Sự thật về vua Mạc Mậu Hợp

Sự thật về vua Mạc Mậu Hợp

Hoàng đế Mạc Mậu Hợp đã có quyết tâm sắt đá, kiên trì thực hiện mục tiêu chiến lược của tiên đế cho đến cùng, về các mặt: quân sự, kinh tế, xã hội, giáo dục, văn hóa, tư tưởng. Về cá nhân Ngài là một người có học thức, có trí tuệ, kiêm toàn văn võ, khiêm ái, thận trọng…

MỞ ĐẦU

Trên báo Đời sống và pháp luật số 17 ra tháng 4 năm 2012 có bài của Thành Văn viết về vua Mạc Mậu Hợp. Tên bài là “Sự thật về việc mất ngôi báu của vị vua “háo gái” không “thuốc chữa”. Mở đầu của bài với chữ đậm, Thành Văn viết: “Là vua lâu nhất trong số các vua Mạc thời hưng thịnh, tại vị 30 năm, nhưng Mạc Mậu Hợp lại chính là người khiến cơ nghiệp nhà Mạc suy vong, ngoài đời oán thán mà một phần nguyên nhân chính là do…thói hoang dâm hiếu sắc”. Bài có mấy mục nhỏ: Lên ngôi quá dễ, Chỉ vì thỏa dục vọng, Hoang dâm hại…cả cơ đồ.

Một số đính chính trước khi vào bài

Hoàng đế Mạc Mậu Hợp tên hiệu đầy đủ là “Anh tổ Tĩnh hoàng đế Mạc Mậu Hợp”.

Về vấn đề này Thành Văn viết: “Do bị giết và sau khi chết nhà Mạc cũng mất nên Mạc Mậu Hợp không được đặt miếu hiệu và thụy hiệu”. Trong một câu ngắn đã có không ít điều sai:

-“Sau khi ( MMH) chết nhà Mạc cũng mất”. Không đúng. Sau khi vua Mạc Mậu Hợp mất ngôi, nhà Mạc còn có hai vì vua ở Thăng Long-Dương Kinh với miếu hiệu thụy hiệu đầy đủ là Cảnh Tông Thành hoàng đế Mạc Toàn và Mẫn Tông Trinh Hoàng đế Mạc Kính Chỉ, tiếp đó còn năm vì vua nữa, trị vì ở Cao Bằng. Tổng cộng là 12 đời vua, trị vì trong 156 năm (1527-1683)

-“Không được đặt miếu hiệu và thụy hiệu”. Cũng sai. Miếu hiệu của vua Mạc Mậu Hợp đã ghi ở trên.

-“Do bị giết”. Còn có nghi vấn, có tài liệu viết Ngài cùng 3 con trai lên Cao Bình, sau mất ở đó (gia phả họ Ngô -Mạc ở Vĩnh Phúc).

Phần một
HOÀNG ĐẾ MẠC MẬU HỢP VỚI VIỆC THỰC HIỆN MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC CỦA NHÀ MẠC

Hoàng đế Mạc Mậu Hợp là vị vua thứ 5 của nhà Mạc, là một mắt xích quan trọng của toàn bộ hệ thống nhà Mạc. Ngài có đặc điểm là cầm quyền lâu nhất, 27 năm (1565-1592) ở Thăng Long, một mặt kế thừa di sản để lại của tiên đế, mặt khác phải gánh chịu những tổn thất nặng nề do hoàn cảnh gây nên cho số phận của nhà Mạc.

Dẫn đến việc hoàng đế Mạc Phúc Nguyên lên ngôi khi còn quá ít tuổi (6 tuổi), đồng thời dẫn đến vụ chia rẽ nghiêm trọng giữa hai bậc đại thần Tứ Dương hầu Phạm Tử Nghi và Khiêm vương Mạc Kính Điển;

Và đặc biệt, trực tiếp là việc qua đời đột ngột của “kình thiên trụ” Khiêm vương Mạc Kính Điển, mà sử đã ghi “khiến lòng người trong cõi dao động.”

