Tiểu thuyết Mạc Đăng Dung Phần 3

Tiểu thuyết Mạc Đăng Dung

Phần 3

Khác với trường thi văn tuyệt đối im lặng, đấu trường thi võ hôm nào cũng đông nghịt người.

Hôm đầu còn có chỗ chen chân, đến hôm thứ ba người tứ xứ đổ về, không chỉ người kinh kỳ mà cả những người từ Kinh Bắc, Sơn Tây, Sơn Nam, Hải Dương, thậm chí tận Thái Nguyên, Thanh Hoa (*) tìm tới. Bởi sau bao nhiêu hôm, từ hơn một trăm người bây giờ chỉ còn lại tám người võ nghệ siêu quần nhất đã trúng Đô lực sĩ, giờ vào tranh ngôi Trạng nguyên. Người xem ai cũng mong người xứ mình trúng Đô lực sĩ, khi thấy xứ mình không có ai, khối kẻ thất vọng, mặc dù thế tất cả vẫn ở lại xem cho đến cùng. Hồ hởi nhất là đám dân Nghi Dương bởi cả hai anh em nhà Mạc Đăng Dung đều trong số tám đô lực sĩ cuối cùng, họ mong một trong hai người trúng Trạng nguyên.
Từ mờ sáng dân chúng đã náo nức đổ về Giảng Võ đường. ở Giảng Võ đường thì người vòng trong vòng ngoài chen lấn, cố tìm chỗ thuận tiện không bị hàng lính đứng trước che khuất. Cờ ngũ sắc tung bay, trống thúc liên hồi. Chưa đến giờ thi đấu mà đấu trường đã sôi sục.

Tám Đô lực sĩ xuất thân vào tranh ngôi Trạng nguyên chia thành từng cặp đấu hai người một để loại nhau là:

1.Mạc Đăng Dung, làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, trấn Hải Dương - môn đao và vật, đấu với Đàm Cử, quân nhân vệ Thiên Bồng - môn kích và vật.

2. Mạc Đăng Quyết, làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, trấn Hải Dương – môn thương và vật, đấu với Đào Cứ, người Thanh Hoa, gia nô phủ Giản Tu công Lê Oánh – môn búa và vật.

3. Nguyễn Thọ, quân nhân, trấn binh xứ Sơn Nam- môn đao và bộ cung, đấu với Trần Công Vụ, quân nhân vệ Thiên Vũ - môn truỳ và bộ cung.

4. Cù Khắc Xương, quân nhân vệ Thiên Bồng - môn đao và mã cung, đấu với Trần Tuân, làng Quang Bị, huyện Bất Bạt, trấn Sơn Tây- môn thương và mã cung.

Tám người này đã thắng những đối thủ cũng rất kiệt xuất là Trần Thăng người Kinh Bắc, Lại Thúc Mậu vệ Thiên Vũ, Đàm Khắc Nhượng vệ Vũ Lâm, Nguyễn Dư Hoan vệ Cẩm Y..

Khán đài quay về phía Nam, cao ba tầng. Tầng trên cùng, Uy Mục hoàng đế và Hoàng hậu ngự dưới lọng vàng, đằng sau một bên Đô đầu Đại lực sĩ Lê Kỳ đứng sau hộ vệ, một bên Thái giám Nguyễn Khắc Hài chờ truyền chiếu chỉ. Sau nữa là các cung nữ. Thị vệ hai hàng hai bên tả hữu. Các văn thần, võ tướng ngồi tầng thứ hai. Năm vị giám khảo tầng dưới cùng.

Sứ nhà Minh sang trao ấn sách phong cũng được mời dự, song Chánh sứ đi đường xa mệt nên chỉ viên Phó sứ là Hứa Thiên Tích dự và được ngồi cạnh vua Lê. Nghe nói vua nước Nam ham nữ sắc, bây giờ được gần Hứa Thiên Tích mới hay lời đồn không sai. Uy Mục đế lông mày rậm, mắt tròn và sâu, tuổi mới mười bảy, mười tám râu chưa nhiều nhưng rõ là về sau râu quai nón, rậm râu sâu mắt là tướng đại dâm; mũi lại tẹt và hếch, lỗ mũi to, toang hoác; đặc biệt là khi cười, cả khuôn mặt biến dạng như tướng quỷ. Thiên Tích ngầm bấm đốt ngón tay tính toán rồi lắc đầu, sau đó nghĩ ra hai câu thơ, định sẽ đề ở vách quán sứ trước khi về nước: “An Nam tứ bách vận vưu trường/ Thiên ý như hà giáng quỷ vương”, nghĩa là: “Vận nước Nam còn dài bốn trăm năm; ý trời cớ sao lại sinh ra vua quỷ?”.

