Phong trào hiếu học ở ngoại thành Hải Phòng - Nhiều cách làm hay
Sau những ngày nghỉ hè, các em học sinh sẽ trở lại với những trang sách, chuẩn bị cho năm học mới. Đây cũng là thời điểm nhiều gia đình nông dân nghèo ở ngoại thành chạy đôn, chạy đáo lo kinh phí đóng góp cho con khi tiếng trống khai trường sắp điểm. Hiểu được nỗi lo ấy, nhiều dòng họ, địa phương đang có những hoạt động khuyến học, hỗ trợ kịp thời những học trò nhà nghèo, tạo phong trào thi đua hiếu học.
Giúp sức học trò nghèo
Những ngày đầu tháng 7, khu vực văn miếu Xuân La (xã Thanh Sơn, Kiến Thụy) - nơi từng là trường thi lớn của kinh đô Dương Kinh xưa - khá đông các sĩ tử chuẩn bị ứng thi đại học về thắp hương, cầu mong một kỳ thi may mắn. Đây cũng là nơi tổ chức lễ tuyên dương học sinh giỏi của huyện, xã và các dòng họ trong làng Xuân La. Ông Nguyễn Duy Khoát, người có công phục dựng lại văn miếu Xuân La cho biết: “Cứ đến cuối tháng 6, đầu tháng 7, các dòng họ ở Xuân La và xã Thanh Sơn lại tổ chức tổng kết việc xây dựng quỹ khuyến học và tuyên dương học sinh giỏi; đồng thời cũng là buổi tiễn các sĩ tử lên đường ứng thi vào đại học. Tại đây, nhiều dòng họ trích một phần kinh phí từ quỹ khuyến học để hỗ trợ các em học trò nghèo lộ phí đi thi. Sau khi có kết quả thi đỗ đại học, các gia đình, dòng họ trong làng lại ngồi với nhau, bàn xem có học trò nào đỗ đại học nhưng gia đình quá khó khăn, không đủ khả năng cho con đi học để có cách trợ giúp. Có dòng họ tạo quỹ cho các gia đình nghèo vay để có kinh phí cho con đi học. Rồi cũng có dòng họ tập hợp danh sách những hộ gia đình quá khó khăn, đề nghị chính quyền địa phương tín chấp cho họ vay vốn từ ngân hàng chính sách… Nhờ có sự trợ giúp kịp thời này, những năm gần đây, trung bình mỗi năm làng có 5-6 học sinh đỗ đại học và đủ điều kiện để theo học”.
Văn miếu Xuân La (xã Thanh Sơn, Kiến Thụy) nơi biểu dương, trao thưởng cho học sinh giỏi của nhiều dòng họ ở địa phương. |
Tại xã Tú Sơn (Kiến Thụy), vùng quê của 9 tiến sĩ thời Mạc, việc khuyến học, hỗ trợ học trò nghèo cũng đang giúp phong trào học tập trên vùng đất khoa bảng ngày càng bừng sáng. Ông Bùi Đình Phu, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Tú Sơn cho biết: “Hiện nay, xã vẫn duy trì 3 phong trào khuyến học: gia đình hiếu học, dòng họ và làng văn hoá khuyến học; khuyến dạy, khuyến học trong các trường học của xã. Hằng năm, Hội Khuyến học của xã vận động nhân dân, các dòng họ góp quỹ giúp đỡ hơn 100 em học sinh hoàn cảnh khó khăn mua sách vở, mỗi em từ 100.000-300.000 đồng. Toàn xã huy động được hơn 200 triệu đồng để khen thưởng vào cuối năm học cho trên 2.446 lượt học sinh học giỏi, thầy cô dạy giỏi, học sinh thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học. Đặc biệt, vào thời điểm sắp bước vào năm học mới, các dòng họ trong xã đều tổ chức biểu dương, khen thưởng các em học sinh giỏi, hỗ trợ kinh phí cho các em học sinh nghèo thi đỗ vào đại học. Một số dòng họ trong xã còn hỗ trợ kinh phí cho các sĩ tử lên đường ứng thi đại học, tìm địa chỉ các gia đình con em Tú Sơn ở Hà Nội và khu vực nội thành để đón các em đến ăn nghỉ miễn phí trong quá trình ứng thi. Từ phong trào khuyến học, hiện nay, Tú Sơn có thêm 3 tiến sĩ, 7 thạc sĩ và 319 người có trình độ đại học đang công tác trên mọi miền đất nước”.
Duy trì phong trào tự học
Bảy giờ tối, một hồi kẻng vang lên, ngân dài. Đám trẻ đang nô đùa, hô vang: “Kẻng rồi, về học thôi…”. Từ mấy năm nay, cứ nghe thấy tiếng kẻng vang lên, đám trẻ làng Cốc Tràng, Tân Lộc, xã Chiến Thắng, huyện An Lão, lại răm rắp ngồi vào bàn học, làng trên, xóm dưới lặng như tờ. Em Đào Thị Liên, một học sinh ở Chiến Thắng cho biết: “Đã thành thông lệ, cứ tầm 19 giờ, nghe thấy tiếng kẻng là chúng cháu tự vào bàn học bài, trừ thứ bảy và chủ nhật. Kể cả thời gian nghỉ hè, chúng cháu vẫn duy trì việc tự học. Thôn nào ở xã Chiến Thắng cũng có kẻng báo giờ tự học như vậy. Nhờ duy trì thói quen này, học sinh ở Chiến Thắng ít phải học thêm hơn, tự mình có phương pháp học phù hợp. Đây cũng là bí quyết để các anh chị học trò nghèo trong xã thi đỗ đại học mà không phải đôn đáo tìm đến các lớp luyện thi đại học”.
Theo lãnh đạo địa phương, phong trào “Tiếng kẻng học bài” được Đảng uỷ xã Chiến Thắng và Hội Khuyến học xã duy trì từ năm 1999 đến nay. Các thôn trong xã đều lập chi hội khuyến học, và trực tiếp kiểm tra việc tự học theo kẻng của học sinh. Em nào không chấp hành 3 lần liên tiếp sẽ bị phê bình trên hệ thống loa truyền thanh của xã. Hội phân công hội viên đi kiểm tra. Nhà nào mở ti-vi, không có bàn ghế cho con học tập đều bị thôn nhắc nhở. Ngoài đường không có trẻ con đi chơi. Nếu Ban chỉ đạo (bao gồm Hội khuyến học, Ban An ninh, giáo viên nhà trường và cán bộ các cơ quan đoàn thể) bắt gặp em nào không học bài sẽ ghi tên, vi phạm nhiều lần sẽ thông báo trên đài truyền thanh của xã. Khó khăn lúc đầu nhưng sau các bậc phụ huynh hiểu được tác dụng của phong trào nên tự nguyện hưởng ứng. Tiếng kẻng của Chiến Thắng trở thành hiệu lệnh học tập quen thuộc. Ngoài duy trì phong trào “tiếng kẻng học bài”, xã Chiến Thắng còn xây dựng Quỹ Khuyến học “Đoàn Mậu” (lấy tên của vị tiến sĩ đầu tiên của xã) để thưởng kịp thời cho những học sinh xuất sắc, vượt khó trong học tập. Hiện xã đang phấn đấu tất cả các dòng họ trên địa bàn xây dựng được quỹ khuyến học, để trợ giúp học sinh nghèo học giỏi.
Hiện nay, phong trào “tiếng kẻng học bài” của Chiến Thắng - tiếng kẻng của tinh thần hiếu học đang vang xa và được nhân rộng ra nhiều địa phương khác.
Theo báo Hải Phòng
Viết bình luận