Sử liệu Trung Quốc về Việt Nam thời Mạc

S LIU TRUNG QUC V VIT NAM THI NHÀ MC

                                                                                                               ĐINH KHẮC THUÂN

                                                                                                  Tiến Sĩ. Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Trong mấy năm gần đây, giới sử học Việt Nam đặt vấn đề đánh giá lại vai trò nhà Mạc trong lịch sử. Chúng ta đã thấy một số ấn phẩm liên quan đến triều đại này ra mắt bạn đọc. Tuy nhiên nguồn sử liệu sử dụng trong các công trình nghiên cứu trên còn nhiều hạn chế, chủ yếu được giới hạn trong một số sự kiện chính trị chép trong Đại Việt sử ký toàn thư, đại Việt thông sử, Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Việt Nam và trong Minh sử của Trung Quốc. Để góp phần nghiên cứu lịch sử thời Mạc, chúng tôi cố gắng bổ sung một số sử liệu Trung Quốc liên quan đến triều đại này mà chúng ta chưa biết đến. Đó là một số biên niên sử về nhà Minh, cùng các chiếu chỉ, tấu biểu liên quan đến việc chinh phạt nhà Mạc, cũng như một số địa chí, bản đồ về nhà Mạc do người thời Minh biên soạn, những tư liệu này hiện đang được bảo quản tại thư viện Viện Nghiên cứu cao cấp Trung Quốc (Institud des Hautes Etudes chinoises), Paris, Pháp. Chúng tôi xin đơn cử một vài trường hợp sau đây.

Trước hết là Minh thực lục, một bộ biên niên sử của nhà Minh ghi chép khá đầy đủ các sự kiện lịch sử liên quan đến nhà Mạc, nhất là việc chuẩn bị chinh phạt của nhà Minh, việc đầu hàng của Mạc Đăng Dung và việc cắt đất của nhà Mạc cho nhà Minh năm 1540. Những sự kiện này được chép trong các tập thực lục về Thế Thông quyển 199, 204, 205, 220, 221, 259 và được tập hợp lại thành các chuyên mục trong Minh thực lục loại toản(1).

Ngoài ra là một số tác phẩm sử học khác mà ở đây, một số sự kiện lịch sử nhà Mạc được ghi chép khá đầy đủ, như An Nam lai quy đồ sách (Annam laiquituce), Hoàng Minh chiếu lệnh (Huagming zhaoling), Hoàng Minh chế thư (Huagming zhishi), Việt kiệu thư (Yue qiaoshu) cửa Lý Văn Phượng…

Qua các sự kiện chép trong các sách nêu trên, ta thấy nhà Minh chuẩn bị chinh phạt nhà Mạc là có thật. Liên tục các tháng trong các năm Gia tĩnh 16, 17, 18, 19 (1537-1538, 1539 và 1540), vua Minh ban lệnh chỉ cho việc điều động quân dân, tướng lĩnh và cho 22 vạn quân áp sát biên giới, sẵn sàng chinh phạt. Ngay sau khi kết thúc chiến dịch này, vua Minh có lệnh chỉ miễn sưu thuế cho dân hai xứ Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây) “vì mệt nhọc trong việc điều động phục dịch cho chuẩn bị chiến tranh với nhà Mạc”(2). Đồng thời qua đây, ta thấy rằng Mạc Đăng Dung một mặt đã có chuẩn bị võ trang để đề phòng khi bị quân Minh tấn công, như ở biên giới có hàng loạt đồn bốt mà nhà Minh gọi là “tặc doanh”, mặt khác phái người qua biên giới để ngăn chặn sự liên lạc của nhà Lê Trịnh với nhà Minh, đặc biệt tìm cách mua chuộc sứ giả nhà Minh, nắm tin tức của quân đội chinh phạt nhà Minh và tìm cách giảng hòa. Trong bối cảnh đó, Mạc Đăng Dung không thể không chấp nhận sự đầu hàng có tính nghi thức mà nhà Minh yêu sách để đổi lấy sự rút lui của 22 vạn quân Minh khỏi biên giới.

Cũng qua các sự kiện này, ta thấy Mạc Đăng Dung không hề cắt đất cho nhà Minh. Sự thực bốn động Tư Lẫm, Cổ Sâm, Liễu Cát, Kim Lặc thuộc hai đô (tức hai tổng Như Tích và Chiêm Lãng(3) mà các động trưởng Hoàng Kim Quảng, Hoàng Khoan, Hoàng Tử Kiều và Hoàng Kiện từng về với nhà Lê sau chiến thắng chống ngoại xâm của Lê Lợi (1427) và sau đó con cháu họ đã nhập vào sổ quan nhà Minh sau khi nhà Mạc thay thế nhà Lê (1527). Có nghĩa là nhà Mạc chưa kịp nắm các động trưởng này thì họ đã bỏ theo nhà Minh rồi. Các nguồn sử liệu trên còn cho biết bốn động này vào năm Tuyên Đức 2 (1427) có 29 thôn, 292 hộ (Khâm Châu chí, quyển 9, tờ 10a-11b).

