NINH VƯƠNG MẠC PHÚC TƯ

NINH VƯƠNG MẠC PHÚC TƯ

( THỦY TỔ CHI HỌ MẠC – CÂU TỬ NỘI –HỢP THÀNH – THỦY NGUYÊN)

 

 Vương húy là Phúc Tư, thụy hiệu là Phúc Triệu, con thứ hai Hoàng đế Mạc Thái Tông Đăng Doanh, sinh năm giáp thân (1524) tại Tam Giang, nơi thân phụ trị nhậm.

Người xuất thân ở một dòng họ nổi tiếng gốc làng Lũng Động, huyện Chí Linh, có nhiều người học rộng, tài cao, lừng danh trong lịch sử nước nhà như Mạc Hiển Tích, Mạc Đĩnh Chi…Tổ phụ là Thái Tổ Mạc Đăng Dung và Vương phụ Thái Tông Mạc Đăng Doanh đều toàn tài văn võ. Hơn 20 năm anh em, cha con hết lòng phò tá các vua Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, Lê Quang Thiệu, Lê Cung Hoàng. Nhưng vua Quang Triệu ươn hèn, ngu tối nghe lời xúc xiểm của bọn gian thần định hãm hại nên tổ phụ được sự đồng tình của nhiều triều thần danh tiếng, được nhân dân quy phục đã phế truất Lê Cung Hoàng rồi lên ngôi Hoàng đế, vãn hồi thanh bình, thịnh trị. Những năm Minh Đức ( 1527-1530), Đại Chính (1530-1540) triều Mạc, đất nước yên hàn, nhân dân no đủ, văn hóa phát triển…

Tuổi niên thiếu của Vương ở vào thời kỳ hưng thịnh của triều Mạc nên được hưởng sự giáo huấn đầy đủ. Vương bẩm tính thông minh, hiếu học, tư chất khoan hòa, cung kính, nổi tiếng tài năng đức độ, được sĩ thứ mến mộ. Ngày 25 tháng Giêng năm Canh Tý (1540) vua cha băng hà, hoàng huynh là Thái tử Mạc Phúc Hải lên làm vua, nối đại thống, tức vua Hiến Tông nhà Mạc. Khi lên ngôi, nhà vua đã phong tước Ninh vương cho Hoàng đệ Mạc Phúc Tư. Sau đó chao cho vương chức Thái tể. Làm quan đầu triều một thời gian, Vương ra sức chỉnh đốn hai ban văn võ, điều hòa phương lược để lo cho yên dân, củng cố cơ nghiệp tổ tông. Tháng 8 năm Ất Tỵ (1545), vâng lệnh vua anh, Vương thân làm tướng chỉ huy quân năm phủ đô đốc và các trấn đánh vào bản doanh của Lê Trang Tông Duy Ninh ở hạt Yên Mô ( nay thuộc tỉnh Ninh Bình). Khi quân đến sông Phù Chẩn, đội tiên phong, do chủ quan khinh địch, nên bị phục quân của Lê Trang Tông và cánh quân do Trịnh Kiểm chỉ huy vây đánh. Trận này quân Mạc thất lợi. Vương thấy thế địch chưa dễ đánh dẹp, bèn rút quân về.

Sau đó, thấy người em kế mình là Khiêm vương Kính Điển có tài lỗi lạc, Ninh vương rất lấy làm mừng. Tháng 5 năm Bính Ngọ (1546) vua anh băng hà, họ tôn thất và triều thần suy tôn Thái tử Mạc Phúc Nguyên lên ngôi báu. Lúc ấy, Tứ Dương Hầu Phạm Tử Nghi cùng Hoằng Vương Mạc Chính Trung, ĐịnhVương Mạc Phúc Sơn gây binh chiến rồi rút quân về chiếm cứ vùng Yên Quảng. Nhà Minh có ý định lợi dụng việc này, Ninh Vương bèn xin nhường chức Phụ chính đại thần cho thân vương Mạc Kính Điển và xin đi trấn thủ trấn Hải Đông, nhà vua ưng cho.

