Mạc Đăng Dung có dâng đất cho nhà Minh không?
Xưa nay sử chép rằng Thái Tổ nhà Mạc là Mạc Đăng Dung đã cắt đất Đại Việt dâng cho nhà Minh để bảo vệ ngôi báu, lưu lại tiếng xấu muôn đời. Sự thật có phải hoàn toàn đúng như thế không và nếu không thì điều ngoa truyền này bắt đầu từ đâu và với ai? Chúng tôi cho rằng nó bắt đầu với Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) bản khắc in năm Chính Hoàn thứ 18 (1697) đời Lê Hi Tông với Phạm Công Trứ (1600-1675) là người chủ biên Kỷ nhà Lê, trong đó nhà Mạc được ghi chép như là một kỷ phụ.
Đại Việt sử ký toàn thư (chúng tôi sử dụng bản dịch của Cao Huy Du, do Đào Duy Anh hiệu đính, chú giải và khảo chứng. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, tập 1 (in lần thứ nhất) 1967 và tập IV (in thứ hai) 1973, là một bộ sử mà nội dung là kết quả sưu tầm, chỉnh lý và biên soạn gián tiếp hoặc trực tiếp của nhiều người qua nhiều giai đoạn khác nhau. Cái nền tảng ban đầu của nó là Sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên (-?-?) soạn xong năm 1479 cũng đã có phần đóng góp gián tiếp của Lê Văn Hưu (1230-1322) tác giả Đại Việt sử ký và Pham Phu Tiên (?-?) tác giả của sử ký tục biên (1455) rồi. Ngô Sĩ Liên chỉ ghi chép từ đời Hồng Bàng cho đến đời Thái tổ Cao hoàng Đế nhà Lê, tức Lê Lợi (1428-1433) mà thôi. Đến năm Cảnh Trị thứ 3 (1665) đời Lê Huyền Tông, Trịnh Tạc (-?-1682) mới sai Phạm Công Trứ tổ chức chỉnh lý công trình của Ngô Sỹ Liên và viết tiếp phần bản kỷ của nó. Sau khi chỉnh lý, Sử ký toàn thư trở thành toàn bộ phần ngoại kỷ gồm 5 quyển và phần bản kỷ từ quyển 1 đến quyển 10 của Đại Việt sử ký toàn thư. Riêng quyển 10 lại có cả phần đóng góp gián tiếp của Vũ Quỳnh (1450-1497- Tác giả của Đại Việt thông giám (1511) nữa. Phạm Công Trứ và các cộng sự biên soạn của ông đã viết thêm cho Đại Việt sử ký toàn thư phần bản kỷ thực lục từ quyển 11 đến quyển 15 chép từ đời Lê Thái Tông (1433-1458) đến hết đời Lê Thiền Tông (1619-1643) sau đó làm Thái thượng hoàng (1649-1662). Công trình của nhóm Phạm Công Trứ mười phần mới cho khắc in được năm, sáu phần và hãy còn lưu giữ ở bí các. Đến năm Chính Hoà thứ 18 (1697) đời Lê Hi Tông, Trịnh Căn (1633-1709) lại sai Lê Hi (1646-1702) tổ chức hiệu đính công trình của nhóm Phạm Công Trứ và chép thêm phần bản kỷ tục biên từ đời Lê Huyền Tông (1662-1671) đến hết đời Lê Gia Tông (1671-1675) để đưa khắc ván in mà “ban bố cho thiên hạ”. Phần chép thêm của Đại Việt sử ký toàn thư gồm 24 quyển. Đây chính là bộ Đại Việt toàn thư mà chúng ta đang sử dụng hiện nay.
