Cổ Trai xuất đế hay Đăng Dung – Mạc Gia nhân kiệt
Tác giả: TS Hoàng Lê
1. Sự sụp đổ tất yếu của triều Lê, hay là một thời đại bạo loạn
Nếu như vào đầu thế kỷ XV, chế độ phong kiến tập quyền nhà Lê phát triển đến giai đoạn thịnh đạt nhất, thì sang đầu thế kỷ XVI lại là giai đoạn suy thoái không tài nào cứu vãn nổi. Dĩ nhiên là có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn là mâu thuẫn giai cấp sâu sắc, là thiết chế và chế độ quân chủ tập trung đã đạt tới mức chuyên chế, độc đoán và khủng hoảng này càng trầm trọng. Vì vậy triều Lê đã rút khỏi vũ đài chính trị một cách tàn tạ và một vương triều mới, lên thay thế là quy luật tất yếu, là phù hợp khách quan lịch sử, là một điều tiến bộ.
Tầng lớp thống trị nhà Lê lúc này sống cực kỳ xa hoa truỵ lạc, nay xây cung điện, mai dựng lâu đài hàng trăm nóc, hao tài tốn của, hại sức dân. Vua Uy Mục vừa lên ngôi (1505-1509) đã giết bà nội là Thái Hoàng Thái Hậu và 2 quan đại thần là Đàm Văn Lễ, Nguyễn Quang Bật vì những người này không chịu lập mình làm vua. Tàn ác đến như vậy mà lại còn đắm say tửu sắc… Vua Tương Dực tự lập làm vua (1510-156) cũng lại giết vua Uy Mục và hoàng hậu Trần Thị, và rồi cũng miệt mài trong những cuộc truy hoan xa xỉ. Nhân dân gọi mỉa mai đó là Vua Quỷ, Vua Lợn. Tiếp đến Trịnh Duy Sản giết vua Tương Dực, lập Mục Ý Vương mới 8 tuổi lên làm vua được 3 ngày thì Quang Trị bị Trịnh Duy Đại là anh của Trịnh Duy Sản bắt vào Tây đô (Thanh Hoá) rồi mấy ngày sau bị giết. Bọn Trịnh Duy Sản lập Cẩm Giang Vương tên là Ý, tức vua Chiêu Tông (1516-1522). Vua mới còn non trẻ chưa quyết đoán được việc nước. Triều thần cậy công lao, mỗi người đóng quân một nơi chống cự nhau, vua bất lực. Vua không ra vua, quan lại thì tham nhũng, chiếm đoạt ruộng đất của dân, tô cao thuế nặng, lao dịch đè nặng, trong khi nạn lụt, mất mùa, đói kém xảy ra năm liền năm. Đời sống nhân dân ngày càng tối tắm cơ cực. Lương Đắc Bằng đã có hịch kể tội như sau: “Tước đã hết, mà lạm thưởng không hết. Dân đã cùng, mà lạm thu không cùng. Thu thuế đến tơ tóc, mà dùng của như bùn đất. Bạo ngược như Tần Chính, đãi công thần như chó ngựa, coi dân chúng như cỏ rác…”
Đó cũng là lý do mà các cuộc bạo động của nông dân đã nổ ra từ năm 1511 đến năm 1522 trên một địa bàn rộng lớn: Hưng Hoá và Sơn Tây (Hà Tây, Vĩnh Phú) nghĩa quân của Trần Tuân đông hàng vạn người đã từng uy hiếp kinh thành Thăng Long. Nghệ An có Lê Hy, Trịnh Hưng, Lê Minh Triệt tấn công ra Thanh Hoá. Thanh Hoá có Đặng Hân, Lê Cật. Vĩnh Phú có Trần Công Ninh – Đông Triều (Quảng Ninh ) có Trần Cao, 3 lần tiến công Thăng Long, khiến vua quan nhà Lê phải bỏ kinh thành chạy vào Thanh Hoá. Nguyễn Hoằng Dụ và Trịnh Tuy cậy công dẹp được Trần Cảo sinh ra mâu thuẫn, Trần Chân bênh Trịnh Tuy, vua ngờ Trần Chân mưu phản loạn, sai đóng cửa thành bắt giết đi, Hoàng Duy Nhạc, Nguyễn Kính, Nguyễn Áng, là tướng của Trần Chân nghe tin đem quân về đánh kinh thành. Vua phải lánh mình sang Gia Lâm rồi sai người vào Thanh Hoá vời Nguyễn Hoằng Dụ ba lần không được… Triều đình ruỗng nát, có nguy cơ đứng trên bờ vực thẳm của sự diệt vong. Trong bối cảnh xã hội như vậy ai là người đứng ra gánh chịu giải quyết đây?