Trống nổi lên, đấu trường lập tức bừng bừng, sôi sục. Một người lính Túc vệ trịnh trọng bước ra, huơ chiếc loa thắt dải lụa vàng rồi đưa lên miệng: “Kháp thứ nhất: Cù Khắc Xương quân nhân vệ Thiên Vũ giáp đấu Trần Tuân trấn binh xứ Sơn Tây; đao, côn, mã cung”.

Hai Đô lực sĩ từ hai phía tả, hữu cưỡi ngựa tiến ra. Con bạch xích long của Khắc Xương rực đỏ dưới nắng vàng mật ong, trán trắng một vệt suốt sống mũi. Chủ nhân của nó hất hàm về phía đối thủ, vẻ coi thường, mắt tròn xoe, râu quai nón vểnh lên. Ngựa của Trần Tuân là giống ngựa ô, đen trũi như than, tràn trề sức lực, mới bước mấy bước đã chồm hai chân trước và hí lên những tiếng sung mãn; dương vật cương lên. Chủ nhân cũng dữ tợn không kém, mắt xếch, lông mày sâu róm, râu rậm như chổi sể.

Trống dồn dập và cứ thế liên tục từng hồi một. Khắc Xương thét lên một tiếng và vung đao, Trần Tuân chĩa ngọn thương về phía trước. Cả hai cùng thúc ngựa tiến lại. Hai bên sáp gần, Khắc Xương bổ đao xuống, Trần Tuân gạt đao sang bên đồng thời lia mũi giáo về phía nách đối thủ.

Khắc Xương cúi rạp mình tránh được, ngọn thương vụt trên lưng Khắc Xương nghe như gió xé. Con ngựa của Trần Tuân phi sạt qua con ngựa kia, phì một tiếng, ngay đó quay ngoắt lại giúp chủ nhanh như cắt phi nhát thương thứ hai vào lưng đối phương, may sao con ngựa của Khắc Xương cũng nhanh nên mũi giáo chỉ khẽ chạm được vào miếng hộ tâm kính nghe đánh “cách”.

“Tiên sư khỉ, con ngựa lợi hại quá!” - Khắc Xương nghĩ bụng. Hai bên lùi ra xa lấy thế và lại cùng tiếng lại, lần này Khắc Xương không nhằm vào đối phương mà nhè cổ con ngựa ô lia một nhát đao. Cho dù binh khí của ai cũng được bọc vải để tránh sát thương nhưng với những cú chém cực mạnh, người ngựa đối phương vẫn đau đớn. Trần Tuân không ngờ cú đòn hiểm ấy của đối phương nhưng cũng đã kịp giật mạnh cương, con ngựa chồm lên, dựng đứng bằng hai chân sau, hí lên những tiếng rợn người vì bị hàm thiếc siết vào miệng. Nhát đao sượt qua cổ. Nếu không kẹp chặt chân vào bụng ngựa, thẳng căng dây bàn đạp, Trần Tuân đã ngã. Không đạt được ý định nhưng thấy đối phương chới với, Khắc Xương vẫn khoái chí cười ha hả. Trần Tuân tức lộn ruột, hướng ngọn đao nhằm vào mặt Khắc Xương thúc ngựa lao tới, con ngựa ô cũng như điên như dại phi thẳng về phía đối thủ hăng như mãnh hổ. Khắc Xương đưa đao gạt ngọn thương. Cả Khắc Xương và Trần Tuân đều vững tay nên đao thương cứ như giằng như kéo trên không. Con ngựa của Khắc Xương bỗng quay đầu chạy, nó quen với cách tạo cho chủ giở thế đà đao. Nhưng không may cho nó, lần này gặp phải đối thủ cao cường nên Khắc Xương chưa kịp giở món võ sở trường đã bị Trần Tuân bám ngay sát bên cạnh, cành cạch gõ ngọn thương vào mũ Khắc Xương mấy cái liền cảnh cáo. Cả đấu trường bừng lên như trời long đất lở. Trần Tuân thắng, y cho ngựa lùi mấy bước rồi bình tĩnh rút cung tên nhằm tấm bia phía trước phóng một mũi trúng hồng tâm.