Xét theo quá trình biên soạn như đã trình bày sơ lược ở trên, chúng ta có thể thấy rằng, những người đã ghi chép những phần của ĐVSKTT từ đầu cho đến hết thế kỷ XV đương nhiên là những người thực sự vô can đối với việc “dâng đất” của Mạc Đăng Dung là việc xảy ra ở thế kỷ XVI. Chỉ có những người biên soạn hoặc chỉnh lý phần cuối của bản kỷ thực lục (quyển 15) và phần đầu của bản kỷ tục biện (quyển 16) mới là những người thực sự có liên quan đến việc ghi chép về hành trang của Mạc Đăng Dung từ khi ông xuất hiện trong chốn quan trường năm 1508 với chức Đô chỉ huy sứ cho đến năm 541 là năm ông qua đời trong cương vị Thái thượng hoàng. Đó chính là những người đã biên soạn hoặc chỉnh lý phần bản kỷ thực lục từ quyển 11 đến quyển 15 và phần bản kỷ tục biên từ quyển 16 đến quyển 19-tức biên soạn năm 1665 do Phạm Công Trứ đứng đầu và gồm các cộng sự: Dương Hạo, Hồ Sỹ Dương, Nguyễn Quốc Khôi, Đặng Công Chất, Nguyễn Công Bích, Bùi Đình Viên. Tiếp sau, ban biên soạn năm 1697 do Lê Hi đứng đầu gồm có Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Công Đồng, Vũ Thành, Hà Tông Mục, Nguyễn Diễn, Nguyễn Trí Trung, Nguyễn Đương Bạo…không những làm thêm quyển 19, mà theo chỉ dụ của Trịnh Căn còn có nhiệm vụ sửa chữa cả những phần do nhóm biên soạn Phạm Công Trứ đã làm trước đó. Dù họ có thể đã không sửa chữa hoặc sửa chữa rất ít trong phần này nhưng cũng đã có danh nghĩa đó. Bởi vậy, chúng tôi thấy không thể không nhắc đến họ. Trong thực tế thì có lẽ Ban biên soạn năm 1665 mới là những người đã hạ bút chính thức ghi chép về việc “dâng đất” cũng như mọi chi tiết khác trong hành trang của Mạc Đăng Dung và trong công việc này người chịu trách nhiệm chính đương nhiên là Phạm Công Trứ-bấy giờ là tham tụng kiêm thượng thư bộ Lại kiêm Đại học sĩ Đông các.
Bằng quan điểm chính thống đến mức cực đoan, Phạm Công Trứ không những đã kiệt liệt lên án hành động “tiếm ngôi” của Mạc Đăng Dung mà còn không ngần ngại dùng cả thủ đoạn xuyên tạc sự thật để bôi nhọ nhân vật đã sáng lâp ra nhà Mạc nữa. Chứng cứ về sự xuyên tạc đó là đã hai lần ĐVSKTT chép việc Mạc Đăng Dung dâng đất cho nhà Minh.
Lần đầu tiên bộ sử này ghi: “Năm Mậu Tí (1528) Mạc tiếm hiệu Minh Đức thứ 2 (…) Đăng Dung sai người sang Yên Kinh báo với nhà Minh rằng là họ Mạc tạm trông coi việc nước, cai trị dân chúng. Nhà Minh không tin (…) Đăng Dung sợ nhà Minh đem quân sang hỏi tội, bèn lập mưu cắt đất dâng nhân dân hai châu Quy, Thuận và hai hình người bằng vàng bạc cũng là châu báu của lạ, vật lạ, nhà Minh thu nhận. Từ đấy Nam Bắc lại thông sứ đi lại” (ĐVSKTT, Tập IV –trang 121- 122).