Trong hoàn cảnh như vậy, Ngài vẫn giữ vững ý chí sắt đá phấn đấu thực hiện mục tiêu chiến lược của nhà Mạc: xây dựng một nền kinh tế đa diện đem lại đời sống tốt đẹp cho các tầng lớp nhân dân; thực hiện một nền giáo dục sùng Nho đến cùng, đồng thời tôn trọng Phật , Lão, thần làng; xây dựng một nếp văn hóa tư tưởng cởi mở, nhân văn, tôn trọng con người , tôn trọng văn hóa dân gian.
*
Trong thời gian cầm quyền, hoàng đế Mạc Mậu Hợp đã tận tụy, kiên tâm, quyết chí thực hiện cho được mục tiêu chiến lược của tiên đế.

Về kinh tế-xã hội, Ngài coi nông nghiệp là nghề gốc, nhưng đồng thời cũng ra sức phát triển công thương nghiệp. Chúng ta thấy, chợ (9 cái), cầu (10 chiếc), gốm sứ có minh văn (còn lại15 sản phẩm)...Một nền kinh tế đa diện và năng động hình thành và phát triển, bước đầu đem đến sự phồn vinh cho xã hội, mọi tầng lớp nhân dân đều được hưởng lợi, đặc biệt đáng quan tâm là lớp dân thường: người làm ruộng, người buôn bán, người đánh cá, kẻ chăn trâu,...đều hồ hởi.

Về văn hóa- giáo dục, Ngài đã quyết tâm , kiên trì đào tạo, tuyển chọn nhân tài qua thi cử. Ngài làm vua 27 năm thì tổ chức đúng 10 kỳ thi, cứ 3 năm một kỳ, tổng cộng lấy 175 tiến sỹ. Kỳ cuối cùng, tình hình nguy nan, Trịnh Tùng đã đánh sát Kinh kỳ, Ngài vẫn quyết cho thi để lấy thêm cho đất nước 17 tiến sỹ, trong đó có 4 thám hoa.

Đúng là “Mạc thị sùng Nho”, nhưng không độc tôn Nho giáo. Dưới thời Ngài, Phật giáo, Đạo giáo và thần làng được tôn sùng, số chùa được xây dựng (52 ngôi ), số đạo quán (7/8 ngôi), số đình làng (5/11ngôi). Riêng đình Lỗ Hạnh và đình Tây Đằng là hai đình làng đặc sắc, tiêu biểu và lâu đời nhất trong các công trình kiến trúc công cộng, được xây dựng /trùng tu vào thời này.

Về cá nhân, chúng ta thấy vua Mạc Mậu Hợp là một vì vua có học vấn, có trí lực, thể lực, văn võ kiêm toàn, có trách nhiệm cao đối với tiên liệt và lịch sử, trong hoàn cảnh nguy nan đã rời bỏ ngai vàng nhận nhiệm vụ nặng nề nhất, là tổng chỉ huy toàn quân, cầm đầu hai cuộc chiến đấu, trực tiếp đối đầu với Trịnh Tùng. Không chỉ có Ngài nêu gương dũng lược, mà con trai-vua Mạc Toàn và mẹ già-Quốc mẫu cũng đều xông lên hy sinh vì sự nghiệp lớn. Một gia đình hoàng tộc như vậy không có nhiều trong lịch sử các vương triều nước ta.

Hoàn cảnh lịch sử không cho phép lật ngược ván cờ. Hoàng đế Mạc Mậu hợp thất trận. Nhưng, các thế hệ hậu duệ của Ngài lớp lớp kế tiếp nhau chiến đấu vì mục tiêu chiến lược của nhà Mạc, qua thời kỳ Cao Bằng, đến thời kỳ hậu Cao Bằng và chỉ chấm dứt khi thủ lĩnh Hoàng (Mạc)Công Chất qua đời ở Điện Biên, năm 1769.
*
Phần hai
ĐỐI CHIẾU VỚI ĐÁNH GIÁ CỦA THÀNH VĂN VỀ HOÀNG ĐẾ MẠC MẬU HỢP

Thành Văn viết:

“Sử sách chép rằng, Mạc Mậu Hợp sống xa hoa kiêu ngạo, hay nghe xiểm nịnh, ít lắng nghe lời bàn luận, khuyên can của các bậc lương thần và đặc biệt, rất hoang dâm hiếu sắc”

Sử sách nào chép như vậy?, không thấy trích dẫn. Tôi đã tra một số sách có tiếng như Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục ,Đại Việt thông sử,…đều không có câu đó. Vậy câu nói trên là từ trong đầu của Thành Văn chế ra.

