Tiểu thuyết Mạc Đăng Dung phần 7 tiếp
Hoạn quan ớ ra rồi gọi người dọn đám nôn oẹ, hắn xốc Thanh Nhạn trở lại giường. Thanh Nhạn rũ như tàu lá, phần vì mệt phần vì khiếp sợ. Cuộc hành lạc và hành xác diễn ra trong tiếng kêu van, khóc lóc, rên rẩm của người cung nữ và tiếng thở, tiếng gào thét man rợ, tiếng đánh đấm của nhà vua. Đến nửa đêm thì Thanh Nhạn truỵ thai. Nàng cố nhỏm người nhìn cái thai đỏ hỏn còn chưa ra hình hài, máu me nhoe nhoét giữa háng, nước mắt trào ra và ngất đi. Hai tên hoạn quan cuốn nàng vào chăn mang ra khỏi cung. Nàng vẫn thoi thóp thở.
Lúc đó mới đang giờ tuất. Hoạn quan dọn dẹp giường chiếu, tẩy rửa mùi máu, họ chưa bao giờ gặp chuyện tương tự. Nhữ Vi và mấy hoạn quan mời vua ra vườn Thượng Lâm đi dạo cho bớt căng thẳng. Hơn chục cung nữ đi theo, ai nấy đều cố đi cho thật đàng hoàng, cố làm ra vẻ yểu điệu, thướt tha, kỳ thực họ sợ không thể nào tả xiết, họ chưa bao giờ nghe chuyện tương tự như chuyện Thanh Nhạn vừa rồi.
Đèn lấp lánh đây đó khắp vườn cùng với trăng sao làm phong cảnh trở nên huyền ảo, thanh tịnh, điều đó quả nhiên có làm Tương Dực nguôi đi chuyện lúc nãy. Nhà vua ngồi xuống một ghế đá, kéo cung nữ gần nhất vào lòng. Vua nói với tất cả:
- ả Nhạn đáng tội chết. Các khanh không có tội, không việc gì phải sợ. Từng người một xưng tên ta nghe nào.
Các cung nữ lần lượt xưng tên, ríu rít như oanh hót. Thực ra nhà vua đâu có để ý. Dẫu sao thì chuyện Thanh Nhạn vẫn chưa thể nguôi được. Nhà vua hỏi đám hoạn quan và cung nữ:
- Các ngươi có biết còn ai có mang với Mẫn Lệ nữa không?
Cung sự Thái giám Ngô Khoái tâu:
- Chuyện này Quảng vụ Thái giám Nhữ Vi không nắm rõ bằng thần. Vì thần là Điển sự nên bao nhiêu phi tần vào hầu Mẫn Lệ thần đều phải ghi chép hết. Bằng chứng là thần có ghi những lần Thanh Nhạn vào hầu Mẫn Lệ đây. Ngày này là ngày ả đến tháng mà không thấy gì, chứng tỏ cho tới nay ả có thai đã được khoảng một tháng. Còn lại, tất cả những người khác đến ngày đến tháng vẫn bình thường.
Tương Dực cầm lấy cuốn sổ mà lúc nào, đi đâu Ngô Khoái cũng đem theo. Mấy trăm cung tần mỹ nữ mà tên ai hầu như cũng được đánh dấu, chứng tỏ Uy Mục ít bỏ sót ai. Năm năm làm vua, hiếm ngày Uy Mục nghỉ ngơi, không kể trước đó theo lệ đến năm 13, 14 tuổi y đã được lâm hạnh để tập tành chuyện chăn gối. Cái tên Thanh Nhạn được đánh dấu 25 lần, nhưng chưa phải đã là nhiều nhất. Tương Dực để ý đến những người được đánh dấu nhiều, hỏi gã hoạn quan:
- Tu dung Trần Thị Xuân Trúc là người thế nào mà những 43 cái dấu?
- Tâu Hoàng thượng, nàng là em gái Hoàng hậu, người đẹp, hầu hạ chăn gối giỏi nhưng phải cái tính hay ghen và đành hanh đanh đá nên Mẫn Lệ ghét, chứ không nàng còn được đánh dấu nhiều hơn.
- Chà, Quý phi Lê Thị Thanh là người thế nào mà những mấy chục cái dấu thế này? Nàng đẹp lắm phải không?
