ĐỊA LÝ HÀNH CHÍNH
Huyện Kiến Thuỵ nằm về phía Nam và cách trung tâm thành phố Hải Phòng 20 km. Diện tích là 10.753 ha, dân số là 126.046 người, gồm 18 đơn vị hành chính xã, thị trấn (tinh đến tháng 4/2009). Bắc giáp quận Dương Kinh; Đông giáp quận Đồ Sơn và biển Đông; Nam giáp huyện Tiên Lãng, An Lão; Tây giáp huyện An Lão và quận Kiến An. Huyện lỵ đóng tại thị trấn Núi Đối.
Mười tám đơn vị hành chính là:
- Thị trấn Núi Đối - Xã Minh Tân
- Xã Du Lễ - Xã Ngũ Đoan
- Xã Đại Đồng - Xã Ngũ Phúc
- Xã Đại Hà - Xã Tân Phong
- Xã Đại Hưng - Xã Tân Trào
- Xã Đoan Xã - Xã Thanh Sơn
- Xã Đông Phương - Xã Thuận Thiên
- Xã Hữu Bằng - Xã Thuỵ Hưng
- Xã Kiến Quốc - Xã Tú Sơn
Địa danh hành chính Kiến Thuỵ mới có từ triều vua Minh Mệnh nhà Nguyễn. Năm 1837, phủ Kiến Thụy được thành lập quản 4 huyện Nghi Dương, An Lão, An Dương, Kim Thành vốn thuộc phủ Kinh Môn.
Tự xưa, do điều kiện tự nhiên thuận lợi có đủ sông biển, núi đồi, gò đống, đồng bằng, với nguồn nước mặn, nước lợ, nước ngọt dồi dào, nên người Việt cổ đã sinh tụ tại nhiều điểm trên mảnh đất này. Di chỉ khảo cổ, văn hoá dân gian, thư tịch hiện còn đã minh định chắc chắn vùng đất này xưa thuộc về bộ Dương Tuyền (Đại Việt sử lược viết là Thang Tuyền), một trong 15 bộ của Nhà nước Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước. Học giả Đào Duy Anh, tác giả sách Đất nước Việt Nam qua các đời, cho rằng phần lớn vùng đất Kiến Thuỵ ngày nay thuộc địa phận huyện An Định; thời Tần thuộc Tượng Quận; thời Hán thuộc quận Giao Chỉ; thời Trần thuộc Hồng Lộ, sau đổi là lộ Hải Đông; thời nhà Minh đô hộ thuộc phủ Tân Yên (cũng đọc Tân An).
Năm Quang Thuận thứ 10 (1469), vua Lê Thánh Tông sửa định lại hệ thống đơn vị hành chính, cắt một phần huyện An Lão để lập huyện Nghi Dương.Địa bàn huyện Nghi Dương tương ứng với địa bàn huyện Kiến Thuỵ, quận Đồ Sơn, quận Dương Kinh và phường Đồng Hoà của quận Kiến An hiện nay. Khi mới thành lập, huyện Nghi Dương có 61 xã và 12 sở (đồn điền của Nhà nước), là một trong 7 huyện của phủ Kinh Môn, Thừa tuyên Hải Dương, cũng gọi là đạo hay xứ Hải Dương. Dân quen gọi là xứ Đông, vì ở vi trí phía Đông kinh thành Thăng Long.
Thời Mạc (1527-1592), Kiến Thụy là trung tâm của Dương Kinh, vì huyện có xã Cổ Trai là quê của vua khai sáng vương triều Mạc. Khi nhà Lê trung hưng xoá bỏ Dương Kinh, khôi phục các đơn vụ hành chính cũ thì Nghi Dương lại thuộc phủ Kinh Môn, xứ Hải Dương. Năm Cảnh Hưng thứ 2 (1741), vua Lê Hiển Tông chia Hải Dương làm 4 đạo Thượng Hồng, Hạ Hồng, Đông Triều, An Lão, huyện Nghi Dương thuộc đạo An Lão. Đây là ghi theo sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, nhưng trong thư tịch cũ cùng bi ký địa phương chưa phát hiện ghi thuộc về An Lão. Đời Tây Sơn (1789 - 1801) chuyển thuộc trấn An Quảng, sau lại trả về Hải Dương. Theo lời cẩn án của Nguyễn Thiên Túng về sách Dư địa chí do Nguyễn Trãi soạn năm Thiên Bình thứ hai (1435): huyện Nghi Dương có 61 xã, 12 sở. Nhưng huyện Nghi Dương đến năm 1469 mới đặt, phải chăng về sau người ta thêm vào.
