Tiểu thuyết Mạc Đăng Dung Phần 5

Tiểu thuyết Mạc Đăng Dung

Phần 5

Hồi Uy Mục chọn hoàng hậu và cung phi, Trần Thị Xuân Tùng tuy chỉ là con gái viên quản lĩnh nhưng nhờ có sắc đẹp mà vượt qua không biết bao nhiêu thiếu nữ, trở thành Quý phi.

Tưởng đấy là vinh hạnh, thực ra Trần Quý phi không muốn. Quý phi nhớ mãi lúc lên xe vào cung, Trần Tuân nhìn theo mãi khiến nàng không cầm nổi nước mắt. Họ vốn quấn quít bên nhau từ ngày bé. Vì chuyện ấy nên Quý phi chẳng mấy khi vui. Một năm sau ngày vào cung, Quý phi sinh hoàng tử nhưng không nuôi được nên càng buồn. Uy Mục ra sức an ủi, mùa xuân năm Đoan Khánh thứ hai nhà vua lập nàng làm Hoàng hậu để nàng được khuây khoả.

 

Niềm đau, nỗi buồn có phần nguôi đi thì lại gợn lên từ hôm nhà vua cho thi chọn Đô lực sĩ và Trần Hoàng hậu lại được thấy Trần Tuân! Từ bấy đến nay bao nhiêu ngày tháng đã trôi qua mà Hoàng hậu không thể nào quên được cái nhìn đắm đuối đến ngây dại của Trần Tuân hôm ấy. Nói dại, giả dụ lúc đó Cù Khắc Xương có vì bị đánh bại mà nổi khùng muốn hại Trần Tuân thì Tuân cũng không để ý đến mà đề phòng!

 

Trần Tuân và Xuân Tùng đều là con cháu nhà Trần, sinh sống lâu đời ở xã Nhân Mục, huyện Thanh Trì. Trần Tuân hơn Xuân Tùng 3 tuổi và trong họ tộc cũng là anh. Họ chung ông tổ đời thứ tư là Trần Văn Huy, đỗ tiến sĩ năm Đại Bảo thứ ba, làm quan đến Tả thị lang. Văn Huy sinh ra Trần Cẩn, ông nội Tuân và Trần Trọng, ông nội Xuân Tùng. Trần Cẩn đỗ tiến sĩ đời Hồng Đức, làm quan đến Thượng thư bộ Lại; nhưng người cha của Tuân thì không đỗ đạt gì, đến Tuân lại chỉ ham mê cung kiếm. Phía Trần Trọng mấy đời đều thiên hướng về võ, Trần Trọng làm đến Chánh đội trưởng Tuỳ quân; thân sinh Xuân Tùng thì làm quản lĩnh. Hồi nhỏ Trần Tuân hay lân la gần ông chú này để học võ, mê võ đến nỗi không thiết gì văn chương và thi mãi không qua nổi kỳ thi Hương! Cũng do gần ông này mà Tuân gắn bó với Xuân Tùng từ ngày bé. Tính Trần Tuân có phần hung hãn nhưng là với người khác chứ với Xuân Tùng lại yêu chiều hết mực. Có lần để bênh Xuân Tùng bị bốn gã con trai trêu chọc, một mình Tuân dám đánh nhau với cả bốn gã còn lớn tuổi hơn mình, không hiểu võ nghệ Tuân đến đâu mà làm cả bốn bò lê bò càng và bỏ chạy bán sống bán chết! Mấy hôm sau bốn gã rủ nhau đến tôn Tuân làm đại ca.