- Tâu bệ hạ, nàng đẹp thì quả là đẹp thật, đến chim sa cá lặn hoa nhường nguyệt thẹn nhưng chưa phải là đẹp nhất trong các cung tần mỹ nữ. Đàn bà con gái ăn nhau là cái duyên. Đẹp mà không có duyên thì chỉ ba bảy hai mươi mốt ngày, ham hố đến như Hán Thành đế, si tình đến như Đường Huyền Tông cũng phát chán. Hán Thành đế không rời nổi Triệu Phi Yến, Đường Huyền Tông cướp Dương Quý phi của con trai mình chẳng qua là vì những người đàn bà ấy có duyên. Nhưng duyên là gì? Duyên suy cho cùng cũng là dâm. Triệu Phi Yến nếu không có tính phóng đãng thì sao cuốn hút được Hán Thành đế mê muội đến như thế. Còn Dương Quý phi tính tình phải như thế nào thì Lý Thái Bạch mới so sánh với Triệu Phi Yến chứ. Khi Mẫn Lệ còn ở tiềm để (*), có theo học quan vương phó, Lê phi cũng đến để mài mực và học chữ, Lê phi đầu mày cuối mắt với Mẫn Lệ làm Mẫn Lệ đem lòng yêu nên khi lên ngôi có sai ông Vũ Tá hầu tìm để đưa vào cung. Từ đó Lê phi hầu như độc chiếm tình yêu của Mẫn Lệ. Y có thể quên Hoàng hậu chứ không thể quên Lê phi. Nhưng Lê phi lại không có thai được với Mẫn Lệ!
- Khanh tìm Lê phi cho ta.
- Thần tuân chỉ.
Cung nữ đang trong lòng nhà vua bỗng ngúng nguẩy:
- Bệ hạ cứ tìm kiếm đâu đâu! Thần thiếp đang trong lòng bệ hạ thì bệ hạ chẳng đoái hoài đến!
Lúc này Tương Dực đã phần nào nguôi ngoai chuyện với Thanh Nhạn. Đang sức thanh niên nên nhà vua mau hưng phấn, liền ghì lấy người cung nữ. Cung nữ nhắm nghiền mắt lại, như mê đi, như chết lả, khiến các cung nữ khác không thể chịu nổi, một người, hai người rồi tất cả uà đến bâu quanh nhà vua, chen lấn xô đẩy, chí choé, ai cũng cố sà được vào lòng vua. Đám hoạn quan ra sức quạt, chúng biết nhà vua đang hết sức ngột ngạt. Cứ thế gần sáng nhà vua mới trở về cung. Tất cả đều mệt mỏi nhưng tinh thần thực sảng khoái.
Biết ngày trước Vũ Tá hầu Phùng Mại là người đưa Lê phi vào cung, Thái giám Ngô Khoái liền tìm đến đấy. Nghe đầu đuôi, Phùng Mại phản đối:
- Dù có thế nào thì vua Đoan Khánh vẫn là anh vua Hồng Thuận. Đã là vợ anh rồi thì không thể là vợ của em được! Nhữ Vi đưa Thanh Nhạn vào hầu Hồng Thuận là trái với luân thường
đạo lý, nay ông lại bày cho vua việc này, khác nào đưa vua sâu vào vòng loạn luân, tôi quyết không nghe!
- Thế tôi hỏi ông: Đời Đường, vua Huyền Tông với Thọ vương có phải là cha con không, vậy mà thấy vợ Thọ vương là nàng Dương Ngọc Hoàn đẹp, Huyền Tông liền lấy làm vợ mình, ngay làm Quý phi! Dẫu có kẻ nói thế này thế khác nhưng ai cũng phải thấy mối tình giữa Huyền Tông và Dương Quý phi đẹp hiếm thấy trên đời này. Đấy là chuyện Bắc quốc. Còn ở ta, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn là tướng của Đinh Tiên Hoàng, Thái hậu Dương Vân Nga là vợ của vua Đinh vậy mà khi nhà vua bị ám hại, đứng trước nguy cơ ngoại xâm Thái hậu đã không ngại ngần lấy long bào của chồng khoác cho Lê Hoàn. Đời có người nói thế này thế khác, chỉ biết nhờ Lê Đại Hành hoàng đế mà quân Tống phải một phen tan tác trên sông Bạch Đằng, lịch sử đời đời ca ngợi. Đấy là nhân ông nói tới đạo lý, tôi cũng nói về đạo lý. Còn nếu ông cốt che chở cho Lê phi thì tôi khuyên ông chẳng phải bận tâm đến vậy. Lê phi suy cho cùng cũng chỉ là đàn bà, cái ham muốn của đàn bà nàng không thể không có. Ông mà cố tình, vua Hồng Thuận là người sắt đá chắc sẽ chẳng tha thứ cho ông đâu.