Khắc Xương đỏ mặt vì tức tối và xấu hổ. Lát sau bình tĩnh lại, hắn rút cung tên nhằm vào đích, bắn một phát trúng ngay cạnh mũi tên của Trần Tuân, làm tên của đối thủ phải rung lên. Tiếng reo hò vang động. Trần Tuân không quan tâm đến mũi tên của Khắc Xương vì mải nhìn Hoàng hậu trên khán đài. Hoàng hậu lén nhìn Uy Mục rồi kín đáo gật đầu với Trần Tuân; Trần Tuân rút từ ngực ra chiếc khăn hồng buộc vào ngọn giáo giơ cao lên rồi thúc ngựa chạy vòng quanh đấu trường. Nhìn thấy chiếc khăn, Trần hoàng hậu tái mặt và như muốn sụp xuống.

Uy Mục không để ý đến cử chỉ của Trần Tuân và càng không biết đến thái độ của Hoàng hậu vì đang không kìm được cơn khoái trá với trận đấu. Nhà vua đứng vụt dậy, đấm tay nọ vào lòng bàn tay kia chan chát:

- Khá khen, cả hai đều rất giỏi! Cho hai khanh nghỉ.- Quay sang viên sứ giả nhà Minh, nhà vua bảo - Tôi nghe nói đời Tam Quốc bên ấy có lão tướng Hoàng Trung bách phát bách trúng, thiết tưởng tài nghệ cũng đến thế này mà thôi!

Hứa Thiên Tích vuốt râu cười:

- Chuyện Hoàng Trung chỉ là truyền thuyết. Thượng quốc chúng tôi thường nhắc đến Phi tướng quân Lý Quảng thời nhà Hán, vừa phi ngựa chạy vừa quay lại bắn phát nào cũng trúng, hạ liền một lúc hơn chục tướng rợ Hung Nô, có mũi tên xuyên liền hai người. Lý Quảng chẳng những bắn tài mà còn bắn khoẻ, có lần đang đêm thấy có đám cỏ loang lổ ánh trăng, tưởng là hổ, bắn một phát, sau mới biết là tảng đá, mũi tên cắm vào đá mấy người thi nhau nhổ không nổi, chẳng trách có thể bắn xuyên liền hai người...

- Làm gì có chuyện bắn tên cắm được vào đá, cũng chỉ là truyền thuyết mà thôi! - Uy Mục cười khẩy, uống cạn bát rượu rồi phẩy tay ra hiệu tiếp kháp thứ hai.

Hứa Thiên Tích tức tím mặt.

Các giám khảo chấm Trần Tuân hơn điểm Cù Khắc Xương.

Đến lượt Nguyễn Thọ và Trần Công Vụ. Cũng một chín một mười. Trần Công Vụ nhỉnh hơn chút ít về binh khí, Nguyễn Thọ trội hẳn về bắn cung. Nguyễn Thọ được hơn điểm.

Thứ ba đến lượt Mạc Quyết và Đào Cứ. Tối hôm trước Đăng Dung nói với em: “Đào Cứ sử dụng phủ việt không rõ thế nào chứ về vật, hồi xưa anh đã đấu với hắn ở chợ, thấy võ nghệ hắn khá lắm, đặc biệt là ngón bốc. Anh cho rằng hồi ấy hắn với Vũ Hộ có mục đích tuyển anh cho Giản Tu công nên hắn không chí thắng anh. Em phải cẩn trọng. Nhưng anh tin em thắng được hắn. Hắn khoẻ nhưng xoay xở chậm. Do khoẻ nên hắn lợi về sức và đao búa, nhưng do chậm nên không lợi cho môn vật. Em nên tận dụng ngón ngáng sở trường của mình...”.

Vào cuộc, ngay khi đỡ nhát búa đầu tiên Đào Cứ bổ xuống, Mạc Quyết biết mình không thể thắng nổi hắn. Cán thương oằn cả xuống bởi sức nặng của búa và sức mạnh của nhát chém. Mạc Quyết chịu thua sau ba hiệp đấu. Nhưng đến môn vật, ngay keo đầu Mạc Quyết đã biết mình sẽ thắng. Đào Cứ ỷ vào sức nên chỉ nhăm nhe bốc đối phương để quật xuống, trong khi Mạc Quyết tận dụng sự nhanh nhẹn, vừa luồn tránh đòn vừa tìm cách giở ngón ngáng để quật đổ đối thủ. Cuối cùng Đào Cứ trắng bụng! Hai bên người thắng môn này, kẻ thắng môn kia, giám khảo chấm Đào Cứ hơn điểm.