Năm Đinh Mão (1807), vua Gia Long nhà Nguyễn cho kiểm kê các đơn vị hành chính trong cả nước, mà sau này còn lưu được khá trọn vẹn ở sách Các tổng trấn xã danh bị lãm. Theo sách này, trước đời Gia Long (1802 - 1819), huyện Nghi Dương có 12 tổng, 56 xã, thôn, phường, gồm:
1. Tổng Nghi Dương có 5 xã: Nghi Dương, Xuân Dương, Mai Dương, Du Lễ, Tú Đôi.
2. Tổng Trà Hương có 6 xã, thôn: Trà Hương, Hoa Đường, Hương La, Xuân La, Quế Lâm, thôn Hương Đường.
3. Tổng Cổ Trai (sách ghi lầm là Cổ Trà) có 9 xã phường là: Cổ Trai, Kỳ Sơn, Kiện Bộ, phường Thâm Võng, Tam Kiệt, Nhân Trai, Kim Sơn, Ngọc Liễn, Đa Ngư.
4. Tổng Sâm Linh có 4 xã, thôn: Sâm Linh, 2 thôn Vũ Vĩ và Thấp Linh thuộc xã Thọ Linh, Thù Du, Minh Liễn.
5. Tổng Đại Trà có 4 xã: Đại Trà, Đức Phong, Lãng (thường đọc Lạng) Côn, Phong Cầu.
6. Tổng Đống Khê có 3 xã, thôn: Đống Khê, hai thôn Hoa Khê và Mỹ Khê, Mao Khê (chính là Trữ Khê, chắc lầm mặt chữ).
7. Tổng Tiểu Trà có 3 xã: Tiểu Trà, Vọng Hải, Hương Lung.
8. Tổng Lão Phong có 3 xã: Lão Phong, Lão Phú, Quý Kim.
9. Tổng Phúc Hải có 6 xã thôn: Phúc Hải, Lệ Cao, Lãm Hải, Quảng Luận, thôn Đông Hoa, thôn Vân Quán (thường đọc Vân Quan).
10. Tổng Thiên Lộc có 5 xã: Thiên Lộc, Quần Mục, Hoè Thị, Đoan Xá, Tiểu Bang.
11. Tổng Nãi Sơn có 5 xã: Nãi Sơn, Lê Xá, Phụ Lỗi, Bàng Động, Hồi Xuân.
12. Tổng Đồ Sơn có 3 xã: Đồ Sơn, Đồ Hải, Ngọc Tuyền.
Chắc có những tên thôn, xã bị xiêu tán do thiên tai, nhân hoạ hoặc đổi tên: như Bàng Động nguyên là Đại Bàng mà chính sử ghi việc hai vua Trần tránh giặc Nguyên qua cửa Đại Bàng vào căn cứ Thanh Hoá và chiến thắng Đại Bàng tháng 2/1288; xã Thù Du có tên cũ là Cung Hiệp, quê của Khai quốc công thần triều Mạc, Vũ Hộ; xã Nãi Sơn theo tài liệu địa phương nguyên tên là Tú Sơn, sau bị triều đình phong kiến phạt cắt chữ Hoà trong chữ Tú nên chỉ còn chữ Nãi. Bia chùa An Quốc ở làng Phương Chiểu, Hưng Yên và tài liệu địa phương làng Cẩm Hoàn ở gần làng Cổ Trai thời Mạc là Mộc Hoàn. Gần xã Chân Kim (thường gọi Chân Chim) còn có xã Độ Trị (thường gọi là Dụ Dị). Đến thời Đồng Khánh nhà Nguyễn (1886 - 1889), lúc này thực dân Pháp đã đặt được nền đô hộ trên toàn cõi Đông Dương, chính quyền thực dân tiến hành nhiều cuộc điều tra về xã hội, tự nhiên để phục vụ chương trình khai thác thuộc địa. Về các đơn vị hành chính được ghi trong sách Đồng Khánh Địa dư chí lược. Sách Hải Dương toàn hạt dư địa chí do quan tỉnh Hải Dương soạn, trong đó có đủ tên thôn xã của địa bàn thành phố Hải Phòng, lúc ấy địa bàn Hải Phòng - trừ huyện Cát Hải - đều thuộc tỉnh Hải Dương. Theo sách này, số tổng, xã, thôn của huyện Nghi Dương, phủ Kiến Thuỵ, gồm 12 tổng, 58 xã, thôn:
1. Tổng Nghi Dương có 5 xã: Xuân Dương, Nghi Dương, Mai Dương, Du Lễ, Tú Đôi.
2. Tổng Trà Hương có 6 xã, thôn: Trà Hương, Quế Lâm, Hương La, Xuân La, Phương Đường, thôn Hương Đường.
3. Tổng Cổ Trai có 8 xã: Cổ Trai, Nhân Trai, Kim Sơn, Kỳ Sơn, Cao Bộ, Ngọc Liễn, Đa Ngư, Tam Kiệt.
4. Tổng Đại Lộc có 6 xã: Đại Lộc, Đoan Xá, Quần Mục, Đông Tác, Tiểu Bang, Hoè Thị.
5. Tổng Nãi Sơn có 6 xã: Nãi Sơn, Hồi Xuân, Lê Xá, Bàng Động, Phụ Lỗi, Đồng Mô.
6. Tổng Đồ Sơn có 3 xã: Đồ Sơn, Đồ Hải, Ngọc Xuyên.
7. Tổng Sâm Linh có 4 xã: Sâm Linh, Thọ Linh, Thù Du, Minh Liễn.
8. Tổng Đại Trà có 4 xã: Đại Trà, Đức Phong, Lạng (Lãng) Côn, Phong Cầu.
9. Tổng Tiểu Trà có 3 xã: Tiểu Trà, Vọng Hải, Hương Lung.
10. Tổng Phúc Hải có 6 xã, thôn: Phúc Hải, Vân Quan, Lệ Tảo, Quảng Luận, Lãm Hải, thôn Đông Phương.
11. Tổng Đống Khê có 4 xã, thôn: Đống Khê, Trữ Khê, Lãm Khê và 2 thôn Mỹ Khê, Phương Khê.
12. Tổng Lão Phú có 3 xã: Lão Phong, Lão Phú, Quý Kim.
Đối chiếu hai danh sách thấy số tổng vẫn là 12, số xã thôn tăng 2 (56 - 58), nhưng lại sót thôn Phương Khê, tổng Đống Khê. Còn phường Thâm Võng (phường lưới tổng Cổ Trai) không còn; hai thôn Vũ Vị, Thấp Linh tổng Sâm Linh không thấy ghi. Hai xã mới là Đồng Mô (tổng Nãi Sơn) và Lãm Khê (tổng Đống Khê). Còn địa danh khác như xã Ngọc Tuyền đổi là Ngọc Xuyên; Lệ Cảo đổi là Lệ Tảo; Kiện Bộ đổi là Cao Bộ.
Từ ngày 11/9/1887, huyện Nghi Dương được cắt chuyển về tỉnh Hải Phòng (thành lập cùng ngày). Năm 1891, Nha Kinh lược cắt 2 tổng Văn Hoà, Văn Đẩu của An Lão nhập vào Nghi Dương, nên huyện có 14 tổng, sau lại trả tổng Văn Đẩu về An Lão.
Hiện Cục lưu trữ quốc gia I còn lưu được tờ trình của Kinh lược sứ Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải kê khai sổ thuế đinh, thuế điền của các xã thuộc phủ Kiến Thuỵ gửi Công sứ tỉnh Hải Phòng, đề ngày 20 tháng giêng năm Thành Thái thứ 5 (1893). Lúc này, huyện Nghi Dương có 12 tổng 63 xã thôn, vì từ năm 1891, hai tổng Văn Hoà, Hoà Liễu của huyện An Lão được cắt về huyện Nghi Dương. Đây là danh sách tổng, xã khá đầy đủ, đáng tin cậy vì Nhà nước thực dân - phong kiến quản lý số đinh, số điền để thu thuế. Tội ẩn nặc đinh điền là tội lớn.