 

Hồi bé Trần Tuân và Xuân Tùng hay chơi trò vợ chồng. Có lần Tuân kể cho Tùng nghe chuyện có hai anh em nhà nọ một trai một gái chơi với nhau, thằng anh nghịch chẳng may ném vỡ đầu em nên sợ quá bỏ làng đi biệt. Hơn chục năm sau người anh lấy vợ, một hôm vợ gội đầu, thấy vết sẹo trên đầu vợ, anh ta hỏi tại sao, người vợ kể đầu đuôi, không ngờ đó là chính đứa em mình! Người anh, người chồng ấy lại một lần nữa bỏ nhà ra đi, lần này đi mãi không trở về. Người vợ ngày ngày bế con lên núi ngóng trông rồi hai mẹ con hoá thành đá, người ta gọi là đá Vọng Phu. Xuân Tùng nghe chuyện bỗng khóc hu hu, bảo: “Nếu anh có trót ném vỡ đầu em thì cũng đừng bỏ đi đâu nhá! Không có thì em cũng hoá đá đấy.”. Hôm khác tự nhiên Xuân Tùng hỏi Tuân: “Anh em mình cùng họ, có lấy được nhau không nhỉ?”. Tuân bảo: “Nhà Trần mình ngày trước anh em chả lấy nhau là gì. Chúng mình cách nhau đã mấy đời lấy nhau được quá đi chứ”. Năm Xuân Tùng 13 và Trần Tuân 17 tuổi, cả hai đều đã lớn nên không còn hồn nhiên như ngày nào, những đụng chạm vô tình có thể làm cả hai mất ăn mất ngủ đến mấy ngày trời. Rồi một hôm, không thể cưỡng lại nổi, họ hẹn nhau ra giữa đồng, quấn quýt trong vòng tay nhau đến xẩm tối mới về. Trước khi về, Xuân Tùng buộc vào cổ tay chiếc khăn hồng làm tin. Nhưng họ không lấy được nhau, năm 15 tuổi Xuân Tùng phải vào cung...

 

Trần Tuân đi thi võ cốt chỉ mong mình được tuyển vào lính Túc vệ để được gần người yêu, không ngờ do trúng tiến sĩ mà phải đi làm Phó đô chỉ huy sứ ở Hưng Hoá! Một hôm biết em gái Hoàng hậu là Trần Thị Xuân Trúc vào cung thăm chị, Trần Tuân nhờ mang vào cho người yêu chiếc khăn hồng nọ, cũng chiếc khăn ấy hôm thi võ Tuân đã buộc vào đầu ngọn giáo đáp lại tình cảm của Hoàng hậu.

Nhận được chiếc khăn, Trần Hoàng hậu thở dài bảo em:

 

- Thật tội nghiệp cho anh Tuân, anh ấy không quên được chị nhưng bây giờ chị đã là gái có chồng, chồng lại là nhà vua. Em về nói với anh ấy không phải chị ham địa vị mà bởi cái số chị nó thế. Em hãy lựa lời khuyên anh ấy quên đi những chuyện ngày xưa, chị đành hẹn anh ấy kiếp sau...

 

Trần Hoàng hậu chưa kịp nói hết thì Uy Mục vào.

- Hoàng hậu có em đến chơi sao không dẫn tới chỗ trẫm? - Uy Mục nói và quay về phía Xuân Trúc, hỏi - Tên khanh là gì?

 

- Tâu Hoàng thượng, thiếp tên là Xuân Trúc.

 

- Cái tên thực đẹp. Lại gần đây trẫm xem nào. Cây trúc xinh cây trúc mọc đầu đình, nàng Trúc xinh nàng Trúc đứng chỗ nào cũng xinh! Trưa nay khanh ngự yến cùng trẫm và Hoàng hậu.

- Tâu Hoàng thượng... nhưng...

 

Uy Mục kéo Xuân Trúc tới gần hơn, ghé tai nói gì đó mà cả hai cùng cười khúc khích.

- Tâu Hoàng thượng... thế thì... cũng được ạ. - Xuân Trúc nói và lén nhìn chị, thoáng đỏ mặt, bảo - Hoàng thượng bảo em đi với Hoàng thượng thăm vườn Thượng uyển, chị có đi không?

 

- Em cứ đi! – Hoàng hậu nói.