Cuối cùng đến cặp Mạc Đăng Dung và Đàm Cử. Cả hai gây sự chú ý ngay từ hôm đầu cho tới lúc này bởi ai vào đấu với họ cũng đều thua trong chốc lát, cả đao, kích lẫn côn, quyền và đấu vật. Đàm Cử hăm mốt tuổi, Đăng Dung tuổi mười bảy, đều là tuổi bẻ gãy sừng trâu. Đàm Cử biết Đăng Dung không mạnh lắm khi trên lưng ngựa nên nghĩ trước tiên phải thắng Đăng Dung môn này và cầm hoà trong môn vật. Thắng được Đăng Dung, ngôi Trạng nguyên chắc chắn về tay. Hắn không biết rằng chỉ sau mấy ngày trên đấu trường, Đăng Dung đã nắm được bí quyết điều khiển ngựa chiến. Đúng như Nguyễn Hậu nói, con bạch mã tính ôn hoà mà lại dạn dĩ, lì lợm mà lại dẻo dai, tiếng trống tiếng hò reo chẳng những không làm nó sợ hãi mà dường như khiến nó hăng máu hơn. Đăng Dung đặt tên cho nó là Cát Mã để cầu mong điều lành.

Trống nổi lên dồn dã. Đăng Dung cầm ngang thanh đao trên tay; phía đối diện Đàm Cử lăm lăm ngọn kích. Con Cát Mã của Đăng Dung đẹp nhưng trông kém hẳn vẻ hùng dũng so với con Ly Câu đen trùi trũi của Đàm Cử. Đàm Cử râu quai nón, mắt tròn dữ tướng như Trương Phi. Hắn từng làm nao núng bao đối thủ ngang từ cái nhìn đầu tiên. Lần này cũng vậy, hắn đưa cái nhìn như xoáy về phía Đăng Dung. Đáp lại hắn là cái nhìn giá lạnh như băng. Hai bên thúc ngựa lao tới, cùng lia đao kích. Nghe đánh chát và thấy toé lửa, ai cũng biết vậy là đám vải bọc lưỡi vũ khí để tránh sát thương cho đấu sĩ đã bị chém rách. Chiêng đấu trường vang lên, nghĩa là hai người phải dừng để bọc lại đao, kích. Trong khi Đăng Dung nghe hiệu lệnh, dừng tay, ghì cương cho ngựa đứng lại thì Đàm Cử vẫn thúc chân vào hông con ngựa của mình giục nó lao lên đồng thời phóng thẳng mũi kích về phía trước. Cả đấu trường ầm lên phản đối Đàm Cử, vừa dứt, đã lại ào lên khi thấy kẻ bị trúng đòn lại chính là Đàm Cử. Đăng Dung vừa né người tránh mũi kích vừa lia nhát đao lướt trên đỉnh mũ Đàm Cử khiến cái mũ bị đứt dải, bay khỏi đầu hắn, văng đi lăn lông lốc trên bãi. Tiếng cười, tiếng trầm trồ rộ lên.

Lúc này Đàm Cử mới dừng tay. Hai bên cho bọc lại lưỡi đao kích. Đàm Cử bảo:

- Khá đấy, nhãi con! Mi nên biết điều một chút đi!

Đăng Dung khẽ nhếch mép nhưng không nói không rằng, lặng lẽ xem lại đám vải buộc lưỡi đao. Đám vải bây giờ dày đến mức chỉ thấy lù xù một đám, không còn rõ là đao hay kích. Kích lợi cả về chém lẫn đâm, xưa bên Trung Nguyên, Sở Bá vương Hạng Vũ, Tiểu Bá vương Tôn Sách và Lã Bố đều dùng kích, Điển Vi còn sử dụng đôi đoản kích. Đao chỉ để chém nhưng đao nặng hơn kích nên lợi hại khi mạnh tay. Hiểu như vậy nên mỗi lần hạ đòn quyết định Đăng Dung đều lấy hết sức khiến mỗi lần đỡ đòn Đàm Cử đều ê ẩm cả tay, khớp vai như muốn rời ra.

Hiệp đấu tiếp tục, Đàm Cử thay đổi cách đánh, điều khiển ngựa chạy quanh Đăng Dung như điên như đảo, trong khi Đăng Dung chỉ cho ngựa xoay quanh tại chỗ đối phó. Mãi không thắng nổi Đăng Dung, Đàm Cử nóng tiết, hắn nhổm khỏi cả yên ngựa mà đâm mà chém tới tấp. Đăng Dung vừa chống đỡ vừa tìm sơ xuất của đối thủ, cuối cùng, bất ngờ kết thúc trận đấu bằng một cú gạt mạnh đến nỗi Đàm Cử bắn khỏi lưng ngựa, lăn xuống đất, lộn mấy vòng! Đàm Cử đỏ mặt tía tai lồm cồm bò dậy nhặt lấy kích bất ngờ đâm thốc từ dưới lên. Nghe keng một tiếng, kích bị thanh đao đánh văng tới tận cuối trường đấu. Cả Đàm Cử cũng loạng choạng. Chiêng vang lên đổ hồi! Đấu trường lại một lần nữa ào lên. Đăng Dung thắng.