1. Tổng Nghi Dương có 5 xã: Nghi Dương, Mai Dương, Xuân Dương, Tú Đôi, Du Lễ.
2. Tổng Trà Phương có 6 xã: Trà Phương, Phủ Sung Đôi, Cẩm Hoàn, Quế Lâm, Xuân La, Cẩm La.
3. Tổng Tiểu Trà có 3 xã: Tiểu Trà, Vọng Hải, Phương Lung.
4. Tổng Lão Phong có 3 xã: Lão Phong, Lão Phú, Quý Kim.
5. Tổng Văn Hoà có 6 xã: Văn Hoà, Xuân úc, An áo, úc Gián, Kim Đối, Hoà Liễu.
6. Tổng Nãi Sơn có 6 xã: Nãi Sơn, Hồi Xuân, Lê Xá, Phụ Lỗi, Bàng Động, Đồng Mô.
7. Tổng Đại Trà có 4 xã: Đại Trà, Đức Phong, Phong Cầu, Lạng Côn.
8. Tổng Đống Khê có 10 xã thôn: Đống Khê, Trữ Khê, Phương Khê, Lệ Tảo, Phúc Hải, Quảng Luận, thôn Đông Phương, thôn Lãm Hải, thôn Vân Quan, thôn Phúc Lộc.
9. Tổng Cổ Trai có 7 xã: Cổ Trai, Kim Sơn, Kỳ Sơn, Cao Bộ, Ngọc Liễn, Tam Kiệt, Nhân Trai.
10. Tổng Đại Lọc có 6 xã: Đại Lộc, Đoan Xá, Hoè Thị, Quần Mục, Tiểu Bang, Đông Tác.
11. Tổng Đồ Sơn có 3 xã: Đồ Sơn, Đồ Hải, Ngọc Xuyên.
12. Tổng Sâm Linh có 4 xã: Sâm Linh, Cốc Liễn, Thọ Linh, Thù Du.
Qua danh sách tổng xã huyện Nghi Dương năm 1893, thấy 2 tổng Đống Khê, Phúc Hải được ghép thành một tổng mang tên Đống Khê và có thêm tổng Văn Hoà chuyển từ huyện An Lão sang.
Về địa danh có sự thay đổi, do nhà Nguyễn ban huý của nhà vua, năm 1861, nên các xã mang chữ Hương phải đổi là Phương, như Hương Đường thành Phương Đường; mang chữ Lan phải đổi là Hoà, như xã Lan Niểu đổi ra Hoà Liễu; Văn Lan đổi ra Văn Hoà. Xã Thiên Lộc có nghĩa là Lộc trời vốn giành cho vua nên phải đổi là Đại Lộc (bớt một nét ngang)...
Đến tháng 3 năm 1909, sau khi đường Hải Phòng - Đồ Sơn và đê Đồng Nẻo - Lê Xá đắp xong, lập thêm 2 tổng Tư Sinh, Tư Thuỷ. Tư Sinh có 4 xã Tư Sinh, Đức Hậu, Nghĩa Phương, Kính Trực; Tư Thuỷ có 4 xã: Tư Thuỷ, Hoà Nghĩa, Hợp Lễ, Tĩnh Hải. (Tĩnh Hải lúc đầu có tên là Thế Nhân, sau nguyên Kinh lược sử Hoàng Cao Khải định ép mua toàn bộ khu đất này để lập đồn điền, nhưng dân không nghe, kiện lên Thống sứ Bắc Kỳ nên phải thôi.
Ngày 31/01/1898, tỉnh Hải Phòng đổi là tỉnh Phù Liễn (từ 17/2/1906 tỉnh Phù Liễn đổi tên là tỉnh Kiến An). Thời gian này, phủ Kiến Thuỵ có 15 tổng, sau vì bỏ tổng Đồ Sơn, còn 14 tổng. Nghi Dương chỉ còn là tên gọi một tổng của phủ Kiến Thuỵ từ năm 1909. Ngày 18/5/1909, thị trấn Đồ Sơn được thành lập gồm 2 xã Đồ Sơn, Đồ Hải, xã Ngọc Xuyên sáp nhập vào tổng Nãi Sơn. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các xã thôn hợp nhất thành xã lớn, cơ bản như hiện nay.