Uy Mục dắt Xuân Trúc ra vườn Thượng uyển. Đến lầu Vọng Nguyệt nhà vua bảo đám hoạn quan đi theo ở dưới còn mình đưa Xuân Trúc lên lầu. Đám hoạn quan vâng dạ, lén nhìn nhau tủm tỉm cười. Trong khi đó trên lầu nhà vua nói với Xuân Trúc:

 

- Ban ngày không có trăng để ngắm, trẫm ngắm nàng thay trăng vậy.

Nhưng thời gian ngắm không được lâu. Lầu Vọng Nguyệt không có bàn, không có ghế, Uy Mục kéo Xuân Trúc lại ôm dìu tới chiếc cột góc lầu, cứ thế đứng mà ban cơn mưa móc. Hoạn quan bên dưới nhìn thấy hết. Viên Thừa vụ Thái giám vội lấy giấy bút ghi sự việc vào sách, có hai viên Cung phụng và Thừa biện Thái giám chứng kiến để sau này nếu Xuân Trúc có sinh hoàng tử thì không xảy ra những rắc rối. Một lúc sau nhà vua đưa Xuân Trúc xuống, nàng nhìn đám hoạn quan, có vẻ ngượng nhưng mãn nguyện.

 

- Từ hôm nay nàng Xuân Trúc vào cung ở, trẫm phong cho nàng là Tu dung. - Uy Mục nói với các hoạn quan - Đêm nay các khanh tiếp tục đưa nàng vào hầu ta.

 

Có chị có em cũng vui, Trần Hoàng hậu và Trần Tu dung bây giờ hệt như Triệu Phi Yến và Triệu Hợp Đức với Hán Thành đế trong cung nhà Hán, họ yêu thương nhau nhưng cũng ngầm ganh ghé nhau, nhất là Trần Tu dung vì cậy mình trẻ hơn, đẹp hơn, được vua yêu hơn.

 

Nhưng chưa đầy ba bảy hăm mốt ngày, một hôm Uy Mục hỏi Phụng Nghi Thái giám Nguyễn Khắc Hài:

 

- Ta nghe nói ngày trước khanh đưa một cung nữ tên là Bạch Yến vào hầu Hiến Tông phải không? Nàng hồi ấy xuân xanh bao nhiêu?

- Tâu bệ hạ, hồi ấy nàng đôi chín.

- Thế thì cũng chừng tuổi như ta. Nàng bây giờ đâu rồi?

- Tâu bệ hạ! Hồi ấy, biết tiên đế không qua khỏi, Bạch Yến sợ liên luỵ nên đã bỏ trốn.

 

- Nàng chỉ cả nghĩ. Bệnh của tiên đế là do tích tụ lâu ngày, dẫu Trâu Canh, Nguyễn Đại Năng (*) sống lại cũng phải bó tay, bảo tại nàng sao được. Chắc nàng trốn về quê thôi. Khanh có biết quê nàng ở đâu không?

 

- Tâu bệ hạ, nàng ở tận Đồ Sơn, huyện Nghi Dương ạ. Đàn bà con gái xứ ấy đẹp thì không đẹp lắm, cũng như mọi nơi thôi nhưng được cái khoẻ mạnh. Thần nghe vùng ấy có câu... Bệ hạ có tha tội chết thần mới dám nói ra.

 

- Khanh là nội thị thân cận của trẫm, hiểu trẫm còn hơn cả Hoàng hậu. Cứ nói, trẫm tha tội chết cho.

- Tâu, câu ấy là “Cam Đồng Dụ, vú Đồ Sơn”. Cam ở Đồng Dụ to và ngon, còn con gái Đồ Sơn...

Uy Mục cười ha hả:

 

- Khanh quái lắm! Xứ ấy đàn bà con gái cũng phải ra khơi nên khoẻ mạnh là chuyện dễ hiểu.