Phùng Mại thở dài:
- Thôi thì đành, ông cứ về, mai tôi sẽ đưa nàng vào hầu vua. Tôi đành để cho thiên hạ chê cười vậy
Vũ Tá hầu Phùng Mại đi Minh Linh quê Lê phi ngay hôm ấy. Gặp Lê phi, ông trình
bày đầu đuôi sự việc đồng thời cũng nói hết nỗi băn khoăn của mình, một điều tâu
Thái phi, hai điều tâu Thái phi rất kính cẩn. Ông ta nói khá dài, tới mức Lê phi phải
ngắt lời:
- Ông không có lỗi gì cả. Ta sẽ theo ông vào hầu vua Hồng Thuận. Mọi chuyện có sao ấy là tại ta. Ông yên tâm, ta không thể chết như Thanh Nhạn đâu!
Phùng Mại rơm rớm nước mắt xúc động. Lê phi khuyên giải rồi đến trước gương hỏi:
- Ông xem ta bây giờ so với hồi vào hầu vua Đoan Khánh, thế nào? Trước mười phần giờ liệu còn mấy phần? Ta sẽ làm cho Hồng Thuận phải đối xử với ta như Đường Huyền Tông đối xử với Dương Quý phi cho mà xem! Nói thật với ông nhé, nếu không trở lại cung thì ta cũng sẽ tái giá chứ chẳng chịu chết già xó cửa đâu. Hoàng hậu thật là dại, lại đi tuẫn tiết. Ta thương cho bà ấy!
Phùng Mại không nói sao, từ nãy đến giờ ông châng lâng như người mất hồn. Hoá ra gã hoạn quan chẳng phải đàn ông cũng chẳng phải đàn bà lại hiểu lòng dạ đàn bà hơn ông! Từ lúc đó ông như súc gỗ, người ta lăn đi đâu thì đi đấy. Ông đưa Lê phi lên xe, bảo người đánh xe về kinh thành, tới cửa Đại Hưng, báo với các Thái giám để họ nói với Ngô Khoái. Ngay tối hôm ấy Lê phi đã nằm trong bồn tắm rải đầy hoa hồng, tắm xong nàng đứng dậy, đám cung nữ già hà hít người nàng, thấy đã đủ thơm liền bảo Ngô Khoái dẫn đi.
Tương Dực ngây ngất trước vẻ đẹp của Lê phi, nhất là cái nhìn rừng rực của nàng. Nhà vua bảo:
- Ngô Khoái nói nàng có vẻ đẹp chim sa cá lặn hoa nhường nguyệt thẹn, nàng có biết sự tích câu ấy không?
Lê phi thừa biết ngay từ hồi học quan vương phó nhưng vẫn nói chưa biết. Tương Dực liền giải thích:
- Vẻ đẹp của Tây Thi là vẻ đẹp “trầm ngư”, tức cá lặn. Nàng đẹp nổi tiếng nước Việt, đời Xuân Thu, sau Việt vương dùng nàng làm kế mỹ nhân, đem dâng cho Ngô vương Phù Sai. Hồi còn ở quê, một hôm nàng giặt lụa trên sông, nước sông trong vắt khiến đàn cá mải ngắm nàng mà quên cả bơi lội, cứ thế từ từ chìm xuống đáy sông. Vương Chiêu Quân đời Hán thì đẹp “nhạn sa”. Nàng được Hán Nguyên đế đem gả cho vua Hung Nô là Thuyền Vu. Trên đường theo chồng sang Hung Nô, thấy đàn chim nhạn, nàng bồi hồi nhớ về quê cũ bèn cầm đàn dạo một khúc, đàn chim mải nghe tiếng đàn và ngắm nàng mà quên bay nên rơi cả xuống đất. Điêu Thuyền đời Đông Hán lại đẹp “bế nguyệt”. Nàng vừa là ca kỹ vừa là con nuôi của Vương Doãn. Ông này dùng nàng để làm kế ly gián cha con Đổng Trác, Lã Bố. Một hôm nàng ngắm trăng ở vườn hoa, đang lúc ấy một đám mây bay qua che mất vầng trăng, Vương Doãn bảo: “Vầng trăng không sánh nổi với con gái ta nên xấu hổ mà nấp vào đám mây”. Dương Quý phi đời Đường có vẻ đệp “tu hoa”. Một hôm nàng tới vườn hoa, vô tình chạm vào cây trinh nữ, Đường Huyền Tông liền bảo: “ái phi đẹp đến mức làm hoa phải thẹn thùng cụp cả cánh lại!”. Những người ấy mỗi người đẹp một vẻ, vậy mà khanh lại đẹp đến chim sa cá lặn hoa nhường nguyệt thẹn, bằng cả bốn người ấy!