Việc ghi chép này hoàn toàn sai sự thật. Quy, Thuận chính là Châu Quy Hoá và Châu Thuận An. Hai châu này thuộc về Trung Hoa vào thời nhà Tống từ những năm 60 của thế kỷ XI. Vấn đề này có thể lược thuật như sau: Quy Hoá và Thuận An là hai châu nằm trong vùng cư trú của các bộ lạc mà bên Trung Hoa gọi là Nàng, còn bên Đại Việt ta gọi là Thổ (ngày nay gọi là Tày) sát ngay ở biên giới của hai nước. Trong một thời kỳ dài, vùng này đã được nhà Tống lẫn nhà Lý coi là đất phên dậu chứ không chính thức sát nhập hẳn vào lãnh thổ của bên nào. Dân các bộ lạc này thường oán ghét các quan lại miền xuôi của cả nhà Tống cũng như nhà Lý vì thường tìm đến các nơi cư trú của họ để sách nhiễu phú cống. Còn các thủ lĩnh của cư dân vùng này khi thì thần phục Tống, lúc lại quy thuận nhà Lý, tuỳ theo áp lực và thế lực từng lúc của mỗi bên. Như vậy là tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể trong từng thời kỳ mà thủ lĩnh của các bộ lạc vùng này có thể là phiên thần nà Tống hoặc nhà Lý mà không có sự dứt khoát nhất định. Cụ thể hơn, Nùng Tôn Đán là tù trưởng của động Lôi Hoả vẫn được nhà Lý xem là phiên thần nối dõi của Nùng Trí Cao sau khi Nùng Trí Cao phát binh đánh Tống bị thất bại và chết ở Đại Lý. Năm 1057, Nùng Tôn Đán lại muốn phát binh đánh Tống nhưng quan nhà Tống là Tiêu Cố biết trước được chuyện này nên đã dụ Tôn Đán quy hàng. Sau khi Đán quy phục, được vua Tống cho chức Trung Vũ tướng quân và cho trông coi châu Ôn Nhuận của Tống. Năm 1062, Đán và con trai lại đem các động của mình là Lôi Hoả và Kế Thành-vốn bấy giờ đang là đất phên dậu của Đại Việt đem dâng nhà Tống liền được Tống cho nhập vào Châu Thuận An và giao cho Đán trông coi luôn cả. Nhưng Đán nguyên là phiên thần nhà Lý, bấy giờ lại cai quản vùng đất vốn một phần là đất phên dậu cũ của Đại Việt nên y rất không yên tâm. Do đó, năm 1064, theo lời dụ dỗ của viên quan Tống là Lục Sẵn, Tôn Đán chính thức xin cho châu Thuận An thuộc hẳn vào nội địa Trung Hoa và đã được lĩnh chức Hữu Thiên ngự vệ tướng quân. Sau đó không bao lâu, theo gương Tôn Đán và cũng theo kế dụ dỗ của Lục Sẵn, Nùng Trí Hội cũng đã quy phục nhà Tống với việc đem nộp vùng đất Vật Dương cho Tống vốn là đất phên dậu của nhà Lý mà Hội được cất cử làm phiên thần trông giữ. Sau khi có được vùng đất này, nhà Tống liền cải nhập vào Châu Quy Hoá là một châu đã có sẵn trị sở tại địa bàn của huyện Nghị Dương tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) ngày nay. Sau hành động nêu trên của Nùng Tôn Đán và Nùng Trí Hội, suốt gần 20 năm từ 1082 đến 1102 triều Lý đã năm lần cử sứ giả sang Tống để đòi lại những phần đất phên dậu cũ mà Đán và Hội tự động nộp cho Tống nhưng đã không kết quả. Như vậy, việc xảy ra đã hơn 450 trước khi Mạc Đăng Dung lên ngôi (1527) nên rõ ràng là ông hoàn toàn vô can đối với sự thể các vùng đất Lôi Hoả, Kế Thành và Vật Dương đã mất về tay nhà Tống.
Lần thứ hai mà ĐVSKTT ghi chép về việc “dâng đất” của Mạc Đăng Dung là như sau: “Canh Tí (1540) Mạc Đại Chính năm thứ 11 (…) mùa đông, tháng 11, Mạc Đăng Dung (…) dâng tờ biểu xin hàng, biên hết đất đai, quân dân quan chức trong nước để xin xử phân, nộp các động Tê Phù, Lim Lạc, Cổ Sâm, Liêu Cát, An Lương, La Phù của Châu Vĩnh An trấn Yên Quảng xin cho nội thuộc, lệ vào Khâm Châu…”( ĐVSKTT, tập IV, trang 131-132). Đây là tư liệu chính mà các sách lịch sử về sau của ta luôn nhắc đến để kết tội Mạc Đăng Dung. Trước hết cần nói rõ là số lượng và tên gọi các động ghi trong các sách có chỗ đại đồng tiểu dị. Chẳng hạn Lê Thành Khôi thì căn cứ vào ĐVSKTT mà chép là 6 động, nhưng lại ghi Cổ Sâm thành Cổ Xung (Le Viet Nam Histore etcin lisation, Leseditions deminuít, Paris, 1955, P.263); Trần Trọng Kim chỉ chép 5 động-không có An Lương (Việt Nam), Trương Hữu Quýnh, Nguyễn Phan Quang và Nguyễn Cảnh Minh thì ghi 5 động là: Tư Lẫm, Kim Lạc, Cổ Sâm, Liêu Cát và La Phù (sđd-92, tập 1, Hà Nội, 1971, trang 75). Thực ra, sự việc chỉ liên quan đến 4 động là Tư Lẫm, Cổ Sâm, Liễu Cát, La Phù và có chăng thì chỉ việc Mạc Đăng Dung trả đất chứ không hề có việc Mạc Đăng Dung dâng đất của Đại Việt cho nhà Minh.