Trên khán đài nhà vua lại một lần nữa đấm tay vào nhau và cạn sạch bát rượu. Viên sứ thần nhà Minh vốn khinh khỉnh cũng phải gật gù khen cho trận đấu.

Hai người bước vào thi vật. Sới vật đã được quây thành vòng tròn. Đăng Dung và Đàm Cử đã bỏ hết quần áo ngoài, chỉ còn đóng khố. Sau trận thua vừa nãy, Đàm Cử quyết cho trận này nhưng xem ra không còn tự tin như lúc đầu, hắn biết Đăng Dung mạnh nhất là vật chứ không phải môn đao. Trống lại dồn dã. Hai võ sĩ ghì vai nhau cố lừa cho đối thủ sơ hở nhưng những đôi chân giờ đều như những cái cọc sắt đóng xuống đất không tài nào lay chuyển nổi. Đăng Dung không ngờ Đàm Cử mạnh đến vậy nên tự nhắc mình không được sơ xuất. Mồ hôi ai cũng túa ra đầm đìa, người trơn như thoa mỡ nên vật đổ được nhau càng khó. Bỗng Đàm Cử rời tay từ trên vai Đăng Dung xuống mạng sườn của chàng. Tưởng hắn giở ngón bốc, Đăng Dung bám bàn chân chặt hơn xuống đất, ai ngờ những ngón tay hắn như những móc sắt móc vào sườn chàng đau nhói. Đăng Dung vội đưa tay xuống gạt tay hắn, nếu không đã gãy xương sườn! Lừa lúc đó, Đàm Cử đưa nhanh tay xuống dưới luồn qua đùi Đăng Dung bốc thẳng lên cao, quật xuống, đè riết, hết sức ghì.

Người xem kẻ reo, người nín thở. Nhà vua đứng ngồi không yên và uống rượu liên tục khiến Nguyễn Khắc Hài hầu hạ hết sức bận rộn. Viên sứ thần nhà Minh cũng không giữ nổi vẻ đạo mạo và ngạo mạn nên nhấp nha nhấp nhổm.

Đăng Dung gồng mình với tất cả sức lực. Người chàng uốn cong, các bắp thịt căng lên tưởng như sắp xé tan cả da dẻ. Đàm Cử thở phì phì, chưa một ai gồng nổi với hắn tới nửa hồi trống, trong khi đó Đăng Dung cầm cự đã gần hai hồi! Biết chỉ cần lỏng sức một chút là Đăng Dung có thể quật lại nên Đàm Cử dốc hết lực, người run bần bật, sang hồi trống thứ ba mắt hắn có lúc đã hoa lên, chân có lúc đã rời khỏi mặt đất, gân cốt như dão ra và... không một ai, kể cả Đàm Cử lại ngờ rằng hắn lại bị lật lại dễ dàng đến vậy và bị đè lấm lưng chỉ trong nháy mắt. Trong khi Đăng Dung đã đứng lên giơ cao hai tay đắc thắng thì Đàm Cử vẫn nằm thở dưới đất, ẹp như con dán và phải có người tới nâng mới dậy nổi.

Quan chánh chủ khảo khom lưng lật đật lên trình vua sớ tấu kết quả. Uy Mục phẩy tay:

- Còn tâu trình gì nữa! Ai thắng ai thua biết hết cả rồi.

 

Uy Mục lại phẩy tay cái nữa, các giám khảo đồng thanh: “ Tuân chỉ”. Cuộc đấu lại tiếp tục với bốn Đô lực sĩ vừa giành phần thắng: Mạc Đăng Dung đấu với Nguyễn Thọ, Đào Cứ đấu với Trần Tuân. Kết quả, hai người hơn điểm là Đăng Dung và Đào Cứ vào đấu chung kết.

Hai đô lực sĩ chưa vào bãi nhưng không khí đấu trường đã nóng rực. Người ta đoán già đoán non. Chủ trại ngựa Tam Đảo Nguyễn Hậu xem đủ mọi trận từ đầu đến giờ, tám người vào vòng cuối cùng thì năm người cưỡi ngựa trại ông. Nhưng trận cuối này Đăng Dung không thắng được Đào Cứ thì cũng coi như ông thua vì Đào Cứ cưỡi ngựa của trại Lương Sơn. Lương Sơn cũng là vùng núi, chẳng những vậy lại có cả núi đá nên ngựa của trại này cũng rất khoẻ và dạn dĩ.

