LTS: Trong nhiều năm gần đây, giới sử học Việt Nam đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu về vương triều Mạc cũng như hai vị vua đầu triều là Mạc Thái Tổ (Mạc Đăng Dung) và Mạc Thái Tông (Mạc Đăng Doanh). Những nghiên cứu mới đã góp phần khẳng định công lao của nhà Mạc - cả về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội…, đưa ra cái nhìn khách quan, công bằng về vương triều Mạc nói chung.
Nhằm giúp bạn đọc có thêm cơ sở khách quan trong quá trình đánh giá về vương triều Mạc, cũng như lý giải vì sao tên của hai vị vua đầu triều Mạc đã được dùng để đặt tên cho nhiều đường phố tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, An Giang, TP Hồ Chí Minh, Gia Lai…, Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu bài viết của GS Văn Tạo - nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam, người đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về vương triều Mạc.
Nhà Mạc - một triều đại phong kiến tồn tại hơn 150 năm, trong đó có 65 năm (1527-1592) ở Thăng Long. Trong suốt thời gian tồn tại, nhà Mạc đã có nhiều cống hiến đối với lịch sử dân tộc. Tuy vậy, theo quan điểm phong kiến thì cũng như nhà Hồ, nhà Tây Sơn, vì đã lật đổ triều đại cũ, lập nên triều đại mới cho dòng họ mình, đều bị coi là "nhuận", là "nguỵ" (nhuận Hồ, nguỵ Mạc, nguỵ Tây Sơn).
Ngày nay, công cuộc đổi mới mà Đại hội lần thứ VI của Đảng đề ra bắt đầu từ "đổi mới tư duy", cùng với phương châm khoa học: "Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật" đã giúp cho chúng ta có cách nhìn mới về các nhân vật lịch sử, trong đó có nhà Mạc và Mạc Đăng Dung.
I. BỐI CẢNH LỊCH SỬ VÀ SỰ RA ĐỜI CỦA NHÀ MẠC
Đầu thế kỷ XVI, nhà Lê sơ sau một thời gian phát triển cực thịnh dưới thời vua Lê Thánh Tông đã bắt đầu suy thoái. Chính sử nhà Lê cũng đã phải thừa nhận: "Từ vua Uy Mục trở đi, cơ nghiệp nhà Lê mỗi ngày một suy dần, không có vua nào làm được việc nhân chính, lại thường hay say đắm tửu sắc, làm những điều tàn ác gây thành sự giặc giã, thoán đoạt".
Khủng hoảng cung đình diễn ra với một hình thái chưa từng có là 5 vua bị giết, hai vụ tiếm ngôi xưng vương, nhiều phe phái tiêu diệt lẫn nhau khiến sức lực suy tàn, nhân tài cạn kiệt, dân tình khổ cực. Binh sĩ nhiều người bỏ thân nơi chiến địa không vì lợi ích quốc gia.
Trong lịch sử dân tộc cũng nhiều lần xảy ra khủng hoảng cung đình như khủng hoảng cuối Tiền Lê sang Lý, khủng hoảng cuối Lý sang Trần, hay như "Loạn ba vương thời Lý", việc tiếm ngôi của Dương Nhật Lễ cuối Trần… nhưng chưa bao giờ khủng hoảng lại diễn ra lâu dài và trầm trọng như lần này.
Lịch sử đang cần có một nhân vật đứng ra giải quyết khủng hoảng để yên dân, dựng nước. Lịch sử đã lựa chọn Mạc Đăng Dung.
Nói "Lịch sử đã lựa chọn" là nói thực tế khách quan đã có sự giằng co giữa các thế lực, mỗi thế lực có người đại diện của mình và đều là nhằm giành ngôi nhà Lê đang suy tàn, bất lực. Nhưng sau khi loại trừ lẫn nhau, cuộc "chung kết" chỉ còn lại có hai đối thủ là Nguyễn Hoằng Dụ và Mạc Đăng Dung. Cuối cùng Mạc Đăng Dung đã thắng, tức Mạc Đăng Dung đã được lịch sử lựa chọn.