2. Mạc Đăng Dung bước lên vũ đài chính trị.
Xuất thân trong một gia đình nghèo, sinh sống bằng nghề đánh cá và lái đò ngang ở vùng đất Cổ Trai, huyện Nghi Dương (nay là xã Ngũ Đoan, Kiến Thuỵ, Hải Phòng). Vốn xưa cũng là một thế gia vọng tộc ở Lũng Động, Chí Linh thời Lý – Trần. Mạc Đăng Dung là cháu 7 đời của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, cháu 16 đời của Trạng nguyên Mạc Hiển Tích. Vì ông cha sa sút đã di cư về đất Cổ Trai. Mạc Đăng Dung vóc người to lớn mặt vuông, mắt tròn, tục truyền ông có một ẩn tướng ở vai là xương liền thẳng… Có một lần bà Nhữ Thị Thục, con gái quan Thượng Thư Nhữ Văn Lan, vợ ông Văn Định, mẹ của Trạng Nguyễn Bỉnh Khiêm, gặp Mạc Đăng Dung tại bến đò. Bà vốn là một bậc nữ lưu phong vận, tài hoa vào bậc nhất ở chốn kinh kỳ lại có tài tiên đoán thời thế, tinh thông thuật số…nhìn thấy tướng mạo Mạc Đăng Dung bà biết người này sau sẽ là bậc đế vương và bà thở dài tiếc cho mình không sớm gặp thì đã có chồng rồi không lẽ…
Mạc Đăng Dung lúc thiếu thời có theo nghiệp văn, nhưng vì nhà bần bách, phải bỏ để làm nghề đánh cá sinh nhai. Ông học võ rất giỏi, lai sở trường môn vật và múa đao, có sức khoẻ hơn người. Đến khoa thi võ. Ông dự thi đỗ Đô lực sĩ (tức Trạng nguyên về võ, mà sau này thường gọi là Tạo sĩ), từ đó mà được sung vào đội quân Túc vệ, giữ việc cầm dù đi theo xe vua. Từ một chức quan cấp thấp do có tài trí, mưu lược mà năm 1508 được phong Đô chỉ huy sứ Vệ Thần vũ (như Tổng Tham mưu) rồi thăng Đề đốc, thống lĩnh các doanh thuỷ quân và bộ binh (1518), Trấn thủ xứ Hải Dương. Do đánh bắt được Lê Do, chiêu dụ hàng được Nguyễn Kính, Hoàng Duy Nhạc nên được tấn phong Minh Quận Công (1519). Năm sau được làm Tiết chế các doanh thủ lục quân 13 đạo. Nếu Đăng Dung không có thực tài dễ đâu được cất nhắc nhanh chóng như vậy và giải quyết được các xung đột phe phái cũng như mâu thuẫn giữa nông dân và triều đình buổi ấy. Năm 1521 được phong An Hưng Vương, nhà vua tặng một bài thơ ví Đăng Dung như Chu Công. Nội dung như sau:
Giúp vua nhà Chu thực tự trời
Chăm lo công việc dụng hiền tài
Gièm pha mặc kẻ bầy mưu kế
Trung Hiếu bền lòng chẳng chút sai
Lễ đủ Nhạc hoà ngày thịnh trị
Chính hay Hình ít buổi bình thời
Tiếng hay Đức tốt nghìn thu rạng
Đạo hạnh người xưa hãy cố noi.