Ngoài nguồn sử liệu liên quan đến một số sự kiện chính trị như vừa nêu ở trên, còn có một số tài liệu liên quan đến địa chí, tổ chức hành chính, chức quan sản vật… Đó là An Nam đồ thuyếtAn Nam đồ chí. An Nam đồ thuyết do Trịnh Nhược Tăng biên soạn vào cuối thế kỷ XVI, được in lại trong Tứ khố toàn thư tổng mục đề yếu, năm Nhâm thân (1932), chương 69, tr 473-548. Còn An Nam đồ chí được Đặng Chung, Phó Tổng binh tỉnh Quảng Đông biên khảo và đưa in vào năm 1608, với mục đích dự phòng khi ứng phó với tàn quân Mạc bị nhà Lê truy đuổi lên biên giới phía bắc vào những năm cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17. Qua nguồn sử liệu này, chúng ta biết rằng cả nước vào thời Mạc có hai kinh đô là Đông đô (Thăng Long) kinh đô nhà Mạc và Tây Dô (vùng Thanh Hóa ngày nay) là kinh đô nhà Lê, cùng 13 thừa chánh, tức thừa chánh ty hay “đạo” – đơn vị hành chính cao nhất ở địa phương dưới thời Mạc là An Bang, Hải Dương, Kinh Bắc, Sơn Nam, Sơn Tây, Lạng Sơn, Thái Nguyên (Ninh Sóc), Hưng Hóa, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Thuận Hóa và Quảng Nam. Dưới các đạo là các phủ và các huyện, châu. Mỗi đạo đặt 3 ty: Thừa, Sát và Đô, có một viên đứng đầu và hai viên phó giúp việc. Đặc biệt trong An Nam đồ chí, có một bản đồ đất liền Việt Nam dưới thời Mạc với tên gọi là An Nam đồ, trên đó ghi rõ các địa danh hành chính từ đạo đến huyện, châu và một số tên sông, tên núi, nhất là tên các cửa biển, như Bạch Đằng hải khẩu, An Dương hải khẩu, Thái Bình hải khẩu… Tiểu Trường Sa hải khẩu và Đại Trường sa hải khẩu.

Nguồn sử liệu trên quả đã giúp ích rất nhiều, góp phần sáng tỏ một số vấn đề lịch sử triều Mạc mà nguồn thư tịch của ta còn hạn chế.

Sau đây xin giới thiệu bản đồ đất liền Việt Nam thời Mạc in trong An Nam đồ chí (Sách có bản chụp tại thư viện Viên Nghiên cứu cao cấp Trung Quốc “Institut des Hautes Etudes chinoises”, Paris, Pháp, ký hiệu: CHINED IX 1-1)

“An Nam đồ.

Đông đô, quốc thành tức An Nam cổ thành: Quảng Đức, Vĩnh Xương, Phụng Thiên, Tây hồ.

An Bang thừa chánh: Tân Yên, Vĩnh Yên châu, Bạch Long Vĩ, La Sơn tuần ty, Vạn Ninh châu, Vĩnh Ninh thôn, Oanh Phong thôn, Hải Đông, Khấu Chỉ, Ngọc Sơn tuần ty, Vân Đồn châu, Vân Đồn tuần ty, Miếu sơn, Đồng Trụ, Bạch Đằng hải khẩu.

Hải Dương thừa chánh: Hải Dương, Đông Triều, Nam Sách, Chí Linh, Bình Hải, Vân Sơn, Kinh Môn, Tân Minh, An Lão, Nghi Dương, Cổ Trai, An Dương, Hiệp Sơn, Thủy Đường, Thiên Liêu tuần ty, Tiên Để tuần ty, An Dương hải khẩu, Đồ Sơn hải khẩu, Đa Ngư hải khẩu, Tứ Kỳ, Vĩnh Lại, Hạ Hồng, Thanh Dương, Thượng Hồng, Sóc Hồng, Thanh Lâm, Cẩm Man, Thanh Hào, Như Phúc, Mã Yên Sơn (núi).

Sơn Nam thừa chánh: Khoái Châu, Tân Hưng, Bình Sơn, Thái Bình, Tây Lan, Thụy Anh, Nam Xang, Ngự Thiên, Diên Hà, Thiên Trường, Thanh Lan, Thần Khê, Mỹ Lộc, Thuận Thủy, Thượng Nguyên, Thanh Liêm, Trực Định, Lị Nhân, Duy Tân, Bình Lục, Duy Yên, Kim Bảng, Vọng Doanh, Nghĩa Hưng, Chu Kiều, Phú Nguyên, Sơn Minh, Thanh Oai, Chương Đức, Ứng Thiên, Doanh Sơn, Trường An, Lạc Thổ, Gia Viễn, Ninh Hóa, Đình Giang, Mỹ Lộc, Thiên Quan, Phụng Hóa, Yên Mô, Thái Bình hải khẩu, Vọng Doanh hải khẩu, Bắc Bình hải khẩu.