- Tâu bệ hạ, huyện Thuỷ Đường, cách Đồ Sơn không xa, con gái đã khoẻ lại còn đẹp và bạo nữa!

- Khỏi phải nói nhiều, ngươi không nhớ dưỡng mẫu của trẫm người Hoa Lăng, huyện Thuỷ Đường hay sao?

 

Nguyễn Khắc Hài dập đầu xuống đất mấy cái liền:

- Thần đáng tội chết, xin bệ hạ tha tội! Không hiểu thần lú lẫn thế nào mà lại không nhớ đến chuyện ấy.

 

- Tha cho khanh! Khanh hãy vì trẫm đi Đồ Sơn một chuyến! Tiện đường đi luôn Thuỷ Đường, đem về đây mỗi nơi dăm, sáu người cho trẫm! Nếu tìm được Bạch Yến càng tốt. Tự nhiên trẫm muốn nàng, dẫu nàng là cung nhân của tiên đế cũng chẳng sao. Lúc mới gặp Tu dung, em gái Hoàng hậu, trẫm cứ tưởng nàng thế nào, hoá ra cũng vầy vậy thôi nên trẫm muốn người như Bạch Yến... Sao mà trẫm nhớ cái người hồi xưa trẫm lâm hạnh đến thế. Hồi ấy trẫm còn là hoàng tử. Nàng hơn trẫm đến gần chục tuổi nhưng còn đẹp lắm. Nàng tên gì trẫm không nhớ, hình như là Tài nhân trong cung, được vua Hiến Tông sai lấy thân mình để dạy trẫm chuyện phòng the. Năm đó trẫm mới 14 tuổi, còn chưa biết gì cả, lúc đầu trẫm còn sợ nữa nhưng nhờ tài khéo léo và sự tận tuỵ của nàng mà trẫm thấy chuyện ấy thật tuyệt diệu.

 

- Tâu bệ hạ, Túc Tông hồi trước cũng thế. Bệ hạ không để ý không biết chứ thần được hầu hạ tiên đế nên biết hết. Cứ bảo Túc Tông không có con, thực ra năm 13 tuổi khi còn là Đông cung Thái tử, đã lâm hạnh với nhũ mẫu của mình và sinh ra hoàng tử. Về sau Túc Tông còn nằng nặc đòi lấy người ấy. Nô tì lâm hạnh với tiểu Hoàng đế còn mong sau này được nhà vua sủng ái mà thay đổi danh phận chứ nhũ mẫu thì không thể được. Hoàng gia chẳng bao giờ chịu chấp nhận người đã nuôi Hoàng đế bằng dòng sữa của mình lại trở thành phi tần, càng không thể trở thành Hoàng hậu, mẫu nghi thiên hạ được. Để kiên quyết ngăn cấm cái ngông cuồng của Túc Tông, thậm chí Thái hậu còn sai người giết cả người nhũ mẫu lẫn đứa con của bà ta! Thái hậu cho rằng người ấy đã dùng cái thân xác đàn bà của mình mà mê hoặc Túc Tông chứ Túc Tông 13 tuổi thì biết gì. Từ đó Túc Tông lúc nào cũng bị ám ảnh, khi thì nhớ khi thì thương, khi thì kinh hãi, hoảng loạn đâm ra sinh bệnh lúc nào không biết nên mới 17 tuổi đã sớm băng hà.

 

Uy Mục bảo:

- Ngươi là hoạn quan không hiểu được chuyện kỳ diệu ấy đâu! Khanh đi Thủy Đường còn chuyện này nữa, nhất cử lưỡng tiện, khanh hãy về Hoa Lăng xem ý người họ Nguyễn của dưỡng mẫu trẫm đòi hỏi những gì để còn đáp ứng. Trung tuần tháng trước . người làng Phù Chẩn quê thân mẫu trẫm từ Đông Ngàn có về kinh đề đạt yêu sách, trẫm đã đáp ứng đầy đủ. Người Hoa Lăng lại biết chuyện ấy nên ra chiều không bằng lòng, làm trẫm rất khó nghĩ. Khanh biết đấy, công sinh công dưỡng không thể coi nhẹcông nào. Với lại hôm ngự yến tiếp tiến sĩ võ, đám tôn thất và đại thần tỏ ra quá ngông cuồng khiến trẫm thấy ngoại thích với trẫm giờ đây cần thiết vô chừng. Quân Tam phủ (**) cũng không nên quá tin cậy như trước nên trẫm cần phải dựa thêm vào hai bên quê ngoại. Chính vì vậy trẫm đã sai Đàm Cử đi Đông Ngàn tuyển lấy 50 võ sĩ sung gấp vào Túc vệ, Đăng Dung đi Thuỷ Đường cũng tuyển 50 người cho đội Cấm quân. Khanh là gan ruột của trẫm, nên trẫm mới nói rõ như vậy. Khanh đi Thuỷ Đường phen này có khi gặp Đăng Dung, có gì thì giúp y. Khanh hãy làm Khâm sai kỳ này.

 

- Đội ơn bệ hạ. Bệ hạ tính vậy anh minh lắm ạ. Cùng với việc dựa vào ngoại thích, Túc vệ và Cấm quân phải mạnh và tin cậy tuyệt đối. Vừa rồi bệ hạ chọn được mấy Đô lực sĩ thật không ai bằng, nhất là Đăng Dung. Mà trừ được Đào Cứ cũng rất là hay.

 

- Trẫm đang định thăng bổ Đăng Dung làm Đô chỉ huy sứ vệ Thiên Vũ để trông coi mặt nam Thăng Long, khanh thấy thế nào?

 

- Bệ hạ tính toán các việc như thần, thăng bổ ai cũng chính xác. Chẳng giấu gì bệ hạ, thần không phải người Hoa Lăng nhưng họ Nguyễn của thần chính từ Hoa Lăng lưu lạc sang bên Kinh Môn. Bệ hạ cứ hỏi người anh em họ xa của thần là Quảng vụ Đại thái giám Nguyễn Nhữ Vi thì rõ ạ.

 

- Nhữ Vi có công lớn với trẫm. Không có dưỡng mẫu của trẫm và ông ấy thì trẫm đâu được như bây giờ. Có công thì ta thưởng, việc gì khanh phải kể mình cũng gốc người Hoa Lăng và họ hàng với dưỡng mẫu trẫm và Nhữ Vi! Nay ban cho khanh tước Đường Trung hầu, thăng bổ làm Điển sự Thái giám, hạng thủ đẳng. Như vậy khanh chỉ đứng sau Nhữ Vi thôi đấy! Lần này đi Thuỷ Đường, dọc đường trẫm cho phép khanh về quê vì vậy ban cho khanh năm trăm quan tiền để khanh tạ ơn sinh thành của phụ mẫu.

Nguyễn Khắc Hài sụp lậy, dập đầu ba bốn lần:

 

- Tạ ơn Hoàng thượng!

- Tuy từ đây khanh cùng Nhữ Vi cai quản đôn đốc các việc ở tam cung lục viện, nhưng riêng chuyện hầu hạ chăn gối cho trẫm khanh vẫn phải làm vì xem ra không ai hiểu trẫm bằng khanh. Cũng vì thế, chức Phụng nghi trẫm không giao cho ai mà khanh vẫn phải kiêm. Trước mắt khanh hãy làm tốt việc khâm sai. Thôi, nói chuyện với khanh lâu quá rồi, khanh ra đưa vào đây ai hầu trẫm rồi đi lo các việc để chuẩn bị lên đường.

 

- Thần xin hết lòng hết sức với các việc ạ. Còn như...- Ghé sát Uy Mục, Khắc Hài dí dỏm nói bằng thứ giọng e é của hoạn quan - Thần xin đưa hầu bệ hạ một nữ cung người cao ráo, chân dài như thế này ạ. Tên nàng là Thanh Nhạn. Các cụ nói “trường túc bất tri lao”, không những thế, nàng trắng đẹp, lại có còn có nốt ruồi ở... ở chỗ rất quý, rồi bệ hạ sẽ thấy, thần nói trước mất hay!