Ngày 25/01/1948, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà ban hành sắc lệnh số 148/SL "Bãi bỏ các danh từ phủ, châu, quận. Cấp trên cấp xã và cấp dưới cấp tỉnh nhất loạt gọi là cấp huyện". Phủ Kiến Thuỵ đổi thành huyện Kiến Thuỵ, gồm 18 xã: Anh Dũng, Đa Phúc, Đại Đồng (gồm 2 xã Đại Đồng và Đông Phương), Đồng Hoà, Đại Hoè (gồm 2 làng Đại Lộc và Hoè Thị), Hợp Quần (gồm Quần Mục và Đông Tác và năm 1952, xã Đại Hoè và xã Hợp Quần hợp nhất gọi là Đại Hợp), Đoàn Xá (trừ ấp Đoan Xá thuộc về xã Tân Phong, năm 1949 mới chuyển về Đoàn Xá), Tú Sơn, Hoà Nghĩa, Hưng Đạo, Hữu Bằng, Kiến Quốc, Minh Tân, Ngũ Phúc, Ngũ Đoan Hưng (gồm cả xã Ngũ Đoan và Đại Hà), Tân Phong, Tân Trào, Thuỵ Hương (gồm 2 xã Thuỵ Hương và Thanh Sơn).
Từ ngày 26/11/1946 đến cuối tháng 12/1948, huyện Kiến Thuỵ thuộc Liên tỉnh Hải - Kiến. Từ 1949 đến 1962, thuộc tỉnh Kiến An, thời gian này thị trấn Đồ Sơn cũng thuộc huyện Kiến Thuỵ. Ngày 27/10/1962, theo Nghị Quyết Quốc hội khoá II, kỳ họp thứ V, thành phố Hải Phòng và tỉnh Kiến An hợp nhất thành một đơn vị hành chính mới, mang tên thành phố Hải Phòng, huyện Kiến Thuỵ thuộc thành phố Hải Phòng. Ngày 7/4/1966, xã Bàng La chuyển trực thuộc thị xã Đồ Sơn, theo Quyết định số 67-QĐ/CP của Hội đồng Chính phủ. Ngày 4/9/1969, Quyết định số 86-QĐ/CP của Hội đồng chính phủ hợp nhất huyện An Lão và huyện Kiến Thuỵ thành một huyện lấy tên là An Thuỵ. Cũng tại Quyết định này, xã Đồng Hoà và thôn Lệ Tảo (xã Đa Phúc) của huyện Kiến Thuỵ cũ sáp nhập vào thị xã Kiến An. Ngày 5/3/1980,Quyết định số 72-QĐ/CP của Hội đồng Chính phủ điều chỉnh địa giới của huyện An Thuỵ, thị xã Đồ Sơn và thị xã Kiến An để lập huyện Kiến An và huyện Đồ Sơn. Huyện Đồ Sơn gồm 22 xã: Tú Sơn, Đại Hợp, Đoàn Xá, Hợp Đức, Hoà Nghĩa, Anh Dũng, Minh Tân, Tân Phong, Đông Phương, Đại Đồng, Hưng Đạo, Đa Phúc, Ngũ Đoan, Đại Hà, Tân Trào, Thuỵ Hương, Kiến Quốc, Ngũ Phúc, Thanh Sơn, Hữu Bằng, Thuận Thiên, Bàng La và thị trấn Đồ Sơn. Ngày 14/2/1987, lập thị trấn Núi Đối, là huyện lỵ huyện Đồ Sơn, gồm 41,5 ha đất của xã Minh Tân và 117,5 ha của xã Thanh Sơn (Quyết định 33-QĐ/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng). Lần điều chỉnh này, huyện Kiến Thuỵ trở về địa bàn cũ như xưa, trừ xã Đồng Hoà và thôn Lệ Tảo cắt về huyện Kiến An (nay thuộc quận Kiến An).