Kinh Bắc thừa chánh: Bắc Hà, Phú Lương, Yên Lâm, Siêu Loại, Từ Sơn, Đông Ngạn, Tân Phúc, Tiên Du, Gia Lâm, Xương Giang, Yên Việt, Vũ Ninh, Yên Dũng, Thế Yên (Yên Thế), Lục Ngạn, Bảo Lộc, Phượng Nhãn.

Lạng Sơn thừa chánh: Lạng Sơn, Tây Bình trại, Lộc Châu, Biện Cường ải, Tư Lăng, Ma Thiên sầm, Chúc Hồ thôn, Bản Bàng thôn, Nà Địa thôn, Bản Gia thôn, Xung Minh xã, Ba Điệp, Văn Uyên, Yên Nhân, Thoát Lãng, Bình Nhi ải, Văn Lan, Bình Gia, Hữu Lũng, Ôn Châu, Quy môn, Diễm Quân động An Bác, Thất Nguyên.

Thái Nguyên thừa chánh: Thái Nguyên, Phổ Yên, Hợp Lợi, Đồng Hỉ, Bình Tuyên, Đại Từ, Văn Lãng, Bình Sơn, Thông Hoá, Quảng Nguyên, Thạch Lâm, Thượng Lãng, Thượng Hạ Lang, Cao Bằng, Vũ Nhai, Tư Nông, Phú Lương, Phú Nguyên.

Minh (Tuyên) Quang thừa chánh: Tuyên Quang, Tuyên Quang giang, An Tây, Đại An, Phú An, Phù Gia, Bạch Lan, Hoa Khê, Tĩnh Tây, Sơn Nguyên, Uyên Gia, Thụ Vật, Đại Man, Bình Nguyên, Bắc Qua, Vũ Văn.

Hưng Hóa thừa chánh: Gia Hưng, Mộc Châu, Mai Châu, Văn Bàn, Quy Hóa, Văn Chấn, An Lập, Trấn An, Hoa Quán, Tuy Phụ, Hoàng Nham, Chiêu Tấn.

Sơn Tây thừa chánh: Từ Liêm, Vu Phượng, Phúc Duyên, Sơn Tây, Bạch Hạc, Đoan Hùng, Đông Lan, Yên Lạc, Lập Thạch, Tam Đai, Tam Kỳ, Để Giang, Quảng Oai, Sơn Vĩ, Đà Giang, Lâm Thao, Mĩ Lương, Ma Nghĩa.

Thanh Hóa thừa chánh: Tây Đô, Thiệu Thiên, Quảng Bình, Cẩm Thủy, Thọ Xuân, Lương Kì, Lam Sơn, Thụy Tông, An Châu, Đông Sơn, Hoằng Hoá, Ngọc Sơn,Nga Sơn, Hà Trung, Phù Hựu, Thần Phù hải khẩu, Linh Tràng hải khẩu, Lôi Dương.

Nghệ An thừa chánh: Nghệ An, Diễn Châu, Đức Quang, Bắc Bình, Kì Hoa, Quỳ Châu, Bắc Bình hải khẩu, Ngũ Phủ.

Thuận Hóa thừa chánh: Thuận Hóa, Đại Trường Sa hải khẩu.

Quảng Nam thừa chánh: Quảng Nam, Thăng Hoa, Tư Nghĩa, Loại Châu, Trà Đồ, Tiểu Trường Sa hải khẩu.

Chú thích:

1. Xem, Minh thực lục, bản in lại bởi Trung ương nghiên cứu viện, Đài Bắc, 1962, 50 tập và Minh thực lục loại toản, tập Thiệp ngoại sử liệu” do Lý Quốc Tường biên soạn, Vũ Hán xuất bản 1991, tr.785-808.

2. Chiếu lệnh của vua Thế Tông vào tháng 8 năm Gia Tĩnh 20 (1541). Xem Hoàng Minh chiếu lệnh Thành Văn xuất bản xã, bản in năm Trung Hoa dân quốc 56 (1967), tr.1959.

3. Nhiều sách sử ở Việt Nam vì các tác giả không hiểu được chữ “đô” (du) trong câu chữ Hán “Như Tích, Chiêm Lãng nhị đô Tư Lẫm, Cổ Sâm, Liễu Cát, Lim Lặc đẳng tứ động) nên tính chung là 6 động. Có sách thì dịch là bốn động và hai châu. Theo nhà Trung Quốc học người Pháp, Michel Cartier, thì “du” (đô) xuất hiện vào thời Minh nhằm liên kết các “động” hoặc các cụm cư dân vùng ven biên giới, với mục đích tăng cường khả năng quân sự. Xem Michel Cartier, Une réfofme locale en Chine au XVI Hai Rui a Chu’an 1558-1562, Paris, Mouton & Cola Haye, tr.124.

Thông báo Hán Nôm học 2000, tr.501-507

 

Viết bình luận