Khi ra trấn thủ vùng quan yếu này, vương ra sức vỗ về dân chúng, tướng sĩ…Vương đốc thúc đắp đê: Từ làng Định, qua Đạo Tú đến hồ Quy, đào sông, khơi ngòi, khai khẩn đất hoàng, trồng cây gây rừng, khuyến khích nghề đánh cá, nghề làm muối, mở chợ Chanh ở Yên Quảng, chợ Thưa, chợ Đá, Bia và phố Khách Long Mã ở Thủy Đường… để dân an lạc nghiệp. Những để nhà Mạc, bãi nhà Mạc, rừng nhà Mạc… ở trong hạt đó Vương gây dựng ngày nay vẫn còn dấu tích.

Vương cũng xây nhiều thành quách, đồn trại, nơi luyện quan thủy, quân bộ như thành Dền hay thành Thạch Bích ( còn gọi là thành Dền Đấu Đong) ở núi Thiểm Khê ( xã Liên Khê – Thủy Nguyên ngày nay), đồn Xích Thổ, ở huyện Hoành Bồ, đồng Thư Cung ở huyện Cẩm Phả, thành Vân Đồn ở bờ sông Chanh… do vậy mà xứ Hải Đông trở thành phên dậu vững chắc của Vương triều. Suốt mấy chục năm tập đoàn Lê – Trịnh nhiều lần đem quân cướp phá Thăng Long cùng một số vùng khác, riêng xứ Hải Đông do Ninh Vương cai quản, họ không xâm nhập được. Vương thực là tấm gương sáng thi hành tốt chính sách “ Tông tử duy thành” của người xưa.

Tháng 2 năm Giáp Tý (1564) Vua Tuyên Tông Mạc Phúc Nguyên băng hà, thái tử Mạc Mậu Hợp lên nối ngôi. Các hoàng thân khiêm vương Kính Điển, ứng vương Mạc Đôn Nhượng cùng phụ chính. Ninh vương vẫn giữ chức cũ, hết lòng lo liệu công việc giữ trấn phên dậu.

Tháng 10 năm Canh Thìn (1580) Khiêm Đại Vương bị bệnh qua đời, một mình Ứng Vương phụ chính, thay Khiêm Đại Vương giữ chức Trung doanh tổng sứ. Ứng vương không đủ sức gánh vác việc lớn quốc gia. Thế lực Lê – Trịnh ngày một mạnh mà triều thần nhà Mạc lúc ấy chia rẽ,vua ít tuổi lại ham chơi, chính sự ngày càng kém nát.

Tháng Chạp năm Nhâm Thìn (1592) vua Mạc Mậu Hợp bị bắt rồi bị hại. Sau đấy, Đường An Vương Mạc Kính Chỉ, Đôn Hậu Vương Mạc Kính Cung đã cố gắng xây dựng căn cứ lên ngôi vua để mưu đồ khôi phục cơ nghiệp, nhưng thời vận không còn nên đều lần lượt thất bại.

Lúc vua Hồng Ninh bị hại, Ninh Vương vẫn kiên thủ Hải Đông. Đầu năm Quý Tỵ (1593), sau khi đánh chiếm được Thăng Long, Dương Kinh. Tuyên Quang, Kinh Bắc… quân Lê – Trịnh chia đường tiến đánh Hải Đông, Vương chỉ huy quân trong trấn chống cự, đồn Thư Cung bị đánh phá, quân Mạc tránh vào hang núi Cốt Mìn, địch gọi hàng không được đã đốt lửa hun chết các tướng sĩ và gia nhân. Thủy quân Mạc phân tán rút ra các đảo, Ninh vương cùng hai thân vương khác  chỉ huy một cánh quân rút về căn cứ ở Thủy Đường- địch truy đuổi, ba Vương cùng tướng sĩ liều mình quyết chiến, đến xã Thiểm Khê thì đều bị trọng thương- địch tiếp tục truy kích, ba Vương đã tử trận. Con cả Vương là Mạc Thuần Trực cùng tôn thất Mạc Huệ Khánh cố thủ thành Dền được 5 tháng, sau hết lương thực phải  mở đường máu rút chạy, Mạc Thuần Trực hy sinh tại trận. Mạc Huệ Khánh cùng con cháu thoát được về vùng Giáp Sơn, dấu họ đổi tên lập ra làng Mai Sơn, nay thuộc chùa Trại Sơn, xã An Sơn huyện Thủy Nguyên.