- Quan Cung sự Thái giám chỉ ví von vậy thôi, đến gót chân những người ấy thiếp cũng không dám sánh.
- Bao giờ trẫm phải bắt chước Đông Hôn hầu nước Tề cho người làm những bông hoa sen bằng vàng rải trong phòng nàng để mỗi bước nàng đi lại nở ra một bông hoa sen. Gọi gót sen là vì vậy. Mà đôi mắt nàng, khó tả lắm, nó như có lửa, tại sao vậy?
- Thiếp cũng không biết tại sao. Người ta bảo đời người chẳng qua như giấc chiêm bao, thiếp lại nghĩ nó như ngọn đuốc, vì thế sống ngày nào thì phải cháy cho thật sáng ngày ấy kẻo rồi sau chỉ là tàn tro, lúc đó dẫu có muốn hoan lạc ái ân cũng không thể được nữa. Đôi mắt thiếp do vậy mà bệ hạ nhìn thấy như có lửa chăng?
- Người trẫm cũng như đang có lửa đây này.
Tương Dực ghì chặt Lê phi. Lê phi khẽ đẩy vua ra, gượng cười và thở dài bảo:
- Bệ hạ yêu thiếp như thế này làm thiếp chợt nghĩ đến chuyện chàng Tư Mã Tương Như với nàng Trác Văn Quân mà buồn.
- Chuyện của họ quá đẹp, như ta với nàng vậy, sao nàng lại buồn?
- Đúng là chuyện của họ như chuyện của bệ hạ với thiếp. Văn Quân goá chồng sớm cũng như thiếp vậy. Bệ hạ sai ông Vũ Tá hầu tìm thiếp, cũng như chàng Tương Như gảy đàn khúc “Phượng cầu hoàng” khiến Văn Quân cảm tiếng đàn mà trốn cha mẹ theo Tương Như về Thành Đô vậy. Chuyện đến đây là đẹp, sách vở hết lời ca ngợi khiến người ta ít nhắc tới cuộc sống của họ về sau khi Văn Quân già đi. Lúc đó Tương Như muốn cưới vợ thiếp, Văn Quân phải lấy đàn gảy khúc “Bạch đầu ngâm”, Tương Như cảm động, bấy giờ mới thôi. Bây giờ thế này, thiếp không thể không nghĩ đến sau này khi chẳng còn trẻ trung nữa.
- Thì nàng đã chẳng nói đời người như ngọn đuốc, sống ngày nào thì phải cháy cho thật sáng ngàng ấy đấy thôi.
Lê phi cười:
- Bệ hạ khéo lái câu chuyện lắm! Vậy thì xin bệ hạ hãy quạt hơi dương vào ngọn lửa
âm ỉ cho nó cháy sáng, được thế đời thiếp sẽ không còn phàn nàn gì nữa. Vậy thôi chứ thiếp đâu dám mong bệ hạ so sánh với ai hay mong được rải sen vàng mỗi bước thiếp đi.
Tương Dực bảo:
- Nàng nói hay lắm, thật hợp với ý trẫm.
Sáng hôm sau, Tương Dực ban cho Ngô Khoái 10 ném bạc và nói:
- Mẫn Lệ thực tinh đời. Lê phi tuyệt lắm!
----------------------------------------
(*) Tiềm để: Nơi ở của Thái tử khi chưa lên ngôi vua.
Viết bình luận