Quyền bính trong tay ông rất lớn. Vua Chiêu Tông bắt đầu sợ và vua đã ngầm mưu với nội gián để hại Mạc Đăng Dung. Nửa đêm vua bỏ kinh thành chạy về Sơn Tây, Mạc Đăng Dung không hề hay biết gì. Triều thần bàn: “Nước một ngày không thể không có vua”, đi đón vua không về, còn cho quân chống lại. Buộc lòng triều thần, trong đó có Mạc Đăng Dung phải lập hoàng đệ Xuân lên làm vua tức vua Cung Hoàng. Nếu Mạc Đăng Dung có ý thoán đoạt thì bấy giờ làm dễ như trở bàn tay hà tất phải lập ai. TS Trần Thị Vinh đã nhận xét: “Sự kiện Mạc Đăng Dung phế bỏ triều Lê- một triều đại mà Mạc Đăng Dung từng gửi gắm ¾ quãng đời, để lập ra triều đại mới của dòng họ Mạc, không phải là một điều sỉ nhục như nhiều Sử thần thời phong kiến đã gán cho Mạc Đăng Dung. Đã đến lúc Mạc Đăng Dung và triều đại Mạc phải được trả về vừa tầm với vị trí của mình… Chúng tôi nhìn nhận một cách tương đối có cơ sở về những đóng góp của Vương triều Mạc trong tiến trình lịch sử nói chung, nếu coi Mạc Đăng Dung là “nguỵ triều” tức là phủ nhận những đóng góp chung của nhà Mạc trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, giáo dục và nghệ thuật” (Vương triều Mạc, Nxb KHXH, HN 1996). GS Văn Tạo trong dịp kỷ niệm 650 năm năm mất của Danh nhân Mạc Đĩnh Chi tổ chức tại Trung tâm Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội ngày 26/03/1996 trong bài phát biểu đã khằng định: “Nhà Mạc không phải là nguỵ triều”, Chân lý khách quan đó không phải cho đến nay các nhà nghiên cứu khoa học mới nhận ra. Theo tôi biết, từ năm 1952 ông Lê Văn Hoè đã từng nêu trong “Những vấn đề lịch sử”, khi ông phản bác Trần Trọng Kim, tác giả Việt Nam sử lược. Ông cho rằng: khuyết điểm lớn nhất của cuốn Việt Nam sử lược là đã nặng lời biếm nhục Mạc Đăng Dung, vua Thái Tổ nhà Mạc… Sự thật khác hẳn. Chúng tôi xin trích dẫn một vài ý kiến của ông về Mạc Đăng Dung như sau:
“Sinh vào thời loạn như vậy, chỉ có 2 con đường: một là lui về sơn lâm để tránh tai vạ; hai là xông ra dẹp loạn yên dân giúp vua giúp nước. Mạc Đăng Dung đã chọn con đường thứ hai. Mạc Đăng Dung phò vua nhưng vua định hại Đăng Dung, cuối cùng Đăng Dung mới cướp ngôi vì thấy vua bất lực… Trước kia Đinh, Lý, Trần không phải là không có người giết vua cướp ngôi, và ngay thời Mạc Đăng Dung cũng có bao nhiêu kẻ, hoặc đã giết vua hoặc đã lăm le cướp ngôi báu. Đứng vào địa vị Mạc Đăng Dung bấy giờ, muốn tiến thân không ai làm khác được. Giả sử Mạc Đăng Dung lui về ẩn dật bỏ mặc việc đời thì nhà Lê cũng không giữ nổi cơ nghiệp, ngai vàng đã về tay họ Trịnh, họ Trần, họ Nguyễn, họ Hoàng… Trách Mạc Đăng Dung sao không cúc cung tận tuỵ thờ vua Lê có khác gì trách Võ Thang sao không tận trung các vua Kiệt – Trụ… Nếu ai cũng sợ tiếng nghịch thần thì từ thượng cổ đến giờ trong lịch sử Trung Hoa, Việt Nam cũng như lịch sử các dân tộc khác có lẽ chỉ có một dòng họ làm vua, chứ làm gì có các nhà Tần, Tấn, Đường, Tống…Lê, Lý Trần, Hồ? Việc tiếm vị của Mạc Đăng Dung tương tự việc tiếm vị của Lý Công Uẩn, có lẽ còn thẳn thắng hơn việc Lê Hoàn với Dương hậu cướp ngôi nhà Đinh, Trần Thủ Độ lừa dối Chiêu Hoàng là gái nhỏ tuổi để cướp ngôi nhà Lý.”