Tổng hợp câu trên cùng với các luận điểm khác trong bài, Thành Văn dựng nên những điều sau đây về vua Mạc Mậu Hợp:

-Sống xa hoa,
-Kiêu ngạo, hay nghe xiểm nịnh, ít lắng nghe lời bàn luận khuyên can của các bậc lương thần .
-Đặc biệt, “rất hoang dâm hiếu sắc”, dẫn chứng là “ưng ý Nguyễn Thị”.
-Mưu giết Bùi Văn Khuê
-Vì để mất Bùi Văn Khuê nên mất ngai vàng, nhà Mạc đổ

Thử bàn về các lập luận trên, và sau đây là ý kiến của chúng tôi:

1. Không có cứ liệu viết vua Mạc Mậu Hợp sống xa hoa

Thành Văn không dẫn cứ liệu nào nói về đời sống xa hoa của vua Mạc Mậu Hợp, cũng không có sách sử nào nói Ngài sống xa hoa. Đây là sự bịa đặt hoàn toàn của Thành Văn.

2.Kết tội vua Mạc Mậu Hợp kiêu ngạo, hay nghe xiểm nịnh là không có căn cứ

2.1.Thành Văn đã buông ra một lời độc địa mà không có dẫn chứng. “Kiêu ngạo hay nghe xiểm nịnh” .

Trong thời gian vua Mạc Mậu Hợp cầm quyền 27 năm (chứ không phải 30 năm), tình hình nhà Mạc rất khó khăn , nhiều điều bê bối, nên nhiều bậc trung thần dâng sớ khuyến nghị , riêng Trang nguyên Giáp Hải đã có ít nhất 4 lần dâng sớ:

-Năm Mậu Dần (1578), dâng sớ nêu 6 điều cần phải tránh.
-Năm 1581, Giáp Hải dâng sớ, nhân thiên tai nặng
“Mậu Hợp xem xong tờ sớ này, liền ban lời an ủi phủ dụ Giáp Hải và triệu tới Kinh sư để làm việc tại triều đường” [1]
-Năm 1586. Giáp Hải dâng sớ lần thứ hai. Vua Mạc Mậu hợp đáp lại: “Ông là bầy tôi kỳ cựu, đã từng khó nhọc, đối với lễ , đáng nên về hưu. Nhưng hiện nay dang cần hiền tài giúp việc nước, ông là bậc lão thành am luyện, đối với nghĩa chưa nên đi vội. Vậy phiền ông hãy ngồi lại làm việc tại dinh, giữ công luận, tán thành chính trị , chỉnh lại quốc phong. Đến lúc ấy sẽ về hưu cũng chưa muộn” [2]

Đáp lại tấm lòng của vua, trạng nguyên Giáp Hải bày tỏ:

Ư kính ư trung, duy cầu quản đạo, sở chỉ chi địa;
Nhi tác nhi tức, nguyên an đề lực hà hữu chi thiên”
(Nào kính nào trung, giữ đạo bề tôi, một lòng son sắt;
Dù làm dù nghỉ, mong yên ngôi chúa, chẳng chút riêng tư)[3]

Các bậc trung thần khác cũng dâng sớ điều trần khuyến nghị Ví dụ:

-Năm Tân Tỵ (1581), Nguyễn Phong, Nguyễn Tự Cường dâng sớ nêu tình hình rối ren.
“Mậu Hợp thấy những lời này rất thiết đáng. Nhưng rốt cuộc không có sự thay đổi nào đáng kể”[4]

Nhiều bậc đại thần tấu trình lên vua để bàn việc nước. Đó là một điều tốt. Thái độ của Mạc Mậu Hợp nói chung là quý trọng , cư xử từ tốn và phần lớn là tiếp thu ý kiến, an ủi phủ dụ, khuyên bảo lễ độ: “Phiền ông hãy ngồi lại làm việc tại dinh” Không thấy trường hợp nào vua đối phó, trách phạt. Nên nhớ đây là một ông vua. Cớ đâu mà buộc tội vua “kiêu ngạo, nghe lời xiểm nịnh” ?.

Đáp lại tấm lòng của vua, trạng nguyên Giáp Hải đã có lời thiết tha trìu mến. Nếu là một ông vua kiêu ngạo, thì nhà đại trí thức hàng đầu đất nước ấy không thể nào “kính, trung, một lòng son sắt” như vậy. Và cũng do ái mộ vua mà Giáp Hải trong hoàn cảnh tuổi già sức yếu, việc nhà nhiều điều buồn thương (con mất), vẫn ở lại triều đình , đến 70 tuổi mới về hưu.