II. VAI TRÒ MẠC ĐĂNG DUNG TRONG KHỦNG HOẢNG CUNG ĐÌNH
Nguyễn Hoằng Dụ đã từng có thư riêng cầu hòa với Mạc Đăng Dung khi vua sai Đăng Dung đi đánh Hoằng Dụ. Đăng Dung không đi đánh nữa. Nhưng Hoằng Dụ, sau khi thua Trịnh Tuy và Trần Chân, đã bỏ chạy về giữ Thanh Hóa. Đến khi vua bị bọn Trần Chân chống lại, cho vời ra giúp, đã không ra. Lần thứ hai vua vời ra để cùng Mạc Đăng Dung đánh Hoàng Duy Nhạc, Nguyễn Kính, Nguyễn Áng… thì lại xuất binh đánh trước và thua trận, lui về Thanh Hóa. Như vậy đức, tài đã được thử thách và biểu lộ rõ là Hoằng Dụ thua kém Mạc Đăng Dung.
Còn Mạc Đăng Dung khi được Chiêu Tông vời ra giúp đã ra ngay, được Chiêu Tông trao cả binh quyền để đánh Hoàng Duy Nhạc. Mạc Đăng Dung đã thắng trận, trừ được bọn Lê Do (đã tiếm hiệu xưng vua) cùng Trịnh Tuy, Nguyễn Sư, lại đã quy hàng được Hoàng Duy Nhạc, Nguyễn Kính, Nguyễn Áng… nên lực lượng càng thêm mạnh.
Tài quân sự của Mạc Đăng Dung như vậy là đã rõ. Còn về đức, ông cũng là vị quan tận tâm phục vụ triều đình, nghe lời gọi của Chiêu Tông ra cứu vua, và lấy ân uy mà thu phục được Hoàng Duy Nhạc, Nguyễn Kính, Nguyễn Áng… Khi đưa Cung Hoàng lên ngôi, đã vì lòng trung mà cố gắng để gần ba năm vực lại ngôi vua của nhà Lê, nhưng thấy không thể vực dậy nổi, mới quyết định nghe lời các quần thần mà lên ngôi.
III. MẤY NÉT LỚN VỀ THÂN THẾ SỰ NGHIỆP CỦA MẠC ĐĂNG DUNG
"Mạc Đăng Dung là cháu bảy đời Mạc Đĩnh Chi. Ngày trước vốn ở làng Đông Cao, huyện Bình Hà, tỉnh Hải Dương sau dời sang làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, tỉnh Kiến An.
Mạc Đăng Dung, thời trẻ nhà nghèo làm nghề đánh cá, nhưng có sức mạnh, thi đỗ Đô lực sĩ, làm Đô chỉ huy sứ triều Lê Uy Mục, đến triều Tương Dực được phong Vũ Xuyên bá, sau vua Chiêu Tông lại phong Vũ Xuyên hầu".
Khi quyền bính đã về tay, Mạc Đăng Dung tất yếu cũng phải tìm cách để củng cố địa vị của mình, như Trần Thủ Độ, như Hồ Quý Ly.. Ông bắt buộc phải tiêu diệt các lực lượng chống đối. Nhưng đa số các quan lại, đại thần cũ nhà Lê đều được Mạc Đăng Dung giữ lại, tiếp tục trọng dụng, thể hiện lòng nhân ái của mình. Trước thực tế một bộ phận không nhỏ các quan lại, đại thần nhà Lê bỏ theo giúp nhà Mạc, sử cũ, vì thành kiến, viết: "Thấy quyền lớn của họ Mạc cũng bỏ vua mà theo phò Mạc Đăng Dung". Họ theo giúp nhà Mạc có lẽ do nhận thức được tính hợp lý của thời cuộc, cảm được ân đức của Mạc Đăng Dung chứ không phải chỉ vì xu thời "thấy quyền lớn.." như nêu trên.
Từ năm Giáp Thân 1524, sau khi Chiêu Tông bị giết, Cung Hoàng lên thay, nhưng mãi đến ba năm sau là năm Đinh Hợi (1527) Mạc Đăng Dung mới để các quan nhà Lê thảo chiếu truyền ngôi cho nhà Mạc…
Mạc Đăng Dung lên ngôi, khủng hoảng cung đình tạm thời được giải quyết, dẫn đến cục diện Nam-Bắc (Lê-Trịnh và Mạc) phân tranh, tức "thời đại Nam-Bắc triều" (Bắc: 1527-1593; Nam: 1533-1599).