Công bằng, khách quan mà nói, Mạc Đăng Dung là một người có tài thao lược, văn võ song toàn, là người yêu nước thương dân, hết lòng cứu vãn thời cuộc. Ngay trong chiếu nhường ngôi cho Mạc Đăng Dung có đoạn: “Thiên hạ lúc ấy đã không phải là của nhà ta. Ta không có đức, gánh vác không nổi. Mệnh trời, lòng người theo về người có đức. Xét người là Thái sư An Hưng Vương Mạc Đăng Dung, có tư chất duệ trí, tài lực văn võ, ngoài đánh bốn mặt, các phương phục tòng. Trong cõi trăm quan, mọi việc đều tốt, công to đức lớn, trời cho người theo. Nay theo lẽ phải, nên nhường ngôi cho. Nên cố sửa đức, cần giữ mệnh trời, để yên dân chúng. Mong kính theo đó”. (ĐVSKTT, Nxb KHXH 1973 tập 4 tr 118). Vậy thì việc thay thế triều Lê là một tất yếu lịch sử. Mạc Đăng Dung là người sáng lập ra Vương triều Mạc (1527-1592), là người có công hơn có tội. Mạc Đăng Dung vẫn được nhân dân kính phục như mọi ông vua khác không kém. Nếu không được người ta kính phục thì cơ nghiệp nhà Mạc sao có thể bền lâu được hơn trăm năm (1527-1668).
3. Những đóng góp của Mạc Thái Tổ trong lịch sử.
Mạc Đăng Dung lên làm vua chỉ có 3 năm, rồi nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh, còn mình làm Thái thượng hoàng, như kiểu nhà Trần trước đây, nhưng vẫn quán xuyến mọi việc chính sự của con.
Mạc Đăng Dung đã tỏ ra là một chính khách khôn khéo hơn người ta tưởng. Đối với mọi luật lệ, thể chế của nhà Lê, Người đều tỏ ra tôn trọng, chỉ dùng một bàn tay hết sức nhẹ nhàng để sửa lại những chỗ quá lỏng lẻo, bê trễ từ mấy triều đại đổ nát vừa qua.