Tuy nhiên quả thật nhiều điều tấu , vua Mạc Mậu Hợp không thực hiện hoặc không thực hiện được. Dầu thực hiện hay không mà với tinh thần và thái độ như trên, không thể nào kết tội “kiêu ngạo, nghe lời xiểm nịnh”

Một lần nữa Thành Văn lại buông ra những lời độc ác, vô căn cứ để phỉ báng người xưa.

2.2.Thành Văn viết tiếp : “bản tính kiêu ngạo, ít chịu nghe lời bàn về việc quân cũng như việc triều chính của các bậc lương thần, để rồi sau đó là dùng Mạc Đôn Nhượng-một con người thiếu bản lĩnh, nhu nhược làm phụ chính”

Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Nhâm Tuất (Chính Trị) năm thứ năm (1562), Mạc Phúc Thuần năm thứ nhất, Minh Gia Tĩnh năm thứ 41. Tháng Giêng, Mạc Mậu Hợp tuổi còn nhỏ lên nối ngôi, lấy Ứng Vương Mạc Đôn Nhượng làm nhập nội phụ chính, ẵm Mậu Hợp ra coi chầu.” [5]

Vua Mạc Mậu Hợp lúc bấy giờ mới 2 tuổi làm sao có thể lựa chọn được người làm phụ chính. Vả lại việc lớn như vậy phải do triều đình quyết định là chính.

Thành Văn với một tâm địa độc ác hoặc một đầu óc đen tối đã bịa đặt việc một cậu bé 2 tuổi chọn phụ chính để buộc tội cậu bé kiêu ngạo, ít nghe lời bàn.

2.3.Thành Văn cố tình xuyên tạc ý của Trạng nguyên Giáp Hải , để bôi xấu vua Mạc Mậu Hợp

Năm 1586 Giáp Hải lại dâng sớ xin về nghỉ và bày tỏ rằng: “Cổ nhân lấy câu: Tri túc bất nhục (Biết đủ sẽ không nhục) ; tiên hiền thường tự xử theo câu: Niên chí tiện quy (Đến tuổi già thì về hưu).

Nay hạ thần đã 70 tuổi, đáng nên về hưu,…”[6]

Đây là câu Giáp Hải nói về mình, nên biết đủ, không nên ở làm việc thêm nữa, đến tuổi thì về hưu. Thành Văn lại xuyên tạc, cho đó là lời quan trạng khuyên vua biết đủ thì không nhục.

Phải chăng với tâm địa đen tối ,ác độc Thành Văn đã cố sức bẻ cong , bôi đen những sự kiện rõ ràng, sáng sủa như vậy.

3. Vua Mạc Mậu Hợp không “rất hoang dâm hiếu sắc”

3.1.Thành Văn trích sách Khâm đinh Việt sử thông giám cương mục: “Chúa Mạc là Mậu Hợp ngày ngày say đắm tửu sắc (Thành Văn phóng đại thêm “rất hoang dâm hiếu sắc”). Nguyễn Thị là con gái của Nguyễn Quyện và là vợ Bùi Văn Khuê, nhân có em gái là vợ của Mạc Mậu Hợp, nên thường ra vào trong cấm cung . Mậu Hợp ưng ý Nguyễn Thị vì nàng có nhan sắc, nên muốn giết Văn Khuê để chiếm lấy nàng. Văn Khuê biết chuyện, bèn đem quân bản bộ tự ý rút về Gia Viễn, đóng binh một chỗ, không chịu vào chầu. Mậu Hợp sai quân đến bức bách , Văn Khuê sai con trai là Văn Nguyên chạy vào Thanh Hoa, dâng lễ đầu hàng và xin cứu viện”

Thử hỏi Thành Vân kết tội “rất hoang dâm hiếu sắc” cụ thể là gì? Chỉ có “Ưng ý Nguyễn Thị vì nàng có sắc đẹp” sao kết tội là rất hoang dâm hiếu sắc được. Từ điển tiếng Việt giải thích : “hoang dâm là có tính dâm dục vô độ” Thử hỏi Thành Vân, ưng ý một người nào, đó là tư tưởng, đâu có phải hành động dâm dục, mà ông/bà kết tội là “rất hoang dâm”, lại còn “rất” nữa. Ông cố tình bôi nhọ xuyên tạc trắng trợn vua Mạc Mậu Hợp là cố tình gây thù chuốc oán đấy.