Mạc Đăng Dung làm vua 3 năm rồi truyền ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh, về Cổ Trai làm Thái Thượng Hoàng.
Toàn bộ công tích của nhà Mạc cống hiến cho lịch sử dân tộc đã được sử sách ghi chép. Riêng công trạng của Mạc Đăng Dung có thể tóm tắt như sau:
Khi khủng hoảng cung đình diễn ra trầm trọng, triều chính đổ nát, kinh tế suy sụp, dân tình cực khổ, Mạc Đăng Dung đã dẹp được các phe phái phân chia, cát cứ, lên ngôi, tạo dựng được cơ nghiệp, góp phần ổn định đời sống xã hội, xây dựng và phát triển đất nước về mọi mặt: kinh tế, văn hóa, xã hội trong hơn nửa thế kỷ. Không ai có thể phủ nhận thành tựu của nhà Mạc.
Xét về sự nghiệp dựng nước thì bao giờ cũng "vạn sự khởi đầu nan"- công lao đó thuộc về Mạc Đăng Dung. Nhân dân ta, một khi đã thừa nhận là nhà Mạc có cống hiến cho dân tộc thì không thể không thừa nhận công lao của Mạc Đăng Dung.
Do hạn chế lịch sử, lại thêm tình cảm "ghét nên xấu" nên các sử gia phong kiến đã có những đánh giá lệch lạc, không đúng, thậm chí xuyên tạc bản chất chính sách ngoại giao mềm dẻo của nhà Mạc và Mạc Đăng Dung để rồi coi là "ngụy triều", là "có tội"... và theo đó, một số nghiên cứu lịch sử sau này cũng chịu ảnh hưởng nặng nề mà tiếp tục phủ nhận công lao đối với quốc gia - dân tộc và có những nhận định sai cho nhà Mạc và Mạc Đăng Dung. Dưới ánh sáng của công cuộc đổi mới, nhiều nhà sử học trong và ngoài nước đã nghiêm túc đi sâu, chắt lọc sử liệu cũ và kết quả điền dã để minh oan, khẳng định những cống hiến cho đất nước, cho dân tộc của nhà Mạc và Mạc Đăng Dung trong thế kỷ XVI.
Nói tóm lại, với 65 năm tồn tại ở Thăng Long, nhà Mạc đã có cống hiến nhất định với lịch sử dân tộc. Công lao dựng nghiệp của Mạc Đăng Dung đối với nhà Mạc là lớn lao và sự nghiệp dựng nước của nhà Mạc đã được sử sách ghi nhận, hậu thế cần trân trọng và phát huy. Do đó, Đảng và Nhà nước đã có quyết định đầu tư xây dựng khu tưởng niệm Vương triều Mạc và các vua nhà Mạc tại xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng vốn là nơi phát tích vương triều Mạc, kinh đô hướng biển đầu tiên của quốc gia Đại Việt và đưa vào công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, thể hiện sự trân trọng, một biểu hiện cụ thể của đạo lý "uống nước, nhớ nguồn".
Hiện nay, ở Hà Nội chưa có một đường phố nào mang tên các vị vua tiêu biểu của nhà Mạc. Với chiều dầy vẻ vang 1000 năm qua, lịch sử sẽ đứt đoạn, không trọn vẹn khi chúng ta quên đi giai đoạn 65 năm của vương triều Mạc với những dấu ấn hết sức riêng biệt cùng với các triều đại Lý, Trần, Lê… đã góp phần làm nên lịch sử của Thăng Long - Hà Nội. Do đó, thành phố Hà Nội cần thiết dành một số tuyến phố để đặt tên Thái Tổ Mạc Đăng Dung (hoặc Mạc Thái Tổ) và Thái Tông Mạc Đăng Doanh (hoặc Mạc Thái Tông), là hai vị vua đầu triều và cũng là tiêu biểu nhất của vương triều Mạc.
GS. Văn Tạo
Nguồn: hanoimoi.com.vn
Viết bình luận