Sự thực bốn động nêu trên đều thuộc trấn Như Tích vốn là đất Trung Hoa ít nhất từ đời Tống. Trấn này nằm cách Khâm Châu (Quảng Đông) 160 dặm về phía Tây và cách Châu Vĩnh An của Đại Việt 20 dặm. Đây là một vùng núi cao, địa thế hiểm trở. Đầu đời Tống các động này dã đặt các chức động trưởng để trông coi và sang đời Minh, niên hiệu Hồng Vũ năm đầu (1368), vua Minh lại đặt chức Tuần Ti ở Như Tích để thống lĩnh các động này một cách chặt chẽ hơn. Như đã trình bày về hai châu Quy, Thuận, các động trưởng dọc biên giới Việt –Trung thường tuỳ theo tình hình thực tế mà thay đổi thái độ thần phục đối với Trung Hoa hoặc Đại Việt. Thí dụ năm Tuyên Đức thứ 2 (1427) đời Minh, trước khi cuộc kháng chiến của Lê Lợi lãnh đạo thành công non một năm, các động Tư Lẫm, Cổ Sâm, Liễu Cát và La Phù thuộc vào Đại Việt bấy giờ chưa hoàn toàn độc lập do chưa đánh đuổi hết giặc Minh. Về việc này, cho đến bây giờ chúng ta vẫn không có tư liệu lịch sử nào cho biết nhà Lê đã chính thức chấp nhận hay khước từ lời thỉnh cầu thần phục của các động vừa nêu. Chỉ có thể đoán định rằng hành động của các tù trưởng ở các động ấy như đã nêu không ngoài mục đích nhằm tạo ra một tình trạng mập mờ để thuận lợi cho sự tự trị của họ mà thôi. Chính vì thế mà mãi đến năm 1540, nhân cớ nhà Mạc muốn sớm được chính thức công nhận về mặt ngoại giao nên nhà Minh mới đặt điều kiện đòi hỏi Mạc Đăng Dung phải cam kết chính thức trao trả quyền thống quản 4 động đó cho họ và có được như vậy thì “thiên triều” mới “cho trông coi đất An Nam”! Bằng dẫn giải này,một lần nữa chứng minh rằng Mạc Đăng Dung chưa bao giờ cắt đất Tổ quốc dâng cho ngoại bang…
Chính ĐVSKTT cũng đã vô tình thừa nhận việc làm này của Mạc Đăng Dung là trả đất qua đoạn ghi chép: “Tháng 10 ngày 20 (năm 1541, tức là năm Quảng Hoà nguyên niên đời Mạc Phúc Hải-HT). Bọn Mao Bá Ôn (Mao Bá Ôn là thượng thư nhà Minh, được cử “làm tham tán quân vụ cùng Cừu Loan là Tổng đốc quân vụ đem quân sang đánh nhà Mạc-HT) về Yên Kinh tâu nói Mạc Đăng Dung tự trói mình dâng lễ hàng ở cửa aei, xin tuân theo chính sóc, tước bỏ tiếm hiệu, TRẢ LẠI ĐẤT 4 ĐỘNG ĐÃ XÂM CHIẾM (chúng tôi nhấn mạnh-HT), xin nội ứng xưng thần (…) cúi mình kính thuận” (ĐVSKTT, tập IV, tr 132). Rõ ràng, chính ĐVSKTT cũng hoàn toàn xác nhận rằng đây là việc trả đất. Và cũng chính ĐVSKTT đã thừa nhận rằng trấn Như Tích (nơi có 4 động hữu quan) đã là đất của Trung Hoa từ thời nhà Tống trong đoạn chép sau đây: “Trước đây dân của trấn Triều Dương của ta là bọn Văn Dũng làm loạn, giết người trốn sang Như Tích thuộc Khâm Châu nước Tống, trấn tướng là Hoàng Lệnh tức giấu bọn Văn Dũng. Vua sai trấn tướng Triều Dương là Hoàng Thành Nhã đuổi bắt, lệnh tức không chịu trả về. Nay Nghiêu Tẩu (là Quảng Tây vận sứ-HT) đến Như Tích, ta ra được chuyện chứa dấu ấy, đem hết bọn trai gái, già trẻ đã chứa giấu cộng 113 người, gọi Thành Nhã sang giao cho nhận về” (ĐVSKTT, tập I, tr 176).