3.2. Thành Văn còn bịa đặt thêm cho vua Mạc Mậu Hợp những hành động sau đây: “Mạc Mậu Hợp thấy sắc đẹp của Thị Niên nên muốn chiếm đoạt, bèn triệu vào phòng để giữ lại trong cung tới sáng rồi giữ luôn”. Ý này cũng không có trong chính sử.

4.Việc vua Mạc Mậu Hợp mưu giết Bùi Văn Khuê, chỉ là một cái cớ của Khuê đưa ra để đầu hàng trót lọt

Để xem xét vấn đề, chúng ta cần đặt sự kiện trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ và trong mối quan hệ với các nhận vật liên quan.

Đoạn sử ở trên mà Thành Văn trích ghi sự kiện vào tháng Tám năm Nhâm Thìn (tức 1592). Lúc bấy giờ, tình hình nhà Mạc và vua Mạc Mậu Hợp rất nguy ngập. Vua cùng với tướng lĩnh, trong đó có Bùi Văn Khuê và Nguyễn Quyện (bố vợ của Khuê), vừa trải qua mấy cuộc chiến đấu chống Trịnh Tùng, rất quyết liệt, nhưng thất bại thảm hại. Nguyễn Quyện bị bắt. Quân Trịnh đã chiếm được thành đang san phẳng các lũy đất. Vua Mạc Mậu Hợp bỏ trốn về Kim Thành, Hải Dương.

Hãy bắt đầu từ cách ứng xử của Nguyễn Quyện và Bùi Văn Khuê.

Hai người đều là tướng tài, dược trọng dụng và quyết tâm chiến đấu dưới lá cờ nhà Mạc. Ngày 6 tháng Giêng, Nhâm Thìn cả hai tướng đều chiến đấu cố thủ kinh thành. Bùi Văn Khuê, Trần Bách Niên giữ cửa Cầu Dừa, Cầu Muống, Cầu Dền.

Nguyễn Quyện giữ từ Mạc Xá trở về Đông. Mạc Mậu Hợp tự đốc xuất thủy quân. Trận đó bên Mạc thua to. Con của Quyện là Bảo Trung, Nghĩa Thạch và thủ hạ tinh binh, đều cố sức đánh, đều chết tại trận. Nguyễn Quyện bị bắt. Trịnh Tùng nói lời ân nghĩa dụ hàng, Quyện không nghe, sau vì con là Nguyễn Tín mưu chống lại Lê-Trịnh nên bị giam mãi, chết trong ngục (Khâm địnhViệt sử thông giám cương mục.) Như vây là cả gia đình Nguyễn Quyện (ông và ba người con) hy sinh dưới ngọn cờ chiến đấu của nhà Mạc.

Đó là một cách ứng xử. Cách ứng xử khác là của Bùi Văn Khuê. “Khuê đem quân bản bộ tự động bỏ về huyện Gia Viễn, phủ Trường Yên, đóng quân ở đấy không ra nữa. Mậu Hợp cho gọi hai ba lần không được bèn sai tướng đen đến hỏi tội Khuê”. (Toàn thư)

Như vậy, một bên trung thành cho đến chết cả 4 cha con, một bên bỏ chạy v đầu hàng (tôi cho rằng là biện pháp tình thế, vì mấy năm sau Khuê về với Mạc, chống lại Trịnh- sẽ nói ở sau). Chúng ta không đánh giá sự việc, tuy nhiên, điều cần bàn là lý do mà Khuê đưa ra. Bùi Văn Khuê đã chiến đấu đến những ngày cuối, biết rõ cơ đồ nhà Mạc không thể cứu vãn nên quyết định đầu hàng Trịnh (lúc bấy giờ Thăng Long đã mất, không phải họ Bùi về đánh Thăng Long). Tuy nhiên họ Bùi biết Trịnh Tùng vốn hiếu sát và đa nghi , đã chặt đầu bao nhiêu người thân tín kể cả Trịnh Xuân là con đẻ. Vì vậy, Khuê phải có một lý do thật mạnh mẽ để tạo lòng tin cho Trịnh Tùng: Mạc Mậu Hợp định giết Khuê để cướp vợ.

