Chính sách dùng người của nhà Mạc

Chính sách dùng người của nhà Mạc

Tất cả các sử gia trước nay, kể cả những sử gia thời Lê - Trịnh - kẻ thù trực tiếp của nhà Mạc  - đều phải thừa nhận thời kỳ thịnh trị của vương triều này khi các vua của Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông điều hành công việc quốc gia. Dư âm thời thịnh trị này đã khiến một vị họ gần nhà chúa là Trịnh Du bị cách tuột chức tước vào năm 1701 vì ông ta dám chê bai chính sự đương thời, lại ca ngợi chính sự nhà "ngụy Mạc" (Lê triều tạp kỉ, trang 164). Còn quan Tế tửu trường Quốc Tử Giám (tức hiệu trưởng Đại học Quốc gia) triều Nguyễn cho biết "... cái đức chính của đời Minh Đức (1527 - 1530), Đại Chính (1530 - 1540) nhà Mạc vẫn còn cố kết ở lòng người chưa quên. Vậy nên vận thời đã về nhà Lê mà lòng người hướng theo nhà Mạc vẫn chưa hết..." (Vũ trung tuỳ bút, trang 157). Năm 1897 Mạc Đình Phúc và Kỳ Đồng khởi xướng phong trào Bình Tây diệt Nguyễn khôi phục Mạc triều thì nhân dân nhiều nơi đã nô nức hưởng ứng khiến bọn đô hộ phát hoảng.

Sự thực lịch sử trên ai cũng đã rõ vì đã được các tín sử lẫn dã sử nước ta thừa nhận. Nhưng vấn đề là ở chỗ làm thế nào mà các vua đầu đời Mạc lại chuyển thời cuộc từ loạn lạc sang thái bình thịnh trị, biện pháp chắc có nhiều, nhưng tình hình sử liệu hiện nay rất thiếu thốn. Bộ sách Mạc triều cố sự mà tác giả Lịch triều hiến chương loại chí khen là chép 6 thuộc (bộ) triều Mạc kỹ lưỡng thì khó có khả năng tìm lại.

Tuy nhiên những bộ chính sử như Đại Việt sử ký tục biên, Lê triều thông sử... vẫn còn có thể giúp các nhà sử học tìm được manh mối để lý giải vấn đề.

Ai cũng biết rằng khi đã có đường lối chủ trương chính sách rồi thì khâu quyết định là cán bộ, trong luận văn này, chúng tôi xin đề cập đến vấn đề chính sách của nhà Mạc nói khác đi tức là chính sách cán bộ của vương triều ấy, nổi bật ở mấy điểm sau:

I. Mạnh dạn sử dụng cán bộ của triều đại cũ

Thường các cuộc đảo chính hay làm cách mạng lật đổ chế độ cũ thì không thể nào chuẩn bị đủ số cán bộ, nhất là cán bộ các ngành chuyên môn. Mà trong việc quản lý quốc gia, quản lý xã hội cái chính quyền thường trực (gouvernement permanent) ấy mới là quan trọng, không có nó hay nó làm không tốt sẽ gây ra rối loạn xã hội ngay.

Nhà Mạc đã làm tốt việc này. Cứ nhìn vào số lượng quan lại của nhà Lê ủng hộ nhà Mạc đoạt ngôi tham gia củng cố Vương triều Mạc buổi ban đầu thì thấy đủ cả quan văn, quan võ, quan trong, quan ngoài gồm các quan thượng thư, quan coi toà Đông các, Viện hàn lâm, đài ngự sử, quan khoa đạo. Võ thì có vị có chân trong Ngũ phủ đô đốc, đô lĩnh các trấn. Thậm chí có cả các quan hầu cận vua Lê. Riêng số môn đồ cửa Khổng sân Trình thì đủ cả tiến sĩ các giáp; thống kê chưa đầy đủ đã có đến 4 trạng nguyên (Nguyễn Giản Thanh, Hoàng Văn Tán, Ngô Miễn Thiệu, Trần Tất Văn) được vua Lê ban ơn lấy đỗ ra phục vụ tân triều. Có phải những người giúp Mạc lúc đó đều ham bổng lộc, chức tước như sử gia Đặng Bính phán? Làm thế nào để cựu thần nhà Lê vượt được mặc cảm tôi trung không thờ hai vua đến với nhà Mạc.

Lời giải đáp có thể tìm ở chiếu nhường ngôi của Lê Cung Hoàng "... Ta bạc đức nối ngôi, không thể gánh nổi. Mệnh trời và lòng người hướng về người có đức. Nay thái sư An Hưng Vương Mạc Đăng Dung là người tư chất thông minh, đủ tài văn võ, bên ngoài đánh dẹp, bốn phương đều phục bên trong trị nước, trăm họ yên vui, công đức rất lớn lao, trời người đều quy phục...".

Như vậy, tài đức công lao của Mạc Dăng Dung đã cảm hoá số sĩ phu quan lại cũ. Bản thân ông cũng hiểu biết tin tưởng họ, dám sử dụng chính sách có đãi ngộ thoả đáng. Sự thực này chính sử đã ghi chép khá rõ.