Người còn sửa sang đền miếu của các vị vua Lê ở Lam Kinh, và giữ đúng nề nếp Xuân Thu nhị kỳ cúng tế. Lại truy phong cho các bầy tôi tiết liệt của triều trước như Vũ Duệ, Đàm Thận Huy… và sai tìm kiếm con cháu các công thần vọng tộc cũ để bổ dụng. Tất nhiên là đa số người này vẫn nghi ngờ, trốn tránh, nhưng không ít quan lại, kể cả đại thần của triều trước vẫn được trọng dụng như thường, thăng trật ban tước cho quan chức của nhà Lê 56 người. Ta có thể nghĩ đó là chính sách mị dân, nhưng đây cũng là một cuộc “cách mạng nhân sự” đầu tiên, thể hiện cách dùng người rất mới của họ Mạc không thành kiến, không nghi ngờ, mà thực sự trọng nhân tài của đất nước. Ai đã đọc Sử hẳn còn nhớ những mẩu chuyện được ghi chép: Trương Phu Duyệt chức Lại bộ Thượng thư đã trợn mắt mắng Mạc Đăng Dung, nhưng Mạc Đăng Dung đâu có hề trị tội. Lê Tuấn Mậu khi vào chầu đã giấu đá trong tay áo để ném Mạc Đăng Dung, Tiến sĩ Thiều Quy Linh chức Tả thị lại đã chửi mắng Mạc Đăng Dung hết lời, Tiến sĩ Nguyễn Thái Bạt nhổ vào mặt Mạc Đăng Dung, nhưng Mạc Đăng Dung đã không căm ghét, đã không hề có hành vi nào trù dập họ. Như vậy phải nói Mạc Đăng Dung có khí chất độ lượng biết bao và vì đại nghĩa chứ không vì cá nhân, nên càng thu phục được nhân tâm.
* Việc đầu tiên Mạc Đăng Dung làm là sai Lâm Quốc Công, Nguyễn Quốc Hiển và một số đại thần chăm lo cải cách chính sự, như sửa đổi lại Binh chế, Điền chế, Lộc chế…(ĐVSKTT tr 120). Tổ chức đúc tiền Minh Đức thông bảo (bằng đồng, bằng kẽm, bằng sắt) để phát lương, chi dùng trong quân sự, đồng thời để tiện lợi trong việc trao đổi buôn. Chợ búa phát triển, hình thành đô thị đẩy mạnh thương nghiệp, mở rộng thông thương với bên ngoài, thúc đẩy nghề thủ công, nhất là nghề dệt và nghề gốm sứ. Sản phẩm hàng hoá của ta đã xuất khẩu sang Philippin, Indonesia, Nhật Bản… Xây dựng Dương Kinh-một kinh đô thứ hai ở ngay miền ven biển Kiến An, với cái nhìn về biển phóng khoáng cởi mở hơn. Việc làm trên là một trong những cách tân làm thay đổi cơ cấu xã hội, vị trí của mỗi giai tầng trong xã hội nên cũng gặp những phản ứng không ít. Nói như GS Trần Quốc Vượng là: “Lớp sĩ phu cảm thấy cái địa vị “ăn trên ngồi chốc” trong “tứ dân” bị rung chuyển chăng, nên đã không ủng hộ, thậm chí chống lại tân triều”. (Phác hoạ đôi nét về tư duy kinh tế Việt Nam cổ truyền Cái hay Cái dở. Báo Độc Lập số 1497 và 1498 ngày 4/3 và 18/3/1987).
* Tổ chức thi cử tuyển dụng nhân tài giúp nước trị dân: ngay năm Kỷ Sửu (1529) Minh Đức thứ 3 mở khoa thi Hội lấy Đỗ Tổng, Nguyễn Hãng, Nguyễn Văn Huy đỗ Cập đệ, Nguyễn Văn Quang và 8 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, Nguyễn Hữu Hoán và 16 người đỗ Đồng Tiến sĩ xuất thân.
- Cho dựng bia đá ghi tên những người trúng tuyển.
- Thăm nhà Thái học và bảo Đăng Doanh cần cho sửa nhà Quốc Tử Giám. Toàn thư chép rằng: “Họ Mạc sai Đông quân Đô đốc Tả Đô đốc Khiêm Quận Công Mạc Đình Khoa sửa lại nhà Quốc Tử Giám.”