Đây chỉ là một cớ thoát thân tạm thời. Cụ thể là sau đó Bùi Văn Khuê cùng Phan Ngạn, quay trở về với nhà Mạc, chống lại nhà Trịnh: “ Khi ấy (năm 1600), bọn Phan Ngạn, Ngô Đình Nga, Bùi Văn Khuê đem quân phụ theo họ Mạc, chiêu an các thành thị…Ngạn từ xưng là Tiết chế Sính quốc công, Đình Nga tự xưng là Thái bảo Hoa quận công, em Ngạn tự xưng Tiền bộ dinh Quỳnh quận công dùng niên hiệu Càn Thống của họ Mạc (vua Mạc Kính Cung) trong các bảng yết thị hoặc lệnh cấm” (Toàn thư tr.208-209)

Hãy trở lại tình thế của vua Mạc Mậu Hợp. Ông đang trong tình thế khốn quẫn, trước hoặc sau liền kề thời gian chạy để thoát thân. Ông biết rõ vai trò rất quan trọng của Bùi Văn Khuê trong thời điểm này.

Xin nhắc lại, vua Mạc Mậu Hợp là người có trách nhiệm cao đối với sự nghiêp của tiên đế, đã suốt đời đấu tranh thực hiện mục tiêu chiến lược của dòng họ. Trong gia đình ông, ba thế hệ liên tiếp hy sinh vì sự nghiệp. Một người như vậy, và vào thời điểm gay go này, không thể nào lại đổi một người tướng tài, tức là gần như đổi tất cả , để lấy một người phụ nữ.

Lại nói thêm về Nguyễn Quyện, là thân sinh của hai chị em Nguyễn Thị, ắt biết rõ việc gia đình, biết rõ cách cư xử của vua Mạc Mậu Hợp với con gái và con rể ông (Bùi Văn Khuê). Nếu quả thật vua Mạc Mậu Hợp đối xử tồi tệ, thiếu nhân cách như tác giả Thành Văn viết, thì không bao giờ Nguyễn Quyện, cùng với 3 con trai, trung thành tuyệt đối, với vua Mạc Mậu Hợp, cho đến chết, bất chấp lời phủ dụ của Trịnh Tùng.

Tóm lại, với một sự phân tích tổng thể các nhân vật và các sự kiện liên quan, trong bối cảnh lịch sử bấy giờ , có thể nhận định: thông tin vua Mạc Mậu Hợp mưu giết Bùi Văn Khuê để lấy vợ Khuê chỉ là một cái cớ do Khuê viện ra, để trót lọt việc đầu hàng Trịnh Tùng nhất thời. Sử gia Lê-Trịnh được thể, tóm lấy khuyếch đại lên, để bôi xấu vua Mạc, rồi Thành Văn phóng đại lên một bậc nữa, để thực hiện ác ý của mình.

5. Không phải chỉ do mất Bùi Văn Khuê mà cơ đồ nhà Mạc sụp đổ

Triều Mạc có hai giai đoạn lịch sử, ở Thăng Long –Dương Kinh 65 năm, ở Cao Bằng 91 năm, tất cả 156 năm. Riêng thời kỳ Thăng Long Dương Kinh bị kết thúc bi thảm bằng việc thất thủ kinh đô. Sự thất bại của nhà Mạc do một hệ nguyên nhân tổng hợp kéo dài nhiều thập kỷ. Có thể nêu ra 4 nguyên nhân chính:

1. Có những hiện tượng mất đoàn kết trong triều đình nhà Mạc, tiêu biểu là vụ Tứ Dương hầu Phạm Tử Nghi và Khiêm vương Mạc Kính Điển. Hai Ngài đều là đại trung thần của nhà Mạc , đều có tài nghiêng trời lệch đất . Chỉ tiếc là quan niệm về chọn người kế vị ngai vàng khác hẳn nhau nên dẫn đến việc đem quân đánh lại nhau gây tổn hại về thực thể và tinh thần rất lớn.

2.Cũng giống như bao triều đại phong kiến khác trong lịch sử, các vị vua nối ngôi về sau không giữ được những phẩm chất tốt đẹp của các bậc tiên đế , cũng góp phần khiến cho cơ nghiệp tổ tông không giữ được. Tuy nhiên, chúng ta cần thận trọng để khỏi nghe theo kẻ xấu đổ tội oan cho tiền nhân.