Khi ba Vương tuẫn tiết, an táng tại cánh đồng làng Thiểm Khê. Phần mộ ba Vương dân gọi là Mả Ba Vua – Nghè Đồng dưới, vì lúc đầu an táng ba Vương tại đây và ở khu đồng dưới của làng, dân lập nghè thờ ba vị. Sau phu nhân của Ninh Vương là Đoàn Thị Từ Linh chuyển hài cốt của vương và của con trai là Thuần Trực ở thành Dền về an táng tại đống án, phường Câu Tử, huyện Thủy Đường. Phần mộ Vương, năm 1993 chi họ Mạc ở Câu Tử đã trùng tu to đẹp hơn.

Gia phả họ Mạc ở Câu Tử chỉ chép về một phu nhân của Ninh Vương là Đoàn Thị Từ Linh, người phường Hùng Khê, nay thuộc xã Hợp Thành, Thủy Nguyên. Phu nhân sinh được ba trai.

1.Mạc Thuần Trực; 2. Mạc Đạo Trai; 3. Mạc Tảo An.

* Mạc Thuần Trực được lập tước, hy sinh khi thành Dền thất thủ năm Quý Tỵ.

* Mạc Đạo Trai là tướng võ, năm Quý Dậu (1573) theo Khiêm vương hành quân vào Thanh Hóa, bị bắt ở lũy Phúc Bồi – Trịnh Tùng mến tài, gả con gái là Trịnh Thị Nhân cho. Mười năm sống ở Thanh Hóa, đến khi họ Trịnh muốn lợi dụng ông chống lại dòng họ mình, Mạc Đạo Trai đã tự sát. Bà Trịnh Thị Nhân vô cùng thương cảm, xin với chúa Trịnh nhận Mạc Hữu Đạo, con Mạc Thuần Trực về nuôi dạy thành tài. Lớn lên thi đỗ làm quan tới chức Thượng xá hầu triều Lê – Trịnh. Nhưng chỉ ít lâu, ông cương quyết từ quan để cung dưỡng bà Trịnh Thị Nhân cho tròn đạo hiếu.

* Còn Mạc Tảo An không rõ hành trạng.

Chú dẫn:

  • Trong Bạch Vân Am thi tập, Nguyễn Bỉnh Khiêm có hai bài thơ sau:

Lưu đề Ninh Quốc công

Phiên âm:

Tự tín tâm đồng đạo diệc đồng

Viễn lai tương phỏng ngẫu tương phùng

Dục tri Quách Tử hoàn danh xứ.

Nhận thủ năng an nghĩa mệnh trung.

Dịch nghĩa:

Tự tin chúng ta cùng một tấm lòng, cùng một đạo.

Ở nơi xa đến thăm nhau may được gặp gỡ.

Muốn rõ Quách Tử Nghi làm sao trọn được danh tiếng.

Giữ được yên là tuân theo mệnh trời.

 

Bộ Ninh Quốc công thi vận

Phiên âm:

Tướng tướng điều hòa kim cổ nan

Kháp nhiên hội hợp cộng giao hoan

Chi tâm nguyệt hội ca lâu thượng

Mãn diện xuân phong tửu tịch gian

Thiên hạ da công chân thị hán

Cá trung thức ngã độc xưng hàn

Tiền trình viễn đại tương kỳ liễu

Nhất tố nho công nguy sử an.

Dịch nghĩa:

Xưa nay chức tể tướng điêu hòa âm dương thật khó,

May có dịp gặp nhau cùng vui chung

Trên lầu hát trăng sáng soi tỏ lòng nhau

Nơi chiếu rượu gió xuân thổi mát mặt

Thiên hạ nhiều người cho ông tài giỏi

Ít người biết tôi là người cầm bút

Con đường phía trước thênh thang rộng mở.

Cứ làm theo công nghiệp nhà nho thì nguy trở nên yên.

 

Nội dung hai bài thơ trên nói lên quan hệ mật thiết giữa Trạng Trình và Ninh vương. Đồng thời thấy rõ Nguyễn Bỉnh Khiêm đánh giá tài năng đức độ Ninh Vương.

  • Tài liệu này biên soạn dựa vào Lê triều thông sử của Lê Qúy Đôn. Đại Việt sử ký toàn thư. Đại Nam nhất thống chí, gia phả họ Mạc ở Câu Tử và tư liệu điền dã của hai ông Mạc Văn Miên, Mạc Hữu Hoa, hội viên hội Sử học Hải Phòng.

                                                              NGÔ ĐĂNG  LỢI

 (Chủ tịch hội sử học Hải Phòng)

 

Viết bình luận