Ngày 23/4/1988, lập 2 xã tại vùng kinh tế mới đường 14 (đường 353) lấy tên là Hải Thành và Tân Thành. Xã Tân Thành có 1.124 ha diện tích tự nhiên và 1.307 nhân khẩu. Xã Hải Thành có 892,65 ha diện tích tự nhiên và 1986 nhân khẩu (QĐ số 70-QĐ/ HĐBT). Như vậy, đến thời điểm này, huyện Đồ Sơn có 2 thị trấn (Đồ Sơn, Núi Đối) và 24 xã.
Ngày 6/6/1988, Hội đồng Chính phủ phân vạch lại địa giới hành chính các huyện Đồ Sơn và Kiến An: Thành lập thị xã Đồ Sơn trên cơ sở thị trấn Đồ Sơn và xã Bàng La, đổi tên huyện Đồ Sơn thành huyện Kiến Thuỵ. Huyện Kiến Thuỵ với diện là 16.450,14 ha và 128.249 nhân khẩu, gôm thị trấn Núi Đối và 23 xã: Anh Dũng, Đa Phúc, Đại Hà, Đại Đồng, Đại Hợp, Đoàn Xá, Tú Sơn, Đông Phương, Hải Thành, Hoà Nghĩa, Hợp Đức, Hưng Đạo, Hữu Bằng, Kiến Quốc, Minh Tân, Ngũ Phúc, Ngũ Đoan, Tân Phong, Tân Trào, Tân Thành, Thanh Sơn, Thuận Thiên, Thuỵ Hương.
Ngày 12/9/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 145/2007/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Kiến Thuỵ để thành lập quận Dương Kinh; thành lập quận Đồ Sơn; thành lập các phường thuộc quận Dương Kinh, Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng. Quận Dương Kinh có diện tích 4.584,87 ha diện tích tự nhiên và 50.051 nhân khẩu được điều chỉnh từ huyện Kiến Thuỵ (bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và nhân khẩu của các xã: Anh Dũng, Hưng Đạo, Đa Phúc, Hoà Nghĩa, Hải Thành và xã Tân Thành thuộc huyện Kiến Thuỵ); xã Hợp Đức nhập vào quận Đồ Sơn.
Huyện Kiến Thuỵ còn lại 10.753 ha diện tích tự nhiên và 126.041 nhân khẩu, có 18 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm các xã: Đông Phương, Đại Đồng, Hữu Bằng, Thuận Thiên, Du Lễ, Ngũ Phúc, Kiến Quốc, Thuỵ Hương, Thanh Sơn, Đại Hà, Ngũ Đoan, Tân Trào, Đoàn Xá, Đại Hợp, Tú Sơn, Tân Phong, Minh Tân và thị trấn Núi Đối.
Như vậy, huyện Kiến Thuỵ - tức huyện Nghi Dương xưa - một vùng địa linh nhân kiệt, kinh tế đa dạng, ngành nghề phong phú, một thời là trung tâm Dương Kinh của vương triều Mạc, khi lập tỉnh Phù Liễn, tỉnh Kiến An là một phủ quan trọng nhất tỉnh. Lỵ sở lúc đặt ở Nghi Dương rồi chuyển về Tú Đôi, về Minh Liễn (Cốc Liễn), sau phong trào yêu nước Bình Tây, diệt Nguyễn khôi phục triều Mạc của Mạc Đình Phúc (1897-1898), có tri phủ Phạm Huy Du tham gia, chuyển về Trà Phương - Phương Đôi, từ cuối 1947 chuyển về vị trí hiện nay.Theo quan điểm truyền thống khi chia đặt đơn vị hành chính, thường phân giới bằng sông, núi tự nhiên. Huyện Kiến Thuỵ nay tuy diện tích tự nhiên thu hẹp nhiều, nhưng vẫn là trung tâm của địa bàn có sông Văn úc, sông Cửu Biều bao bọc, có núi Đối, núi Chè ở vị trí trung tâm, nhân dân có truyền thống đoàn kết, lao động cần cù, năng động, sáng tạo, có truyền thống văn hoá - giáo dục vẻ vang, có tinh thần yêu nước, cách mạng bất khuất kiên cường, sẽ sát cánh cùng các quận, huyện bạn xây dựng thành phố Hải Phòng giàu mạnh, văn minh.
Nguồn : Kiến Thụy xưa và nay
Viết bình luận