3.Có thời kỳ khủng hoảng nghiêm trọng về thủ lĩnh:
.1540, vua Mạc Đăng Doanh mất
.1541, vua Mạc Đăng Dung mất
.1546, vua Mạc Phúc Hải mất

4.Nguyên nhân quan trọng nhất là trong hoàn cảnh lịch sử Việt Nam thế kỷ XVI có 2 xu hướng:

. Xu hướng tư hữu hoá ruộng đất, hình thành tầng lớp hữu sản , tư tưởng cởi mở phóng khoáng, trọng cả Nho, Phật , Lão và văn hoá dân gian; tôn trọng cá nhân; phát triển kinh tế nhiều mặt, nông công thượng nội ngoại thương.

. Xu hướng quan liêu bảo thủ Tống nho, trọng nông ức thương, bế quan toả cảng, độc quyền Nho giáo.

Cả hai xu hướng này đấu tranh loại trừ lẫn nhau. Sự thất bại của nhà Mạc là sự thất bại của xu hướng thứ nhất. Trong hoàn cảnh lịch sử đương thời, nhà Mạc chưa đủ điều kiện để chiến thắng xu hướng thứ hai. Xu hướng này còn tồn tại dai dẳng qua nhà Nguyễn và đến Cách mạng tháng Tám 1945 mới được giải quyết về cơ bản.

Cá nhân anh hùng có vai trò quan trọng, ở mức độ nhiều hay ít, do tình hình cụ thể. Trong bối cảnh bấy giờ , sau tháng 8-1592, mất Bùi Văn Khuê là rất đáng tiếc, nhưng xét việc vương triều Mạc thất thủ Thăng Long-Đông Đô, phải xét cả 4 nguyên nhân nêu trên, không thể quy vào một mình Bùi Văn Khuê. Vả lại Bùi Văn Khuê đã hết sức cố gắng chiến đấu bên cạnh các chiến hữu danh tiếng như Nguyễn Quyên, Mạc Ngọc Liễn, Phan Ngạn,….dưới sự tổng chỉ huy của vua Mạc Mậu Hợp, mà không thay đổi được thế trận. Sau đó ông mới làm động tác đầu hàng (tạm thời).

Vậy Thành Văn dồn vào vai trò của Bùi Văn Khuê là để thực hiện tâm địa đen tối là đổ tội cho vua Mạc Mậu Hợp. Lại thêm một sai lầm , độc ác nghiêm trọng nữa.

KẾT LUẬN

1.Hoàng đế Mạc Mậu Hợp đã có quyết tâm sắt đá, kiên trì thực hiện mục tiêu chiến lược của tiên đế cho đến cùng, về các mặt: quân sự, kinh tế, xã hội, giáo dục, văn hóa, tư tưởng. Về cá nhân Ngài là một người có học thức, có trí tuệ, kiêm toàn văn võ, khiêm ái, thận trọng… Gia đình Ngài, cả ba thế hệ đã kế tục hy sinh tận tụy, chiến đấu để bảo vệ đến cùng sự nghiệp của tổ tông và đất nước.

Về sự thất bại của nhà Mạc có nhiều nguyên nhân như đã trình bày trên. Những vị trọng thần đã chiến đấu bên cạnh vua Mạc Mậu Hợp cho đến ngày cuối đã nhận định:

-“ Nay khí vận nhà Mạc đã hết , họ Lê lại phục hưng, đó là số trời…Bọn ta nên tránh ra nước khác, chứa nuôi uy sức, chịu khuất đợi thời, xem khi nào mệnh trời trở lại, mới có thể làm được” (Lời di chúc của Phò mã đô úy thái phó Đà quốc công Mạc Ngọc Liễn)[7]

-“Trời đã bỏ họ Mạc thì người anh hùng cũng khó ra sức” (Lời của Nguyễn Quyện)[8]

Mọi người trên tuyệt nhiên không trách cứ vua Mạc Mậu Hợp.

Để vẽ ra một con người hoàn toàn khác với thực tế, Thành Văn trong bài viết, đã dùng một loạt thủ đoạn ngòi bút như:

-bịa ra những hiện tượng không có,
-lấy những hiện tượng tự bịa đặt cho vào sử sách,
-lấy ý kiến nói về người khác (trạng nguyên Giáp Hải) buộc vào cho vua Mạc Mậu Hợp,
-đổ dồn trách nhiệm lịch sử vào một mình vua Mạc Mậu Hợp,v.v. …

2.Người viết sử phải học rộng biết nhiều. Khi viết một phải biết mười và hơn thế nữa, vì một sự kiện lịch sử liên quan đến mấy chục sự kiện khác, một nhân vật lịch sử liên quan đến mấy chục nhân vật khác. Sử học không chấp nhận người hiểu biết hạn hẹp, nông cạn.