Đào Cứ tiến vào đấu trường với chiếc búa nặng 50 cân trên tay, chiếc búa đã từng khuất phục Mạc Quyết, Trần Tuân. Con ngựa phiêu của hắn thật đẹp, những chấm trắng như những đốm sao trên nền trời màu gio nhạt! Trên đài, Giản Tu công Oánh đứng hẳn lên vỗ tay cổ vũ gã gia nô của mình.

Mạc Đăng Dung vỗ vỗ vào cổ ngựa: “Cố gắng giúp ta trận quyết định này, Cát Mã”. Con ngựa chừng như hiểu ý chủ, hí lên một tiếng khe khẽ. Bên ngoài, Nguyễn Hậu gật gù tâm đắc. Ông chọn cho Đăng Dung con ngựa bạch là có ý sâu xa. Hôm Lê Bá Ly và Nguyễn Bỉnh Đức lênTam Đảo tìm ông, nghe Bá Ly nói về tướng mạo Đăng Dung, ông nghĩ ngay đến việc tìm cho Đăng Dung con ngựa bạch đẹp nhất ông có. Duy một điều ông không nói với một ai là: Các vị vua nước Nam từ trước đến nay hầu hết đều dùng ngựa bạch!

Trống giục hai bên sáp đấu. Đào Cứ đánh phủ đầu bằng cú bổ từ trên cao, nặng như trời sập. Đao cũng mạnh ở những cú bổ xuống nhưng không bằng búa. Đăng Dung giương đao gạt lưỡi búa, ngay đó nhằm đầu Đào Cứ lia tới, Đào Cứ nghiêng đầu tránh được. Ngay hiệp đầu cả hai đều hiểu họ đã gặp đối thủ xứng tầm. Biết không thể dùng sức mạnh như hai kháp trước để thắng Đào Cứ, Đăng Dung đã chọn cách đánh khác hẳn cách đánh với những đối thủ trước đó, bây giờ là cách đánh với nhiều miếng nhẹ nhàng nhưng biến hoá. Đào Cứ đã theo dõi kỹ cách đánh của Đăng Dung những kháp trước, nên bị bất ngờ trước việc đối thủ thay đổi đấu pháp. Trong khi đó hắn vẫn đánh theo cách đã định với những cú bổ thật lực, người lại to béo vì vậy đến hiệp thứ mười hắn bắt đầu thở dốc. Con ngựa phiêu của Đào Cứ hình như cũng đuối sức, mấy ngày nay nó liên tục phải xoay chuyển và mang trên lưng một kẻ nặng đến gần 200 cân cùng với chiếc búa không phải là nhẹ. Trong khi con Cát Mã vẫn sung sức. Đăng Dung có cách đánh khiến ngựa ít hao tổn sức lực. Đăng Dung kết thúc kháp đấu, không phải bằng cú đánh khôn khéo sử dụng trong suốt thời gian những hiệp đấu mà bằng cú chém mạnh đến mức đánh văng chiếc búa trong tay Đào Cứ. Trận thua làm Đào Cứ quá kinh hoàng và kiệt sức nên vào đấu vật, hắn bị hạ một cách nhanh chóng đến không ngờ bằng miếng bốc bổng lên cao và quật xuống như trời giáng!

Đấu trường ào lên như vỡ trận. Uy Mục đế mặt mũi tưng bừng:

- Có Trạng nguyên võ như Mạc Đăng Dung ta không còn lo lắng gì nữa!

Tiếng chiêng vang lên dập dồn báo hiệu cuộc tranh ngôi Trạng nguyen võ đã kết thúc. Người trên đấu trường tản dần, dọc đường họ bàn tán mãi về các kháp đấu, nhất là kháp chung kết.

Sáng hôm sau cửa Giảng Võ đường bảng vàng được niêm yết. Đúng giờ ngọ, tám Đô lực sĩ tân khoa đến điện Chiêu Anh nhận mũ áo vua ban, sau đó được Nguyễn Khắc Hài dẫn đi thăm vườn Ngự uyển, tiếp đấy về điện Thuỵ Quang dự ngự yến vua ban. Cùng dự còn có một số văn thần võ tướng, những người anh em Mạc Đăng Dung nghe danh đã lâu, bây giờ mới biết mặt: An vương Lê Tuân, Ninh vương Lê Trị, Ân vương Lê Mỹ, Thông vương Lê Dung, Cẩm Giang vương Lê Sùng, Giản Tu công Lê Oánh, Tĩnh Lượng công Lê Vinh, Thiệu Quốc công Lê Quảng Độ, Bích Khê hầu Lê Công Uyên, An Hoà hầu Nguyễn Hoằng Dụ, Vĩnh Hưng bá Trịnh Tuy, Bái Khê bá Phạm Kim Bảng, An Thanh hầu Nguyễn Kim, Tả đô đốc Trịnh Duy Liệu, Đô ngự sử Đỗ Nhạc, Phó đô ngự sử Nguyễn Dự...