II. Đẩy mạnh đào tạo cán bộ mới

Đi đôi với chủ trương tin dùng chuyên gia cũ, triều Mạc rất coi trọng việc đào tạo cán bộ mới. Hơn 60 năm tồn tại, vương triều Mạc liên tục đều đặn mở khoa thi tiến sĩ. Gặp lúc cơ nghiệp khuynh nguy, nhưng đến kỳ thi vẫn không bỏ. Thậm chí năm Nhâm Thìn (1592) quân Trịnh đánh phá dữ dội kinh đô, triều đình Mạc Mậu Hợp phải chạy sang tả ngạn sông Cái, nhưng đến kỳ thi Hội nhà Mạc vẫn mở ở bến Bồ Đề Gia Lâm lấy đỗ 18 tiến sĩ. Hơn 60 năm làm vua, nhà Mạc đã mở 21 khoa thi Hội lấy đỗ 460 tiến sĩ các loại và 10/47 trạng nguyên của 800 năm thi cử Hán học của nước ta. Các khoa thi của triều Mạc số thí sinh dự thi rất đông. Khoa đầu tiên mở năm Minh Đức thứ 3 (1529) đã có hơn 4000 thí sinh trong đó nhiều người là con cháu các quan lại nhà Lê.

Việc tổ chức thi cử nghiêm minh, tuyển chọn nhiều nhân tài như các Trạng nguyên Nguyễn Sảnh (tức Thiến), Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giáp Hải, Phạm Trần, Phạm Duy Quyết... lại còn lấy đỗ cả một tiến sĩ gái Trần Thị Duệ (Nguyễn Thị Duệ). Bà là tiến sĩ gái Hán học duy nhất của nước ta. Nếu so sánh với Nam triều lúc ấy thì chính quyền Lê Trịnh mãi đến năm 1554 mới mở lại khoa thi Hội. Từ 1554 đến 1592 chỉ mở được 7 khoa thi, lấy đỗ 5 người. Văn bia ghi tên tiến sĩ khoa Minh Đức thứ 3 (1529) cho biết nhà Mạc còn ban ân điển rộng hơn đối với các tiến sĩ mới đỗ. Do đó cái dư âm Mạc Thị Sùng Nho - nhà Mạc sùng đạo Nho, trọng nho sĩ - kéo dài mãi về sau. Đến thế kỷ 19, tác giả cuốn Giáp Tý niên biểu còn trân trọng nhắc đến.

III. Tin tưởng, dám nghe lời nói thẳng không thành kiến hẹp hòi có thể coi là phương châm sử dụng cán bộ của nhà Mạc.

Khi sử dụng hiền tài, nhà Mạc thường chỉ căn cứ vào tài đức cho nên nhiều thân vương nhà Mạc như Phục Sơn, Nhân Phủ, Quang Khải, Nhân Quảng, Đại Độ con trai Mạc Đăng Dung Lí Tường, Lí Hoà Hiệp Cung con Mạc Đăng Doanh đều chỉ được phong tước, chứ không giao chức vụ quan trọng. Còn ở ấp thang mộc của nhà Mạc cũng chỉ thấy có một mình Bùi Văn Tảo đỗ đồng tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1538) làm đến chức Tả Thị lang mà thôi. Nhưng khoa thi đầu tiên của nhà Mạc năm Minh Đức thứ 3 (1527) đã lấy Đỗ Tông người Lại ốc Văn Giang đỗ Trạng Nguyên, khoa Ất Mùi (1535) lại lấy em Đỗ Tông là Đỗ Tấn đỗ đồng tiến sĩ.

Hai anh em đều được trọng dụng, Đỗ Tông làm đến chức Thị Lang, Đỗ Tấn làm đến chức Thượng thư tước Quận công. Đỗ Tông và Đỗ Tấn là con Đỗ Nhạc, người bị Mạc Đăng Dung giết năm 1518 vì cản trở việc quân. 1551 Thái Tể Lê Bá Ly cùng Đô ngự Sử Nguyễn Sảnh (tức Thiến) Thái Uý Nguyễn Khải Khang vì cha con Phạm Quỳnh lộng hành đã đem 17 ngàn quân cùng nhiều dũng tướng về hàng Lê Trịnh. Cha con Lê Bá Ly cùng Nguyễn Khải Khang lại dẫn quân Lê Trịnh đánh phá Thăng Long gây nhiều tổn thất lớn cho nhà Mạc. Do có nhiều công chống lại chủ cũ nên Lê Bá Ly được ban chức tước đến cực phẩm. Năm 1557 chết được tặng tước Nghĩa Huân Công và được ban tên huý Trung Hiệu nhưng con Lê Bá Ly và Lê Khắc Thận làm quan với Lê Trịnh đến chức Thái Phó, lại vượt luỹ ra hàng với nhà Mạc vào mùa thu năm 1572, Lê Khắc Thận vẫn được nhà Mạc trọng dụng.

