B.Vấn đề địa danh
Để tiếp tục nghiên cứu hệ thống đơn vị hành chính nhà Mạc, chúng tôi mong muốn khôi phục lại một bản đồ địa lý với các địa danh mà bản thân chúng vốn dĩ luôn luôn bị biến động trong lịch sử, đặc biệt là vào thế kỷ XVI.
1.Về tên nước
Ở thời Mạc, tên nước có các cách gọi khác nhau, như tên gọi dùng trong bang giao, trong quốc nội và trong dân gian.
- Tên gọi trong bang giao
Thông thường, mỗi triều đại phong kiến Việt Nam đều chọn cho họ một tên nước riêng. Tên gọi đó thường là biểu tượng cho ý chí của mỗi thời đại trong bang giao với các nước lân cận. Thời Lý, Trần, Lê, tên nước được gọi là Đại Việt – biểu tượng cho độc lập, tự chủ của Hoàng đế nước Việt đối diện với các Hoàng đế Trung Hoa hùng mạnh ở các thời kỳ Đại Hán, Đại Tống. Trái lại, trong các thời kì phụ thuộc phương Bắc, tên nước cũng phải lệ thuộc, như trong thời Bắc thuộc, nước ta được gọi là An Nam và xem như là một quận huyện của nhà Hán. Ở thế kỷ XVI, sau khi ép Mạc Đăng Dung đầu hàng, vua Minh phong cho Mạc Đăng Dung chức An Nam Đô thống sứ, có nghĩa là Việt Nam được gọi là An Nam và được xem như là một sứ ty (tương đương một tỉnh sau này) của nhà Minh. Như vậy, An Nam là tên gọi chính thức mà nhà Mạc về nguyên tắc, phải sử dụng trong quan hệ với nhà Minh. Điều đó từng gặp trong một số văn bản bang giao giữa hai vương triều này trong những năm trước và sau sự kiện đầu hàng của nhà Mạc năm 1540.
- Tên gọi trong quốc nội và trong dân gian
Tên gọi trong bang giao chỉ sử dụng khi quan hệ với nhà Minh, còn trong nước, trong triều đình thì sử dụng tên gọi khác. Tuy nhiên, tên gọi thường được dùng ở thời Lý Trần là Đại Việt thì ít được dùng, thay vào đó là tên gọi Hoàng Việt. Điều này cũng gặp ở thời Lê Trịnh như Hoàng Việt hay Hoàng Lê, để tỏ ý khiêm nhường, mềm dẻo trong quan hệ với các triều đại phương Bắc. Dưới thời Mạc, ngoài cách gọi trên, còn có một số cách gọi khác trong dân gian, là “ Việt Nam”. Có thể nêu vài ví dụ được ghi trong văn bia ở thời kì này.
Văn bia chùa Bảo Lâm ( Kinh Môn, Hải Dương) khắc năm 1558có câu : “Việt Nam đại danh lam bất tri kì kỉ” (Đại danh lam ở Việt Nam không biết bao nhiêu mà kể). Văn bia chùa Cam Lộ (Phú Xuyên, Hà Nội) khắc năm 1590 cũng ghi rằng “Thử danh lam chân Việt Nam chi đệ nhất dã” (Ngôi chùa này quả là bậc nhất của Việt Nam vậy).
Tác giả của bài văn bia thứ nhất là vị họ Ngô, chức Đông các Hiệu thư, tức là một chức thư kí ở tòa Đông các, có thể xem như một văn phòng giúp việc giấy tờ cho vua. Còn ở văn bia thứ hai tác giả là Dương Chuân, Quốc tử sinh ở Quốc tử giám, một trường quốc học dựng ở Kinh đô. Cũng trong văn bia thứ hai này, có khá nhiều tên người công đức thuộc các xã trong cả huyện Phú Xuyên và vùng phụ cận của phủ Thường Tín lúc bấy giờ. Trong số những người công đức đó có vị Thượng tướng quân họ Phan. Những người này đương nhiên đều đọc văn bia này và đồng thuận với cách gọi này, nên mới cho khắc bia lưu truyền như vậy. Có thể nói rằng tên gọi Việt Nam đã được sử dụng khá phổ biến trong dân gian và trogn cả một số trí thức ở Kinh đô dưới thời Mạc.
Thêm nữa trong một số bài thơ chữ Hán, chữ Nôm của Nguyễn Bỉnh Khiêm, một trí thức danh tiếng nhất dưới thời Mạc, cũng đã xuất hiện tên gọi Việt Nam. Chẳng hạn trong một bài thơ chữ Hán, Nguyễn Bỉnh Khiêm viết: “Tiền trình viễn đại quân tu kí , Thùy thị phương danh trọng Việt Nam” (Chặng đường phía trước rất xa xôi, xin ngài ghi nhớ, còn có ai đây có tiếng thơm ở Việt Nam), hoặc một câu trong bài thơ khác: “Thọ tinh cộng ngưỡng quang mang tại, Tiền hậu quang huy chiếu Việt Nam” (Sao Thọ cùng tỏa sáng mênh mang, trước sau rạng rỡ sáng ngời Việt Nam), và một câu thơ Nôm là “Việt Nam khởi tổ xây nền”. Bài thơ thứ nhất viết để tặng một người bạn là Nguyễn Thiến khi nhận lệnh viễn du năm 1535, bài thơ thứ hai tặng Thượng thư Lại Khê Bá (Giáp Hải), khi tác giả là quan đương nhiệm, còn bài thứ ba viết lúc ông đang nghỉ hưu ở quê.
