Những công trình cổ ở làng Du Lễ

Nhng công trình c làng Du Lễ

Trong cái nắng hanh hao ngày đầu đông, chúng tôi về làng cổ được hình thành từ thế kỷ thứ 8, nay là xã Du Lễ (huyện Kiến Thụy) để ghé thăm cụm di tích lịch sử mang đậm nét văn hóa tâm linh của người Việt.

Rảo bước trên đường làng đậm dấu ấn Bắc Bộ, du khách được đắm chìm trong không khí thanh bình của trang Du Lễ xưa với thế đất Thành Long, được người xưa ca ngợi: “Nhất điền hành thuỷ hướng đông lưu/ Văn phát công khanh võ công hầu". Chính tại nơi đây sản sinh cho đất nước 2 vị danh tướng Huân Thần tài cao, trí lớn là Thái Vương Trương Nữu Đại tướng quân và Bạt Hải Đại Vương. Đây là 2 người con của quê hương Du Lễ, có công đánh đuổi quân xâm lược, được nhân dân suy tôn làm Dương Cảnh Thành Hoàng, lập miếu thờ, 4 mùa khói hương.

Nằm nép mình dưới tán đa cổ thụ cạnh đường làng, Miếu Đông là nơi dân làng thờ phụng tướng quân Vũ Hải (1252- 1288), người có công lớn trong trận Chương Dương- Hàm Tử. Theo thần phả còn ghi lại trong văn bia, trong trận Tây Kết, tướng Vũ Hải lấy đầu tướng giặc Toa Đô và được phong chức “Phú Độ Nghị Sử”. Năm 1288, quân Mông Nguyên xâm lược nước ta lần thứ 3, ông được Hoàng Thượng phong làm Bạt Hải Hữu Tướng quân, đem hơn 5 nghìn quân thuỷ đến giữ Bình Than. Ông tuyển thêm 40 trai tráng xã Du Lễ giỏi nghề bơi lội tham gia đội quân đánh thuỷ. Hơn 300 chiến thuyền của địch do Ô Mã Nhi chỉ huy bị đánh tan tác. Tướng quân Vũ Hải hy sinh anh dũng trên vùng cửa biển Đại Bàng, được vua Trần truy phong “Bạt Hải Đại Vương”. Đáng tiếc, trong vài năm gần đây, nhiều hiện vật cổ ở Miếu Đông đã bị mất, chỉ còn lưu giữ cỗ kiệu bát cống cổ có tuổi đời hàng trăm năm.

 

500 năm trước thời Bạt Hải Đại Vương, mảnh đất Du Lễ cũng sản sinh cho đất nước một vị Thần tướng với nhiều chiến công hiển hách. Đó là danh tướng Trương Nữu (737- 791). Ông là người có công lớn đánh thắng giặc Đường, lại hết lòng phò giúp Phùng An theo uỷ thác của tiên đế. Do vậy ông được vua ban sắc phong: “Thái Vương Trương Nữu Đại tướng quân”, tôn thần để phụng thờ ở Miếu Đoài. Từ chiến công này, tinh thần dân tộc phát huy dưới triều Ngô Vương Quyền năm 938 làm nên mốc son lịch sử kết thúc hơn nghìn năm Bắc thuộc. Ngày nay, Miếu Đoài còn lưu giữ hơn 40 hiện vật có giá trị lịch sử như hoành phi, câu đối, kiệu long đình…

 

Ông Phạm Ngọc Thuần, Phó ban quản lý di tích xã Du Lễ cho biết: Cả 2 ngôi miếu cổ thờ 2 vị thần tướng đều được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia vào năm 1994. Trải qua nhiều năm được dân làng phát tâm công đức, trùng tu tôn tạo, khuôn viên 2 di tích được mở rộng, bề thế hơn, trở thành một trong những nơi sinh hoạt tâm linh của người dân Du Lễ.

 

Ngoài 2 di tích Miếu Đông và Miếu Đoài, ở Du Lễ còn có chùa Trúc Am nổi tiếng, thờ 2 vị bồ tát là Bồ Phá Lặc Bồ Tát và Nhật Nam công chúa. Trong chùa còn lưu giữ nhiều di vật cổ có giá trị như tấm bia đỏ “Trúc Am Bia Ký” tạo năm Đoàn thái thứ 4 (1589) thời nhà Mạc; bộ tượng Tam Thế và Pho Quan Âm thiên thủ, thiên nhãn mang phong cách cuối thế kỷ 16- đầu thế kỷ 17; quả chuông đồng niên hiệu Bảo Hưng (1801) thời Tây Sơn. Trong những năm kháng chiến chống Pháp ác liệt, chùa Trúc Am được chọn là nơi đặt trạm quân y của Trung đoàn 41, là nơi sơ cứu nhiều thương binh từ các nơi chuyển đến. Năm 2008, chùa Trúc Am được thành phố công nhận là di tích lịch sử kháng chiến cấp thành phố.

 

Điểm đến cuối trong hành trình về thăm làng cổ Du Lễ là đền Đồng Mục. Đây là di tích lịch sử văn hoá được thành phố công nhận năm 2008, thờ công chúa Thiên Thụy Quỳnh Trân con vua Trần Thánh Tông (thế kỷ 13). Theo truyền ngôn, đây là nơi công chúa dừng chân, khai khẩn ruộng đất, mở rộng ruộng vườn, tán tài cấp phát, ban phát cho nhiều người cày ruộng trang Nghi Dương trước khi đến ở chùa Mõ. Tưởng nhớ ân đức của Ngài, hiện người dân Du Lễ lập đền thờ phụng, ngày đêm hương khói.

 

Cán bộ văn hóa xã Du Lễ Nguyễn Thị Chuyền cho biết: Người dân Du Lễ luôn tự hào với những giá trị văn hoá truyền thống ông cha đã để lại. Với 4 di tích lịch sử, trong đó có 2 di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia, tạo cho Du Lễ một quần thể di tích lịch sử văn hoá giá trị. Tuy nhiên, tiềm năng du lịch của xã chưa được quan tâm đúng mức. Để nơi đây trở thành điểm du lịch tâm linh, giáo dục truyền thống anh dũng chống ngoại xâm của dân tộc, rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện của các ngành văn hóa, du lịch cũng như chính quyền địa phương quảng bá hình ảnh, xây dựng các tuyến du lịch đến với mảnh đất giàu truyền thống này.

 

Nguyễn Cường

 

Viết bình luận