* Để phá bỏ thế độc tôn Nho giáo đã từng ngự trị, cởi mở hơn về tư tưởng, tự do hơn về tín ngưỡng tôn giáo, nhà Mạc đã cho xây nhiều ngôi chùa, ngôi đền, ngôi đình. Nhiều pho tượng đá và chân dung người thời Mạc như tượng đá tương truyền là Mạc Đăng Dung và vợ là bà Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn trong chùa Thiên Phúc ở Kiến Thuỵ Hải Phòng, rồi tượng đá ở chùa Hưng Khánh (An Hải Hải Phòng), chùa Bạch Đa (Kiến Thuỵ Hải Phòng) có ghi niên đại Diên Thành 3, tức năm 1580, chùa Đại Linh cùng huyện có niên đại sớm hơn vào năm 1578. Các tượng Đức Vua vừa kể trên đều ở tư thế Hoàng đế ngồi ngai, mặc hoàng bào, đội mũ bình thiên, tay chắp cầm hốt. PGS Chu Quang Trứ viết: “Mạc Đăng Dung, Mạc Mậu Hợp, và Hoàng thái hậu, đều bị nhà Lê và nhà Nguyễn coi là những người dứng đầu “nguỵ triều”, phải truy kích đến cùng, là đối tượng trả thù số 1. Vậy mà nhân dân lại tạc tượng thờ, tuy rằng có lúc phải nguỵ trang cho “hoá Phật” hoặc thậm chí ném xuống ao sâu mà mãi đến thế kỷ 20 này mới được vớt lên thờ. Đây là những trường hợp duy nhất trong ngàn năm phong kiến Việt Nam. Về sau thời Nguyễn có truy tạc tượng một số vua chúa, thì cũng lấy mẫu bố cục, y phục của các tượng đức vua nhà Mạc” (Nhân một số tượng chân dung thời Mạc mới phát hiện, nghĩ về một vương triều độc đáo. Báo Quân đội nhân dân ngày 8/7/1995)
* Về an ninh trật tự và an toàn xã hội: Sử nhà Lê-Trịnh đầy tinh thần hận thù với nhà Mạc, cũng buộc phải thừa nhận một sự thực: “Mạc có lệnh cấm các xứ Trong Ngoài người ta không được cầm dáo mác và binh khí hoành hành ở đường sá. Ai trái thì cho phép Ty bắt. Từ đấy người buôn bán và người đi đường đều đi tay không, ban đêm không có trộm cướp, trâu bò thả chăn không phải đem về, chỉ mỗi tháng đi điểm soát một lần, hoặc có sinh đẻ cũng không thể biết là vật của nhà mình. Trong khoảng vài năm, đường sá không nhặt của rơi, cổng ngoài không đóng, thường được mùa to, trong cõi tạm yên”.(ĐVSKTT)
Ngày nay không ai còn nghi ngờ gì Vương triều Mạc mà do công lao Mạc Đăng Dung sáng lập, là vương triều có nhiều cải cách tiến bộ nhằm đưa đất nước chóng thịnh vượng về kinh tế, ổn định chính trị, phát triển về văn hoá và xã hội của nước ta vào thế kỷ XVI, đánh dấu mốc son quan trọng trong lịch sử.
Hội thảo khoa học nhân ngày kỷ niệm 400 năm ngày mất Nguyễn Bỉnh Khiêm tổ chức tại Hải Phòng năm 1985, các nhà khoa học đã tỏ ra cởi mở hơn, khách quan hơn khi đánh giá về Vương triều Mạc. Họ đã gạt bỏ được những ấn tượng không tốt đối với nhà Mạc bị chi phối bởi quan điểm của những nhà nghiên cứu lớp trước, đã tỏ ra công bằng hơn khi đánh giá về nhà Mạc. Tiến hơn một bước nữa là hội thảo về Vương triều Mạc tổ chức ở huyện Kiến Thuỵ (Đất Dương Kinh xưa) vào ngày 18/7/1994 do Viện Sử học, Hội khoa học lịch sử, Hội nghiên cứu lịch sử Hải Phòng chủ trì. Tham dự có khá đông các viện thuộc Trung Tâm KHXH và Nhân văn Quốc gia, Bộ Văn hoá, các trường Đại học… 26 báo cáo khoa học đã trình bày đều nhất trí đánh giá cao nhà Mạc. Nhiều vấn đề đã được tranh luận với những chứng cứ khoa học đưa ra. Từ sự nhất trí đó là cơ sở cho các công trình mới xuất bản như Vương triều Mạc, Nxb KHXH 1996, Nhà Mạc và dòng họ Mạc…