Sau các quan là dãy Thị vệ áo mũ rực rỡ, gươm giáo sáng quắc. Góc điện phía bên trái là các cung nữ đàn sáo trưng bừng, phía bên phải là các hoạn quan túc trực để chờ lệnh.

Vẫn như mọi việc, đứng hầu sau Uy Mục là Đô đầu Đại lực sĩ Lê Kỳ và Phụng Nghi Thái giám Nguyễn Khắc Hài – kẻ râu ria rậm rịt người mặt mũi nhẵn quen quẻn.

Uy Mục đế nói:

- Xưa đức Thái Tổ sinh ở Lam Sơn mà cũng khởi nghĩa dựng nghiệp từ Lam Sơn nên lấy hiệu là Lam Sơn động chủ. ở làng Chủ Sơn, huyện Lôi Dương vùng ấy có một cây quế , dưới cây quế thường có một con hùm xám xuất hiện. Nhưng nó rất hiền, vẫn thường gần gũi với người và chưa từng hại ai bao giờ. Từ khi vua ra đời thì không thấy con hùm xám ấy đâu nữa. Sau vua đặt tên hiệu cho Thái Tông là Quế Lâm động chủ để nhớ đến chuyện lạ ấy. Vua Thánh Tông lấy hiệu là Thiên Nam động chủ, vua Hiến Tông là Thượng Dương động chủ đều có ý cả. Nay trẫm lấy hiệu là Quỳnh Lâm động chủ vì đêm qua ra vườn Thượng uyển ngắm trăng, mỏi lưng mới nằm xuống ghế rồi ngủ quên lúc nào không biết và thấy mình nằm giữa một rừng hoa quỳnh trắng muốt, toả hương ngào ngạt, sương xuống lạnh giật mình tỉnh dậy thì hoá ra giấc mơ. Cái lý là như vậy. Hôm nay vui, các khanh cứ gọi trẫm là Quỳnh Lâm động chủ. Trẫm lại hay rượu nên các khanh cũng phải say với trẫm. Hôm nay ai không say... chém đầu! Trẫm giao cho Đô đầu Đại lực sĩ của trẫm và Phụng Nghi Thái giám làm giám tửu.

- Chúng thần tuân chỉ. – Lê Kỳ và Nguyễn Khắc Hài cùng đáp.

Các quan đưa mắt nhìn nhau. Thượng thư Bộ Lại là Đặng Hoạch người còm cõi, lụ khụ đứng dậy tâu:

- Quỳnh Lâm động chủ đã nói vậy, thần run sợ tâu rằng thần mắc chứng đau bụng, cứ rượu vào lại đau đớn không chịu nổi, xin bệ hạ cho thần lui, kẻo rồi lại mắc lỗi với bệ hạ.

- Tưởng ta không biết ngươi là tên bợm rượu hay sao?

- Tâu bệ hạ, đó là ngày trước. Chính rượu đã làm hại thần...

- Ta nói một là một hai là hai. Kiếm một người sành rượu khó, chứ kiếm một tên bợm rượu không khó gì! Lôi hắn ra ngoài kia chém đầu cho ta!

Lê Kỳ đưa mắt cho hai võ sĩ. Họ tức khắc xốc nách Đặng Hoạch lôi đi. Các quan tất cả đều bàng hoàng và cùng đứng dậy xin tha cho Đặng Hoạch. Có người còn bẩm rõ từng thấy tận mắt mấy lần Đặng Hoạch thổ ra huyết. Uy Mục đập bàn quát:

- Ai xin tha, cũng chém!

Tất cả sợ hãi lục tục ngồi xuống, riêng một người vẫn đứng, tỏ ra không hề sợ hãi. Đó là Giản Tu công Lê Oánh. Uy Mục đế và Giản Tu công đều là cháu ruột vua Lê Thánh Tông; Uy Mục là con người anh, tức vua Hiến Tông còn Giản Tu công là con người em, tức Kiến vương Tân. Kiến vương đã mất nhưng con cái đều rất có thế lực, nhất là Cẩm Giang vương Sùng, anh ruột Giản Tu công. Khi Túc Tông mất, ngoài việc đề xuất Lã Côi vương lên ngôi, còn có người đề xuất Cẩm Giang vương nhưng Cẩm Giang vương đã từ chối.