Vậy là ngay một số ghi chép trong ĐVSKTT như đã trích dẫn trên cũng đủ cho thấy hoàn toàn không có chuyện Mạc Đăng Dung cắt đất của Đại Việt để dâng cho nhà Minh. Có chăng chỉ là các sử thần Lê-Trịnh vì mục đích chính trị đã xuyên tạc sự thật lịch sử để hạ nhục nhà Mạc mà thôi. Ngoài vấn đề này ra thì chung quanh việc bang giao giữa nhà Mạc với nà Minh cũng còn có nhiều điều khác nữa cần được soi xét lại, dù đó là đại sự hay tiểu tiết. Mà có khi chính tiểu tiết lại rất lợi hại. Chẳng hạn như những điều ghi chép nói rằng Mạc Đăng Dung cùng đoàn tuỳ tùng đã “qua trấn Nam Quan, mỗi người đều cầm thước, buộc dây vào cổ, đi chân không đến bò rạp ở Mạc phủ nước Minh; quỳ gối cúi đầu dâng tờ biểu xin hàng(…)”(ĐVSKTT, tập IV, tr 131). Với ghi chép này, cá nhân chúng tôi hoàn toàn không tin ở những chi tiết như “cầm thước’, “buộc dây vào cổ”, “đi chân không”..v.v.. không khỏi cho rằng đây chỉ là những chuyện thêu dệt để bôi nhọ người sáng lập ra Vương triều Mạc mà thôi.
Đặt lại vấn đề với nội dung nêu trên, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến LƯƠNG TÂM và trách nhiệm của các sử gia cũng như các nhà nghiên cứu về lịch sử trong việc ghi chép và bình phẩm hành trạng của các nhân vât lịch sử. Nhân đây muốn được dựa vào chiết tự để lưu ý chữ SỬ có tự dạng Hán nguyên gốc là trên chữ TRUNG nghĩa là ngay thẳng, trung thực và dưới là chữ HỰU tức là lại nữa… (biểu thị sự trùng lặp). Như vậy khi nhìn đến chữ SỬ đã gợi trong ta sự trung thực không chỉ một lần mà đã luôn luôn phải trung thực. Nhân 450 năm ngày băng hà của Mạc Thái tổ Đăng Dung (1541-1991) dám mong các vị sử gia và các nhà nghiên cứu lịch sử hãy vì chữ Trung trong chữ SỬ mà định lại công và / hoặc tội của nhân vật lịch sử này để cho những tranh sử về nhà Mạc được đích thực là những trang sử khách quan.
Chót hết, xin lưu ý thêm là các tác giả Phương Đình dư địa chí và Đại Nam nhất thống chí cũng đã cho rằng hành động của Mạc Đăng Dung không phải là dâng đất mà rằng đó là việc trả đất mà thôi.
Ngày 6 tháng 8 năm 1991
(Bán nguyệt san Kiến thức ngày nay, phụ san của Tạp chí Văn,
Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh-Số 70, ra ngày 15/10/1991)
Bình luận
Brumvex - 10/30/2022 19:00:49
cialis generic name Ortmann O, Cufer T, Dixon JM, Maass N, Marchetti P, Pagani O, Pronzato P, Semiglazov V, Spano JP, Vrdoljak E, Wildiers H 2009 Adjuvant endocrine therapy for perimenopausal women with early breast cancer
Blitome - 05/08/2022 04:11:33
https://newfasttadalafil.com/ - Cialis Mental disorders such as depression are known to increase the risk of suicide. where to buy cialis cheap Zzygjp Fjbvah https://newfasttadalafil.com/ - buy cialis online with prescription