4. Vấn đề tồn nghi với Mạc Thái Tổ là gì?
Năm Canh Tý, Đại Chính thứ 11 (1540), đầu năm Mạc Đăng Doanh mất giữa tuổi tráng niên tràn đầy nghị lực trong cuộc chấn hưng đất nước, Thượng hoàng Mạc Đăng Dung đưa Thái tử Mạc Phúc Hải lên nối ngôi. Cuối năm nhà Minh đến cửa Nam Quan hạch sách hăm doạ. Thượng hoàng Mạc Đăng Dung phải cùng cháu là Mạc Văn Minh lên dàn hoà để tránh cho đất nước một thảm hoạ chiến tranh, giặc đã ở ngoài biên cương đang ngấp nghé… Trần Trọng Kim viết là Mạc Đăng Dung cùng quần thần lên ải Nam Quan xin dâng đất 5 động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Xung, Liêu Cát, La Phù và đất Khâm châu để xin hàng… trên cơ sở đó Trần Trọng Kim lên án là người phản quốc, đã thế lại còn cởi trần tự trói để cầu phú quý cho một thân mình.
GS Trần Quốc Vượng, nghiên cứu khảo sát về vương triều Mạc lại thấy hoàn toàn khác. Trên cơ sở các Thư tịch cổ trong và ngoài nướ như ĐVSKTT của Ngô Sĩ Liên, ĐVTS của Lê Quý Đôn, Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi, Phương Đình Dư Địa Chí của Nguyễn Văn Siêu, thơ văn của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Minh Sử, Trung Hoa Địa danh đại từ điển, Đại Thanh nhất thống chí, Nhật Bản Sử Cương..v..v.. Rồi đây chúng ta sẽ có dịp đọc những bài viết của học giả họ Trần đó. Ở đây tôi muốn nêu lại luận điểm của ông Lê Văn Hoè cách đây gần nửa thế kỷ. Ông cho rằng “Điều này vị tất đã đúng”, ông nhắc lại việc Trạng Giáp Hải hoạ lại bài thơ Vịnh bèo của Mao Bá Ôn mà đuổi được giặc thì việc gì phải dâng đất. Giả thiết nếu có thì cũng phải đặt vào thời điểm đó, xét thế và lực của 2 bên: “tự lượng sức mình và muốn tránh vết xe đổ ngày trước, Mạc Đăng Dung đã phải nhượng bộ, dùng chính sách ngoại giao mềm dẻo để tránh cái hoạ mất nước, dù có phải hy sinh ít nhiều…” và ông cho rằng: “nếu việc đó là phản quốc thì không biết phải gọi bọn Trần Thiêm Bình sang cầu quân Minh sang đánh họ Hồ, bọn cựu thần nhà Lê sang Vân Nam xin quân Minh sang đánh nhà Mạc, vua Lê Chiêu Thống sang cầu quân Thanh sang đánh Tây Sơn ..v..v.. không biết phải gọi bọn ấy là gì? Vì bọn ấy không chỉ dâng mấy động mà dâng cả giang sơn tổ quốc cho nước ngoài, đưa cả dân tộc vào vòng nô lệ, điều đó hẳn tác giả Việt Nam sử lược không lạ gì”.
Theo ông: nếu Sử Tầu chép thì không đáng tin, việc cởi trần tự trói xin hàng cũng như chuyện Triệu Ẩu vú dài ba thước, chuyện Hai Bà Trưng bị bắt đem về chém đầu ở Lạc Dương (?!)