Các tướng tài lúc ấy như anh em Nguyễn Quyện, Nguyễn Miễn con Nguyễn Sảnh (tức Thiến) tháng 6 năm 1558 đã trở lại với nhà Mạc, được nhà Mạc cho phục hồi chức tước cũ, lại sai cầm quân chống Lê Trịnh. Hai anh em đều được nhà Mạc tin dùng, hậu đãi. Nguyễn Miễn được lấy con gái tôn thất, con gái Nguyễn Quyện được tuyển làm chính cung của vua Mạc Mậu Hợp. Cả hai anh em đều hết lòng phục vụ nhà Mạc. Thông thường trong công tác cán bộ, người ta rất cảnh giác với số "cừu gia đệ tử". Thế nhưng nhà Mạc đã đối xử khác và phải thừa nhận họ thành công, ở đây chỉ nêu những việc tiêu biểu. Một đặc điểm nữa trong cách dùng người của nhà Mạc cũng rất đáng chú ý. Đó là dám nghe lời nói thẳng. Lê Quí Đôn trong Lê triều thông sử ghi lại khá nhiều bài sớ can gián các vua Mạc với lời lẽ khá gay gắt, phê phán cả vua, triều đình, thân vương, phụ chính đến Tể tướng.

Tháng 6 năm Tân Hợi (1551) bọn Nguyễn Quí Liên, Nguyễn Ngạn Hoàng dâng sớ lên vua Mạc Phúc Nguyên nói "... Quốc gia phải có kỷ cương. Kỷ cương có nghiêm thì thiên hạ mới định... Gần đây, gặp lúc quốc gia có biến, tướng ngạo, binh kiêu không tuân hiệu lệnh triều đình hờ hững không chịu hỏi tra..." Vua Mạc thấy đúng, sai sao tờ sớ này gửi các cơ quan liên quan và kèm theo hiệu lệnh phải thi hành.

Cuối năm 1557, Thượng Thư Giáp Trừng dâng sớ mới: "... Hiện nay chính sự càng suy đồi... Những kẻ cận thần ở bên cạnh vua chỉ toàn nịnh nót, bày sự chơi bời, mong thoả chí vua... Vậy kính mong bệ hạ tự răn mình, thay đổi hết chính sách thối nát...".

Năm 1581 các quan đứng đầu 6 khoa cùng kí tên dâng sớ nói: "Hiện nay thời sự gian nguy có những điểm đáng lo: Kỷ cương rối loạn, chính sự hờ hững, hình ngục oan uổng, pháp lệnh sai lầm, tướng chưa hoà hợp, binh chưa chỉnh tề... Tình thế thật là nguy ngập... Nhưng khốn nỗi vua tôi trên dưới cứ vui chơi ngạo nghễ, vẫn hơn hớn tự cho là thái bình vô sự...". Kế đó họ vạch sai lầm từ quan phụ chính ứng vương Mạc Đôn Nhượng và các quan lớn đứng đầu triều, đứng đầu các bộ với lời lẽ thật thẳng thắn, gay gắt.

Chúng ta còn được đọc những sớ tấu có lời lẽ, thái độ tương tự của Lại Mẫn, Đặng Vô Cạnh, của Nguyễn Năng Nhuận, của Trần Văn Tuyên....

Vua Mậu Hợp đều tiếp thu, cho là những người can ngăn thiết đáng, khen người dâng sớ. Mặc dù nhiều khi nhà vua không làm theo được. Đọc những lời trung thực nhưng rất trái tai trên phải thấy một không khí tin cẩn giữa vua tôi nhà Mạc. Dưới chế độ phong kiến, quả hiếm có không khí ấy. Sử cũ nước ta, những nhân vật lỗi lạc như Hồ Quý Ly, Lê Thánh Tông cũng không vượt qua nổi tình thường thế gian.

Điều đáng tiếc là các vua cuối nhà Mạc và Phụ chính Ứng vương Mạc Đôn Nhượng tuy biết lắng nghe lời can, nhưng mà trẻ tuổi ham chơi, quan phụ chính ứng vương thì tài thường nên không chấn chỉnh được kỷ cương, đến nỗi cơ nghiệp nhà Mạc bị đổ.

Bất cứ việc lớn, việc nhỏ, công tác cán bộ đều giữ vai trò quyết định. Dân ta đã đúc kết "thần thiêng tại bộ hạ". Và tuy thời đại đã quá xa nhưng chúng ta phải thừa nhận lời Án Tử can vua Tề là chuẩn xác: "...Nước có người hiền tài mà  không biết. Biết mà không dùng; dùng mà không tin đều là điểm đại bất tường".

Nhìn lại hơn 60 năm tồn tại của nhà Mạc, nửa đầu do biết dùng người mà thịnh trị, nửa sau do không biết dùng người mà loạn lạc dẫn đến thân chết, nước mất về tay người khác.

Tác giả: Ngô Đăng Lợi

 


 

Viết bình luận