Nhiều đại thần có ý ủng hộ Giản Tu công khiến Uy Mục ngay người ra như kẻ há miệng mắc quai. Giết Giản Tu công không phải là dễ, nhất là trong lúc này. Cũng vì biết rõ như vậy nên Giản Tu công mới dám trân trân thách thức. Thấy tình thế như vậy, Nguyễn Khắc Hài cúi xuống nói nhỏ với Uy Mục điều gì đó, nhà vua gật đầu, tiếp đấy Khắc Hài sang ghé tai nói với Lê Kỳ. Lê Kỳ liền vẫy hai võ sĩ cùng với mình đi về phía các Đô lực sĩ tân khoa, túm lấy Đào Cứ lôi dậy. Nguyễn Khắc Hài nói:

- Hoàng đế truyền: Đào Cứ là gia nhân phủ Giản Tu công. Nay ta lấy đầu hắn thay cho chủ!

Đào Cứ giãy dụa, luôn miệng kêu: “Thần không có tội”. Thái sử Quốc sử quán Lê Hy từ nãy đến giờ cứ mải miết viết, lúc này mới đứng dậy xin được tấu trình: “Quốc sử viết: Giờ thân, ngày rằm tháng Ba năm Đoan Khánh thứ hai, nhà vua mở đại yến mừng các Đô lực sĩ tân khoa, truyền cho tất cả các quan cùng dự ai cũng phải say, không say thì chém! Lại bộ Thượng thư Đặng Hoạch kêu không uống được rượu xin miễn, vua truyền lệnh chém! Giản Tu công có ý bênh vực cho Đặng Hoạch nên gia nhân là Bảng nhãn võ tân khoa Đào Cứ phải chết thay chủ!”.

Uy Mục trừng mắt, chỉ vào mặt Lê Hy và vẫy tay vời đao phủ. Thái sư Thiệu Quốc công Lê Quảng Độ, Bích Khê hầu Lê Công Uyên, Mỹ Huệ bá Trịnh Duy Sản và một loạt đại thần cùng đứng dậy. Quảng Độ thưa:

- Tâu bệ hạ! Quan Thái sử viết đúng như sự việc, không thể có tội! Hôm nay vui, tối kị chuyện đổ máu!

Lê Quảng Độ đứng đầu văn võ đại thần, Lê Công Uyên là cháu Lê Văn Linh, Trịnh Duy Sản là cháu Trịnh Khả. Lê Văn Linh, Trịnh Khả đều là các bậc khai quốc công thần, có công lớn giúp vua Thái Tổ bình định giặc Minh, Trịnh Khả sau này còn được vua Thánh Tông truy phong là Hiển Khánh vương, con cháu đời sau nhiều người nắm trọng trách trong triều, ai cũng kính phục nên việc họ nhất loạt bênh vực cho Lê Hy khiến Uy Mục tức khí đầy ruột. Đúng lúc ấy, một võ sĩ hoảng hốt chạy vào:

- Tâu bệ hạ! Chúng thần chưa kịp hành quyết thì dọc đường Lại bộ thượng thư thổ ra huyết chết rồi ạ!

Các quan còn đang nhớn nhác nhìn nhau thì một võ sĩ nữa vào, bưng trên tay cái mâm gỗ trên đó thủ cấp Đào Cứ đang còn đầm đìa máu tươi! Giản Tu công tím tái mặt mày, thả người xuống ghế. Những người khác không ai bảo ai cùng ngồi xuống. Không khi vô cùng căng thẳng, ngột ngạt.

Khắc Hài vẫy phất trần ra hiệu cho tên võ sĩ mang cái đầu đi. Uy Mục ngửa cổ uống cạn bát rượu rồi đứng dậy lui vào trong điện. Khắc Hài lại vẫy phất trần ra hiệu cho các quan lục tục rời khỏi điện. Một quan văn bỗng bưng miệng cuống cuồng chạy ra ngoài sân, cứ thế nôn oẹ kéo theo mấy người nữa cùng nôn thốc nôn tháo.

 

Hôm sau các võ sĩ tân khoa vẫn đi chơi phố kinh đô, lệ là thế không được bỏ cho dù chẳng ai còn bụng dạ nào nữa, tất cả đều nghĩ tới cái chết của Đào Cứ, chỉ nghĩ trong bụng mà không dám nói với ai. Đăng Dung nhớ hôm đầu tiên gặp Đào Cứ giữa phiên chợ huyện, nhớ kháp đấu quyết liệt với y hôm vừa rồi. Tháng Ba, trời xám xịt, nặng như muốn sụp xuống, lá khô lăn lóc khắp đường phố kinh đô.

 

Viết bình luận