3.Đặc biệt người viết sử phải có tâm trong sáng, có lòng nhân hậu, để đem lại “công minh lịch sử, công bằng xã hội” (GS. Văn Tạo). tạo sự thương yêu, quý mến giữa các cộng đồng dòng họ. Sử học không dung kẻ ác tâm, gây chia rẽ bằng cách phỉ báng tiền nhân vô căn cứ.

Cũng mong hậu duệ của vua Mạc Mậu Hợp , đến hàng mấy triệu người, khoan lượng cho kẻ viết bậy bạ, độc ác, để giữ đoàn kết. Chỉ e rằng người dung tha mà “lưới trời lồng lộng, thưa mà không bỏ sót” (thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu)./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

-Nguyễn Tiến Cảnh,….: Mỹ thuật thời Mạc, Viện Mỹ thuật xuất bản, H, 1993.
-Viện Khoa học xã hội: Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Khoa học xã hội, H. 1988.
-Lâm Giang: Trạng nghuyên Giáp Hải, NXB Khoa học xã hội, H, 2009.
-Gia phả họ Ngô-Mạc ở Bình Dương, Vĩnh Phúc
- Đỗ Thị Hảo: Bà tiến sỹ triều Mạc- Nguyễn Thị Duệ, trong sách Kỷ yếu Hôi thảo khoa học…, Hà Nội. 2010.
-Khâm định việt sử thông giám cương mục, NXB Giáo dục, H,1998.
- Phạm Đăng Khoa biên soạn: Tóm tắt nội dung di tích đền- chùa Hoà Liễu, Tài liệu không xuất bản.
- Lê Thành Lân, Trần Ngọc Dũng: Hiệu chỉnh lại thời dụng của 8 niên hiệu thời Mạc, trong sách Kỷ yếu hội thảo khoa học vương triều Mạc trong lịch sử Việt Nam, Hà Nôi, 9-2010.
-Phan Huy Lê: Gốm Bát Tràng thế kỷ 14-19, NXB Thế giới, H, 1995.
-Vũ Duy Mền: Một số vấn đề về làng xã dưới thời Mạc, trong sách Vương triều Mạc, NXB Khoa học xã hội,h, 1996.
-Nguyễn Xuân Toàn: Những đóng góp của nhà Mạc thời kỳ Cao Bằng, sách Kỷ yếu hội thảo…, H, 2011.
-Đinh Khắc Thuân: Văn bia thời Mạc, NXB Hải Phòng, Hải Phòng, 2010.
-Đinh Khắc Thuân: Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia , NXB Khoa học xã hội, H, 2001.
-Phan Đăng Thuận: Kinh tế thời Mạc, Luận án thạc sỹ sử học, Trường Đại học Vinh.
-Ngô Đức Thọ….:Các nhà khoa bảng Việt Nam, (1075-1919), NXB Văn học, H. 2006.
-Nguyễn Bá Vân: Gốm thời Mạc ,trong sách Mỹ thuật thời Mạc,Viện Mỹ thuât, H, 1993.
-Thành Văn: Sự thật về việc mất ngôi báu của vị vua “háo gái”không” thuốc chữa”, báo Đời sống và Pháp luật, số 17, ra ngày 14-4-2012.


[1] Lâm Giang: Trang Nguyên Giáp Hải, NXB Khoa học xã hội, H, 2009, tr.107.

[2] Lâm Giang: Trạng nguyên Giáp Hải, sách vừa dẫn, tr.114.

[3] Lâm Giang: Trạng nguyên Giáp Hải. sách vừa dẫn, tr.110.

[4] Lâm Giang: Trạng nguyên Giáp Hải,sách vừa dẫn, tr.104.

[5] Đại Việt sử ký toàn thư, tâp III, Viện khoa học xã hội Việt Nam, H. 1998, tr,135.

[6] Lâm Giang: Trạng nguyên Giáp Hải, Sách đã dẫn, tr. 112.

[7] Đại Việt sử ký toàn thư, sách đã dẫn, tr.189

[8] Đại Việt sử ký toàn thư, sách đã dẫn, tr.173.

 

Tác giả bài viết: GS.TSKH. Phan Đăng Nhật

 

Viết bình luận