Như vậy, danh xưng Việt Nam dùng để gọi cho tên nước đã xuất hiện khá phổ biến dưới thời nhà Mạc trong tầng lớp tri thức, quan chức và dân thôn mà rất có thể được khởi nguồn từ Nguyễn Bỉnh Khiêm, một vị đại trí thức ở thời kì này, bởi như trình bầy ở trên, tên gọi này xuất hiện lần đầu tiên trong các tác phẩm thơ văn của ông. Có lẽ đây là cách gọi dân gian thuần túy biểu trưng ý nghĩa địa dư hơn là chính trị. Đó là một thực tế hiển nhiên dưới thời nhà Mạc, có thể họ đã tránh dùng danh xưng Đại Việt như các triều đại Lí, Trần, Lê, bởi họ không thể có thế mạnh uy quyền như các triều đại này trong quan hệ bang giao với phương Bắc và uy danh với phương Nam, trái lại cũng không muốn sử dụng danh xưng An Nam mà phương Bắc đặt định để chỉ một vùng đất phụ thuộc. Chính danh xưng Việt Nam này được duy trì trong dân gian suốt mấy thế kỉ sau đó, cho đến khi chính thức thành quốc hiệu nước ta vào năm 1804 và được sử dụng trở lại là quốc hiệu nước Việt Nam dân chủ cộng hòa từ năm 1945.
2- Về địa danh hành chính
Đến nay nững hiểu biết về địa danh hành chính dưới thời Mạc còn rất hạn chế. Hệ thống hành chính thời kì này gồm 4 cấp như đã trình bày ở trên là đạo – phủ - huyện hoặc châu (tổng) và xã, cụ thể bao gồm cả thảy 13 đạo thừa tuyên với 53 phủ, 180 huyện và 50 châu, tương tự hệ thống hành chính thời Lê Sơ: 13 lộ với 53 phủ, 181 huyện và 49 châu. Đơn vị hành chính thời Mạc này có thể được khôi phục lại trên bản đồ hành chính thời Mạc. Số liệu trên có được nhờ nguồn tư liệu văn bia và một số tài liệu Lịch sử Việt Nam và Trung Quốc.
Nhìn chung, số lượng đơn vị hành chính thời Mạc tương tự thời Lê sau cải cách hành chính năm 1471 của Lê Thánh Tông. Tuy nhiên, có một vài sự thay đổi như số huyện ở thời Mạc giảm đi, trái lại số châu lại tăng lên, cùng một số thay đổi về địa danh như Phù Dung thành Phù Hoa, Thất Nguyên thành Thất Tuyền.
Thêm nữa, để tăng cường quyền lực, nhà Mạc muốn xây dựng một hậu cứ vững chắc mà trung tâm là Dương Kinh, nên đã cho các vùng phụ cận lệ vào Dương Kinh. Hồng Đức bản đồ ghi rằng: “ Nhà Mạc lấy Nghi Dương làm Dương Kinh, trích phủ Thuận An ở Kinh Bắc, các phủ Khoái Châu, Tân Hưng, Kiến Xương, Thái Bình ở Sơn Nam đặt thuộc Dương Kinh”. Sự thay đổi này đã mở rộng Dương Kinh thành một vùng rộng lớn, trung tâm nhà Mạc. Trái lại, để dễ bề cai quản vùng Thanh Hoa, đất phát tích của nhà Lê, nhà Mạc đã chia xứ này thành hai phần như ghi chép của Lê Quý Đôn: “ Đăng Doanh chia xứ Thanh Hoa làm đôi, giao 7 huyện Thụy Nguyên, Yên Định, Vĩnh Phúc, Đông Sơn, Thạch Thành, Cẩm Thủy và Quảng Bình cho Phi Thừa quản thống, cùng với Trung Hậu hầu khống chế lẫn nhau…”. Đây là cách thức chia nhỏ đất Thanh Hoa để dễ cai quản. Tuy nhiên, về sự kiện này, Cương mục lại ghi: “ Nhà Mạc tách hai phủ Tường An và Thiên Quan của trấn Sơn Nam để lập Thanh Hoa ngoại trấn”.
Thực tế, Thanh Hoa là đất phát tích của nhà Lê, chưa từng quy thuận theo nhà Mạc, nên càng không thể được cắt thêm đất của xứ Sơn Nam cho lệ vào dưới thời Mạc được. Hai phủ Trường Yên và Thiên Quan vẫn thuộc đạo Sơn Nam như Lê Quý Đôn đã viết: “ Tháng 4 ( năm 1569), Thái sư bị bệnh vẫn gắng gượng xuất quân đánh xứ Sơn Nam, phá các huyện Yên Mô, Yên Khang, Gia Viễn và Phụng Hóa, thu thóc các nơi này rồi dẫn quân về”. Đạo Thanh Hoa thời Mạc vẫn tương tự lộ Thanh Hoa thời Lê Sơ, tuy ban đầu chỉ chia nhỏ để giao cho quan quân dễ bề cai quản, chứ không phải chia tách đơn vị hành chính, còn địa danh Thanh Hoa ngoại trấn mà Cương mục đã lầm ghi là thuộc thời Tây Sơn chứ không phải thuộc thời Mạc.
Viết bình luận