Bá Ôn nhận lệnh Hoàng đế nhà Minh để lo chinh phạt nhà Mạc.
– Tháng tư, Thượng thư bộ Lễ và Thượng thư bộ Binh nhà Minh bàn định để chuẩn bị cuộc viễn chinh trừng phạt nhà Mạc với 10 tội của Mạc Đăng Dung. Hồ Liên, chức Tả thị lang bộ Hình và Phó Đô ngự sử Đào Công Thiều cùng được thăng lên chức Tả thị lang bộ Hộ lo việc quân lương cho cuộc viễn chinh.
– Đầu năm Gia Tĩnh thứ 18 ( 1539) Hoàng đế nhà Minh, Thế Tông ban sắc cho Mao Bá Ôn rằng “ …nếu cha con tặc thần quả đã hối tội thì ngươi xem xét kỹ lưỡng rồi tâu gấp về triều đình, còn như vẫn ngoan cố không đổi lỗi thì phải giết không tha”.
– Tháng 7 năm Gia Tĩnh thứ 19 ( 1540) Hàm Ninh hầu Cừu Loan và Thượng thư bộ Binh Mao Bá Ôn đến Lưỡng Quảng và Vân Nam để kiểm tra việc chuẩn bị hậu cần, cùng đội ngũ quân lính dự định cho cuộc chinh phạt phương nam…kể cả chính binh lẫn kì binh, tổng cộng là 22 vạn người”.
Trước việc nhà Minh cho Mao Bá Ôn đem 22 vạn quân áp sát biên giới hòng xâm lược nước ta, để tránh cho cuộc chiến tranh thảm khốc, đẫm máu không sảy ra trên đất Việt, làm hại con dân đất Việt, Mạc Thái Tổ cùng một số quần thần “tự quấn dây lụa vào cổ, đích thân tới biên thùy cúi đầu trước mạc phủ tướng quân, dâng biểu đầu hàng”…
Viết về sự kiện này và bài biểu xin hàng do Mạc Thái Tổ đọc, nguyên Viên ngoại lang bộ Lại, Trợ giáo Thái tử nhà Lê là Trần Quý Nha đã viết trong cuốn sách “Công dư tiệp ký tục biên” của mình bài “Quốc gia an nguy hệ nhất biểu”, với nội dung như sau:
“ Bài biểu xin hàng có câu rằng:
Vị tiểu quốc bất học võ nhân, lễ nghĩa hà túc thâm trách,
Mẫn An Nam vô cô xích tử, phong nhân nhẫn sử hoành la.
nghĩa là:
Cho hạ quốc võ nhân không học, thì lễ nghĩa không đáng trách móc;
Thương An Nam là xích tử vô tội nỡ nào đem gươm giáo chém đâm.
Bá Ôn xem đến hai câu ấy, rỏ nước mắt khóc và rút quân về. Đủ biết một bài văn quan hệ đến sự an nguy của nhà nước là như thế!”.
Trần Quý Nha và các nhà nghiên cứu sau này đều cho đó là bài biểu do Trạng nguyên Trần Tất Văn soạn, họ coi đó là “Một bài biểu lui vạn binh” tránh cho đất nước một cuộc chiến tranh đẫm máu và nước mắt.
39 năm sau ngày Trần Tất Văn đỗ Trạng nguyên, con ông là Trần Tảo lại thi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Ất Sửu niên hiệu Thuần Phúc 1(1565) đời vua Mạc Mục Tông. Trần Tảo làm quan nhà Mạc đến chức Thừa Chánh sứ. Lịch sử khoa bảng Việt Nam thời phong kiến ghi nhận, cả nước chỉ có 19/47 Trạng nguyên có cha chú, anh em cùng đỗ đại khoa, trong đó chỉ có 7 gia đình có cha đỗ Trạng, con đỗ Nghè, cha con Trần Tất Văn, Trần Tảo là một trong bẩy gia đình như thế!
Sử cũ cũng ghi lại rằng, năm 1592 nhà Mạc sụp đổ, nhà Lê giành lại được quyền bính từ tay nhà Mạc. Để trả thù những người đã từng bỏ nhà Lê chạy theo nhà Mạc, nhà Lê đã truy sát và bức giết nhiều người. Năm 1593 Trần Tảo và nhiều quan lại của Mạc Mục Tông bị Tiết chế Trịnh Tùng của vua Lê Thế Tôn bắt và giết. Cả dòng họ Trần Tất Văn bị họa. Trần Gia trang và dòng họ Trần ở đây bị trả thù thảm khốc, nhà thờ, miếu mạo, sách vở, gia phả họ Trần bị đốt sạch. Trần Tất Văn mất luôn cả ngày sinh lẫn ngày mất, dòng họ Trần khoa bảng ấy ly tán, không ai biết Trần Tất Văn và con ông là Trần Tảo đã được chôn cất ở nơi đâu?
Lúc sống Trần Tất Văn không được ghi danh trên bia đá ở Văn Miếu Quốc Tử Giám là một thiệt thòi, nhưng nguyên nhân là do đất nước loạn lạc không khắc được bia! Lúc chết Trần Tất Văn và dòng họ bị tàn sát, đó là do sự trả thù dã man của chúa Trịnh Tùng và vua Lê Thế Tôn của thời Hậu Lê, vì ông dám bỏ nhà Lê theo nhà Mạc! Ông mất đi, dòng họ ông tan nát, nhưng với công lao “Mở mang phong tục và khai hóa văn phong con cháu hưng thịnh” và đặc biệt với “Một bài biểu lui vạn binh” của ông tránh được họa xâm lăng lần thứ hai của nhà Minh vào đất Việt, đã đưa tên tuổi ông vào hàng “Danh nhân đất Việt” còn mãi lưu truyền trong sử sách, trong lòng dân đất Việt, trong lòng dân thôn Ngũ Lão xã Quang Hưng huyện Phủ Cừ tỉnh Hưng Yên.,.
Hà Nội 30/8/2014
Tài liệu tham khảo chính:
- Thần tích – Thần sắc làng Ngũ Lão ( Viện KHXHVN).
- Đại Việt sử ký toàn thư.
- Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn.
- Lịch triều Hiến chương loại chí tập I của Phan Huy Chú.
- Khâm định Việt sử thông giám cương mục.
- Các nhà khoa bảng Việt Nam.
- Các vị Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa qua các triều đại phong kiến của Trần Hồng Đức ( Hội KHLSVN).
- Tiến sĩ Nho học Hải Dương.
- Công dư tiệp ký tục biên của Trần Quý Nha.
- Góp phần nghiên cứu lịch sử triều Mạc ở Việt Nam của PGS – TS Đinh Khắc Thuân ( Viện Nghiên cứu Hán Nôm).
- Nhà Mạc và Họ Mạc của GS TSKH Phan Đăng Nhật.
- Từ điển chức quan Việt Nam của PGS – TS Đỗ Văn Ninh.
- Trạng nguyên Trần Tất Văn: Niềm tự hào của nhân dân An Lão (Báo Hải Phòng).
- Trạng nguyên Trần Tất Văn của Trần Phương.
- Bản dịch“ Thần tích, thần sắc” làng Ngũ Lão của TS Nguyễn Hữu Mùi.
- Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam tập I – NXB Thế giới.
Nguồn: homacvietnam.vn
Viết bình luận