 

Uy Mục ẩy tên hoạn quan ra, giả đò giận dữ:

- Ngươi muốn ta chết sớm hả? Chết như Hiến Tông hay Túc Tông hả?

 

Uy Mục ật cổ cười, viên hoạn quan cười theo. Khắc Hài ra cửa đưa cho tên hoạn quan dưới quyền tấm thẻ có tên Thanh Nhạn để hắn tìm và đưa nàng tới. Trong khi chờ đợi, cũng như mọi bận, nhà vua uống một chén “xuân tửu” rồi tới long sàng nằm cho Khắc Hài xoa bóp. Rượu cường dương tráng khí thiên hạ không hiếm nhưng có được xuân tửu là không thể vì rượu được ngâm với dương vật cọp, đông trùng hạ thảo và bao nhiêu vị thuốc quý khác, lại được uống bằng chén làm bởi sừng tê giác. Đã thế, Khắc Hài còn có tài làm người được xoa bóp sức lực tăng cường, tinh thần sảng khoái, sau đấy không biết mệt trong chuyện giường chiếu. Với các phi tần, y không những khéo chọn những ai hợp với sở thích của vua mà biết cả cách làm cho họ hào hứng, mặn mà với việc chăn gối.

 

Thanh Nhạn đến. Khắc Hài thực khéo, cung nữ tuy cao nhưng đứng vẫn chưa bằng nhà vua. Đưa vào hầu vua người cao hơn vua là điều tối kỵ. Khắc Hài vừa xoa vừa vỗ vào lưng vua mấy cái kết thúc công việc xoa bóp. Uy Mục ngồi dậy, vươn vai đầy cảm khoái. Khắc Hài nhận cung nữ, lột xiêm y, tháo trâm cài đầu cho đến khi cung nữ hoàn toàn trần trụi và xoã tóc, y điểm vào mấy huyệt trên người cung nữ, sau đấy ghi chép ngày giờ nạp cung và đi giật lùi ra cửa. Uy Mục ngắm người cung nữ từ đầu đến chân, khen:

 

- Khanh trắng thật đấy! Mắt lá răm, lông mày là liễu, đáng trăm quan tiền, thật đúng như người ta nói. Khắc Hài nói khanh có cái nốt ruồi rất quý phải không, ở đâu, cho trẫm xem cái nào.

Thanh Nhạn ngúng nguẩy làm bộ. Uy Mục cười, kéo cung nữ lại giường. Nhà vua không đẹp, lại có kiểu cười làm khuôn mặt biến dạng trông rất sợ, mồm miệng thì sặc mùi rượu, khiến người cung nữ sởn hết cả gai ốc.

 

- Sao khanh lại thế này? – Uy Mục ngạc nhiên hỏi.

Uy Mục rất ghét những ai tự nhiên có biểu hiện khác thường vì cho rằng mình có gì đấy khiến người ấy không ưa. Đã ba quan đại thần bị xử chém vì điều đó. Trong một bữa rượu đêm cùng hai cung nữ, say quá nên nhà vua nôn thốc nôn tháo, một cung nữ vì thế cũng nôn theo, cung nữ khác nhăn mặt bỏ chạy, cả hai sau không thoát khỏi tội chém. May sao Thanh Nhạn kịp nói chữa:

 

- Tự nhiên thiếp thấy lạnh. Cứ như có gió lùa ở đâu ấy!

- Lạnh thì trẫm ủ cho ấm! Đâu, cái nốt ruồi đâu? Chắc ở chỗ này chứ gì? – Uy Mục dí ngón tay vào bụng dưới người cung nữ . Thanh Nhạn mỉm cười, gật đầu.

Viết bình luận