Nếu là Sử ta chép thì tất là chép trong Bộ Việt sử toàn thư hay Bộ Quốc sử thực lục là những bộ Sử do chúa Trịnh sao chép từ đời Lê Trang Tông, họ Mạc là địch thủ của họ Trịnh và nhà hậu Lê, do họ Trịnh đỡ đầu nên rất có thể đã bị Sử họ Trịnh thêu dệt xuyên tạc để bêu xấu. Chuyện cởi trần trói tay nếu có chép ở đây thì rất có thể là chép theo nghĩa bóng như ta nói bó tay chịu chết, là xin đầu hàng và chịu tội, chứ không thể tin “cởi trần bó tay” là chuyện có thật… nếu chỉ cởi trần bó tay mà giữ yên được xã tắc thì Mạc Đăng Dung há chẳng đáng khen, đáng phục hơn biết bao nhiêu ông vua khác trong lịch sử đã xua nhân dân đánh giặc vào sinh ra tử, khốn khổ điêu linh trong bao nhiêu năm trời để cuối cùng lại dâng biểu cầu hoà và tự nguyện làm chư hầu nước ngoài, năm năm theo lệ triều cống. Mạc Đăng Dung cởi trần trói tay, nếu có thật, chẳng có chi đáng trách cả. Đáng trách trái lại là bọn gian thần nhà Lê xiêm vàng, hột bạc, ăn bận chỉnh tề mà lại sang Tầu luồn cúi lạy lục khẩn khoản kêu cầu người ta đem quân sang đánh nước mình, để báo thù cho một cá nhân. Chuyện đó (tức là chuyện cởi trần trói tay) chắc không có thật. Chuyện có thật là chuyện Gia Tĩnh tiếp thơ Mao Bá Ôn xướng hoạ với cụ Trạng Giáp Hải. Chính trị Quân sự đâu có phải vì một việc “cởi trần trói tay” mà giải quyết được. Mạc Đăng Dung và tướng Minh đâu lại có ngây thơ đến thế. Nếu bảo rằng xin hàng quân Minh là vô liêm sỉ, đều vô nhân phẩm như thế, vì vua nào cũng vậy, dù mới đánh được quân Tàu, cũng đều sai Sứ đem cống phẩm sang Tàu cầu hoà, tự nguyện làm nước thần thuộc”.
Cuối cùng là “chính đã thắng tà”, “độc lập dân tộc đã thắng ngoại xâm”. Và như trên tôi đã viết không ai còn nghi ngờ gì công lao Mạc Đăng Dung-người đã mở đầu vương triều Mạc. Từ Cổ Trai xuất đế vương, từ một nhân tài kiết xuất của Mạc gia đã làm cho đất nước Việt ổn định về chính trị, thịnh trị về kinh tế, phát triển về văn hoá và xã hội của nước ta vào thế kỷ XVI, đánh dấu mốc son quan trọng trong lịch sử 1000 năm Thăng Long.
Hậu duệ của Mạc Đăng Dung có mặt ở cả nước, dù đổi ra trên 50 họ nhưng thời nào cũng vẫn phát huy tài trí ra đấu tranh bảo vệ đất nước như Mạc Đăng Tiết, Hoàng Diệu, Phạm Hồng Thái, Phan Đăng Lưu, Mạc Thị Bưởi… và xây dựng đất nước giữ thành quả cách mạng như Hoàng Hanh, Lều Vũ Điều, Phạm Kiệt, Phạm Văn Đồng…xứng đáng với quá khứ hào hung của tổ tiên.
(Bài phát biểu tại Hội Thảo về VƯƠNG TRIỀU MẠC TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM, tháng 9 năm 2010 tại Hoàng Thành Thăng Long, trước thềm Đại Lễ một ngàn năm Thăng Long- Hà Nội).
Nguồn: Vương triều Mạc với sự nghiệp canh tân đất nước
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – năm 2015
Viết bình luận